Chi tiết tin tức - Huyện Triệu Phong

 

Hội thảo khoa học định hướng bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị hệ thống di tích chúa Nguyễn tại huyện Triệu Phong

27/11/2023 413 0

Ngày 22/11, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh, UBND huyện Triệu Phong phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Hệ thống di tích Chúa Nguyễn tại huyện Triệu Phong  Những giá trị lịch sử, văn hoá và định hướng bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản”. Về phía lãnh đạo tỉnh có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam, đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Xây dựng, Sở Thông tin và Truyền thông; Đài Phát thanh Truyền, Báo Quảng Trị, Tạp chí Cửa Việt, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật; Hội Khoa học Lịch sử; Hội Di sản; Hội Kiến trúc sư tỉnh, Viễn thông Quảng Trị; các phong, ban, đơn vị liên quan thuộc Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Về phía lãnh đạo huyện đồng chí Trần Xuân Anh - TUV, Bí thư Huyện ủy, đồng chí Nguyễn Hữu Ngọc - Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện, đồng chí Phan Văn Linh -  Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện, các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện uỷ, Thường trực Huyện uỷ, UBND, UBMTTQVN huyện; đại diện lãnh đạo các ban Đảng, Văn phòng Huyện uỷ; các cơ quan, ban, ngành cấp huyện, các nhà nghiên cứu và đại biểu khách mời. Tham dự hội thảo có PGS.TS Đỗ Bang -  Phó Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam. TS Trần Đình Hằng – Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế.

