Chi tiết tin tức - Huyện Triệu Phong
Nhân rộng các mô hình sản xuất rau an toàn ở Triệu Phong
Tận dụng lợi thế là địa bàn có chân đất được phù sa bồi đắp hằng năm sau mỗi trận mưa lũ đi qua, nguồn nước tưới dồi dào, nhân công sẵn có, huyện Triệu Phong chú trọng mở rộng phát triển cây hoa màu. Qua đó, tạo việc làm và giúp người dân cải thiện thu nhập, góp phần tái cơ cấu nền kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Xã Triệu Trung có diện tích trồng rau ăn lá chuyên canh khá lớn của huyện Triệu Phong với tổng diện tích 30 ha. Vùng chuyên canh này hình thành cách đây khoảng 20 năm, tập trung chủ yếu ở 3 hợp tác xã (HTX): Đạo Đầu, Trung An và Thanh Lê với khoảng 95% số hộ dân tham gia trồng rau. Trung bình mỗi hộ trồng từ 1,5 - 2 sào. Trước đây, những vùng đất này là vườn tạp trồng các loại cây giá trị kinh tế thấp. Sau khi được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng rau ăn lá mang lại hiệu quả kinh tế ổn định, mỗi sào rau cho thu nhập khoảng 50 triệu đồng/năm.
Nhiều năm nay, kinh tế gia đình ông Phan Đạt ở HTX Đạo Đầu, xã Triệu Trung chủ yếu dựa vào việc trồng rau màu. Ban đầu, gia đình ông trồng thử nghiệm các loại rau như cải, xà lách, hành, ném….Thấy cây thích nghi tốt nên ông mở rộng dần diện tích. Đến nay, gia đình ông canh tác ổn định trên diện tích 1,5 sào rau ăn lá các loại. Ông Đạt cho biết: “Sống ở vùng nông thôn, đất đai rộng rãi, ngoài việc trồng lúa và chăn nuôi gia súc, gia cầm thì chúng tôi còn cải tạo thêm vườn tạp vốn trước đây trồng các loại cây năng suất thấp như khoai, sắn, mè… sang trồng rau ăn lá. Muốn rau phát triển tốt, ít sâu bệnh cần xử lý đất kỹ càng, phơi đất, ủ vôi, bón phân chuồng hoai mục và thường xuyên tưới nước vào mùa hè. Nhờ áp dụng nghiêm ngặt kỹ thuật trồng rau nên vườn nhà tôi lúc nào cũng xanh tốt, mang lại nguồn thu khá. Bình quân mỗi ngày chúng tôi thu nhập được 150 - 200 nghìn đồng từ việc bán rau”.
Triệu Độ là địa phương nằm ven sông Thạch Hãn. Những năm qua, chính quyền địa phương đã tích cực vận động nông dân khai thác lợi thế nguồn đất đai để phát triển mạnh các loại cây rau và hoa màu đem lại giá trị kinh tế khá cao. Toàn xã hiện canh tác 105 ha cây hoa màu các loại. Gia Độ là thôn có diện tích canh tác lớn nhất xã với 55 ha hoa màu. Vùng này có đất đai màu mỡ, tơi xốp nên năng suất cũng như sản lượng nông sản tăng lên hàng năm, mang lại giá trị kinh tế khá cao. Trong kế hoạch phát triển kinh tế của địa phương, xã Triệu Độ chủ trương tiếp tục tập trung nguồn lực để mở rộng thương hiệu “Dưa lê Triệu Độ”. Đây là loại quả hiện đang được thị trường ưa chuộng, giá thành ổn định. Nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho việc mở rộng diện tích cây hoa màu nói chung, chính quyền địa phương đang hoàn thiện hệ thống đường dây điện kéo vào tận vườn phục vụ tốt việc bơm nước tưới cho cây trồng, nhất là vào mùa hè thường bị khô hạn.
Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Độ Nguyễn Hữu Phận cho biết: “Bên cạnh việc phát triển một số ngành nghề khác, xã Triệu Độ xác định rõ việc tập trung phát triển các loại cây hoa màu đóng vai trò quan trọng. Thời gian tới, xã tiếp tục phối hợp với ngành chức năng của huyện tổ chức tập huấn trồng, chăm sóc và thu hoạch hoa màu, nâng cao giá trị kinh tế cây trồng cho nông dân địa phương”.
