Quy hoạch ngành - lĩnh vực - Huyện Triệu Phong

 

 

QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP-TTCN HUYỆN TRIỆU PHONG ĐẾN NĂM 2015, TẦM NHÌN 2020

 

I. Quan điểm, mục tiêu và phương hướng phát triển công nghiệp-TTCN huyện Triệu Phong đến năm 2015, tầm nhìn 2020
1. Quan điểm phát triển
- Tập trung phát triển công nghiệp để đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về thu nhập so với bình quân chung của tỉnh và cả nước, từ đó hỗ trợ và thúc đẩy các ngành dịch vụ, nông nghiệp phát triển, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động.
- Lấy việc nâng cao trình độ công nghệ là trọng tâm, gắn liền với phát triển nhân lực con người, khuyến khích trọng dụng nhân tài. Tập trung đầu tư chiều sâu, ưu tiên phát triển công nghệ mới, hiện đại để phát triển các sản phẩm chủ lực, có sức cạnh tranh. Đồng thời cho phép áp dụng công nghệ trung bình phù hợp với điều kiện đầu tư, trình độ quản lý, tay nghề công nhân và sử dụng nhiều lao động tại địa phương.
- Khai thác, phát huy tối đa nội lực và lợi thế so sánh của huyện để phát triển công nghiệp. Tạo môi trường thuận lợi để thu hút các nguồn lực của mọi thành phần kinh tế, trong đó hết sức coi trọng nguồn vốn từ bên ngoài cho đầu tư phát triển công nghiệp, thực sự "trải thảm đỏ" đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Quan tâm phát triển quy mô vừa và nhỏ, cơ sở TTCN và ngành nghề nông thôn, vừa phát triển chiều rộng, vừa chú trọng phát triển chiều sâu.
- Phát triển công nghiệp phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội chung của huyện, phát triển công nghiệp của tỉnh, gắn chặt với phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hình thành các vùng kinh tế động lực (cụm điểm công nghiệp - làng nghề), bảo vệ môi trường.
2. Phương hướng phát triển
- Về ngành nghề: Ưu tiên phát triển công nghiệp có tiềm năng, lợi thế nguyên liệu về chế biến nông lâm thủy sản như: gạo, lạc, ngô, rau quả, thức ăn chăn nuôi; thuỷ sản đông lạnh, sấy khô, mắm, ruốc…; chế biến đồ gỗ cho tiêu dùng và xuất khẩu. Đẩy mạnh sản xuất vật liệu xây dựng: gạch xây dựng, gạch không nung Blook, Terazoo… Phát triển ngành sản xuất: phân vi sinh, sản phẩm nhựa, giấy tái chế, đúc phôi cán thép, tấm lợp kim loại, cơ khí sữa chữa máy nông nghiệp, tàu thuyền. Chú trọng hoàn thành liên kết các cơ sở cơ khí gia công phục vụ ngành đóng tàu. Quan tâm phát triển ngành nghề: may mặc, mộc dân dụng, tre đan, thêu ren…để tạo nhiều việc làm giải quyết nhu cầu lao động địa phương.
- Về công nghệ: Ưu tiên phát triển công nghệ mới, tiên tiến kết hợp với nâng cấp đổi mới công nghệ hiện có để nâng cao năng suất chất lượng và giá trị sản phẩm cho tiêu dùng và tham gia xuất khẩu. Ưu tiên phát triển quy mô vừa và nhỏ, phù hợp với kinh tế hộ - liên hộ, mức vốn và trang bị kỹ thuật phù hợp. Đối với những khâu quan trọng, vốn lớn, công nghệ hiện đại thì khuyến khích các doanh nghiệp lớn đảm nhận. Phát huy nguồn nội lực đồng thời kêu gọi các nguồn lực bên ngoài.
- Về vùng và chính sách phát triển: Tiếp tục triển khai quy hoạch và xây dựng các cụm tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, điểm công nghiệp - dịch vụ nhằm giải quyết tốt nhất vấn đề quỹ đất xây dựng cơ sở sản xuất, xây dựng hạ tầng công nghiệp. Tạo môi trường thuận lợi để kêu gọi và thu hút đầu tư bằng các cơ chế chính sách theo Luật Đầu tư và chính sách của tỉnh về: Ưu đãi đầu tư mặt bằng sản xuất, vốn vay ưu đãi, miễn giảm thuế, chính sách khuyến công, KHCN…để kêu gọi các dự án có vốn đầu tư lớn, công nghệ tiến bộ để tạo các sản phẩm chủ lực.
