Chi tiết bài viết giới thiệu - Huyện Triệu Phong
Tổng quan
- Phía Bắc giáp với Thành phố Đông Hà và huyện Gio Linh
- Phía Nam giáp với huyện Hải Lăng và Thị xã Quảng Trị
- Phía Tây giáp với huyện Đakrông và huyện Cam Lộ
- Phía Đông giáp với Biển Đông, với chiều dài bờ biển 18 km.
Ở vị trí nói trên, Triệu Phong có điều kiện thuận lợi trong việc giao lưu kinh tế, văn hoá, xã hội với các địa phương trong và ngoài tỉnh thông qua tuyến đường hành lang kinh tế Đông Tây.
Trải qua hai cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại của dân tộc, mảnh đất này đã diễn ra nhiều sự kiện, nơi hội tụ nổi nhớ niềm thương và máu xương cả nước. Mảnh đất Triệu Phong thân yêu đã để lại biết bao kỳ tích về những tên đất, tên làng trong những năm tháng chiến tranh và trong hoà bình xây dựng.
Triệu Phong còn là nơi sinh ra những người con ưu tú của Đất nước như Tổng Bí thư Lê Duẩn, Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực, Uỷ viên Bộ Chính trị - Bộ trưởng Quốc phòng Đoàn Khuê, Phó thủ tướng Trần Quỳnh .v.v, đã đóng góp nhiều công lao to lớn cho sự nghiệp cách mạng giành độc lập dân tộc, kháng chiến chống thực dân, đế quốc và xây dựng đất nước Việt Nam XHCN.
Triệu Phong là nơi thành lập Chi bộ đảng Cộng sản đầu tiên của Đảng bộ Tỉnh Quảng Trị và cũng là nơi đón tiếp những người tù chính trị được trao trả sau khi hiệp định Pari có hiệu lực. Sau khi Tỉnh Quảng Trị sát nhập với Quảng Bình và Thừa Thiên thành tỉnh Bình Trị Thiên, huyện Triệu Phong cũng sáp nhập với Huyện Hải Lăng, Thị xã Quảng Trị thành huyện Triệu Hải. Đến ngày 01/5/1990 huyện Triệu Phong được tái lập lại, trở lại với tên gọi thân thương của chính mình.
Hơn hai mươi năm sau ngày được tái lập, với chí khí quật cường và tinh thần vượt khó vươn lên, Đảng bộ và nhân dân Triệu Phong đã sát cánh bên nhau lao động cần cù, đầu tư công sức, tập trung trí lực để khai thác tiềm năng, thế mạnh, phát triển kinh tế - xã hội , giữ vững quốc phòng, an ninh, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2005-2010, Đảng bộ và nhân dân toàn huyện đã tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, đoàn kết một lòng, vượt qua khó khăn, thử thách đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Kinh tế phát triển khá, tốc độ tăng bình quân hàng năm đạt 10,3%, thu nhập bình quân đầu người năm 2010 đạt 10,2 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, ngành nông - lâm - thuỷ sản chiếm 53,4%; công nghiệp - xây dựng chiếm 19,6%; thương mại, dịch vụ chiếm 27,0%.
Sản xuất nông - lâm - thuỷ sản tiếp tục phát triển khá toàn diện, tăng bình quân hàng năm 9,8%. Các chương trình đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, các biện pháp chuyên canh, thâm canh được tích cực thực hiện, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trên một đơn vị diện tích. Giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất canh tác đạt 45,38 triệu đồng, hệ số sử dụng đất đạt 2,1 lần. Bình quân lương thực đầu người đạt 495 kg. Toàn huyện xây dựng được 724 ha có giá trị kinh tế cao, trồng được 643 ha cao su tiểu điền. Tiềm năng kinh tế vùng gò đồi, vùng cát từng bước được khai thác. Giá trị chăn nuôi tăng bình quân hàng năm 5,2%, chiếm 35,3% trong giá trị sản xuất nông nghiệp, nhiều mô hình chăn nuôi có hiệu quả kinh tế cao. Giá trị ngành lâm nghiệp tăng bình quân hàng năm 12,9%, công tác chăm sóc, bảo vệ, phát triển rừng được thực hiện tích cực. Ngành thuỷ sản phát triển mạnh, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của huyện, giá trị tăng bình quân hàng năm 25,3%. (Ảnh đón nhận Huân Chương LĐ hạng nhất)
Giá trị công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng bình quân hàng năm 16,4%. Công tác quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng và xúc tiến đầu tư phát triển công nghiệp được chú trọng. Hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển đa dạng, rộng khắp, thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia, đáp ứng cơ bản nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân, giá trị toàn ngành tăng bình quân hàng năm 11%. Các hợp tác xã được củng cố, hoạt động ngày càng có hiệu quả. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có bước phát triển về số lượng, năng lực và hiệu quả hoạt động. Kinh tế gia trại, trang trại tiếp tục phát triển, khai thác tốt tiềm năng về đất đai, lao động.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường, nhiều công trình quan trọng về giao thông, thuỷ lợi, trường học, trạm y tế được xây dựng. Giá trị ngành xây dựng tăng bình quân hàng năm 8,9%. Thu, chi ngân sách thực hiện theo đúng quy định; thu ngân sách trên địa bàn bình quân hàng năm tăng 13,5%. Hoạt động ngân hàng, tín dụng tiếp tục phát triển. Hoạt động kinh tế đối ngoại được tăng cường, mở rộng và phát huy hiệu quả.
