Chi tiết tin tức - Huyện Triệu Phong

 

Kỷ niệm 465 năm Ngày Đoan quận công Nguyễn Hoàng dựng nghiệp trên đất Triệu Phong (1558 - 2023) và tưởng niệm 410 năm Ngày mất của chúa Tiên Nguyễn Hoàng (20/7/1613- 20/7/2023)

9:51, Thứ Hai, 7-8-2023 268 0

Chúa Tiên Nguyễn Hoàng với sự nghiệp mở mang bờ cõi về phương Nam
 

Ảnh: Tượng Chúa Tiên Nguyễn Hoàng

Chúa Tiên Nguyễn Hoàng hay Nguyễn Thái Tổ, sinh ngày 28/8/1525 mất 20/7/1613. Ông quê ở Gia Miêu Ngoại Trang, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, xứ Thanh Hóa, ngày nay thuộc địa phận thôn Gia Miêu, xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Nguyễn Hoàng là con thứ  2 của An Thành hầu Nguyễn Kim, người mở đầu cuộc trung hung nhà Lê vào năm 1533, chống lại nhà Mạc, đòi lại vương triều, thiết lập triều đình nhà Lê.
Xuất thân trong một gia đình đại quan, từ nhỏ đã được người cậu ruột là Thái phó Nguyễn Ư Dĩ nuôi dạy, Nguyễn Hoàng đã thừa hưởng được trí tuệ xuất sắc hơn người; ở ông có đủ 3 phẩm chất nhân, trí, dũng của một nhà chính trị lớn; là một người thông minh, mẫn tiệp, học rộng biết nhiều, văn võ tinh thông. Công lao tạo dựng sự nghiệp mở mang bờ cõi về phương Nam khởi nguồn đều từ tầm nhìn sắc sảo, phi thường của chúa. Ông là vị chúa Nguyễn đầu tiên, người đặt nền móng cho vương triều Nguyễn (1802 - 1945).
Bối cảnh khủng hoảng chính trị trầm trọng cuối thời Lê sơ và nội chiến Lê - Mạc kéo dài gần suốt thế kỷ XVI là một bi kịch lớn của Đại Việt. Chúa Nguyễn Hoàng cũng như thân phụ ông An Thành hầu Nguyễn Kim vừa là tác nhân, vừa là nạn nhân của bi kịch đó. Làm trai thời loạn, Nguyễn Hoàng sớm trải qua những thách thức nghiệt ngã của số phận: chứng kiến cái chết tức tưởi của cha và anh trai, đối diện với sự chuyên quyền, lấn át vua Lê của anh rể Trịnh Kiểm, bản thân nhiều phen thoát chết trong đường tơ kẽ tóc,... Không còn lựa chọn nào khác, năm 1558, Nguyễn Hoàng buộc phải rời khỏi đằng ngoài cùng với khoảng 300 tráng đinh, được Thái phó Nguyễn Ư Dĩ theo phò, rời quê hương Thanh Hóa, dong buồm ra biển hướng về phương Nam, mưu sự "Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân". Buổi đầu chạy vào phương Nam với nhiệm vụ trấn thủ đất Thuận Hóa, Nguyễn Hoàng không mong gì hơn là được yên thân trước mưu lược thâm sâu của người anh rể Trịnh Kiểm. Nguyễn Hoàng khôn khéo trong việc tìm nơi cắm chốt ban đầu.
Năm 1558, Nguyễn Hoàng đã chọn đất Ái Tử làm đất đứng chân, và làm thủ phủ của xứ Thuận Hóa; đây là một sách lược mang tính lịch sử, ở Quảng Trị lúc bấy giờ dân cư còn thưa thớt, đất đai nhiều nơi còn hoang vắng, không phải là “miếng mồi ngon” để các “anh hùng hào Kiệt” của họ Mạc và triều đình Lê - Trịnh quan tâm giành giật và để tránh khỏi những va chạm không cần thiết và bất lợi có thể xảy đến. 