Đến nay, tổng diện tích canh tác hoa màu hằng năm trên địa bàn huyện Triệu Phong đạt từ 1.900 - 2.000 ha. Trong đó, có một số xã có truyền thống canh tác lâu năm với diện tích khá lớn và hiệu quả cao, như Triệu Trung, Triệu Tài, Triệu Thành, Triệu Long, Triệu Độ, Triệu Trạch. Các loại rau, củ, quả được người dân đưa vào trồng như cải, ngò, xà lách, rau thơm, rau răm, dưa lê, dưa chuột, ném, kiệu, đậu, lạc, mướp đắng…Nhờ sự định hướng của huyện và ngành nông nghiệp dựa trên lợi thế sẵn có của từng địa phương nên đến nay Triệu Phong đã hình thành một số cây trồng mang tính chủ lực, có giá trị hàng hóa cao được thị trường ưa chuộng, như: Dưa lê Triệu Độ, dưa hấu Long Quang, dưa lưới Triệu Sơn, ném, kiệu Triệu Trạch, mướp đắng Triệu Vân… Các địa phương này cũng đang nỗ lực tìm giải pháp để hướng đến xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với địa phương, liên kết tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Mỗi hecta hoa màu cho thu nhập từ 150-200 triệu đồng/năm, góp phần nâng cao đời sống cho người dân. Đặc biệt, từ năm 2018, được sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (Koica) hỗ trợ cho 2 xã trong vùng dự án gồm Triệu Trung và Triệu Tài trồng rau màu theo hướng canh tác tự nhiên, canh tác hữu cơ với diện tích 1,8 ha. Sau hơn 3 năm triển khai, đến nay số diện tích này phát triển ổn định, sản phẩm làm ra vừa cung cấp cho Cửa hàng nông sản sạch Triệu Phong tại thành phố Đông Hà, vừa phục vụ khách hàng ở khu vực lân cận về mua tận vườn. Theo tính toán của các hộ tham gia dự án, giá trị kinh tế trồng rau theo hình thức canh tác tự nhiên, canh tác hữu cơ cao gấp 30% so với rau canh tác thông thường. Việc canh tác hữu cơ sẽ giúp đất ít cỏ dại, chất đất được cải tạo tốt, chất dinh dưỡng trong đất ngày càng tăng; rau ăn có vị đậm đà và rất an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Một tín hiệu vui cho việc phát triển rau màu ở huyện là mấy năm trở lại đây, có một số hộ dân đã chịu khó tìm tòi, học hỏi và mạnh dạn bỏ vốn để đầu tư trồng rau trong nhà lưới cũng như trồng thử nghiệm một số cây mới, có tính triển vọng cao.
Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Triệu Phong Hoàng Quang Dưỡng cho biết: “Mặc dù việc phát triển sản xuất cây hoa màu ở huyện Triệu Phong đạt được những kết quả tốt nhưng diện tích sản xuất rau theo hướng an toàn, canh tác tự nhiên vẫn còn ít, thị trường tiêu thụ còn hạn chế. Do vậy, trong thời gian tới đơn vị sẽ tham mưu UBND huyện lựa chọn phát triển nhân rộng các mô hình sản xuất rau an toàn hiệu quả; vận động, khuyến khích Nhân dân phát triển trồng cây rau màu với quy mô tập trung; tạo điều kiện cho các HTX, tổ hợp tác sản xuất rau có cơ hội quảng bá sản phẩm tại các hội chợ. Tăng cường tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm”./.
Tác giả bài viết: HỒNG LĨNH – CẢNH THU
Ý kiến bạn đọc
-
Điện lực Triệu Phong chủ động ứng phó trước tác động của mưa bão
(01/04/2022) -
UBND huyện họp xét đề nghị công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2021
(01/04/2022) -
Triệu Phong duy trì và phát triển các làng nghề và nghề truyền thống
(01/04/2022) -
Xây dựng chuồng cao đầu tư chăn nuôi tổng hợp ở vùng thấp trũng
(01/04/2022) -
Xã Triệu An: Hội nghị tổng kết mô hình “nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát đảm bảo ATTP
(01/04/2022) -
Tập huấn Kỹ thuật nuôi tôm hai giai đoạn, an toàn dịch bệnh
(01/04/2022) -
Kiểm tra, mô hình về phát triển kinh tế vùng gò đồi
(01/04/2022) -
Mô hình thuê ruộng trồng lúa cho thu lãi lớn
(01/04/2022) -
Lãnh đạo UBND huyện Triệu Phong kiểm tra tình hình khắc phục do mưa, lũ
(01/04/2022) -
Triệu Phong ngập lụt trên diện rộng
(01/04/2022)