Chi tiết tin tức - Huyện Triệu Phong

 

Đảng bộ, quân và nhân dân Triệu Phong chiến đấu bảo vệ và giữ vững vùng giải phóng

9:59, Thứ Hai, 4-7-2022 103 0

Triệu Phong có vị trí chiến lược quan trọng đối với tỉnh Quảng Trị, khu vực Trung Bộ và của cả nước. Trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc, huyện Triệu Phong là nơi tranh chấp ác liệt giữa ta với địch; vừa là địa bàn trực tiếp tiêu diệt kẻ thù, vừa là hậu phương vững chắc trong các cuộc đấu tranh giành và giữ độc lập dân tộc. Mỗi tên đất, tên làng của Triệu Phong đều in hằn chiến tích hiển hách của quân và dân ta, gắn với những sự kiện lịch sử đấu tranh giải phóng quê hương, như Chiến khu Ba Lòng, chiến khu Chợ Cạn, Cảng Cửa Việt, chốt thép Long Quang, sân bay Ái Tử, sông Thạch Hãn, đặc biệt là sự kiện chiến đấu giành thắng lợi trong bảo vệ và giữ vững vùng giải phóng quê hương năm 1972, đã góp phần tích cực vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng tỉnh Quảng Trị, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Chốt thép Long Quang, di tích đặc biệt quốc gia- nơi ghi dấu chiến tích quân và Nhân dân Triệu Phong bảo vệ vùng giải phóng 1972