3. Mục tiêu
- Phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất ngành công nghiệp-TTCN của huyện giai đoạn 2011-2015 đạt 27-28%/năm, giá trị sản xuất năm 2015 đạt trên 203 tỷ đồng.
- Tốc độ tăng GO và tỷ trọng các nhóm ngành trong cơ cấu công nghiệp-TTCN giai đoạn 2011- 2015 như sau:
 

Chỉ tiêu Giai đoạn 2011-2015
Mức tăng GObình quân Tỷ trọng
năm 2015
Công nghiệp KT khoáng sản 24,16% 11,7%
CN chế biến thực phẩm, đồ uống 24,58% 25,7%
CN chế biến gỗ, giấy 28,39% 19,3%
CN sản xuất VLXD 29,39% 28,0%
CN hoá chất 31,16% 2,7%
CN dệt may da giầy 28,80% 5,0%
CN Cơ khí, điện tử, gia công KL 28,59% 4,2%
CN sản xuất và phân phối điện nư­ớc 12% 3,3%
Tổng 28% 100%


II. Quy hoạch các chuyên ngành công nghiệp-TTCN trên địa bàn huyện Triệu Phong đến năm 2015, tầm nhìn 2020
1. Ngành chế biến lương thực, thực phẩm
1.1. Mục tiêu
- Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân đạt 24,58% giai đoạn 2011-2015. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp năm 2015 đạt 52,337 tỷ đồng.
1.2. Nội dung quy hoạch
1.2.1. Chế biến nông sản
Chế biến gạo
+ Mở rộng quy mô, đổi mới thiết bị các cơ sở hiện có.
+ Đầu tư 02 cơ sở xay xát, đánh bóng gạo công suất 1.000 tấn/năm tại 02 xã (xã Triệu Đông và xã Triệu Thuận) và đánh bóng gạo xuất khẩu công suất 5.000 tấn/năm tại Triệu Hoà (2011-2015).
Chế biến lạc
+ Cải tiến công nghệ chế biến thô sau thu hoạch như tuốt lạc, bóc vỏ, sấy khô.
+ Đầu tư 1- 2 cơ sở ép dầu lạc quy mô nhỏ, công suất từ 300 - 500 tấn nguyên liệu/năm tại xã Triệu Thượng.
Chế biến rau màu, củ quả và các nông sản khác
+ Đầu tư 1-2 cơ sở bảo quản, sấy, đóng gói rau, củ, quả, công suất 500 -1.000 tấn sản phẩm/năm/cơ sở tại các điểm công nghiệp xã Triệu Thuận, Triệu Tài, Triệu Đông.
+ Đầu tư 1 cơ sở sản xuất ớt muối đóng hộp, tương ớt, ớt bột, công suất 100 tấn sản phẩm/năm/cơ sở tại xã Triệu Tài.
+ Đầu tư 1 cơ sở sấy chân không các sản phẩm nông sản (nấm, cà chua, mướp đắng, khoai lang…) tại điểm công nghiệp xã Triệu Hoà, công suất 500-1.000 tấn nguyên liệu/năm/cơ sở vào năm 2015.
Chế biến thực phẩm và súc sản
+ Đầu tư xây dựng mới và mở rộng 3-5 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, công suất 500-1000 tấn thịt/năm tại các điểm công nghiệp Triệu Hoà, Triệu Tài, TT Ái Tử.
+ Kêu gọi đầu tư nhà máy chế biến súc sản tại Cụm công nghiệp thị trấn Ái Tử, công suất 1.000 tấn sản phẩm/năm (2011-2015).
1.2.2. Chế biến Thuỷ sản
+ Đầu tư 2-4 cơ sở chế biến nước mắm đóng chai, đóng hộp được đăng ký nhãn hiệu, chất lượng sản phẩm, công suất 250.000-300.000 lít/năm tại Triệu An, Triệu Lăng; đầu tư mới và mở rộng các cơ sở hấp, sấy thủy sản, công suất 50-100 tấn sản phẩm/năm.
+ Xây dựng nhà máy sản xuất nước mắm chất lượng cao, đóng chai thủy tinh, công suất 1.000.000 lít/năm. Theo hình thức các cơ sở nhỏ làm vệ tinh cung cấp nước mắm chất lượng cho nhà máy này. Tại cụm công nghiệp Nam Cửa Việt. Đến 2020, đăng ký quyền bảo hộ cho sản phẩm nước mắm và hướng tới xuất khẩu.