Chọn Ái Tử - một vùng đất mới để khởi nghiệp, âm thầm xây dựng thực lực, thu phục nhân tâm để chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài. Việc chọn Thuận Hóa hoàn toàn không phải là sự lựa chọn cho riêng cá nhân, hay một mưu đồ cá nhân mà có sự tham vấn của các bậc trí thức hàng đầu đất nước như Nguyễn Bỉnh Khiêm và được sự chấp thuận ủy thác của cả chúa Trịnh và vua Lê. Sau khi vào trấn thủ Thuận Hóa, Nguyễn Hoàng tập trung nỗ lực vào hai việc chính: ổn định bộ máy chính quyền và mở mang bờ cõi.
Để ổn định chính quyền, buổi đầu chúa chọn  nơi dựng dinh trấn đầu tiên làm lị sở tại gò Phù Sa, làng Ái Tử thuộc huyện Đăng Xương (đời Lê là Vũ Xương), huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị ngày nay. Làng Ái Tử nằm bên bờ sông Thạch Hãn, được Nguyễn Hoàng xây dựng thành lũy Ái Tử vững chắc và phát triển sản xuất nông nghiệp, mở cảng Cửa Việt để giao thương với bên ngoài. Cả 3 dinh: Ái Tử; Trà bát, Dinh Cát đều được Nguyễn Hoàng lập nên ở vùng đất này. Năm 1558, Nguyễn Hoàng đã dựng dinh ở Ái Tử, sau đó vào năm 1570, do đất đai ngày càng mở rộng và yêu cầu an toàn của dinh cơ trong chiến tranh, Nguyễn Hoàng dời thủ phủ về thôn Trà Bát, cách Ái Tử khoảng hai cây số, đến năm 1600, thấy Trà Bát bất lợi nên lại dời dinh sang phía đông dinh Ái Tử (bấy giờ gọi là Dinh Cát).
Năm 1602, sau chuyến kinh lý vào Quảng Nam, nhận ra vị trí yết hầu của miền Thuận - Quảng, ông liền dựng dinh và cho con là Nguyễn Phúc Nguyên trấn nhậm. Sau khi Nguyễn Hoàng qua đời, các chúa Nguyễn nhiều lần dời thủ phủ vào Phước Yên rồi Kim Long (năm 1626). Cuối cùng, là Phú Xuân (Huế) năm 1687. Từ đó, Phú Xuân trở thành Kinh đô của Đàng Trong cũng như của nước Việt thời vương triều Nguyễn (1802 - 1945).
Sự kiện năm 1558, Nguyễn Hoàng nhận lệnh vào trấn thủ Thuận Hóa được xem là cột mốc mở đầu cho quá trình mở cõi về phương Nam. Năm 1570 kiêm quản thêm trấn Quảng Nam, Năm 1597, chúa Nguyễn Hoàng khai khẩn vùng đất Phú Yên, Năm 1611 lập ra phủ Phú Yên. Phú Yên được xem là một khởi động táo bạo, hợp lý đầy tiềm năng trong bước khởi đầu thành lập Đàng Trong. Đây là thời kỳ chúa Nguyễn đẩy mạnh quá trình mở nước về phía Nam, khai chiếm và làm chủ các vùng đảo ở Biển Đông, thực hiện chính sách mở cửa, phát triển kinh tế để đủ thực lực chống với chúa Trịnh. Sự kiện năm 1611 đã xác lập chủ quyền lãnh thổ của Đại Việt đến đèo Cả (ranh giới giữa Phú Yên và Khánh Hòa), tạo ra thế và lực mới cho công cuộc mở đất của các chúa Nguyễn về phương Nam.
Trong suốt 55 năm trấn giữ Thuận - Quảng, trước sau Nguyễn Hoàng vẫn tuân theo thể chế chính trị - xã hội của nhà Hậu Lê. Tại thủ phủ đầu tiên là Ái Tử, về luật pháp, Nguyễn Hoàng cho áp dụng bộ luật Hồng Đức. Về tổ chức quân đội, Nguyễn Hoàng đã tổ chức lại quân đội theo hướng chuyên nghiệp có kỷ luật, trật tự trị, nhiều binh chủng có quân thủy, quân bộ, quân tượng. Việc tập luyện, áp dụng kỷ luật chiến đấu và phòng vệ nghiêm ngặt trong quân đội luôn được thực hiện, để củng cố sức mạnh nội lực cho việc quốc phòng và an ninh. Ông còn cho người học tập kỹ thuật chế tạo vũ khí hiện đại của Tây phương, đúc chế tác vũ khí cho quân đội.
