Chi tiết tin tức - Huyện Triệu Phong

 

TÌNH CẢM CỦA TỔNG BÍ THƯ LÊ DUẨN VỚI QUÊ HƯƠNG TRIỆU PHONG

7:37, Thứ Sáu, 1-4-2022 212 0

Đồng chí Lê Duẩn là một chiến sỹ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo kiệt xuất, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, cho tự do hạnh phúc của Nhân dân và cho lý tưởng Cộng sản chủ nghĩa.

Đồng chí Lê Duẩn sinh ngày 7/4/1907, tại làng Bích La Đông, xã Triệu Đông (Nay là xã Triệu Thành), sau đó gia đình chuyển đi sinh sống tại làng Hậu Kiên, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị; được sinh ra trong một gia đình lao động, có truyền thống yêu nước. Từ những câu chuyện được nghe kể lúc thuở nhỏ khi được ngồi hầu nước trong các cuộc đàm đạo của các cụ cao tuổi trong làng cùng cha, cũng như chứng kiến đời sống cơ cực, lầm than của nhân dân dưới ách áp bức, đày đọa, bất công của chế độ thực dân phong kiến khi lớn lên, đã dần dần hình thành và nuôi dưỡng nhân cách, tình cảm, trí tuệ cách mạng của đồng chí Lê Duẩn, trong đó có tình cảm, nổi niềm lớn, sâu đậm của đồng chí đối với quê hương, với làng nghèo chợ Sãi.

Gần 60 năm hoạt động cách mạng, đồng chí đã từng lăn lộn trong phong trào của quần chúng, từng chịu đựng những cực hình tra tấn của nhà tù đế quốc, vào sống, ra chết, đồng chí vẫn giữ nguyên những đức tính quý báu của người chiến sĩ cách mạng - là một nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, một nhân cách lớn, một trí tuệ lớn, là người học trò giỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và là người kế tục xuất sắc sự nghiệp cứu nước, cứu dân của Bác Hồ. Trong trái tim của đồng chí Lê Duẩn, ngoài tình yêu tổ quốc bao la, hoài bão lớn về độc lập tự do, hạnh phúc của nhân dân, còn chất chứa một tình cảm đặc biệt sâu đậm, ấm tình với quê hương, với bạn bè, với những người thân ruột thịt.

- Với phong trào cách mạng Triệu Phong:

Năm 1936, khi mới ra khỏi nhà tù của thực dân, đồng chí về hoạt động ở Quảng Trị và đã dành nhiều chuyến công tác về Triệu Phong, cùng ăn, cùng ở với Nhân dân để giúp cho Đảng bộ củng cố tổ chức, khôi phục và phát triển phong trào, đặc biệt là truyền đạt cho các đảng viên về tinh thần của Quốc tế cộng sản, Nghị quyết của Đảng Cộng sản Đông Dương,.. và về vai trò, ý nghĩa của Mặt trận Nhân dân đối với cách mạng nước ta, chỉ rõ sự chuyển hướng trong tình hình mới. Nhờ vậy, chỉ trong một thời gian ngắn các tổ chức cơ sở Đảng đã được khôi phục, đặc biệt là sự kiện Tỉnh ủy lâm thời Quảng Trị đã được thành lập tại huyện Triệu Phong.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí, Đảng bộ Triệu Phong đã lãnh đạo nhân dân nhiều phong trào đấu tranh sôi nổi, đặc biệt trong cuộc biểu tình đón Gô - đa tại ga Quảng Trị, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Lê Duẩn, Nhân dân Triệu Phong cùng với Nhân dân các huyện bạn đã tổ chức cuộc biểu dương lực lượng chưa từng có trong lịch sử cách mạng địa phương; phong trào đã gây tiếng vang lớn, lan rộng toàn xứ Trung Kỳ, ảnh hưởng sâu rộng đến mọi tầng lớp Nhân dân, phát huy sức mạnh đoàn kết đấu tranh chống bọn phản động thuộc địa và quan lại Nam triều, khiến chúng phải khiếp sợ.

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí, phong trào cách mạng ở địa phương phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, tại Phủ Triệu Phong từ 11 chi bộ, 48 đảng viên năm 1938 phát triển lên 37 chi bộ đảng và nhiều chi bộ có 14-15 đảng viên/chi bộ. Trong giai đoạn cách mạng về sau, mặc dù đồng chí Lê Duẩn không chỉ đạo trực tiếp phong trào đấu tranh tại địa phương, song đồng chí luôn trăn trở, lo lắng và dõi theo phong trào đấu tranh của Đảng bộ và Nhân dân Triệu Phong qua các thời kỳ.