1.2.3. Chế biến thức ăn chăn nuôi
+ Đầu tư 02 cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi gia súc quy mô nhỏ phù hợp trang trại chăn nuôi tập trung, công suất 500 tấn/năm; 01 cơ sở sản xuất thức ăn thủy sản công suất 300-500 tấn/năm.
+ Kêu gọi đầu tư 01 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi công suất lên 3.000 - 5000 tấn/năm tại cụm công nghiệp Tây Triệu Phong.
1.2.4. Đồ uống
+ Đầu tư dây chuyền sản xuất nước lọc tinh khiết, công suất 500.000 lít.
+ Đầu tư sản xuất nước đá với công suất 4 tấn/ngày đêm.
2. Chế biến gỗ, giấy và lâm sản
2.1. Mục tiêu
- Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 28,39%. Giá trị sản xuất dự kiến đạt 39,280 tỷ đồng năm 2015.
2.2. Nội dung quy hoạch
2.2.1. Chế biến lâm sản - gỗ
+ Đầu tư nâng cấp, cải tiến máy móc thiết bị, công nghệ đối với các cơ sở chế biến gỗ mộc gia dụng hiện theo hướng đa dạng và nâng cao giá trị sản phẩm. Đầu tư dây chuyền ván ghép thanh, ván dăm công suất 1.000m3/năm từ gỗ rừng trồng.
+ Đầu tư 01 cơ sở sản xuất đồ gỗ gia dụng từ gỗ quy cách của địa phương và gỗ MDF, công suất 2.000 sản phẩm/năm.
+ Đầu tư nâng cấp cơ sở sản xuất tăm đủa tre, công suất khoảng 500 tấn sản phẩm/năm tại thị trấn Ái Tử.
+ Kêu gọi đầu tư 1 số cơ sở sản xuất sản phẩm nội thất, mộc gia dụng cao cấp, công suất thiết kế 5.000 sản phẩm/năm tại Cụm công nghiệp Ái Tử.
+ Đầu tư cơ sở mộc mỹ nghệ cao cấp, công suất 500 sản phẩm/năm. Hình thức kêu gọi các doanh nghiệp lớn trong và ngoài tỉnh về đầu tư.
2.2.2. Sản xuất bột giấy, giấy
+ Đầu tư dây chuyền sản xuất các sản phẩm từ giấy phế thải, công 1.000 tấn/năm tại Cụm công nghiệp Ái Tử.
3. Ngành khai thác khoáng sản
3.1. Mục tiêu
- Tốc độ tăng bình quân giá trị khai thác giai đoạn 2011-2015 đạt 24,16%. Giá trị sản xuất ngành đến năm 2015 đạt 23,789 tỷ đồng.
3.2. Nội dung quy hoạch:
+ Khai thác cát, sỏi cho xây dựng
+ Sắp xếp lại các cơ sở khai thác thủ công; đầu tư mới 2 dây chuyền khai thác công suất 50.000m3/năm/dây chuyền tại Thượng Phước, Nhan Biều.
+ Tiến hành đánh giá trữ lượng, đề xuất phương án khai thác tại các điểm Tân Định, Xóm Kiệt, Xóm Hà, Trà Liên Đông nhằm giảm tải cho các bãi hiện đang khai thác.
- Khai thác cát thuỷ tinh:
+ Kêu gọi dây chuyền khai thác (tuyển cát) có công suất khoảng 100.000 tấn/năm, gắn liền với nhà máy sản xuất kính và hàng thuỷ tinh công suất 5 triệu m2/năm tại Triệu Vân, Triệu Trạch.
- Sét gạch ngói:
+ Tiến hành thăm do đánh giá trữ lượng, quy hoạch vùng khai thác và đưa mỏ sét Triệu Đại, dự kiến đưa vào khai thác.
- Titan (ziricon):
+ Đánh giá, tìm kiếm các điểm Titan và đầu tư dây chuyền tuyển quặng titan với công suất 10.000 tấn/năm.
- Khí gaz CO2:
Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân Sao Mai, Nha Trang, Khánh Hoà đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất khí CO2 hoá lỏng, 2.500 tấn/năm.
4. Ngành sản xuất vật liệu xây dựng
4.1. Mục tiêu
- Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân đạt 29,39% giai đoạn 2011-2015. Giá trị sản xuất đến năm 2015 đạt 56,937 tỷ đồng.
