Chi tiết tin tức - Huyện Triệu Phong

 

Đổi thay trên quê hương Đại tướng Đoàn Khuê

27/10/2023 353 0

Triệu Phong là vùng đất giàu truyền thống yêu nước đã sinh ra nhiều người con ưu tú làm rạng danh cho quê hương, đất nước trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Trong giai đoạn có Đảng lãnh đạo, những người con ưu tú của quê hương càng có cơ hội dành trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng, trong đó có Đại tướng Đoàn Khuê, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng Đoàn Khuê 29/10 (1923-2023) và các hoạt động kỷ niệm dự kiến được tổ chức trang trọng tại tỉnh Quảng Trị vào tuần thứ 3, tháng 10/2023.

Dành cả cuộc đời cho cách mạng

Theo cuốn sách “30 năm Triệu Phong đổi mới và phát triển” do Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Triệu Phong phát hành, Đại tướng Đoàn Khuê sinh ngày 29/10/1923, quê ở làng Gia Đẳng, xã Triệu Tân, nay là xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong. Ông sinh trưởng trong một gia đình giàu lòng yêu nước, có truyền thống đấu tranh cách mạng. Cụ thân sinh là ông Đoàn Cầu, được kết nạp vào Đảng rất sớm và là người đảng viên cộng sản đầu tiên của làng Gia Đẳng. Ông Đoàn Khuê là con cả trong gia đình 8 người con; 6 người là liệt sĩ, cụ bà thân sinh được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Năm 1930, lúc mới 16 tuổi, Đoàn Khuê đã tham gia phong trào Thanh niên phản đế, sau đó làm Bí thư Thanh niên Cứu quốc huyện Triệu Phong. Cuối năm 1940, ông bị địch bắt giam ở nhà lao Quảng Trị, sau đó bị đưa đi đày ở Buôn Ma Thuột. Tháng 5/1945, ra tù, ông về hoạt động xây dựng cơ sở cách mạng tỉnh Quảng Bình. Tháng 6/1945, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Sau đó liên tục trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ông chiến đấu và chỉ huy chiến trường Khu 5. Sau khi đất nước thống nhất, ông được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 5. Năm 1986, ông được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh Bộ Tư lệnh 719, Trưởng ban lãnh đạo đoàn chuyên gia làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Từ 1987-1991, ông là Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong giai đoạn 1991-1997, ông là Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ông đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Khi được Bộ Chính trị phân công chỉ đạo công tác tổng kết Đảng lãnh đạo chiến tranh cách mạng, trên cương vị đứng đầu ban chỉ đạo, ông đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự thành công của các công trình: Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Phápthắng lợi và bài học; Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước- thắng lợi và bài học; Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945-1975- thắng lợi và bài học được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Bộ sách được nhiều học giả và bạn đọc đánh giá cao.

Đại tướng Đoàn Khuê đã hoạt động ở nhiều vùng, nhiều địa phương, nhiều chiến trường, trong đó có hơn 40 năm gắn bó máu thịt với sự nghiệp giải phóng miền Nam và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả. Đánh giá công lao của ông, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã khẳng định: “Trải qua nhiều cương vị khác nhau, dù ở đâu, làm gì, đồng chí cũng luôn luôn đem hết sức mình cống hiến cho Đảng và Nhân dân, đặt lợi ích chung của cách mạng, của quân đội lên trên lợi ích cá nhân, luôn luôn trau dồi kiến thức, sâu sát cơ sở, quan tâm tổng kết thực tiễn, giữ vững tính Đảng, tính nguyên tắc, phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao”.

Quê hương đổi mới từng ngày

Anh Đoàn Quốc Hùng, người dân quê xã Triệu Lăng cho biết, sau khi đất nước thống nhất, Triệu Lăng được biết đến là vùng biển với nhiều khó khăn vào diện nhất nhì của huyện Triệu Phong. Không cam chịu đói nghèo, mỗi người dân nơi đây bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, những lời căn dặn của Đại tướng Đoàn Khuê trong mỗi lần ông về thăm quê nên đã nỗ lực vươn lên. Năm 2022, xã Triệu Lăng được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Chủ tịch UBND xã Triệu Lăng Đặng Quang Hải chia sẻ, xã Triệu Lăng có diện tích đất tự nhiên hơn 1.165 ha, với 1.239 hộ được phân chia thành 5 thôn. Đảng bộ xã hiện có 190 đảng viên sinh hoạt tại 8 chi bộ. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 55,7 triệu đồng, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 4,28%.

Để có được kết quả đó, cấp ủy, chính quyền xã Triệu Lăng lãnh đạo người dân đẩy mạnh đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy sản, phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch biển. Theo đó, ngư dân đã nâng cấp, cải hoán tàu thuyền, ngư lưới cụ để khai thác hải sản có hiệu quả cao. Hiện nay, toàn xã có 349 thuyền các loại đánh bắt thủy sản trên biển. Các hộ nuôi trồng thủy sản áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựngmô hình nuôi tôm 2, 3giai đoạn, chuyển đổi một số diện tích nuôi tôm kém hiệu quả sang nuôi ốc hương và cá dìa. Hiện toàn xã có 67 ha diện tích nuôi trồng thủy sản.

Xã Triệu Lăng cũng đã đẩy mạnh phát triển công nghiệp-TTCN, thương mại, dịch vụ. Theo đó, xã đã có sản phẩm nước mắm truyền thống Gia Đẳng được thị trường ưa chuộng, khu du lịch bãi tắm Nhật Tân mỗi năm thu hút một lượng khách đáng kể, chợ Triệu Lăng hàng hóa phong phú đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân trong vùng.

Hằng năm, trên cơ sở nghị quyết của đảng ủy, UBND xã đề ra nhiều biện pháp nâng cao chất lượng văn hóa- xã hội. Theo đó, các hội, đoàn thể chính trị xã hội nhận đỡ đầu hộ nghèo, nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả cũng như đứng ra tín chấp cho người dân vay vốn ngân hàng để phát triển sản xuất. Các thiết chế văn hóa như nhà văn hóa, sân thể thao, cụm pa nô, áp phích, đường cờ, điện thắp sáng đường quê... được đầu tư xây dựng, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân.

Hiện toàn xã có 5/5 thôn đạt danh hiệu thôn văn hóa, 98% hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa. Trường mầm non đạt chuẩn mức độ I, đạt kiểm định chất lượng mức độ 2, Trường TH&THCS đang hoàn thiện hồ sơ trình cấp trên công nhận đạt chuẩn mức độ I. Năm học 2022- 2023, nhà nước đầu tư xây dựng mới 15 phòng học ở trường mầm non và Trường TH& THCS để đưa học sinh ở khu vực lẻ về học tập trung tại khu vực trung tâm.

Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân được chú trọng. Đến nay, 97% hộ dân tham gia bảo hiểm y tế. Các hoạt động văn hóa quần chúng, thể dụcthể thao phát triển rộng khắp, trong đó các thôn đều có nhà văn hóa, sân thể dục thể thao, khu vui chơi cho trẻ em và người cao tuổi. Hệ thống đường giao thông được cứng hóa thuận lợi cho việc đi lại và sản xuất của người dân, doanh nghiệp…

NGUYỄN VINH – CẢNH THU

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THÔNG TIN ĐIỀU HÀNH
  • Đang truy cập3
  • Máy chủ tìm kiếm0
  • Khách viếng thăm3
  • Hôm nay636
  • Tháng hiện tại636
  • Tổng lượt truy cập2.825.506