Điều kiện tự nhiên, tài nguyên - Huyện Hải Lăng
Huyện Hải Lăng
Giới thiệu về điều kiện tự nhiên, tài nguyên
1.1. Vị trí địa lý
Hải Lăng là huyện phía Nam của tỉnh Quảng Trị, có tọa độ địa lý từ: 16033’40’’ đến 16048’00’’ độ vĩ Bắc và 107004’10’’ đến 107023’30’’ độ kinh Đông. Thị trấn huyện lỵ cách thị xã Đông Hà về phía Nam khoảng 21km, cách thành phố Huế về phía Bắc khoảng 50km.
Phía Bắc giáp huyện Triệu Phong và thị xã Quảng Trị;
Phía Nam giáp huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế;
Phía Đông giáp Biển Đông;
Phía Tây giáp huyện Đakrông.
Huyện Hải Lăng gồm có 16 đơn vị hành chính, gồm có 15 xã và 01 thị trấn. Tổng diện tích tự nhiên của huyện là 42.692,53 ha, chiếm 8,99% diện tích cả tỉnh.
1.2. Địa chất - địa hình
Đặc trưng của địa hình Hải Lăng nghiêng từ Tây sang Đông. Vùng đồi núi và ven biển bị chia cắt bởi các sông, suối, một số khu vực đồng bằng có địa hình thấp trũng do đó việc phát triển giao thông, mạng lưới điện cũng như tổ chức sản xuất cũng gặp những khó khăn nhất định.
Có thể chia địa hình ra 3 vùng: Vùng đồi núi (55% diện tích tự nhiên), vùng đồng bằng (32%), vùng cồn cát, bãi cát ven biển (12%).
- Vùng gò đồi và núi: Đa phần các khu vực phía Tây đường sắt Bắc Nam bao gồm lãnh thổ chủ yếu của các xã: Hải Phú, Hải Lâm, Hải Sơn, Hải Chánh, Hải Trường, núi thấp có độ cao bình quân 100 - 150m, vùng gò đồi có độ cao bình quân 40 - 50 m.
- Vùng đồng bằng: Nằm giữa gò đồi và cồn cát, bãi cát. Bao gồm địa bàn các xã: Hải Quy, Hải Hưng, Hải Định, Hải Phong, thị trấn Diên Sanh và một phần của các xã: Hải Phú, Hải Thượng, Hải Lâm, Hải Trường, Hải Sơn, Hải Chánh, Hải Dương, Hải Quế, Hải Ba..
- Vùng cồn cát, bãi cát ven biển: Nằm giữa đồng bằng và Biển Đông. Tập trung phía Đông đường tỉnh lộ 68. Thuộc các xã Hải An, Hải Khê và một phần của các xã Hải Ba, Hải Quế, Hải Dương. Có độ cao bình quân 6 - 7m. Đất đai chủ yếu là đất cồn cát, bãi cát.
1.3. Điều kiện khí hậu:
Tiểu vùng Hải Lăng cũng nằm trong vùng miền khí hậu nhiệt đới gió mùa nhưng có địa hình thấp và bị phân dị, do đó khí hậu có đặc điểm Mùa hè có gió mùa Tây Nam khô nóng, nhưng mức độ khắc nghiệt giảm dần từ phía Bắc đến phía Nam của huyện; gió Mùa Đông Bắc ẩm ướt về mùa đông. Nền nhiệt tương đối cao, tổng nhiệt lượng cả năm trên dưới 9000 0C, nguồn nhiệt lượng này cho phép trồng trọt với đa dạng cây trồng và cải tạo mùa vụ trong năm. Nhiệt độ trung bình hàng năm hầu hết các vùng trong huyện khoảng 24 - 250C. Nhiệt độ tháng cao nhất (từ tháng 5 đến tháng 7) khoảng 350C, có khi gần lên tới 400C; tháng thấp nhất (tháng 1 - tháng 2) khoảng 180C, có khi xuống tới 12-130C, nói chung biên độ nhiệt khá lớn.
Lượng mưa trung bình hàng năm từ 2.500 - 2.700 mm, cao hơn mức trung bình cả nước. Tổng lượng mưa tập trung chủ yếu vào các tháng 9, 10, 11 (chiếm từ 75 - 80% lượng mưa cả năm). Số ngày mưa phân bố không đều, trong các tháng cao điểm trung bình mỗi tháng có 17 - 18 ngày mưa, thường có kèm theo bão, gây lũ lụt làm ngập úng, ảnh hưởng đến bố trí thời vụ và bố trí sản xuất nông nghiệp. Về mùa gió Tây Nam khô nóng, độ ẩm không khí thường xuyên dưới 50%, có khi xuống dưới 40%. Đây là một trong những nguyên nhân làm hao hụt nguồn nước, gây khô hạn và dễ gây cháy rừng.