- Với quê hương biết bao tình nghĩa sâu nặng:

Đó là nổi lòng đau đáu hằn sâu trong tâm trí, luôn nhớ về quê hương với sự cảm thông, sẽ chia sâu sắc trước đời sống còn lam lũ, khó khăn của nhân dân. Đồng chí đã có lần tâm sự: “Đối với tất cả chúng ta, quê hương biết bao tình nghĩa sâu nặng! Riêng tôi ngoài công việc chung của cả nước vẫn thường nghĩ tới tỉnh nhà và tự hỏi không biết đồng bào trong tỉnh từ ngày giải phóng đến nay sống thế nào …”

Và trong những lần có dịp về thăm quê, nổi đau về sự nghèo khó của đồng bào, của quê hương được thể hiện trong ánh mắt suy tư, xót xa, ngậm ngùi trong từng câu nói của đồng chí. Gần 40 năm đằng đẳng xa quê đi làm cách mạng, ngày trở về với quê hương, đồng chí vẫn nhận ra khuôn mặt của những người bạn thời còn đi học như người bạn láng giềng Nguyễn Thị Lạc, như ông Đốc nhân từ chèo đò bên bến sông Chợ Sãi, nhớ quả ngô Ba Lòng, bát canh Lập Thạch nóng hổi, chiếc nón lá Bố Liêu chứa chan nghĩa tình…; vẫn nhớ như in hình ảnh cậu học trò nhỏ hàng ngày vẫn bưng biếu cụ Mỹ - một bà cụ hàng xóm sống cô đơn - tô canh, đĩa cơm và không quên bỏ bớt phần khoai độn … tất cả vẫn còn nguyên trong tâm trí, tình cảm của đồng chí.

Đó là nổi vui mừng đến tuôn trào nước mắt khi thấy quê hương từng ngày phát triển thay da, đổi thịt. Đứng trên bờ kênh Nam Thạch hãn trong lần về thăm quê nhà ngày 23/3/1983, nhìn dòng nước mát chảy xối dưới dòng kênh, đồng chí bồi hồi xúc động: “Lần này tôi về mừng nhất là đồng làng ta có nước, cấy lúa được 2 vụ, dân ta cần cù nhất định làm nên giàu có. Trước đồng bào Quảng Trị nghèo giờ sẽ không nghèo nữa …”

Description: IMG 4628


Tình cảm của đồng chí còn thể hiện qua những lời tâm tình, căn dặn như trách nhiệm của một người anh cả xa quê lâu ngày:
+ Về phát triển kinh tế, đồng chí căn dặn từ việc trồng cây chuối, cây đu đủ, nuôi con gà đến việc lớn như phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, mở rộng ngành nghề để nâng cao đời sống cho dân.

+ Với bà con, làng xóm đồng chí nhắc lại: “Làng Hậu Kiên mình tốt lắm, thương yêu nhau lắm, có một bát canh ngon, một nồi nước chè xanh cũng kêu nhau đến. Sau này nghỉ hưu, tôi về với làng tôi” và ân cần chỉ bảo: “Trong gia đình phải thương yêu nhau, phải sống nhẹ nhàng êm ái với nhau … bất cứ người nào phải có lao động, phải có tình thương, phải đi vào lẽ phải, có lẽ phải …”

+ Với bạn bè đồng chí, đồng chí luôn nhắc nhở: “Đừng cậy mình là con, là cháu, là quê hương của Tổng Bí thư mà ỷ lại, cần phải phấn đấu mà vươn lên. Làm việc gì củng phải xác định mình là người đại diện cho Đảng, cho Nhà nước và Nhân dân”. Quý giá vô cùng trước những lo toan trăn trở, những lời dặn dò chí tình chí nghĩa của người con rất mực trung hiếu với quê hương và trái tim của một vị lãnh tụ Đảng Cộng sản.

Năm 2022, kỷ niệm 115 năm Ngày sinh đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn, Đảng bộ và Nhân dân Triệu Phong luôn tưởng nhớ tới người con trung hiếu, vẹn toàn của quê hương, người chiến sĩ cách mạng kiên cường, nhà lãnh đạo lỗi lạc của Đảng và Nhân dân ta suốt đời phấn đấu hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí mãi mãi được ghi vào lịch sử vẻ vang của Đảng và của dân tộc với những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX và là tấm gương sáng, vĩ đại cho các lớp con cháu qua từng thế hệ noi theo.

Tác giả bài viết: Dân Chính

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THÔNG TIN ĐIỀU HÀNH
  • Đang truy cập3
  • Máy chủ tìm kiếm0
  • Khách viếng thăm3
  • Hôm nay1393
  • Tháng hiện tại1393
  • Tổng lượt truy cập2.377.734