Toàn cảnh hội thảo

Tiếp tục phát huy giá trị hội thảo cấp quốc gia Quảng Trị - đất dựng nghiệp của chúa Nguyễn Hoàng năm 2013, hội thảo khoa học "Hệ thống di tích chúa Nguyễn tại huyện Triệu Phong - Những giá trị lịch sử, văn hóa và định hướng bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản” có 43 bài nghiên cứu, tham luận, trao đổi trực tiếp, đóng góp định hướng bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản cũng như tham gia Đồ án quy hoạch các di tích dinh chúa Nguyễn của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và các đại biểu tâm huyết, giúp cho huyện Triệu Phong có những cơ sở vững chắc để định hướng trong quy hoạch và đầu tư các công trình tưởng niệm, tôn vinh, tri ân các chúa Nguyễn trên đất Triệu Phong. Các tham luận khẳng định những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học quan trọng cũng như tầm vóc, vai trò, vị trí của các địa điểm liên quan đến dinh chúa Nguyễn trên đất Triệu Phong đối với sự nghiệp mở cõi về phương Nam của các chúa Nguyễn để hình thành lãnh thổ, lãnh hải (gồm cả quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa) Việt Nam như ngày hôm nay. Hầu hết các ý kiến đều nhận định các địa điểm trong khoanh vùng bào vệ di tích hiện không có công trình, dấu tích, dấu vết trên mặt đất, chủ yếu là đất canh tác, đất thổ cư và đất nghĩa địa của địa phương. Các yếu tố mang thuộc tính gốc của di tích đa phần là các địa điểm lưu niệm lịch sử hay địa danh trong tiềm thức của người dân hoặc tồn tại dưới dạng những dữ liệu khảo cổ tiềm ẩn trong lòng đất. Để định hướng bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của di sản các địa điểm dinh chúa Nguyễn trên đất Triệu Phong, các ý kiến đề xuất nhiệm vụ, giải pháp bảo tồn, tôn tạo di tích phù hợp với quy mô khoanh vùng bảo vệ, vừa đảm bảo yếu tố gốc của di tích, vừa kết hợp xây mới các công trình tưởng niệm, tri ân, phục vụ phát huy giá trị di sản trong tương lai, như: dựng tượng Nguyễn Hoàng tại huyện Triệu Phong nằm bên con đường thiên lý Bắc – Nam; dựng lại hình tượng người dân dâng 7 vò nước lên chúa Tiên Nguyễn Hoàng; xây dựng đền thờ Nguyễn Hoàng, tạo không gian của di tích lấy sông Thạch Hãn làm trục chính kết nối không gian tôn vinh, không gian tưởng niệm ở vùng lõi và vùng đệm của di tích, làm sống lại di tích như nó vốn có nhằm tạo ra chuỗi giá trị gia tăng trong phát triển KT-XH của địa phương thông qua hoạt động du lịch… Trước mắt, khi chưa có đủ nguồn lực để làm sống lại di tích, cần xây dựng nơi trưng bày, lưu dấu tích nơi đất dựng nghiệp của chúa Nguyễn Hoàng trên con đường mở cõi về phương Nam, sử dụng công nghệ tương tác ảo 3D để phục dựng lại di tích; sau đó có điều kiện thì tiến hành khảo cổ, bảo tồn, phục dựng lại di tích. Học cách làm của Nhân dân trong xã hội hóa các công trình tri ân, tưởng niệm chúa Nguyễn Hoàng thời gian qua, trong đó lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư xã hội hóa. Dù khó khăn đến đâu cũng phải nỗ lực để quy hoạch, sớm đầu tư xây dựng các công trình tôn vinh, tri ân, tưởng niệm công lao mở mang bờ cõi nơi dựng nghiệp của chúa Tiên Nguyễn Hoàng trên đất Triệu Phong.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam đánh giá cao huyện Triệu Phong thời gian qua đã quan tâm, chủ động mời các nhà khoa học, nhà nghiên cứu về huyện tham gia việc khảo sát, khảo cổ một số địa điểm liên quan đến các lỵ sở chúa Nguyễn; thực hiện công tác lập nhiệm vụ quy hoạch, đặc biệt là phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức hội thảo khoa học này nhằm tranh thủ sự tham gia tư vấn, đóng góp ý kiến của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu phục vụ công tác lập Đồ án quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia “Các địa điểm liên quan đến dinh chúa Nguyễn” tại huyện Triệu Phong để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và công bố vào dịp kỷ niệm 465 năm Đoan quận công Nguyễn Hoàng dựng nghiệp trên đất Triệu Phong. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cũng đánh giá cao đơn vị tư vấn lập quy hoạch đã có những góc nhìn đa chiều về thực trạng di tích, tham khảo kinh nghiệm các di tích trong nước để đề xuất công tác bảo quản, tu bổ di tích trên cơ sở định hướng phân vùng bảo vệ vùng lõi, phát huy vùng đệm, kết nối với vùng ngoại biên, lan toả, đã định hình được các không gian lễ hội, tôn vinh, tri ân; không gian tưởng niệm và khu vực phụ cận, với những công trình cụ thể tương ứng với từng địa điểm di tích trong quần thể di tích chúa Nguyễn tại huyện Triệu Phong. Đồng thời, đề nghị UBND huyện Triệu Phong tiếp thu, tổng hợp các ý kiến tham gia tại hội thảo, xem xét bổ sung vào Đồ án quy hoạch, đảm bảo chất lượng, có tính thực tiễn cao, phù hợp với tình hình của địa phương để sớm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sau hội thảo khoa học này và sau khi Đồ án quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đề nghị UBND huyện Triệu Phong chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan kịp thời công bố quy hoạch di tích Nguyễn Hoàng và đẩy mạnh truyền thông, quảng bá trong Nhân dân và xã hội những giá trị lịch sử, những công lao của chúa Tiên Nguyễn Hoàng trong tiến trình lịch sử của dân tộc, đặc biệt là công lao mở cõi. Tiếp tục phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tiến hành khai quật khảo cổ toàn diện, trên phạm vi, quy mô rộng tại dinh chúa Nguyễn và các khu vực liên quan để củng cố luận cứ khoa học, lịch sử về vị trí 3 thủ phủ Ái Tử, Trà Bát, Dinh Cát, cũng như phát hiện những vấn đề mới liên quan đến dinh chúa Nguyễn, đồng thời có kế hoạch sưu tầm, thu thập các tài liệu, tư liệu, hiện vật, phục vụ nghiên cứu, trưng bày, giới thiệu về chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Xây dựng lộ trình đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích chúa Nguyễn, trong đó trước mắt phải tiến hành khoanh vùng bảo vệ, cắm mốc chỉ giới, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất di tích. Ưu tiên huy động các nguồn lực xã hội hoá và nguồn ngân sách để đầu tư một số công trình như: Đền thờ Nguyễn Hoàng để tôn vinh, tri ân, tưởng niệm, hướng đến kỷ niệm 500 năm ngày sinh của chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1525 - 2025). Về lâu dài phối hợp với các sở, ngành liên quan cấp tỉnh đề xuất đưa vào nguồn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 của tỉnh để tiếp tục đầu tư các hạng mục khác theo Đồ án quy hoạch được phê duyệt. Gắn việc bảo tồn, tôn tạo di tích với việc xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, chất lượng của huyện để phát huy giá trị di sản trong phát triển KT-XH, tạo sinh kế bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Đặc biệt, tiếp tục tranh thủ sự tham vấn, góp ý của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến việc nghiên cứu khoa học, khai quật khảo cổ, cũng như công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích chúa Nguyễn tại huyện Triệu Phong xứng tầm với công lao mở cõi phương Nam và tầm vóc của chúa Tiên Nguyễn Hoàng đối với lịch sử dân tộc.