Thắng lợi của chiến dịch đường 9 - Nam Lào đã tạo tiền đề để quân ta tiến lên giành thắng lợi vẻ vang trong Xuân - Hè năm 1972. Đối với địa bàn huyện Triệu Phong mặc dù bối cảnh tình hình lúc đó có nhiều yếu tố không thuận lợi: Địch tập trung đánh phá ác liệt, chúng ráo riết “bình định” truy lùng cơ sở bí mật của ta, một số đồng chí Huyện ủy viên đã bị địch bắt, thủ tiêu), cơ sở bị tổn thất nặng, nhiều địa bàn quan trọng đang bị trống, lãnh đạo của Huyện ủy có lúc bị chia cắt, nhưng với quyết tâm thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương: giải phóng Quảng Trị vào mùa xuân 1972, theo phương châm tấn công - nổi dậy, nổi dậy - tấn công và sự hỗ trợ, hiệp đồng của các lực lượng. Đúng 5 giờ ngày 27/4/1972, đồng loạt các cánh quân tiến công dọc trục đường quốc lộ 1 và từ cánh Đông; thần tốc và mưu trí đến ngày 29/4/1972 quân ta đã đánh chiếm làm chủ quận lỵ Triệu Phong, giải phóng hoàn toàn huyện Triệu Phong.
Sự kiện giải phóng ngày 29/4/1972, đánh dấu mốc son vẻ vang trong lịch sử huyện nhà, thắng lợi này có ý nghĩa chiến lược cực kỳ quan trọng, tỏ rõ sự trưởng thành vượt bậc của quân đội Nhân dân Việt Nam và bộ đội địa phương, dân quân du kích Triệu Phong trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau ngày giải phóng, Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo Nhân dân thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách:
1. Trước hết ổn định tư tưởng, giải thích cho Nhân dân hiểu hết ý nghĩa thắng lợi để mọi người hăng hái tham gia xây dựng và bảo vệ vùng mới giải phóng, xây dựng công sự phòng tránh; giải quyết mọi hậu quả chiến đấu; làm vệ sinh môi trường; tranh thủ thu hoạch lúa màu, chuẩn bị sản xuất vụ hè thu; đồng thời sẵn sàng chiến đấu phục vụ chiến đấu chống địch phản kích.
2. Phổ biến rộng rãi chính sách của Mặt trận và của Chính Phủ Cách mạng lâm thời cho Nhân dân, thông qua gia đình mà kêu gọi binh sĩ, nhân viên nguỵ quyền đang lén lút sớm ra trình diện, nộp vũ khí, tài liệu cho chính quyền cách mạng cần được xử lý nghiêm minh.
3. Ra sức củng cố và xây dựng lực lượng vũ trang. Mỗi xã xây dựng một trung đội du kích tập trung. Bí thư chi bộ xã kiêm chính trị viên xã đội. Chọn người xây dựng đại đội bộ đội địa phương huyện đủ số lượng bảo đảm chất lượng.
4. Qua phong trào hành động của quần chúng, kết nạp hội viên vào các Đoàn thể giải phóng. Chú trọng củng cố và phát triển đoàn thanh niên nhân dân cách mạng.
5. Xúc tiến ngay việc thành lập chính quyền cách mạng các cấp. Ủy ban Nhân dân cách mạng huyện được thành lập, cùng thời gian trên, 18/18 xã trong huyện đã lập xong chính quyền cách mạng. Chính quyền cách mạng mới thành lập, cán bộ vừa làm vừa học, vừa rút kinh nghiệm, nhiệt tình, tận tuỵ bám dân điều hành công việc, phục vụ tốt nhiều công tác cấp bách.
Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy, Đảng bộ, quân và nhân dân huyện Triệu Phong khẩn trương, tích cực chuẩn bị, sẵn sàng chiến đấu chống địch “tái chiếm lãnh thổ”, bảo vệ quê hương giải phóng
Đúng như dự kiến của Tỉnh ủy, từ 14/6/12972 địch bắt đầu mở những đợt phản kích nhỏ có tính chất thăm dò và đến ngày 26/6/1972, ngụy quyền Sài Gòn điều động lực lượng lớn gồm một số đơn vị quân dự bị chiến lược mở cuộc phản kích nhằm tái chiếm Quảng Trị. Cùng với quân chủ lực và quân dân toàn tỉnh, Đảng bộ, quân và dân Triệu Phong tiếp tục chiến đấu mới trong điều kiện chiến trường ác liệt nhất. Vừa chiến đấu, phục vụ chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng; vừa lo tổ chức sơ tán hàng vạn dân ra phía sau. Đồng thời củng cố lực lượng, tổ chức ăn ở bám trụ chiến đấu và sản xuất, bảo vệ vùng giải phóng.
Được sự lãnh đạo của các tổ chức Đảng và chính quyền cách mạng, hàng vạn đồng bào vượt qua mưa bom bão đạn, vượt qua các trọng điểm đánh phá của địch sơ tán đến Gio Linh, Vĩnh Linh. Đến ngày 11/8/1972, đã sơ tán trên 30 ngàn dân ra Vĩnh Linh, Quảng Bình, xã nhiều nhất là Triệu Phước: 4.595 người. Số dân còn bám lại địa bàn hơn 10.000 người; số cán bộ, du kích 18 xã đang bám trụ địa bàn là 802 đồng chí (242 nữ), xã đông nhất là Triệu Thượng 99 đồng chí, xã ít nhất là Triệu Tài 11 đồng chí. Lực lượng vũ trang huyện bám trụ lại gần hai đại đội (C1: 62 đồng chí, C2: 33 đồng chí). Huyện đội 22 đồng chí và 38 cán bộ tỉnh tăng cường xuống. Ban an ninh huyện có 61 đồng chí. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện và các Đảng bộ cơ sở được củng cố một bước; Ban Thường vụ Huyện ủy lúc này có 5 đồng chí. Sau ổn định việc ăn ở, sản xuất cho Nhân dân ở nơi sơ tán, Huyện ủy chủ trương rút dần số cán bộ, du kích, một số người trẻ khoẻ trở về địa phương để tăng cường lực lượng chiến đấu, công tác, phục vụ chiến đấu và sản xuất. Nhờ thế lực lượng bám trụ địa bàn từ 800 lên 1.000 người, quân số của 2 đại đội bộ đội địa phương huyện 200 đồng chí, 300 du kích. Huyện còn tổ chức đội thanh niên xung phong hàng trăm người phục vụ cho B5 vận chuyển vũ khí, lương thực, thương binh; chưa kể hàng trăm thuyền của ngư dân xã Triệu Vân, xã Triệu Lăng phục vụ vận chuyển vũ khí, lương thực, thương binh vào ra Vĩnh Linh bằng đường thủy.
