Chi tiết tin tức - Huyện Triệu Phong

 

Xây dựng chuồng cao đầu tư chăn nuôi tổng hợp ở vùng thấp trũng

01/04/2022 273 0

Anh Nguyễn Văn Tuyến ở thôn Đại Thượng Hạ, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong được nhiều người biết đến là một nông dân không bao giờ chịu khuất phục trước khó khăn. Đặc biệt, sống ở vùng có địa hình thấp trũng, qua nhiều lần bị thiệt hại về vật nuôi do mưa lũ, anh đã nghiên cứu cách thức xây dựng chuồng trại phù hợp, an toàn. Nhờ vậy, mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình anh duy trì tốt và mang lại thu nhập ổn định.

Mô hình chuồng trại cao ráo giúp anh Tuyến duy trì hiệu quả mô hình chăn nuôi trong mùa mưa lũ.

Cho đến bây giờ, anh Tuyến vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại những trận lũ vào cuối năm 2020 đã gây thiệt hại lớn về tài sản cho gia đình mình và người dân địa phương. Nước lũ về bất ngờ làm trôi toàn bộ lợn, gà, cá của gia đình anh, thiệt hại khoảng 400 triệu đồng, đó là số tài sản mà gia đình anh bao năm làm lụng vất vả, chắt chiu gây dựng nên. Không chịu buông xuôi, anh Tuyến xoay xở vốn xây dựng lại chuồng trại và tạo nguồn giống sản xuất lâu dài.
Rút kinh nghiệm từ những năm trước, để đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi trong mùa mưa lũ, chuồng trại được anh xây cao hơn mặt đất khoảng 2 m (cao hơn so với mực nước lũ hằng năm), kiên cố bằng bê tông, cốt thép, có mái lợp và bậc cấp lên xuống; bố trí các loại vật nuôi phù hợp theo từng khu vực; chuồng trại cao ráo, kín gió, có đèn sưởi ấm, kho dự trữ thức ăn khô trong mùa mưa lũ để đảm bảo sức khỏe cho vật nuôi. Sau đó, anh đầu tư lợn nái, lợn thịt, bò và gia cầm các loại để tái chăn nuôi. Đến nay, sau 1 năm trắng tay vì thiên tai, mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình anh ổn định trở lại với 7 lợn nái, 4 con bò và hàng trăm con gà, vịt.
Để giảm chi phí trong chăn nuôi, anh tận dụng nguồn thức ăn sẵn có ở địa phương, đồng thời trồng thêm cỏ để nuôi bò. Tận dụng đất vườn còn trống, anh trồng thêm các loại cây ăn quả như bưởi, ổi để tăng thêm thu nhập. Nhờ vậy, từ đầu năm 2021 đến nay lợn nái của gia đình anh sinh sản được 2 lứa, anh xuất bán khoảng 140 con lợn thịt, 2 con bò, hàng trăm con gà, vịt và trứng. Sau khi trừ các loại chi phí, gia đình anh lãi khoảng 120 triệu đồng từ mô hình này. Với điều kiện làm ăn ở một xã thường xuyên bị ngập lụt như Triệu Long thì đây là một nguồn thu không nhỏ đối với người nông dân, nhất là chỉ mới 1 năm trước đây thôi cả gia đình anh còn thẫn thờ nhìn đàn vật nuôi trôi theo dòng nước lũ. Anh Tuyến chia sẻ: “Kinh tế của gia đình tôi chủ yếu dựa vào chăn nuôi. Những năm về trước, trừ mọi chi phí, bình quân mỗi năm chúng tôi lãi trên 100 triệu đồng từ mô hình chăn nuôi tổng hợp. 
Sau thiệt hại nặng nề trong trận lụt năm 2020, tôi suy nghĩ rất nhiều và quyết định thay đổi phương thức chăn nuôi phù hợp với điều kiện thấp trũng ở quê mình. Nghiên cứu cách xây dựng chuồng trại ở vùng thấp lụt và cập nhật thêm kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh mới, tôi quyết định vay thêm vốn đầu tư xây dựng chuồng trại và chuẩn bị các điều kiện giúp cho vật nuôi an toàn, nhất là mùa mưa lũ kéo dài. Vấn đề vệ sinh môi trường cũng phải được xử lý tốt, không để ảnh hưởng đến những hộ gia đình xung quanh. Tôi cảm thấy khá yên tâm khi đợt mưa to trong tháng 10 vừa qua, nước lũ dâng khá cao nhưng đàn vật nuôi của gia đình tôi vẫn an toàn vì chuồng trại được xây dựng cao ráo”.
Không chỉ là người biết tìm tòi, sáng tạo trong làm ăn, anh Tuyến còn tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương. Được tín nhiệm bầu làm ủy viên Ban Thường vụ Hội Nông dân xã, Trung đội trưởng cơ động của xã, Phó Bí thư Chi bộ thôn Đại Thượng Hạ, nhiệm vụ nào anh cũng nỗ lực hoàn thành tốt.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Triệu Long Lưu Thị Thủy cho biết: “Xã Triệu Long thuộc vùng thấp lụt ở huyện. Do đó, việc xây dựng các mô hình sản xuất, chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa lũ, gây thiệt hại lớn cho nông dân. Để thích ứng với điều kiện thiên tai, thời gian gần đây nhiều hội viên nông dân đã chịu khó học hỏi, tìm tòi cách xây dựng mô hình chăn nuôi phù hợp, an toàn mỗi khi mưa lũ. Nổi bật là mô hình chăn nuôi tổng hợp của anh Tuyến đã góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy phong trào chăn nuôi gia súc, gia cầm ở địa phương ngày càng phát triển. Đây là một hội viên còn trẻ nhưng rất chịu khó, biết khắc phục khó khăn để duy trì và mở rộng chăn nuôi ở vùng thường xuyên bị ngập lụt. Thời gian tới, hội sẽ tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân trên địa bàn xã học tập, nhân rộng mô hình này để phát triển kinh tế hiệu quả, phù hợp với điều kiện địa hình thấp trũng”.

Tác giả bài viết: Hồng Lĩnh – Minh Kha

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THÔNG TIN ĐIỀU HÀNH
  • Đang truy cập35
  • Máy chủ tìm kiếm0
  • Khách viếng thăm35
  • Hôm nay935
  • Tháng hiện tại935
  • Tổng lượt truy cập2.732.187