Đồng chí Phan Văn Linh -  Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện phát biểu

Phát biểu kết luận tại hội thảo đồng chí Phan Văn Linh -  Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện ghi nhận các ý kiến phát biểu, thảo luận đã giúp cho huyện Triệu Phong nhận thức sâu sắc hơn những giá trị lịch sử, văn hoá của các di tích dinh Chúa Nguyễn, cũng như công lao to lớn của các Chúa Nguyễn trong quá trình mở cõi về phương Nam. Điều này rất quan trọng, giúp cho huyện có những cơ sở vững chắc để định hướng trong quy hoạch và đầu tư các công trình tưởng niệm, tôn vinh, tri ân các Chúa Nguyễn trên đất Triệu Phong.

 

 

Đồng chí nhấn mạnh thêm: Hội thảo lần này là sự tiếp nối sau thành công của Hội thảo “Quảng Trị - đất dựng nghiệp của chúa Nguyễn Hoàng” vào tháng 9/2013 tại huyện Triệu Phong, đồng thời khẳng định những giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học quan trọng, cũng như tầm vóc, vai trò, vị trí của các địa điểm liên quan đến dinh Chúa Nguyễn trên đất Triệu Phong đối với sự nghiệp của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, đặc biệt là hành trình mở cõi về phương Nam để hình thành một lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam như ngày hôm nay.  Hầu hết các ý kiến đều nhận định các địa điểm trong khoanh vùng bảo vệ di tích hiện chủ yếu là đất canh tác, đất thổ cư và đất nghĩa địa của địa phương; không có các công trình, dấu tích, dấu vết trên mặt đất. Các yếu tố mang thuộc tính gốc của di tích đa phần chỉ là các địa điểm lưu niệm lịch sử hay địa danh trong tiềm thức của người dân hoặc tồn tại dưới dạng những dữ liệu khảo cổ tiềm ẩn dưới lòng đất.

Mặc dù các tham luận có những cách tiếp cận khác nhau, nhưng tựu chung lại là đã đi sâu phân tích, đánh giá, làm rõ hiện trạng, sự biến đổi của các công trình di tích qua các thời kỳ lịch sử, nhất là nhận diện được quy mô, diện mạo, cấu trúc cụ thể của từng di tích; chỉ rõ các nguyên nhân dẫn đến thực trạng, từ đó đã có những đề xuất định hướng nhiệm vụ, giải pháp bảo tồn, tôn tạo di tích phù hợp với quy mô khoanh vùng bảo vệ, vừa đảm bảo bảo vệ được yếu tố gốc của di tích, vừa kết hợp xây mới các công trình tưởng niệm, tri ân phục vụ việc phát huy giá trị di sản trong tương lai.

 Các ý kiến tham gia đóng góp vào Đồ án quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia “Các địa điểm liên quan đến dinh Chúa Nguyễn” (1558 - 1626) tại huyện Triệu Phong với những ý tưởng rất mới, rất trân trọng. Hầu hết đều có chung ý tưởng là tạo ra được các không gian của di tích như không gian tôn vinh, tri ân; không gian tưởng niệm ở vùng lõi và vùng đệm của di tích để tăng sự kết nối, đồng bộ trong quản lý, khai thác, phát huy, sử dụng các công trình bên trong di tích và làm sống lại di tích như nó vốn có cách đây mấy trăm năm. Đồng thời, kết nối với các không gian ở khu vực phụ cận, ngoại biên với các di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh trong và ngoài địa phương nhằm tạo ra chuỗi giá trị gia tăng trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện thông qua hoạt động du lịch.

Một số hình ảnh tại hội thảo

Các tham luận khoa học gửi về tham gia Hội thảo và các ý kiến tham gia Đồ án quy hoạch, đặc biệt là phát biểu chỉ đạo của đồng chí Hoàng Nam – Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Ban Tổ chức và Chủ trì Hội thảo xin tiếp thu tất cả các ý kiến đóng góp và sẽ tổng hợp, biên tập, xuất bản thành sách và phát hành rộng rải để cùng với các tài liệu, tư liệu khác về Chúa Tiên Nguyễn Hoàng nhằm phục vụ cho việc nghiên cứu, tuyên truyền, phổ biến trong xã hội và các tầng lớp Nhân dân để hiểu hơn về lịch sử văn hoá, mảnh đất và con người Triệu Phong trong quá khứ, hiện tại và phát huy, phát triển trong tương lai.

                                                                                Sỹ Dũng - Minh Kha – Cảnh Thu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THÔNG TIN ĐIỀU HÀNH
  • Đang truy cập4
  • Máy chủ tìm kiếm0
  • Khách viếng thăm4
  • Hôm nay1520
  • Tháng hiện tại1520
  • Tổng lượt truy cập2.877.424