Với lực lượng đó, huyện đã phối hợp với các đơn vị chủ lực, các lực lượng của tỉnh và các huyện bạn, kiên cường bám trụ, chiến đấu và phục vụ chiến đấu, lập công xuất sắc. Tiêu biểu tại “chốt thép” Long Quang (Triệu Trạch) do xã đội trưởng Phan Tư Kỳ chỉ huy, nhân dân và du kích xã Triệu Trạch liên tục bám trụ bao vây, tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, bảo vệ vùng giải phóng; có thời điểm chỉ 7 đồng chí du kích đánh trả 1 đại đội thủy quân lục chiến ngụy có 5 xe tăng yểm trợ, bắn cháy 3 xe, diệt hàng chục tên, bắt tù binh, thu vũ khí, đẩy lùi cuộc lấn chiếm.
Du kích Triệu Sơn bắn rơi một chiếc máy bay địch. Đây là chiếc máy bay đầu tiên bị bắn rơi trong đợt chống phản kích. Tại “điểm nóng” Thạnh Hội (Triệu Vân) do đồng chí Trần Khánh Xiển chỉ huy và điểm chốt Vân Hòa (Triệu Hòa) do đồng chí Lương Hùng Cường - Bí thư Đảng ủy phụ trách, với tấm gương sáng của nữ đồng chí Tưởng bắn liền 4 quả đạn B40 tiêu diệt nhiều sinh lực địch.
Ở vùng giáp ranh, dũng sĩ Quang Trung - chiến sĩ du kích xã Triệu Ái đánh mìn đầy sáng tạo. Bám trụ kiên cường trên địa bàn đã bị bom đạn Mỹ hủy diệt không còn nơi che thân, một mình anh đã đánh hàng chục trận, diệt nhiều xe và hàng chục tên địch, được Nhân dân, du kích, cán bộ khen ngợi và học tập kinh nghiệm.
Trong 67 ngày đêm bám trụ chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng Đại đội 1 bộ đội địa phương huyện, cùng du kích các xã đánh 67 trận, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên địch. Trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu giữ vững chốt, 51 đồng chí là bộ đội địa phương và du kích huyện Triệu Phong đã anh dũng hy sinh.
Bị thất bài liên tiếp song Mỹ - ngụy vẫn tập trung một số lực lượng lớn, liều lĩnh mở cuộc hành quân “Tăng gô xi ti” đánh chiếm cảng Cửa Việt trước khi ký Hiệp định Paris. Ở Triệu Phong mở đầu cho cuộc hành quân này Mỹ - ngụy đã huy động máy bay B52 và pháo hạm tập trung bắn phá ác liệt, phái 2 tiểu đoàn thủy quân lục chiến, 3 thiết đoàn xe tăng đánh chiếm.
Để tiến hành đánh trả địch, trong ngày 25/1/1973, trung đội du kích xã Triệu Vân phối hợp với Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B (390) chặn đánh một mũi phản công giành thắng lợi, loại khỏi vòng chiến đấu 100 tên, bắn cháy 4 xe tăng và xe bọc thép. Trong đêm 26/1/1973 (trước khi Hiệp định Paris có hiệu lực), Mỹ- ngụy đã huy động lực lượng quân dự bị chiến lược cùng xe tăng, xe bọc thép yểm trợ nhằm tái chiếm Cửa Việt. Quyết tâm đập tan cuộc hành quân của địch, ta tập trung lực lượng mạnh, gồm Sư đoàn chủ lực 320B, các trung đoàn của Sư đoàn 325, 304 cùng các đơn vị vũ trang của tỉnh Quảng Trị, Đặc khu Vĩnh Linh, đặc công hải quân, du kích xã Triệu Vân cùng phối hợp với Trung đoàn 101 đánh vào đội hình địch ở phía đông làng Hà Tây, làng Vĩnh Hòa, diệt được 8 xe cơ giới, cắt đội hình địch làm hại. Bộ phận địch còn lại đánh vào các chốt của ta ở Hà Tây, Cửa Việt, điểm cao 12 nhưng đã bị du kích Triệu Vân cùng phối hợp với quân chủ lực đánh bật ra khỏi địa bàn, tiêu diệt hàng chục tên địch, phá hủy 2 xe M113, 1 xe tăng cùng nhiều phương tiện chiến tranh khác.Đến 10 giờ 30 phút ngày 31/1/1973, ta đã kiểm soát hoàn toàn khu vực từ cảng Cửa Việt đến Vĩnh Hòa, tuyến chốt từ Thạnh Hội đến Long Quang, Chợ Sãi.
Chiến thắng Cửa Việt thực sự là một cú đấm thép đập tan âm mưu lấn chiếm vùng giải phóng, làm rung động cả hệ thống phòng ngự của địch ở miền Nam. Chiến thắng đó có ý nghĩa to lớn, góp phần đánh bại âm mưu “tràn ngập lãnh thổ” của Mỹ ngụy, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, làm suy giảm ý chí chiến đấu của chúng; giữ vững vùng giải phóng, tạo thế đứng chân ở địa bàn có ý nghĩa quan trọng. 12 giờ 30 phút ngày 31/1/1973, Bộ Tư lệnh Mặt trận ra lệnh ngừng tiến công, chuyển vào thế bố trí mới để tiến hành cuộc đấu tranh chống địch lấn chiếm, giữ vững vùng giải phóng.
Thắng lợi của quân dân Triệu Phong, cùng với bộ đội chủ lực trong cuộc chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng đã góp phần vào giữ vững vùng giải phóng Quảng Trị, làm thất bại âm mưu “tái chiếm tỉnh Quảng Trị” của chính quyền Sài Gòn. Từ vùng tạm bị địch chiếm, huyện Triệu Phong được giải phóng, trở thành hậu phương trực tiếp của cách mạng miền Nam, là địa bàn đứng chân của các lực lượng chủ lực, nơi tập kết chi viện cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Sau khi huyện nhà được giải phóng hoàn toàn, phần lớn nhà cửa, làng mạc, đường sá bị tàn phá nặng nề; ruộng, vườn nham nhỡ bởi những hố bom cày xới, đất đai bị nhiễm nặng bom đạn chiến tranh còn sót lại; nền kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp là chính, đời sống Nhân dân gặp muôn vàn khó khăn,… đứng trước bộn bề khó khăn, thử thách tưởng chừng không thể vượt qua được, nhưng với ý chí tự lực tự cường, đoàn kết vươn lên, Đảng bộ huyện Triệu Phong đã lãnh đạo Nhân dân đoàn kết, đồng sức đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, từng bước chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, lao động để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, luôn thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, xây dựng đô thị văn minh có bước phát triển, hiện đang nỗ lực phấn đấu xây dựng huyện trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2023.

Tác giả bài viết: Dân Chính

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THÔNG TIN ĐIỀU HÀNH
  • Đang truy cập2
  • Máy chủ tìm kiếm0
  • Khách viếng thăm2
  • Hôm nay1441
  • Tháng hiện tại1441
  • Tổng lượt truy cập2.427.734