4.2. Nội dung quy hoạch
+ Nâng công suất nhà máy gạch tuynel QCC lên 30 triệu viên/năm.
+ Tiếp tục cải tiến công nghệ (công nghệ lò gạch kiểu đứng liên hoàn do Viện công nghệ nhiệt-lạnh cho 2-3 lò gạch thủ công tại Triệu Thượng, Triệu Đại để nâng cao công suất, chất lượng sản phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
+ Kêu gọi đầu tư các cơ sở sản xuất gạch, ngói không nung công suất 10 triệu viên/năm.
+ Kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy cấu kiện bêtông đúc sẵn công suất 5.000 sản phẩm/năm tại Cụm công nghiệp Ái Tử.
+ Kêu gọi đầu tư (FDI) nhà máy sản xuất kính các loại công suất thiết kế 5 triệu m2/năm tại thị trấn Ái Tử. Kêu gọi các doanh nghiệp, tổng công ty lớn trong nước hoặc nước ngoài đầu tư. Công nghệ nên tìm kiếm các đối tác từ Nhật Bản, Đức hay Mỹ.
5. Ngành hoá chất, cao su và nhựa
5.1. Mục tiêu
- Phấn đấu đạt tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất đạt 31,16% giai đoạn 2011-2015. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp hóa chất năm 2015 đạt 5,590 tỷ đồng.
5.2. Nội dung quy hoạch
+ Đầu tư xây dựng xưởng sản xuất muối I-ốt chất lượng cao, công suất thiết kế 400 tấn/năm, tại Triệu An.
+ Đầu tư xưởng sản xuất phôi nhựa và sản phẩm nhựa tái chế từ đồ nhựa phế thải với công xuất 1.000 tấn/năm tại Cụm công nghiệp Ái Tử.
+ Đầu tư xưởng sản xuất sản phẩm nhựa, công suất 400 tấn/năm, các sản phẩm tấm lợp, ống nhựa (PVC, PE, PP) đồ nhựa gia dụng tại TT Ái Tử.
+ Đầu tư xây dựng nhà máy mủ tờ xông khói, công suất 500 tấn/năm tại Cụm công nghiệp Tây Triệu Phong.
6. Ngành công nghiệp cơ khí , điện tử:
6.1. Mục tiêu
- Dự kiến tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2011-2015 là 28,59%. Giá trị sản xuất của ngành đến năm 2015 đạt 8,509 tỷ đồng.
6.2. Nội dung quy hoạch
+ Đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất cấu kiện kim loại, chi tiết cơ khí nông nghiệp, hoa văn xây dựng công suất 500 -1000 tấn thành phẩm/năm tại Cụm công nghiệp Ái Tử.
+ Dự án xây dụng nhà máy đúc phôi từ phế liệu và cán thép, công suất 3.000 tấn/năm, tại cụm công nghiệp thị trấn Ái Tử. Các sản phẩm chính: phôi thép, cán thép định hình (V, ống, hộp). Sử dụng công nghệ Trung Quốc, Đài Loan là phù hợp với điều kiện của huyện.
+ Giai đoạn 2011-2020, Tập đoàn tàu thủy Việt Nam đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất các Block và phân đoạn cho tàu lớn và sửa chữa tàu thuyền nhỏ trong vùng. Hình thành các cơ sở cơ khí liên kết phụ trợ cho nhà máy đóng tàu tại Cửa Việt.
+ Kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy lắp ráp máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, công suất khoảng 10.000 - 20.000 sản phâm/năm, tại khu công nghiệp Đông Ái Tử.
+ Kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy lắp ráp đồ điện, điện tử, công suất khoảng 300.000 - 500.000 sản phâm/năm, tại khu công nghiệp Đông Ái Tử.
7. Ngành công nghiệp may mặc
7.1. Mục tiêu
Dự kiến ngành công nghiệp dệt may - da giày giai đoạn 2010-2015 là 28,80%/năm.
7.2. Nội dung quy hoạch
Kêu gọi đầu tư xưởng may xuất khẩu Ái Tử, công suất 1 triệu sản phẩm/năm.
8. Công nghiệp sản xuất và phân phối nước
8.1. Mục tiêu
Giá trị sản xuất năm 2015 cần phải đạt được 15,690 tỷ đồng, tăng bình quân giai đoạn 2013-2015 đạt 30%/năm.
8.2. Nội dung phát triển ngành sản xuất và phân phối nước.
+ Đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch Ái Tử, công suất thiết kế 3.000 m3/ngày đêm, sử dụng vốn ngân sách.
