Chi tiết tin tức - Huyện Triệu Phong

 

Cần hỗ trợ phát triển sản xuất rau canh tác tự nhiên

8:52, Thứ Sáu, 23-9-2022 152 0

Những năm gần đây, sản xuất nông sản theo hướng canh tác tự nhiên, tạo ra chuỗi sản phẩm sạch, an toàn được nông dân huyện Triệu Phong triển khai tích cực. Tuy nhiên, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài đã gây tác động không nhỏ, đặc biệt là đối với sản phẩm rau màu; khi điều kiện cơ sở vật chất phục vụ sản xuất còn rất nhiều hạn chế.

Rất ít hộ dân có điều kiện đầu tư xây dựng hệ thống nhà màng kín để phục vụ sản xuất rau canh tác tự nhiên như gia đình chị Hoàng Thị Yến

Chương trình sản xuất sạch theo hướng canh tác tự nhiên tại xã Triệu Tài  được triển khai từ cuối năm 2015 gồm 23 dân hộ tham gia, với tổng diện tích gần 1,3 ha; quy hoạch thành vùng tập trung ở thôn Thâm Triều và một số vườn của các hộ dân ở thôn An Trú. Ban đầu, các hộ tham gia dự án được dự án tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho rau màu theo một phương pháp hoàn toàn mới. Đó là chỉ sử dụng phân bón hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp, cây xanh, phân động vật…để bón cho cây trồng. Tuyệt đối không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích sinh trưởng… thuốc trừ sâu bệnh được làm ra dựa trên các nguyên vật liệu sẵn có như gừng, tỏi, ớt v.v.  Việc áp dụng chặt chẽ quy trình kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh theo quy định, đảm bảo các loại rau quả đưa ra thị trường có chất lượng sạch và an toàn. Theo thực tế sản xuất, vào thời điểm chính vụ rau, thời tiết thuận lợi, các loại rau quả phát triển tốt, ít sâu bệnh. Tuy nhiên, trong điều kiện thời tiết nắng nóng hoặc mưa lớn kéo dài, nếu khi cơ sở vật chất phục vụ sản xuất hạn chế người trồng rau sẽ gặp nhiều khó khăn. Các loại rau, màu sinh trưởng và phát triển kém, chất lượng và sản lượng thấp, quay vòng sản xuất chậm, ảnh hưởng đến thu nhập của bà con.
 Ông Hoàng Thanh Muồng - thôn An Trú – Triệu Tài – Triệu Phong, chia sẻ: Qua quá trình tham gia dự án này, tôi nhận thấy rằng mô hình rau sạch này có nhiều lợi ích. Thấy rõ nhất là giúp bảo vệ người canh tác, bảo vệ người tiêu dùng. Nhưng thhình thức canh tác này lại phụ thuộc thời tiết và rất đa công. Đa công ở chỗ, buộc mình phải bắt sâu, bơm vi sinh học, ko được bơm hóa chất. Rau sạch nhưng hình thức, người tiêu dung vẫn rất ưa chuộng. Mong muốn của người canh tác như chúng tôi có sự hỗ trợ để xây dựng nhà kín, nhà lưới. Để từ đó làm chủ được thiên nhiên; Sản xuất rau màu được hiệu quả, dù thời tiết có bất lợi như thế nào.
Trong số 23 hộ dân xã Triệu Tài tham gia dự án, một số ít gia đình có điều kiện đầu tư xây dựng hệ thống nhà màng kín, có kết cấu vững chắc, chịu được sự tác động của thời tiết. Trong số đó, có mô hình của gia đình chị Hoàng Thị Yến, ở thôn An Trú. Đến thăm mô hình rau can tác tự nhiên của gia đình chị vào những ngày đỉnh điểm nắng nóng, vẫn thấy vườn rau với đủ các loại rau xanh tốt, đẹp mặt. Chị Yến cho biết, năm 2017, gia đình chị bắt đầu tham gia mô hình sản xuất rau canh tác tự nhiên cùng với 4 hộ trong thôn An Trú.  