Bão: Mùa bão thường xuất hiện từ tháng 8 đến tháng 11, các cơn bão đổ bộ vào đất liền Quảng Trị nói chung và Hải Lăng nói riêng thường là các cơn bão số 7,8,9 và 10. Năm nhiều nhất có 4 cơn bão, năm ít nhất không có cơn bão nào, trong những năm gần đây số lượng bão và mức độ tàn phá giảm hẳn so với trước kia. Bão thường kèm theo mưa to kết hợp triều cường trên diện rộng làm thiệt hại đến cơ sở vật chất kỹ thuật và mùa màng.
Có thể đánh giá rằng: Thời tiết, khí hậu khá khắc nghiệt đã gây bất lợi cho sản xuất và đời sống, điều kiện lao động khó khăn, năng suất lao động giảm.
2. Tài nguyên:
2.1. Đất đai:
Toàn huyện có 11 nhóm đất, bao gồm 15 loại đất. Trong đó, Vùng đồng bằng và vùng ven biển: 11 loại; Vùng đồi núi: 4 loại.
* Nhóm đất cồn cát biển: Có tổng diện tích 6.641 ha. Trong đó: Cồn cát trắng (loại đất Cb): 6.614 ha; Đất bãi cát ven sông biển (loại đất Cc): 27 ha.
* Nhóm đất cát biển (loại đất C): 4.840 ha.
* Nhóm đất phù sa được bồi và phù sa ngòi suối: Diện tích 2.643 ha. Trong đó: Đất phù sa được bồi: 2.623 ha; Đất phù sa ngòi suối: 20 ha.
* Nhóm đất phù sa không được bồi ( Kể cả loại đất P/c và P/f):1.193 ha.
* Đất phù sa có tầng loang lổ đỏ vàng và đất đỏ vàng biến đổi do trồng lúa nước: diện tích 723 ha. Trong đó: Đất phù sa có tầng loang lổ đỏ vàng (loại đất Pf) 155 ha; đất đỏ vàng biến đổi do trồng lúa nước (loại đất Fl): 568 ha.
* Nhóm đất phù sa Glây, đất thung lũng dốc tụ, đất lầy: diện tích là 8.495 ha. Trong đó: Đất phù sa Glây (loại đất Pg): 7.835 ha; Đất lầy (loại đất J): 309 ha; Đất thung lũng do sản phẩm dốc tụ (D): 351 ha.
* Nhóm đất than bùn:23 ha.
* Nhóm đất xám bạc màu, đất nâu vàng trên phù sa cổ: 1.502 ha
* Đất nâu tím trên đá sét tím, đất đỏ vàng trên đá biến chất và đá sét: 16.049 ha.
* Đất vàng đỏ trên đá mác ma axít và vàng nhạt trên đá cát: 3.026 ha.
* Đất xói mòn trơ sỏi đá: 780 ha.
2.2. Rừng:
Do đặc trưng điều kiện khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, cho nên thảm thực vật, đặc biệt là rừng tự nhiên của Hải Lăng trước chiến tranh rất phong phú, nhiều chủng loại gỗ quý và động vật cũng rất phong phú. Nhưng do chiến tranh và chất độc hóa học trong chiến tranh đã hủy diệt phần lớn rừng tự nhiên của huyện. Sau chiến tranh, nạn khai thác rừng bừa bãi đã gây hậu quả làm giảm trữ lượng nguồn tài nguyên rừng. Diện tích đất lâm nghiệp của huyện là 22.716,35 ha, trong đó: đất rừng sản xuất 14.590,42 ha; đất rừng phòng hộ: 8.125,93 ha.. Diện tích đất rừng phòng hộ này cơ bản được bảo vệ, khoanh nuôi ổn định và phát triển.
Loài cây của rừng trồng bao gồm keo, bạch đàn, thông, phi lao, muồng và một số cây bản địa khác.
2.3. Tài nguyên nước mặt:
* Với lượng mưa bình quân nằm trên 2.500 mm, sẽ cho tổng trữ lượng nước hàng năm gần 1,3 tỷ m3.
* Sông ngòi: Trên địa bàn huyện gồm có 5 con sông chính:
- Hệ thống sông Ô Lâu nằm về phía Nam của huyện, có dòng chính dài khoảng 65 km và bao quát lưu vực có diện tích 855 km2, lưu lượng dòng chảy trung bình năm khoảng 44 m3/s, mật độ dòng chảy là 0,81km/km2.
- Sông Nhùng: Chạy từ vùng đồi núi của huyện, từ Hải Lâm chảy qua trung tâm vùng đồng bằng, hàng năm cung cấp phù sa và nước tưới cho 1 phần diện tích canh tác cho cả đồng bằng và gò đồi.
- Sông Bến Đá: Có chiều dài ngắn, chảy từ vùng gò đồi qua địa bàn của xã Hải Trường, hàng năm cung cấp một lượng nước đáng kể cho sản xuất.