9. Tiểu thủ công nghiệp và làng nghề
9.1. Mục tiêu
- Mục tiêu phát triển nghề, làng nghề tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa ở khu vực nông thôn.
9.2. Nội dung quy hoạch
+ Phát triển các nghề: Nghề hấp, sấy  cá, mực, nghề bún bánh; Nghề chằm nón, nghề thêu ren, nghề làm muối, nghề làm nước mắm, ruốc.
+ Khôi phục một số nghề: Nghề đóng thuyền, nghề rèn, tre đan, cơ giới hóa nghề bún bánh, thực phẩm, nghề sản xuất nem chả.
+ Du nhập một số nghề mới: Nghề hoa vảinghề dệt thảm, nghề làm bánh phồng tôm, nghề chế biến tinh bột, nghề nấu kẹo đậu phụng.
III. Quy hoạch phân bổ công nghiệp trên địa bàn huyện Triệu Phong
Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tại các cụm công nghiệp, vùng có điều kiện hạ tầng cơ sở thuận lợi để thu hút đầu tư, bảo vệ môi trường, làm động lực phát triển kinh tế của huyện.
- Đầu tư cơ sở hạ tầng (giao thông, điện, nước, mặt bằng, cấp thoát nước..) và dịch vụ hỗ trợ nhằm tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư.
- Kèm theo chính sách, chế độ ưu đãi đầu tư (thuế thu nhập, thuê đất, ưu đãi về vốn, đào tạo lao động, chuyển giao công nghệ...).
- Các yêu cầu bố trí cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp: Thuận lợi cung cấp nguyên liệu, gần thị trường tiêu thụ, thuận lợi về giao thông, mặt bằng cho xây dựng với chi phí thấp, yêu cầu bảo vệ môi trường.
Dự kiến phát triển các Khu cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, điểm công nghiệp làng nghề đến 2015 có tính đến 2020.
Cụm công nghiệp Đông Ái Tử:
Thuộc quy hoạch khu vực sân bay Ái Tử với diện tích 101,87 ha; là một cụm công nghiệp “sạch”, trung tâm thương mại - dịch vụ và hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới. Bao gồm các ngành như: Công nghiệp lắp ráp máy móc thiết bị; Công nghiệp lắp ráp sản phẩm điện, điện tử; Công nghiệp may mặc, giày da,...
+ Cụm công nghiệp – làng nghề Ái  Tử:
Vị trí nắm phía Tây thị trấn Ái Tử, có điều kiện về cơ sở hạ tầng. Diện tích quy hoạch được duyệt 38 ha, giai đoạn 1 xây dựng 111ha, có thể mở rộng thêm sau khi thi công xong giai đoạn 2.
Sản xuất gạch ngói xây dựng, gạch block, ngói lợp, gạch không nung, Tazero, gạch nem tách; May xuất khẩu công suất 1 triệu sản phẩm/ năm; sản xuất giấy vệ sinh, giấy bao bì, vàng mã; sửa chữa và gia công chi tiết cơ khí, cán tôn, xà gồ, cấu kiện kim loại; đúc phôi cán thép xây dựng thép định hình; chế biến ván ghép thanh (sản xuât ván theo quy cách), sản xuất hàng mộc mỹ nghệ, dân dụng; di chuyển vào cụm công nghiệp các cơ sở chế biến lâm sản hiện có; Chế biến thức ăn chăn nuôi gia súc, thức ăn cho tôm, cá; chế biến rau quả.
+ Cụm công nghiệp Nam Cửa Việt
Đây là khu vực trung tâm phát triển của vùng biển, Cụm công nghiệp Nam Cửa Việt dự kiến giai đoạn đầu khoảng 20 ha, bố trí các ngành:
- Tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện cho Tập đoàn tàu thuỷ Việt Nam đầu tư xây dựng nhà máy đóng tàu (sửa chữa, đóng mới tàu thuyền đánh bắt và tàu vận tải), công suất có thể lên tới 50.000DWT. làm động lực phát triển cụm.
- Phát triển chế biến thuỷ sản như sản xuất nước mắm, ruốc, sấy thuỷ sản.
- Sữa chữa tàu thuyền phát triển  các cơ sở cơ khí sản xuất cấu kiện kim loại phục vụ ngành đóng tàu.
- Phát triển các loại hình dịch vụ hậu cần nghề cá.
