Chi tiết tin tức - Huyện Triệu Phong

 

Nguy cơ “Cách mạng màu” tại Việt Nam, nhận diện và đấu tranh

27/10/2024 66 0

“Cách mạng màu” hay còn gọi là “Cách mạng nhung”, “Cách mạng đường phố”, cam, hoa hồng, hoa tulip, hạt dẻ,… là những thuật ngữ chỉ các cuộc bạo loạn phi vũ trang, bạo lực chính trị có tính chất nhằm lật đổ chính quyền Nhà nước đương nhiệm, đồng thời lập ra bộ máy cầm quyền mới của lực lượng đối lập được các thế lực phản động hậu thuẫn.

Gọi là cách mạng nhưng “Cách mạng màu” trái ngược với quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin về cách mạng xã hội. Bản chất cách mạng là lật đổ chế độ cũ lỗi thời, xây dựng chế độ mới tiến bộ hơn, vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng là cách mạng xã hội biến đổi có tính bước ngoặt và căn bản về chất trong toàn bộ các lĩnh vực của đời sống xã hội, là phương thức chuyển từ một hình thái kinh tế - xã hội lỗi thời lên một hình thái kinh tế - xã hội mới có trình độ phát triển cao hơn. Nhưng ở đây các thế lực của “Cách mạng màu” đánh tráo khái niệm khi lẫn lộn giữa cách mạng xã hội với cái gọi là “Cách mạng màu”, nhằm tác động để phức tạp các vấn đề trên các lĩnh vực của đời sống xã hội như vấn đề tôn giáo, dân tộc, dân chủ, hiện tượng tiêu cực, mâu thuẫn cục bộ, gây bạo loạn chính trị rồi dẫn đến hành động biểu tình chiếm chính quyền. Điều này có thể thấy rõ là hoàn toàn không phải là cách mạng mà là phản cách mạng, cản trở sự phát triển lịch sử, tiến bộ xã hội.

Nếu như trước đây, đối tượng nhắm đến là các quốc gia theo chế độ XHCN thì hiện nay “Cách mạng màu” còn diễn ra ở các nước có xu hướng không thân thiện với Mỹ và phương Tây. Đối với các nước xã hội chủ nghĩa, mục tiêu của cuộc “Cách mạng màu” là lật đổ vai trò cầm quyền của Đảng Cộng sản, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa, lập ra đảng phái chính trị đi theo quỹ đạo tư bản chủ nghĩa do Mỹ và phương Tây định đoạt.

Trên thế giới, "Cách mạng màu" đã diễn ra ở các nước, vùng lãnh thổ như: Philippine (năm 1983), Tiệp Khắc (năm 1989), Nam Tư (năm 2000), Libăng (năm 2005), Iran (năm 2009), các nước Bắc Phi - Trung Đông gồm: Libi, Xyri, Angiêri, Yêmen, Marốc, Gioócđani, Arậpxêút, Ôman, Irắc (2010), Ai Cập (năm 2011), Nga (năm 2012), Hồng Kông (năm 2014)… Gần đây, trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội xuất hiện nhiều hình ảnh về cuộc xung đột vũ trang ở Myanmar và cuộc biểu tình, bạo loạn tại Bangladesh, Thái Lan, Campuchia, Inđônêxia…

Điển hình là cuộc “Cách mạng hoa hồng” năm 2003 buộc Tổng thống Gruzia Eduard - Shevardnadze phải từ chức để nhường ghế cho Mikheil Saakashvili - một chính khách được đào tạo rất bài bản ở Mỹ. Cuộc “Cách mạng nhung” dẫn tới bạo loạn chính trị ở Venezuela năm 2012 với toan tính ngăn chặn Tổng thống Hugo Chaves tái đắc cử nhưng bất thành. Tại Ukraine, cuộc “Cách mạng cam” lần thứ nhất năm 2004, lần thứ hai cuối năm 2013 đầu năm 2014 và lần thứ 3 tháng 10/2019, đặt Ukraine đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ vì xung đột vũ trang kéo dài, chính trị bất ổn như hiện nay.

Từ các cuộc "Cách mạng màu" trên thế giới cho thấy điểm chung trong thủ đoạn là chúng nhen nhóm lên những bất mãn, những đốm lửa phá hoại để tổ chức kích động, bạo loạn; thế lực bên ngoài đóng vai trò “đạo diễn”, lực lượng trong nước giữ vai trò “thực thi”; điều này cho thấy bản chất nguy hiểm từ sự can thiệp của các thế lực phương Tây vào tình hình nội bộ các nước có chủ quyền, gây ra bất ổn chính trị kéo dài, ly khai dân tộc, nhằm tìm mọi cách thay thế chính quyền hiện tại, dẫn đến các quốc gia này rơi vào tình trạng bất ổn chính trị và hệ quả của nó vẫn kéo dài đến tận bây giờ.

Ở nước ta, theo cơ quan an ninh quốc gia, núp bóng dân chủ những tổ chức mang bản chất phản động, khủng bố như các đài: VOA, RFA, BBC, RFI và một số trang mạng xã hội của các tổ chức như: Việt Tân, Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời, Chân trời mới media, Dân Báo, Nhân dân hành động, Triều đại Việt, Tiếng dân, KTV, Tivi tuần san, TV24, Góc nhìn W.C, N10TV, No U, Dân chủ…  

Âm mưu của chúng là lợi dụng các sự kiện chính trị lớn của Đảng, Nhà nước, các vấn đề xã hội phức tạp, nhạy cảm như: Công tác phòng chống tham nhũng, tranh chấp, khiếu kiện, đình công, vấn đề tôn giáo, dân tộc, dân chủ… Thông qua các hình thức bình luận theo chuyên đề, kể chuyện lịch sử, hội luận nhằm xuyên tạc, bịa đặt, bóp méo lịch sử, bôi nhọ lãnh tụ dân tộc và vai trò lãnh đạo của Đảng, hòng làm giảm lòng tin của Nhân dân với Đảng và Nhà nước, với âm mưu gây mất trật tự xã hội, tạo điểm nóng ở một số nơi, qua đó kích động bạo loạn, biểu tình; đồng thời chúng tạo cớ để kêu gọi các nước, các tổ chức quốc tế can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta, nhằm xây dựng cho một cuộc “Cách mạng màu” ở Việt Nam khi có thời cơ.