Năm 1572, chúa Nguyễn Hoàng đã đánh bại tướng Mạc là Lập Bạo trên cửa sông Ái. Mặt khác, Nguyễn Hoàng lại thi hành chính sách ngoại giao khôn khéo, mềm dẻo với vua Lê - chúa Trịnh để giữ vững sự độc lập cũng như quyền lợi của vùng đất mới.
Về kinh tế được chúa khuyến khích, từ việc hỗ trợ nông cụ, lương ăn đến chăm lo bảo vệ an ninh, trừ cường, nên dân chúng chăm lo công việc đồng áng, chăn nuôi và Ông đặc biệt quan tâm đến phát triển thương mại.  
Nguyễn Hoàng có uy lực, xét kỹ nghiêm minh, không ai giám lừa dối, việc gì cũng làm ơn cho dân, dùng phép công bằng, răn giữ bản hộ, cấm đoán kẻ hung dữ. Những đóng góp của Nguyễn Hoàng, trên vùng đất mới đã được đánh giá. "Bấy giờ chúa ở trấn 12 năm, chính sự rộng rãi, quân lệnh nghiêm trang, nhân dân đều yên cư lạc nghiệp, chợ không hai giá, không có trộm cướp. Thuyền buôn các nước đến nhiều. Trấn trở nên một đô hội lớn". Dinh Ái Tử trở thành một nơi đô hội, người dân sống bình yên và no ấm. Mọi người biết ơn và quý trọng tôn làm chúa Tiên.
Trong suốt thời kỳ trấn trị xứ Thuận - Quảng, là người tài trí, chúa Nguyễn Hoàng sớm nhận thức được điểm mạnh, điểm yếu của vùng đất ông cai quản, được trực tiếp tham gia vào luồng thương mại biển đang phát đạt ở Đàng Trong, cũng như sớm biết tiếp nhận văn hóa biển của người Chăm, vì thế Ông đã sớm hình thành tư duy kinh tế thương mại. Chính sách hướng biển của Nguyễn Hoàng không chỉ được thể hiện trong tầm nhìn chọn vị trí đặt thủ phủ mà còn được thể hiện trong những chính sách cởi mở với thương nhân ngoại quốc và biến các cảng thị của Đàng trong trở thành trung chuyển hàng hóa, địa điểm neo đậu và giao thương lý tưởng cho các thuyền buôn ngoại quốc. Thiết lập thủ phủ trên đất Quảng Trị vị trí này còn đưa Nguyễn Hoàng tới gần hơn các thương nhân ngoại quốc ở phía Đông thông qua cảng Cửa Việt và còn kế thừa những di sản của người Chăm, vì cảng Cửa Việt đã từng là thương cảng lớn nhất của Chămpa.
Với tư duy kinh tế mới cộng với những thuận lợi căn bản nói trên đã được chúa Nguyễn Hoàng phát huy. Chỉ trong vòng mấy thập niên, Nguyễn Hoàng đã đưa xứ Thuận - Quảng trở nên một xứ giàu có. Dưới thời Nguyễn Hoàng "thuyền buôn các nước đến nhiều, Trấn trở nên một nơi đô hội lớn". Hai thương cảng Thanh Hà và Hội An khởi sắc, góp phần lớn vào hoạt động thương mại nhộn nhịp của Thuận - Quảng với Đông Nam Á, Trung Quốc và Nhật Bản. Vị chúa khai mở Triều Nguyễn từ bỏ mô thức kinh tế nông nghiệp truyền thống, để thay vào đó là mô thức kinh tế thương nghiệp, với các hoạt động buôn bán giao thương trên biển. Nguyễn Hoàng đã thực thi nhiều chính sách phát triển ngoại thương. Với vai trò là vị chúa khai mở, Nguyễn Hoàng đã đặt nền tảng vững chắc cho nền kinh tế hàng hải tại Đàng Trong.