+ Cụm Công nghiệp Tây Triệu Phong (khu vực Xã Triệu Ái)
Đây thuộc vùng gò đồi của huyện diện tích đất trồng cây lâm nghiệp và công nghiệp, là khu vực tiếp giáp với khu công nghiệp Nam Đông Hà, trong tương lai đường Hùng Vương nối dài qua sông Vĩnh Phước đến xã Triệu Ái (đang lập quy hoạch). Dự kiến sẽ thu hút các cơ sở sản xuất từ thị xã Đông Hà. Diện tích dự kiến quy hoạch xây dựng cụm công nghiệp khoảng 50 ha (phân kỳ hai giai đoạn) vốn đầu tư dự kiến khoảng 35 tỷ đồng năm đầu tư 2012 - 2020, bố trí các ngành nghề chủ yếu:
- Sắp xếp, di chuyển các cơ sở có ảnh hưởng đến môi trường thị trấn Ái Tử, thị xã Đông Hà.
-  Chế biến lạc, nhựa thông; khai thác tách quặng sắt làm phụ gia ximăng, .. Sản xuất phân vi sinh, xưởng cưa xẻ và chế biến đồ gỗ; đúc phôi cán thép, sản xuất giấy các loại... 
+ Các điểm, làng nghề tiểu thủ công nghiệp dịch vụ
- Chế biến lương thực thực phẩm tại các xã: Triệu Sơn, Triệu Tài như: bún, bánh, sản xuất nem chả, tương ớt, chế biến lương thực. Dự kiến phát triển diểm công nghiệp khoảng 3 -5 ha giai đoạn 2012 – 2015 tại các xã giáp thị xã Quảng Trị.
- Chế biến lương thực, thức ăn chăn nuôi: xay xát đánh bóng gạo, thức ăn cho gia cầm, thuỷ sản chế biến lương thực. Dự kiến phát triển điểm công nghiệp khoảng 3-5 ha giai đoạn 2012 – 2015 tại xã Triệu Hòa dọc theo trục đường tỉnh 64 và đường Ái Tử - An Mô - Triệu  Đông
Bên cạnh những cụm Công nghiệp, trên địa bàn huyện do tính đặc thù của vùng phân bố khoáng sản có các điểm công nghiệp:
- Tuyển cát ở xã Triệu Lăng, Triệu Vân. 
- Khai thác titan ở xã Triệu Lăng, Triệu An.
- Khai thác cát sạn xây dựng tại An Đôn, Trà Liên Đông.
- Khai thác gaz CO hoá lỏng ở Phú Tài, Triệu Đại.
IV. Những giải pháp, chính sách cụ thể thực hiện quy hoạch:
1. Những giải pháp cơ bản
a. Phát triển nguồn nhân lực
- Tuyên truyền và tăng cường sự chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương về công tác đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở sản xuất, cán bộ khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề cho lao động. Có chính sách thu hút lao động giỏi, có trình độ đại học, cao đẳng về làm việc tại địa phương.
- Nâng cao năng lực Trung tâm đào tạo nghề của huyện, bổ sung kinh phí sự nghiệp đào tạo. Phối hợp với các Trung tâm đào tạo trong và ngoài tỉnh. Đào tạo thông qua chương trình khuyến công quốc gia, tỉnh và huyện, kết hợp với các doanh nghiệp có khả năng đào tạo nghề.
- Đào tạo gắn với nhu cầu lao động của doanh nghiệp sản xuất, các nghề có lợi thế phát triển, để sau đào tạo có việc làm và thu nhập ổn định.
b. Giải pháp về vốn
- Huy động tối đa nguồn vốn trong dân, mở rộng và đa dạng hoá các hình thức cho vay vốn của các ngân hàng, các hoạt động tín dụng khác như các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách, quỹ tín dụng nhân dân. Hướng dẫn thủ tục vay vốn ưu đãi của Nhà nước cho các cơ sở sản xuất.
- Sử dụng hợp lý nguồn vốn ngân sách, kết hợp thu hút vốn nước ngoài (ODA-FDI) để đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, xây dựng các cụm điểm công nghiệp - làng nghề. Khuyến khích đầu tư bằng hình thức BOT, đặc biệt là sử dụng có hiệu quả vốn từ quỹ đất, vốn từ đổi quyền sử dụng đất lấy kết cấu hạ tầng.
- Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư vào địa bàn huyện qua các chính sách ưu đãi. Tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư các Tập đoàn lớn, con em quê hương trong và ngoài nước về đầu tư sản xuất.
c. Nâng cao năng lực tổ chức - quản lý ngành công nghiệp
- Thành lập Ban chỉ đạo phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn cấp huyện. Ban hành chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp và ngành nghề nông thôn trên địa bàn, ban hành chương trình khuyến công trên địa bàn huyện đến 2012. Tạo điều kiện cho các cơ sở để được hưởng ưu đãi về vốn, mặt bằng sản xuất, miễn giảm thuế, hỗ trợ đào tạo lao động, chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
- Kiện toàn cơ chế hoạt động và bộ máy quản lý, nâng cao năng lực quản lý ngành cấp huyện, trước mắt hình thành mạng lưới khuyến công theo Nghị quyết 12/2007/NQ-HĐND ngày 10/8/2007 về chính sách hệ thống khuyến công cơ sở đến năm 2010, chiến lược đến năm 2020. Tăng cường kinh phí khuyến công cấp huyện.
- Phối hợp với các cấp, các ngành, Trung tâm Khuyến công, Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thực hiện tốt các chương trình nâng cao năng suất, chất lượng và hội nhập, hoạt động khuyến công như chương trình đào tạo nghề, các đề tài ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đối với một số ngành nghề chủ yếu.
d. Hoàn thiện cơ sở hạ tầng
- Thực hiện tốt công tác tạo quỹ đất, xây dựng cơ sở hạ tầng tại các cụm công nghiệp - làng nghề đã được quy hoạch. Quy hoạch chi tiết, xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề mới.
- Kêu gọi các tổ chức, các nhân có khả năng bỏ vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu cụm, công nghiệp, quản lý và làm dịch vụ cho thuê mặt bằng sản xuất công nghiệp.
- Tiếp tục mở rộng và nâng cấp mạng lưới giao thông để tạo điều kiện lưu thông hàng hóa, nguyên liệu nông lâm sản. Chú trọng dịch vụ điện, nước, mặt bằng cho các điểm công nghiệp.
e. Giải pháp phát triển vùng nguyên liệu
- Thực hiện tốt công tác quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu gắn liền với cơ sở chế biến theo nguyên tắc sơ chế tại chỗ, tinh chế tập trung. Có chính sách tích cực chủ động thu hút nguồn nguyên liệu từ bên ngoài vào sản xuất.
- Tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân tham gia xây dựng vùng nguyên liệu đúng quy hoạch, trên cơ sở lợi ích của người nông dân và nhà máy; nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật thâm canh, nhân rộng các giống cây nguyên liệu mới có năng suất cao phục vụ sản xuất công nghiệp.
- Kiến nghị với tỉnh để có hướng thăm dò, điều tra, đánh giá trữ lượng, chất lượng để có điều kiện liên doanh, liên kết xây dựng các nhà máy.
f. Khoa học - công nghệ và bảo vệ môi trường
* Khoa học - công nghệ
- Công tác ứng dụng tiến bộ vào sản xuất có vai trò hết sức quan trọng để sản xuất ra sản phẩm có chất lượng, năng suất cao, có chi phí tiêu hao tiết kiệm nhất. Do vậy thực hiện tốt chính sách hỗ trợ việc nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như ưu đãi tín dụng, thuế để khuyến khích cơ sở đầu tư đổi mới công nghệ. Thông qua chương trình khoa học công nghệ, các Viện, Trường đại học, Trung tâm nghiên cứu, chương trình khuyến công để cập nhật thông tin công nghệ, thiết bị mới (chợ công nghệ thiết bị trong nước và quốc tế) để triển khai nhanh cho các cơ sở dưới hình thức mô hình trình diễn, đề tai khoa học, dự án sản xuất thử nghiệm và hỗ trợ kinh phí chuyển giao công nghệ.
- Thực hiện liên doanh, liên kết nhằm tranh thủ tối đa công nghệ tiên tiến từ các doanh nghiệp đầu tư trong và ngoài nước sử dụng công nghệ có hàm lượng chất xám cao, công nghệ sạch trong sản xuất. Đồng thời tiếp nhận chuyển giao công nghệ có chọn lọc, đổi mới công nghệ, thay thế công nghệ cũ.
* Bảo vệ môi trường.
- Quy hoạch các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn làm căn cứ để bố trí các dự án đầu tư mới và di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi dân cư.
- Đối với các dự án đầu tư mới cần phải có giải pháp, có tính khả thi cao về xử lý chất thải, bảo vệ môi trường.
