Chi tiết tin tức - Huyện Triệu Phong

 

Chính phủ họp trực tuyến triển khai giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội do tác động của dịch Covid-19

31/10/2022 240 0

Sáng ngày 10/4/2020, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân đầu tư công; hỗ trợ cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì. Hội nghị được tổ chức với 30 điểm cầu truyền hình tại Trung ương và 63 điểm cầu tại địa phương, tuân thủ nghiêm ngặt quy định về chống dịch như không bố trí hơn 20 người trong một phòng, bảo đảm khoảng cách ghế ngồi…

 

Tham gia buổi trực tuyến về phía UBND huyện Triệu Phong có đồng chí Phan Văn Linh – Phó bí thư, Chủ tịch UBND huyện, cùng các đồng chí lãnh đạo các phòng, ban; thành viên Ban chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh Covid – 19 huyện.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ khẳng định đây được coi là Hội nghị “4 trong 1” hay có thể gọi là “tất cả trong 1” nhằm huy động tổng lực các nguồn lực của đất nước với khí thế quyết tâm, tinh thần yêu nước, quật cường của Nhân dân Việt Nam để chiến thắng dịch bệnh COVID-19; đồng thời nỗ lực vượt khó, vươn lên trong sản xuất và đời sống. Do đó, đồng chí yêu cầu các đại biểu cần đưa ra được các ý kiến đề xuất về cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể, mạnh mẽ, đúng và trúng để duy trì, phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm, đời sống trong thời gian có dịch, đặc biệt thúc đẩy nền kinh tế bật mạnh sau khi kết thúc dịch, “như một chiếc lò xo bị nén lâu ngày, phải bật ra, đuổi kịp với thời gian”…
Theo cáo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện Bộ đang tập trung chỉ đạo các địa phương chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng; tiếp tục điều chỉnh tốc độ tăng trưởng đàn gia súc, gia cầm nhằm bảo đảm an ninh lương thực Quốc gia. Năm 2020, dự kiến kế hoạch sản xuất lúa đạt 7.364 nghìn ha, năng suất bình quân 59,3 tạ/ha, sản lượng đạt 43,5 triệu tấn thóc.

Tại hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thực hiện các nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phát triển kinh tế; đẩy mạnh xuất, nhập khẩu; chính sách gia hạn, miễn giảm thuế; rà soát quy định về thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đầu tư công nhằm thực hiện có hiệu quả việc giải ngân gần 700 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2020; xây dựng kịch bản phát triển kinh tế đất nước ngay sau khi dịch Covid-19 được ngăn chặn, góp phần làm cơ sở cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.
Hiện nay, ảnh hưởng dịch Covid-19 đã khiến cho khoảng 10% doanh nghiệp trên toàn quốc phải cắt giảm quy mô sản xuất. Đặc biệt, từ 01/01 - 26/3/2020, cả nước có trên 153 nghìn người mất việc làm phải nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp và hàng triệu lao động bị ngừng việc, tập trung vào một số ngành nghề, lĩnh vực như dệt may, vận tải, giày da, dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống...
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, nếu dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến như hiện nay thì ước tính trong quý II/2020, cả nước sẽ có trên 250 nghìn lao động trong doanh nghiệp mất việc làm và 1,5 - 02 triệu lao động phải ngừng việc; trường hợp dịch bùng phát mạnh hơn sẽ có khoảng 400 nghìn lao động trong doanh nghiệp mất việc làm và khoảng 3 triệu lao động bị ngừng việc.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của các Bộ, ngành Trung ương, chính quyền các địa phương và người dân trong việc đồng hành cùng Chính phủ thực hiện nghiêm túc, hiệu quả giải pháp phòng, chống dịch Covid-19. Thời gian tới, đồng chí yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần đồng sức, đồng lòng, chung tay thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo tinh thần Chỉ thị số 16 của Chính phủ; có cơ chế, giải pháp mạnh mẽ duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu; tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm thuộc thẩm quyền của Chính phủ để giảm thiểu tác động xấu của dịch Covid-19 đối với sự phát triển kinh tế đất nước.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế địa phương; triển khai ngay các gói hỗ trợ doanh nghiệp nhằm duy trì hiệu quả sản xuất kinh doanh; có phương án bố trí kinh phí hợp lý bảo đảm công tác phòng chống dịch hiệu quả; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và người dân tham gia đầu tư, phát triển kinh tế; xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể với các giải pháp thu hút vốn đầu tư nước ngoài; chuẩn bị tốt kịch bản phát triển kinh tế ngay sau khi dịch Covid-19 được khống chế để nâng cao tốc độ tăng trưởng, cụ thể là thay đổi phương thức kinh doanh, chú trọng phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, giải ngân hết vốn đầu tư công năm 2019.
Ngoài ra, đồng chí cũng yêu cầu Bộ Công an chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tăng cường giải pháp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; kiên quyết xử lý nghiêm hành vi cố tình vi phạm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.

Tác giả bài viết: Thu Hiền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THÔNG TIN ĐIỀU HÀNH
  • Đang truy cập3
  • Máy chủ tìm kiếm0
  • Khách viếng thăm3
  • Hôm nay2194
  • Tháng hiện tại2194
  • Tổng lượt truy cập2.767.383