Chi tiết tin tức - Huyện Triệu Phong

 

Triệu Trạch hiệu quả từ đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp

31/10/2022 203 0

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, những năm trở lại đây xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong đã triển khai nhiều giải biện pháp khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Xã Triệu Trạch đã tập trung quy hoạch vùng, đưa những cây trồng, con nuôi vào sản xuất để khai thác thế mạnh của địa phương, xây dựng các mô hình kinh tế trang trại có quy mô lớn, xây dựng vùng chuyên canh, tạo ra những bước chuyển mạnh mẽ trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương, đưa lại giá trị kinh tế cao trên các lĩnh vực sản xuất.

Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp trên cánh đồng lớn của HTX Long Quang

Trên cơ sở các Nghị quyết, quy hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015 – 2020 và Đề án sản xuất vùng cát để hoàn thiện quy hoạch nghành nông nghiệp, xã Triệu Trạch đã xây dựng kế hoạch về quy hoạch vùng  đất xây dựng mô hình trang trại, gia trại và trồng màu chuyên canh tập trung ở vùng cát. Việc phát triển trang trại, gia trại gắn với mô hình VACR được chú trọng gắn với đảm bảo môi trường. Bên cạnh đó, xã chú trọng việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, ưu tiên các ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao đối với các mô hình sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả. Điển hình như mô hình chăn nuôi gà, lợn khép kín, áp dụng công nghệ cao tại mô hình anh Lê Đình Vững ở thôn Đồng Tâm là trang trại chăn nuôi lớn nhất trên địa bàn xã Triệu Trạch. Từ năm 2017, mô hình trang trại của anh Vững bắt đầu ứng dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật công nghệ cao vào chăn nuôi, nhờ đó mà số lượng đàn vật nuôi được tăng lên cả về chất lượng lẫn số lượng. Hiện nay, trang trại của anh có quy mô 3 ha, trung bình mỗi lứa anh thả nuôi từ 1.700 - 1.800 con lợn và 17.000 con gà. Anh Lê Đình Vững cho biết: “Trước kia chỉ là trang trại nhỏ nhưng từ khi được xã tạo điều kiện về mặt bằng, quỹ đất để xây dựng, tôi đã mạnh dạn đầu tư vốn, cơ sở vật chất để chuyển đổi phương thức sản xuất, có liên doanh liên kết với công ty cổ phần chăn nuôi CP để bao tiêu sản phẩm. Nhờ đó đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Khi sản phẩm làm ra có liên kết tiêu thụ sản phẩm với Công ty thì đầu ra và giá cả ổn định. Trước đây chủ yếu chăn nuôi tự phát, chủ yếu theo nhu cầu của thị trường nên lãi không có, nguy cơ dịch bệnh tăng, vì hình thức nuôi chủ yếu là nuôi gối đầu, lứa này chưa xuất được thì tiếp tục nhập lứa khác nên dịch bệnh dễ xảy ra”. 
Xác định vai trò của các Hợp tác xã (HTX) rất quan trọng trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp của xã. UBND xã Triệu Trạch đã chỉ đạo các HTX rà soát  lại tổng thể đất sản xuất, quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh cụ thể theo từng vùng như: xây dựng cánh đồng lớn, vùng sản xuất lúa sạch, lúa chất lượng cao, vùng sản xuất cây công nghiệp ngắn ngày, vùng rau quả, vùng chăn nuôi tập trung theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm….Nhờ vậy, đến nay, toàn xã đã xây dựng được 03 cánh đồng lớn sản xuất lúa với diện tích 90 ha ở Linh An, Long Quang, Vân Tường cho thu nhập 100 triệu đồng/ha/năm và 01 cánh đồng màu 12 ha ở thôn Long Quang; Duy trì mô hình canh tác tự nhiên ở đơn vị Linh An, Vân Tường với diện tích 4,8 ha và đưa một số giống lúa chất lượng cao vào thử nghiệm và sản xuất như: HN6, HDDT10, TBR279,…trong đó giống lúa HN6 phù hợp với đồng đất của địa phương đã cho giá trị lợi nhuận rất cao; Chuyển đổi nhiều vùng sản xuất lúa kém hiệu quả sang mô hình sen - cá với diện tích 9,7 ha. Bên cạnh chú trọng việc quy hoạch phát triển cây trồng, vật nuôi và các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa, xã Triệu Trạch luôn khuyến khích và tạo điều kiện để các doanh nghiệp, các cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, ưu tiên các dự án khai thác tiềm năng lợi thế vùng cát và các sản phẩm sạch có liên kết tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân, các mô hình sản xuất công nghệ mới, công nghệ cao. Hiện nay, toàn xã có 18 trang trại và gia trại đang phát triển theo mô hình chăn nuôi lợn - gà, cá và trồng cây dược liệu, thanh long ruột đỏ. Đặc biệt là mô hình chăn nuôi được phát triển theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp với các trang trại nuôi lợn khép kín công nghệ cao và nuôi gà công nghệ cao bằng hệ thống nhà kính được bao tiêu sản phẩm đầu ra. Sản phẩm Dưa hấu Long Quang hiện đã hoàn thiện hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền để được công nhận là sản phẩm chủ lực của địa phương theo chương trình Mỗi xã mỗi sản phẩm, 
Điểm đáng chú ý trong phát triển kinh tế của Triệu Trạch là đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững để không ngừng nâng cao giá trị kinh tế ngành nông nghiệp của xã. Ông Lê Đình Liêm – Bí thư Đảng ủy xã Triệu Trạch cho biết: “ Trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã Triệu Trạch luôn bám sát Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới của tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2017-2020, định hướng đến 2025. Nhờ đó, xã Triệu Trạch từ một địa phương chủ yếu là thuần nông, sau khi thực hiện Đề án tái cơ cấu lại nền nông nghiệp, chuyển đổi một số ruộng đất kém hiệu quả sang mô hình sen - cá, phát triển trang trại, gia trại, xây dựng cánh đồng lớn, cánh đồng màu, thực hiện liên doanh, liên kết để tiêu thụ sản phẩm, trong đó có mô hình canh tác tự nhiên đã đem lại hiệu quả sản xuất cao hơn so với sản xuất thông thường, nhờ đó mà đời sống người dân ngày càng được cải thiện”.
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp là chủ trương lớn được xã Triệu Trạch cụ thể hóa bằng nhiều giải pháp va mang lại hiệu quả cao. Năm 2019, giá trị  thu nhập từ ngành Nông – Lâm – Thủy sản đạt 90,47 tỷ đồng, trong đó giá trị từ trồng trọt đạt 35,1 tỷ đồng, giá trị chăn nuôi đạt 32,1 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 ước đạt 45,8 triệu đồng./. 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THÔNG TIN ĐIỀU HÀNH
  • Đang truy cập4
  • Máy chủ tìm kiếm0
  • Khách viếng thăm4
  • Hôm nay998
  • Tháng hiện tại998
  • Tổng lượt truy cập2.760.443