- Kêu gọi, huy động đầu tư các dự án cải tạo và bảo vệ môi trường sử dụng nguồn vốn ODA, NGO, Quỹ môi trường toàn cầu SIDA...
g. Mở rộng thị trường
- Tham gia các hình thức xúc tiến thị trường như hội chợ triển lãm, giới thiệu sản phẩm, quảng cáo.... đồng thời điều tra thu thập trao đổi thông tin dự báo thị trường để có chiến lược thị trường, chiến lược sản phẩm trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Hoạch định chiến lược, xây dựng chính sách, tạo môi trường cho hoạt động xúc tiến thương mại phát triển. Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp khảo sát, tìm kiếm thị trường, tăng cường liên doanh, liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp công nghiệp khác trong và ngoài tỉnh.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động xúc tiến thương mại, tiếp cận và xây dựng thương mại điện tử.
- Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia các hiệp hội nhằm nâng cao khả năng bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp.
2. Hệ thống cơ chế chính sách bảo đảm thực hiện quy hoạch
a. Chính sách thị trường - tiêu thụ sản phẩm
- Hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu hàng hoá, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thông qua chương trình nâng cao năng suất chất lượng và hội nhập, chương trình khuyến công quốc gia và địa phương.
- Hỗ trợ trên 50% kinh phí các đơn vị sản xuất công nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm hàng hoá, nghiên cứu tìm kiếm thị trường, bạn hàng ở trong nước và nước ngoài.
- Thành lập các hiệp hội theo các ngành, liên doanh, làm vệ tinh cho các doanh nghiệp lớn để xuất uỷ thác, gia công sản phẩm phụ trợ.
b. Chính sách về khoa học - công nghệ
- Khuyến khích các đơn vị sản xuất công nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, phù hợp với năng lực qua các chính sách KHCN, chương trình khuyến công hỗ trợ tham gia hội chợ công nghệ thiết bị hàng năm.
- Xây dựng chương trình ứng dụng công nghệ mới cải tiến từng phần hoặc toàn bộ máy móc thiết bị cho các đơn vị sản xuất, đến 2010 theo chương trình nâng cao năng suất chất lượng và hội nhập
c. Chính sách huy động vốn
Hướng dẫn cơ sở sản xuất vay vốn tín dụng ưu đãi đầu tư của nhà nước theo Nghị định số 151/2006/NĐ-CP về tín dụng đầu tư và xuất khẩu, Thông tư số 69/2007/TT-BTC của Bộ Tài chính. Cấp chứng nhận quyền sử dụng đất, cho thuê đất sản xuất tạo điều kiện cơ sở thế chấp tài sản trên đất (nhà máy) tiếp cận vốn vay các kênh tín dụng, ngân hàng thương mại, vốn giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo.
 - Khuyến khích huy động vốn trong dân, thu hút vấn đầu tư từ ngoài bằng các chính sách ưu đãi khác như: Hỗ trợ lập dự án, thủ tục vay, ưu đài thuê đất, liên doanh liên kết với các doanh nghiệp lớn.
d. Chính sách thu hút nguồn nhân lực
- Xây dựng chính sách thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao, tay nghề giỏi về làm việc tại địa phương.
- Bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ quản lý doanh nghiệp, cán bộ kỹ thuật, các phương pháp tổ chức sản xuất tiên tiến, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng.
- Khuyến khích việc tuyển dụng người ở địa phương vào học nghề và làm việc tại cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn của địa phương.
- Khuyến khích Doanh nhân, nghệ nhân tại các làng nghề của các tỉnh và thành phố trong cả nước về đầu tư phát triển ngành nghề CN - TTCN tại địa phương.
e. Chính sách ưu đãi đầu tư
- Thủ tục hành chính:
Thực hiện thủ tục hành chính một cửa, bộ máy hành chính thực sự là bộ máy dịch vụ hành chính, nhanh chóng, thuận tiện đối với các dự án đầu tư sản xuất, hướng dẫn từ khảo sát, lập dự án, thẩm định và cấp chứng nhận đầu tư.
- Chính sách ưu đãi đầu tư:
+ Ban hành chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn phù hợp với đặc thù của huyện.
+ Hướng dẫn các cơ sở sản xuất được hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi đầu tư theo luật đầu tư, chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh (Quyết định sô 984/2005/QĐ-UB của UBND tỉnh) như miễn giảm thuế, miễn giảm tiền thuê đất, chính sách khuyến công./.

Văn bản mới

Chương trình phát thanh