Mặc dù phương pháp sản xuất này đa công, nhưng nhận thấy nhiều lợi ích nên chị và bà con vừa làm vừa học học hỏi với một quyết tâm cao. Vào chính vụ rau, thời tiết thuận lợi,việc áp dụng theo phương thức canh tác tự nhiên cũng khá dễ dàng, ít râu bệnh. Mặc dù rau không nõn nà, xanh mướt như canh tác thông thường nhưng chất lượng đảm bảo, bảo quản được lâu hơn, đặc biệt là không độc hại cho người sản xuất. Tuy nhiên, vào mùa khô hoặc mùa mưa, rau màu bị tác động bởi thời tiết, dẫn đến kém phát triển, nhiều sâu bệnh. Trước tình hình đó, gia đình chị đã đầu tư gần 100 triệu đồng, xây dựng hệ thống nhà kín với hệ thống phun tưới tự động, phục vụ sản xuất. Nhờ thế, rau canh tác tự nhiên của gia đình chị vẫn giữ được ổn định về sản lượng và chất lượng quanh năm. Thu nhập từ trồng rau cũng từ đó khấm khá hơn. 
Theo chương trình dự án, sản xuất rau canh tác tự nhiên được triển khai tại 4 xã tại huyện Triệu Phong gồm Triệu Tài, Triệu Trạch, Triệu Thượng và Triệu Trung với tổng diện tích khoảng 20.000 mét vuông. Trong đó có 2 nhóm được quy hoạch tập trung với diện tích khoảng 10.000 mét vuông tại 2 xã Triệu Tài và Triệu Thượng. Hầu hết các mô hình, cơ sở vật chất phục vụ sản xuất còn khá đơn giản, chủ yếu là các mái che làm bằng màng lưới nhằm giảm bớt tác động của mưa gió, nắng nóng; không có tác dụng ngăn ngừa các loại côn trùng, sâu bệnh. Giá trị nông sản vì thế chưa ổn định; năng suất và hiệu quả kinh tế thấp. Một số hộ dân có biết, do thời tiết nắng nóng, tác động lớn đến sản xuất các loại rau nên vào mùa hè, nhiều mô hình đã chuyển từ trồng rau sang trồng các loại cây có thích ứng tốt như đậu xanh, ném, ớt…để cải thiện thu nhập.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Triệu Tài – Triệu Phong, cho biết: Đối với xã Triệu Tài, ngoài việc phát triển sản xuất cánh đồng lớn đối với cây lúa, địa phương có nguồn đất lớn, màu mỡ để phát triển trồng rau, màu. Được sự hỗ trợ của dự án, trong những năm qua, chúng tôi đã triển khai một số mô hình trồng rau canh tác tự nhiên. Bước đầu mang lại hiệu quả, đặc biệt tạo được nguồn nông sản sạch cung ứng cho thị trường. Tuy nhiên qua tìm hiểu thấy rằng, mô hình sản xuất rau canh tác tự nhiên này còn gặp nhiều khó khăn. Tuy bà con được tập huấn kỹ thuật nhưng cơ sở vật chất phục vụ cho sản xuất còn thiếu thốn, phụ thuộc rất nhiều vào tự nhiên, vào thời tiết. Bên cạnh đó, quy trình để sản xuất rau canh tác tự nhiên rất đa công, sản phẩm thực sự sạch, an toàn. Tuy nhiên, vấn đề chứng nhận chất lượng sản phẩm còn khó khăn. Dẫn đến thị trường chưa ổn định, giá trị kinh tế của sản phẩm chưa cao. Trong thời gian tới, mong các cấp các ngành quan tâm hỗ trợ về vật chất, kỹ thuật cho mô hình cũng như quảng bá thương hiệu rau sạch để mở rộng thị trường để ổn định thu nhập cho người dân trên lĩnh vực sản xuất rau canh tác tự nhiên.  
 Để đảm bảo tính bền vững và phát triển nhân rộng mô hình sản xuất rau canh tác tự nhiên, giúp người dân yên tâm sản xuất, có mức thu nhập tương xứng với chất lượng sản phẩm và công sức chăm bón, thiết nghĩ cần có sự hỗ trợ của các cấp các ngành về nhiều mặt cơ sở vật chất phục vụ sản xuất; Đồng thời xây dựng chứng nhận sản phẩm để nông sản có giá bán cao hơn, thị trường được ổn định hơn./.

Tác giả bài viết: Kim Thoa - Cảnh Thu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THÔNG TIN ĐIỀU HÀNH
  • Đang truy cập3
  • Máy chủ tìm kiếm0
  • Khách viếng thăm3
  • Hôm nay4844
  • Tháng hiện tại4844
  • Tổng lượt truy cập2.437.823