- Sông Vĩnh Định (Sông đào thời nhà Lê): Chảy dọc theo hướng Bắc -Nam, qua trung tâm đồng bằng của huyện, nối liền sông Thạch Hãn và sông Ô Lâu, có chiều dài khoảng 20 km. Sông Vĩnh Định có ý nghĩa rất lớn trong việc cung cấp nước tưới và tiêu úng về mùa lũ lụt, điều hòa lượng nước trong khu vực.
- Nguồn nước ao, hồ: Trên địa bàn huyện có một số hồ đập quan trọng, phục vụ cho phát triển sản xuất và đời sống dân sinh, đồng thời góp phần cải tạo môi trường như: Đập Trấm, Khe Chanh, Miếu Bà, Thác Heo, Khe Rò, Phước Môn, Phú Long, Khe Khế...
* Diện tích đất sông suối, mặt nước chuyên dùng là 1132,84 ha.
* Tài nguyên biển và nuôi trồng thủy sản:
- Hải Lăng có bờ biển dài khoảng 14 km, dọc theo 2 xã Hải An và Hải Khê. Ngư trường đánh bắt rộng và không bị giới hạn trong phạm vi lãnh thổ của địa phương. Vùng biển Quảng Trị nói chung và của Hải Lăng nói riêng là nơi có nhiều loài hải sản quý và thường xuyên được bù đắp như: Các loại Tôm, Cua, cá Hồng, cá Mú, cá Thu, cá Ngừ, Mực ống, Mực nang, ốc các loại và nhiều loại đặc sản quý khác. Tuy nhiên vùng biển Hải Lăng là bãi ngang (không có cửa lạch làm nơi neo đậu tàu thuyền), do đó việc tổ chức khai thác hải sản với quy mô lớn gặp khó khăn.
Bên cạnh tài nguyên biển, Hải Lăng còn có 556,7 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, hiện nay diện tích trên đã đưa vào sử dụng. Ngoài ra, Hải Lăng có vùng đất cát ven biển khá rộng lớn, có thể khai thác sử dụng nuôi tôm thâm canh trên cát theo quy trình công nghiệp.
2.4. Tài nguyên khoáng sản:
Tài nguyên khoáng sản của Hải Lăng nghèo nàn và phần lớn thuộc nhóm không kim loại. Theo tài liệu điều tra hiện có của Sở Khoa học Công nghệ Môi trường (nay là Sở Khoa học và Công nghệ ) thì hiện nay Hải Lăng có các loại khoáng sản chủ yếu sau:
- Than bùn: Trữ lượng không lớn, nhiệt lượng có thể đạt tới 3.500 kcal/kg, dùng làm chất đốt và sản xuất phân bón; phân bố Khe Chè (Thị trấn Hải Lăng), trằm Trà Lộc và ở Hải Quế...
- Silicát: Phân bố dọc bờ biển Phía đông của huyện, độ hạt mịn 0,5 - 1mm, thành phần Si02 từ 99,16 - 99,55% chất lượng tốt và trữ lượng khá lớn. Hiện nay đang xây dựng Nhà máy chế biến cát thạch anh và Nhà máy gạch ốp lát cao cấp để khai thác tiềm năng này.
- Titan: phân bố dọc các vùng cát ven biển, tập trung chủ yếu là Hải Khê, Hải Dương.
- Các loại khoáng sản khác: Đất sét phân bố dọc hai bên bờ sông Nhùng, nhất là ở Hải Thượng, trữ lượng C1 + C2 = 3.157.900 m3, hiện nay đang được quy hoạch khai thác sản xuất gạch, ngói cho Nhà máy gạch ngói công suất 20.000 viên/năm. Riêng đất sét ở Hải Chánh đã khai thác với quy mô khá lớn phục vụ cho Nhà máy gạch Tuy nen. Ngoài ra còn một số khoáng sản khác như cuội, sỏi, cát xây dựng, phân bố rải rác ở nhiều nơi trong huyện, trong đó tập trung nhiều ở dọc theo các con sông lớn.
- Đất sét trắng có ở Hải Phú, Hải Thượng.
Tóm lại: Hải Lăng nằm ở vị trí địa lý thuận lợi có Quốc lộ 1 A và đường sắt Bắc-Nam chạy qua địa bàn, nằm trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây, có hệ thống giao thông nội huyện tương đối hoàn chỉnh, có bờ biển dài 14 km. Với những yếu tố đó đã tạo điều kiện thuận lợi trong giao lưu, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vùng đồng bằng của huyện khá rộng chủ yếu đã và đang được canh tác lúa nước. Vùng gò đồi có tiềm năng phát triển trồng rừng, cây ăn quả và phát triển trang trại. Vùng cát ven biển được cải tạo từng bước đưa vào sử dụng, có tiềm năng phát triển nuôi thủy, hải sản trên cát. Vùng biển với ngư trường rộng lớn thuận lợi cho đánh bắt hải sản.
- Đang truy cập12
- Máy chủ tìm kiếm6
- Khách viếng thăm6
- Hôm nay3,036
- Tháng hiện tại173,895
- Tổng lượt truy cập5,340,221