Chi tiết tin tức - Huyện Triệu Phong
Mô hình trồng dưa lưới áp dụng công nghệ cao tại Triệu Sơn
Để khai thác hết tiềm năng thế mạnh vùng cát, đầu năm 2020 được sự quan tâm của Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị, Dự án trồng dưa lưới trong nhà màng áp dụng công nghệ cao được huyện Triệu Phong tiến hành trồng thử nghiệm tại tại gia đình ông Lê Quang Thảo ở thôn Phương An, xã Triệu Sơn. Bước đầu mang lại tín hiệu vui cho gia đình trong việc thay đổi tư duy sản xuất, đầu tư phát triển kinh tế gia đình theo hướng hiện đại, bền vững.
Triệu Sơn có diện tích đất cát khá lớn, đây là một tiềm năng lợi thế chưa dược khai thác hết. Sau khi khảo sát chất đất tại vùng cát, dự án đã chọn hộ gia đình ông Lê Quang Thảo ở thôn Phương An xây dựng thí điểm mô hình dưa lưới áp dụng công nghệ cao. Trước đây, gia đình ông Lê Quang Thảo sản xuất các loại rau màu trên vùng cát như ném, đậu, mướp đắng, mướp ngọt... nhưng hiệu quả mang lại chưa cao. Gần 2 tháng nay, gia đình ông được Công ty TNHH Sumitomo Corporation Việt Nam (Nhật Bản) tài trợ về kinh phí, Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị hỗ trợ về kỹ thuật để triển khai thử nghiệm mô hình trồng dưa lưới áp dụng công nghệ cao trên diện tích vùng cát. Mô hình được thực hiện trên diện tích 1.000 m2 , bước đầu trồng 500 cây dưa lưới, tổng kinh phí của mô hình hơn 600 triệu đồng, trong đó gia đình ông Thảo đầu tư 160 triệu đồng để san ủi mặt bằng, xây dựng hệ thống nước, đúc trụ, làm nhà lưới khép kín đảm bảo nhiệt độ, độ ẩm đúng với quy định, giúp cây phát triển tốt. Quá trình thực hiện mô hình, Sở Nông nghiệp và PTNT bố trí cán bộ chuyên môn hướng dẫn gia đình ông về quy trình và công nghệ trồng dưa lưới trong nhà màng, trồng trực tiếp trên cát, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, ứng dụng công nghệ cao.
Mặc dù mới trồng thử nghiệm trên vùng đất cát ở Triệu Sơn nhưng cây dưa lưới rất thích nghi ở điều kiện nắng nóng, phát triển rất tốt, cây ra hoa đều và trái to, tỉ lệ đậu trái đạt trên 90%. Dưa lưới trồng trong nhà kính nên quản lý được sâu hại, dịch bệnh, giúp tiết kiệm công lao động. Ông Thảo cho biết: “Theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn, để thực hiện mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao hiệu quả, quá trình chăm sóc cho cây phải rất công phu, tỉ mỉ từ lúc cây ra 5 lá đến khi có trái 20 ngày, chúng tôi thường xuyên túc trực chăm bón, tỉa cành theo hướng dẫn và nhất là hệ thống tưới phải hoạt động đều đặn. Quan trọng nhất là thời kỳ thụ phấn, người trồng phải theo dõi, trực tiếp thụ phấn cho cây đúng thời gian cây vừa ra hoa vào buổi sáng. Phân bón cho cây phải sử dụng phân hữu cơ, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng và môi trường. Nếu như trên diện tích đất cát trước đây gia đình tôi trồng hoa màu mỗi vụ chỉ lãi 50 triệu đồng/ha thì cũng với diện tích này, theo tính toán của các chuyên gia, dự án trồng dưa lưới áp dụng công nghệ cao triển khai 1 năm sẽ trồng được 3,5 vụ, nếu giá cả thuận lợi mỗi vụ thu về từ 180 - 200 triệu đồng”.
Nói về tính khả thi của dự án và kế hoạch của chính quyền xã Triệu Sơn trong thời gian tới ông Nguyễn Hữu Vãn - Chủ tịch UBND xã Triệu Sơn cho biết thêm: “Sau khi Sở Nông nghiệp và PTNT quan tâm hỗ trợ đầu tư mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao cho hộ gia đình ông Lê Quang Thảo, chính quyền địa phương đã tạo mọi điều kiện để xây dựng mô hình này. Đây là mô hình hứa hẹn có triển vọng về hiệu quả kinh tế, góp phần giúp người dân tiếp cận, ứng dụng công nghệ tiên tiến để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng, không gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để khai thác tiềm năng vùng cát, mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình, góp phần xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương”.
Hiện nay dưa lưới của gia đình ông Thảo phát triển tốt, chỉ còn ít ngày nữa cho thu hoạch, sản phẩm được Công ty TNHH Sumitomo Corporation Việt Nam cam kết bao tiêu. Hy vọng với những thuận lợi bước đầu, mô hình ứng dụng công nghệ cao vào trồng dưa lưới sẽ tạo động lực cho gia đình ông Thảo cũng như các hộ dân ở xã Triệu Sơn mạnh dạn hơn trong đầu tư công sức, kinh phí để xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, hiệu quả.
Tác giả bài viết: Minh Kha – Cảnh Thu
Ý kiến bạn đọc
-
Cần hỗ trợ phát triển sản xuất rau canh tác tự nhiên
(23/09/2022) -
UBND huyện Triệu Phong triển khai công tác phòng chống tội phạm, AIDS, tệ nạn xã hội những tháng còn lại cuối năm 2020
(02/04/2022) -
Thầy giáo Nguyễn Chơn Cảm với học sinh nghèo
(02/11/2022) -
Chi đoàn Báo Quảng Trị: Tặng 66 suất quà cho điểm trường Mầm non Trấm và Tân Xuân
(02/11/2022) -
Triệu Phong hiệu quả việc đưa bộ giống lúa mới vào sản xuất
(23/09/2022) -
Lợi nhuận cao từ nuôi vịt bằng công nghệ mới ở xã Triệu Hòa
(23/09/2022) -
Hạt Kiểm lâm Triệu Phong: Tích cực tuyên truyền lưu động về công tác PCCCR và bảo vệ rừng
(02/04/2022) -
Triệu Phong: Đảm bảo cơ sở vật chất sẵn sàng cho năm học mới 2020-2021
(02/11/2022) -
Niềm vui của Lê Văn San
(02/11/2022) -
Huyện đoàn Triệu Phong: Tập huấn xây dựng Bản tin Thanh niên trên mạng xã hội
(02/11/2022)