Văn hoá – xã hội tiến bộ trên nhiều mặt. Đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân được cải thiện đáng kể, là động lực cho sự phát triển kinh tế, góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Văn hoá, thể dục, thể thao tiếp tục phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ của nhân dân. Công tác thông tin, tuyên truyền được triển khai tích cực, hiệu quả. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo đạt nhiều kết quả quan trọng, cơ sở vật chất trường, lớp, trang thiết bị dạy và học được quan tâm đầu tư. Xã hội hoá giáo dục, khuyến học, khuyến tài được chú trọng. Các chương trình khoa học – công nghệ được ứng dụng khá rộng rãi trong sản xuất và đời sống. Sự nghiệp y tế chuyển biến tích cực, mạng lưới y tế được mở rộng, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được tăng cường, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân. Tỷ suất sinh giảm còn 11,1%0; tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên 0,74%; tỷ lệ sinh con thứ 3 còn 28,7%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 17,5%. Công tác chính sách xã hội, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo, an sinh xã hội được thực hiện tốt. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 32%, qua đào tạo nghề 23,5%, hàng năm đã giải quyết việc làm cho 1.000 – 1.200 lao động, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 13,6%.
Quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Công tác xây dựng Đảng được tăng cường; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, đảng viên được nâng lên, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Bộ máy chính quyền các cấp được kiện toàn, củng cố; chất lượng và hiệu quả hoạt động được nâng lên. Công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp có sự chuyển biến tích cực. Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường; công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm đạt được kết quả bước đầu. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phát huy được vai trò, vị trí của mình, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; tập trung hướng về cơ sở, đáp ứng nhu cầu và lợi ích thiết thực của hội viên, đoàn viên, kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân nên đã thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở.
Với những kết quả đạt được, Đảng bộ và nhân dân huyện Triệu Phong tự hào và vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất trong thời kỳ đổi mới. Đồng với tinh thần tiến công cách mạng, năng động, sáng tạo, quyết tâm cao, huyện đã đề ra các mục tiêu, chi tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng giai đoạn 2010-2015 là:
- Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm 12-13%, trong đó: Nông - lâm - thủy sản tăng 5-6%; công nghiệp - xây dựng tăng 22-23% (công nghiệp tăng 39-40%, xây dựng tăng 11-12%); thương mại - dịch vụ tăng 15-16%. Cơ cấu kinh tế: Nông - lâm - thuỷ sản 38-39 %; công nghiệp - xây dựng 30-31% (công nghiệp 17-18%, xây dựng 13-14%); thương mại - Dịch vụ 30-31%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 24-25 triệu đồng.
- Tốc độ tăng thu ngân sách trên địa bàn bình quân hàng năm từ 10 - 15%.
- Toàn huyện có 1.500 ha thực hiện theo Nghị quyết số 03 của Huyện uỷ (Khoá XVII) về “Đẩy mạnh sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích”. Trồng mới 700 ha cây cao su tiểu điền. Đưa giá trị chăn nuôi chiếm 42,7% trong giá trị sản xuất nông nghiệp; tỷ lệ zêbu hóa đàn bò đạt 35%.
- Sản lượng khai thác thuỷ hải sản đạt 3.870 tấn. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản 1.000 ha, trong đó: Diện tích nuôi tôm 600-700ha. Duy trì diện tích rừng trồng 14.900 ha (Trong đó diện tích rừng sản xuất 11.000 ha).
- Có trên 95% thôn, khu dân cư, đơn vị được công nhận văn hoá; 95% số xã, thị trấn phát động xây dựng và có 5 - 6 xã được công nhận điển hình văn hóa.
- Xây dựng 20-30% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới.
- Duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở; phấn đấu mỗi năm có thêm 01 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục bậc trung học. Phấn đấu có 40% trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; 55% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 (1-2 trường đạt chuẩn mức độ 2); 55% trường THCS đạt chuẩn quốc gia; 1-2 trường THPT đạt chuẩn quốc gia. Xây dựng mỗi bậc học 01 trường trọng điểm chất lượng cao.
- 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỷ suất sinh giảm 10 - 10,5%0; tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên duy trì dưới 0,9%; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng xuống 15%.
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo là 40%; trong đó qua đào tạo nghề 33%; hàng năm tạo việc làm mới cho 1.200 - 1.600 lao động. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 2,5-3%; đến năm 2012 hoàn thành việc xoá nhà tạm bợ, dột nát cho hộ nghèo.
- Có trên 95% dân số sử dụng nước hợp vệ sinh.
- Duy trì tỷ lệ độ che phủ rừng 42%.
- Hàng năm có 80% trở lên tổ chức cơ sở đảng đạt tiêu chuẩn trong sạch vững mạnh, kết nạp từ 120 đảng viên mới trở lên;
- Phấn đấu 100% thôn, khu dân cư đều có tổ chức đảng.
Với truyền thống anh hùng cách mạng của quê hương, tinh thần năng động, sáng tạo, Đảng bộ và nhân dân huyện Triệu Phong sẽ tiếp tục nỗ lực, vượt qua khó khăn, thử thách, đạt được những thành tựu to lơn hơn trong thời gian đến, xây dựng huyện nhà ngày càng giàu đẹp, vững bước đi lên trên con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá theo tiến trình chung của đất nước.