Trên lĩnh vực văn hóa, chúa Nguyễn Hoàng khéo léo dung hợp các nền văn hóa của các cộng đồng tộc người trên vùng đất mình cai quản. Bên cạnh dòng văn hóa Việt ngày càng khẳng định vị trí chủ lưu trong văn hóa vùng Thuận - Quảng, chúa Nguyễn Hoàng và thế hệ người Việt cùng thời với ông đã chủ động giao thoa, thuận hòa văn hóa Việt và văn hóa Chăm. Tín ngưỡng dân gian của người Việt và người Chăm sớm tìm được sự tương đồng. Trong buổi đầu mở cõi về phương Nam những khác biệt giữa văn hóa Việt và văn hóa Chăm chúa Nguyễn Hoàng đã lấy giáo lý Phật giáo như một phương thức để làm dịu sự khác biệt đó.
Ngay từ những ngày đầu đặt chân đến đất Ái Tử, chúa đã cho dựng chùa Tịnh Quang, chẳng bao lâu lại ban sắc phong là Sắc Tứ Tịnh Quang tự. Chúa còn cho sửa sang và xây dựng nhiều ngôi chùa mới. Nhưng công trình có ý nghĩa nhất là xây dựng chùa Thiên Mụ (1601) tại Thuận Hóa. Ông có một tư tưởng và chính sách rất rõ ràng và các đời chúa Nguyễn kế nhiệm tiếp tục thực hiện trên vùng đất mới đó là: "cư Nho, mộ Thích" là phương cách hiệu quả để củng cố quyền lực lâu dài trên vùng đất mới. Đây là tư tưởng cai trị phù hợp và cởi mở hơn hẳn so với tư tưởng cai trị dựa hẳn vào Nho giáo của chính quyền Lê - Trịnh đương thời. Suốt 55 năm cai trị Thuận - Quảng Nguyễn Hoàng vừa là một vị tướng mưu lược vừa là một vị chúa khôn ngoan lại có lòng nhân đức, biết thu phục hào kiệt, vỗ về dân chúng, lo phát triển kinh tế, biết nhẫn nhịn chờ thời cơ, lập chí lớn, mở mang bờ cõi, gây dựng cơ nghiệp lâu dài, phát triển kinh tế cho đất nước, tạo nên sự phong phú đa dạng về văn hóa cho dân tộc.
Nguyễn Hoàng bằng tài năng và đức độ của mình, đã biết khắc phục những khó khăn và phát huy những thuận lợi trong công cuộc khai hoang nên đã "nhanh chóng khai thác đất đai và nhanh chóng xây dựng Thuận - Quảng thành những tỉnh phồn vinh và giàu có". Từ đó, Thuận - Quảng trở thành hậu phương vững chắc cho chính quyền Đàng Trong, thành bàn đạp cho toàn bộ sự nghiệp phát triển của vùng Đàng Trong.
Trong sự nghiệp mở cõi về phương Nam, Nguyễn Hoàng chỉ mới mở đất đến Phú Yên nhưng đó là bước khởi đầu rất quan trọng để các chúa Nguyễn sau đó tiếp nối đến thế kỷ XVIII thì mở cõi vào đến tận đồng bằng sông Cửu Long, khi toàn bộ vùng đất Nam Bộ sáp nhập vào đất Đàng Trong năm 1757 ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà lịch sử giao phó.
Những sự kiện trong giai đoạn lịch sử này đã đánh một dấu mốc hết sức quan trọng trong quá trình Nam tiến và khai phá xứ Đàng Trong của người Việt. Nguyễn Hoàng và các thế hệ chúa Nguyễn tiếp nối đã hoàn thành công cuộc khai phá, mở mang bờ cõi, hình thành nên một nước Việt Nam rộng lớn, bao gồm cả đất liền, hải đảo; kể cả hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, một Việt Nam hoàn chỉnh như ngày hôm nay.
410 năm trôi qua kể từ ngày chúa Tiên từ trần. Người đời sau soi lại toàn bộ sự nghiệp của Ông cho thấy một danh nhân, xứng đáng vào hàng ngũ minh vương, chăm lo cho quần dân, người đặt nền tảng vững chắc đối với việc mở rộng lãnh thổ đất nước thế kỷ XVI - XVII.

BAN BIÊN TẬP

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THÔNG TIN ĐIỀU HÀNH
  • Đang truy cập6
  • Máy chủ tìm kiếm0
  • Khách viếng thăm6
  • Hôm nay2288
  • Tháng hiện tại2288
  • Tổng lượt truy cập2.424.072