Chi tiết tin tức - Huyện Triệu Phong

 

Triển vọng mô hình nuôi thỏ vùng thấp trũng ở xã Triệu Long

15:58, Thứ Hai, 31-10-2022 102 0

Xã Triệu Long huyện Triệu Phong là địa bàn thấp trũng, những năm gần đây, bà con nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị kinh tế. Nhờ đó, nhiều mô hình có triển vọng đã giúp bà con từng bước vươn lên giảm nghèo và làm giàu. Mô hình nuôi thỏ của gia đình ông Nguyễn Hữu Đoan ở thôn Bích La Thượng là một trong những minh chứng điển hình.

Lãnh đạo xã Triệu Long kiểm tra mô hình nuôi thỏ của ông Đoan

Trên cơ sở định hướng của địa phương về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, mang lại nhiều lợi nhuận, ông Nguyễn Hữu Đoan ở thôn Bích La Thượng đã đầu tư chăn nuôi thỏ ngay tại vùng đất thấp trũng của gia đình. Sau 1 năm triển khai nuôi, mô hình nuôi thỏ của ông là một trong số mô hình được đánh giá đi đầu đổi mới trong cách làm ăn ở địa phương.        
Nhận thấy, thỏ là vật nuôi có nhiều ưu điểm vượt trội, đầu năm 2017, gia đình ông Nguyễn Hữu Đoan thôn Bích La Thượng xã Triệu Long đã đầu tư trên 320 triệu đồng để tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế. Với 20 con thỏ giống New Zealand ban đầu, sau 4 tháng nuôi đã sinh sản. Mỗi năm thỏ sinh từ 7 – 8 lứa, mỗi lứa trung bình từ 5 – 8 con. Nuôi khoảng 3 tháng, trọng lượng thỏ đạt từ 2 – 2,5 kg có thể xuất bán. Thịt thỏ có giá trị dinh dưỡng cao và là nguồn thực phẩm sạch nên rất được thị trường ưa chuộng. Ông Đoan chia sẻ: “Trước khi nuôi thỏ gia đình tôi cũng đã nghiên cứu đưa vào nhiều vật nuôi khác như gà, ngan… Tuy nhiên, tính đi tính lại các loại gia cầm nuôi ở vùng này hiệu quả kinh tế không cao, độ rủi ro lại lớn. Sau đó, tôi tìm hiểu thêm trên ti vi, sách báo thấy nuôi thỏ khá phù hợp với điều kiện tự nhiên ở địa phương nên quyết định đầu tư vật nuôi này. Tôi lựa chọn giống thỏ New Zealand đưa vào nuôi vì loại thịt thỏ này hiện nay rất được thị trường ưa chuộng, giá cả ổn định. Để đảm bảo thỏ an toàn ở vùng thấp trũng, nhất là vào mùa lũ lụt, tôi xây dựng chuồng trại cao ráo, thoáng, đảm bảo không để gió lùa vào bên trong. Quá trình nuôi, tôi tận dụng các loại lá, rau, củ, quả… mà loại thỏ này có thể ăn được do gia đình trồng và thu mua, đi hái ở địa phương làm thức ăn cho thỏ. Từ 20 con thỏ giống ban đầu, hiện tại trong chuồng trại nhà tôi đã phát triển lên hơn 200 con. Bình quân mỗi con thỏ thịt chỉ nuôi trong vòng khoảng 3 tháng, khi trọng lượng thỏ đạt từ 2 – 2,5 kg thì có thể xuất bán”.
    Ban đầu, thấy ông Đoan đầu tư nuôi thỏ ở vùng thấp trũng, nhiều người cho rằng đó là mô hình làm ăn không mấy khả quan vì theo họ với đất thấp, ẩm ướt quanh năm loại vật nuôi này sẽ khó tồn tại lâu dài, nguy cơ mất vốn cao. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm kể từ khi ông xây dựng chuồng trại có quy mô, áp dụng các biện pháp kỹ thuật nuôi, chăm sóc, phòng chống bệnh đúng cách, đàn thỏ của ông phát triển tốt và đã xuất bán thỏ thịt thương phẩm. Nhận thấy hiệu quả bước đầu từ mô hình nuôi thỏ của ông, nhiều người trong xã đã đến nhà ông tham quan, học hỏi kinh nghiệm nuôi thỏ. Cũng theo ông Đoan, dù mô hình nuôi thỏ của gia đình ông chưa lớn nhưng hiện nay đã có nhiều thương lái đến tận nhà đặt hàng, thu mua vận chuyển vào Đà Nẵng để xuất khẩu sang Nhật với giá giao động từ 70 – 80 nghìn đồng/kg. Thời gian tới, ông sẽ nghiên cứu mở rộng chuồng trại, phát triển cả thỏ giống lẫn thỏ thịt thương phẩm lên trên 500 con
    Hiệu quả bước đầu của việc đưa giống thỏ New Zealand vào nuôi của ông Đoan, hy vọng rằng, nhiều người dân ở vùng thấp trũng ở Triệu Phong có thể mạnh dạn lựa chọn cho mình loại vật nuôi, cây trồng phù hợp để vươn lên xóa đói giảm nghèo bền vững, làm giàu chính đáng. 
Đánh giá về mô hình nuôi thỏ, ông Lê Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Long,  cho biết: “Thời gian qua, xã đã có nhiều chính sách khuyến khích người dân trên địa bàn tận dụng tối đa các điều kiện về đất đai, khí hậu để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp. Qua theo dõi chúng tôi thấy, mô hình nuôi thỏ của ông Đoan là một trong mô hình đi đầu trong thực hiện chủ trương của địa phương và hiện nay mô hình này phát triển rất tốt. Thời gian tới, UBND xã chỉ đạo cho Hội nông dân tích cực tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi mới, phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao; tổ chức tập huấn chăn nuôi, trồng trọt cho các hộ dân. Đồng thời, tạo điều kiện cho hộ nông dân vay vốn giải quyết việc làm, góp phần phát triển phong phú các mô hình kinh tế, từ đó nhân rộng những mô hình làm ăn có hiệu quả trên địa bàn xã”.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THÔNG TIN ĐIỀU HÀNH
  • Đang truy cập9
  • Máy chủ tìm kiếm0
  • Khách viếng thăm9
  • Hôm nay1326
  • Tháng hiện tại1326
  • Tổng lượt truy cập2.439.818