Thực tế các vụ việc đã diễn ra ở nước ta trong thời gian qua cho thấy rằng những biểu hiện của “Cách mạng màu” manh nha xuất hiện ở Việt Nam; đó chính là các cuộc tụ tập đông người dưới nhiều lý do, trong đó có cả những cuộc tụ tập, đập phá gây bất ổn xã hội, điển hình như: Năm 2016, dưới danh nghĩa bảo vệ môi trường sau sự cố môi trường biển do công ty Formosa gây ra. Năm 2018, lợi dụng cái cớ là phản đối dự thảo luật đặc khu tại một số tỉnh, thành phố, đặc biệt tại tỉnh Bình Thuận, các thế lực thù địch đã lôi kéo kích động người dân tụ tập đông người trái phép, gây rối an ninh trật tự, chống người thi hành công vụ, cố ý huỷ hoại tài sản, đập phá trụ sở cơ quan công quyền. Mới đây, vụ “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” diễn ra vào rạng sáng 11/6/2023 khi một nhóm đối tượng trang bị vũ khí tấn công vào trụ sở UBND xã Ea Tiêu và xã Ea Ktur thuộc huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk; điều nguy hại hơn, sau khi vụ án xảy ra, trên nhiều kênh thông tin báo chí nước ngoài, các trang mạng hải ngoại, trang mạng cá nhân của các đối tượng thù địch, chống đối đã tung ra nhiều thông tin sai sự thật, các hình ảnh được dàn dựng, cắt ghép; một số bài viết cố tình đánh tráo bản chất, hướng vụ việc sang nguyên do khác nhằm kích động tâm lý kỳ thị dân tộc, gây chia rẽ giữa đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên.

Từ những vụ việc nêu trên, có thể nhận diện chiêu bài của các đối tượng phản động trong và ngoài nước chủ yếu thực hiện nhằm xây dựng cho một cuộc "Cách mạng màu” diễn ra ở Việt Nam như sau:  

Thứ nhất, thông qua hoạt động tuyên truyền, phá hoại tư tưởng nhằm tạo tiền đề về tư tưởng, chính trị, xã hội cho một cuộc "Cách mạng màu” ở Việt Nam.  

Âm mưu của các thế lực thù địch nhằm tăng cường sử dụng hệ thống phương tiện truyền thông đại chúng và các nền tảng xã hội như Facebook, Tiktok, Youtube…để kích động, chia rẽ nội bộ, truyền bá tư tưởng chính trị đối lập, hoạt động chống đối chính quyền; tuyên truyền phủ nhận Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam… nhằm kích động các hoạt động biểu tình, gây rối an ninh, gây bạo loạn.  

Thứ hai, hoạt động tác động, chuyển hoá nội bộ, hình thành nhân tố chống đối từ bên trong, thúc đẩy tự diễn biến bên trong nội bộ.  

Lợi dụng quá trình hợp tác giữa Việt Nam, Mỹ và các nước phương Tây tăng cường tiếp cận nội bộ thông qua các chương trình, dự án nhằm thực hiện mục tiêu "Dân chủ hoá” Việt Nam. Các lực lượng "Cách mạng màu” tác động làm thay đổi đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta theo hướng tạo điều kiện cho sự ra đời của các khuynh hướng tư tưởng, tổ chức, lực lượng chính trị đối lập ở Việt Nam; tác động phân hoá, xâm nhập, hình thành lực lượng chống đối trong nội bộ hệ thống chính trị; thúc đẩy hình thành "Xã hội dân sự” theo tiêu chí Mỹ và phương Tây nhằm hình thành môi trường đa nguyên chính trị, tạo mầm mống cho sự ra đời của các tổ chức chính trị đối lập ở Việt Nam.

Thứ ba, hoạt động dựng "Ngọn cờ” và lực lượng nòng cốt cho "Cách mạng màu” ở Việt Nam được thể hiện qua các phương thức sau: Tăng cường xâm nhập người về Việt Nam trực tiếp tiến hành hoạt động chống đối, lôi kéo, kích động người tham gia tổ chức và hoạt động chống đối. Tổ chức đào tạo, huấn luyện các đối tượng chống đối trong nước nhằm tạo ngọn cờ nòng cốt, từ đó tập duyệt cho các kịch bản "Cách mạng màu” ở Việt Nam.  

Trước những nguy cơ và thách thức đó, mỗi cán bộ, đảng viên trước hết cần nâng cao cảnh giác với âm mưu “Cách mạng màu” của các thế lực thù địch và thực hiện tốt các nhiệm vụ chiến lược được Đảng ta xác định như sau:

Thứ nhất, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc; thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước.

Thứ hai, tiếp tục đổi mới công tác cán bộ gắn với việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.   

Thứ ba, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục rộng rãi trong hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ - đây là lực lượng nòng cốt đông đảo trong các cuộc biểu tình của “Cách mạng màu” trên thế giới nhận thức sâu sắc bản chất, âm mưu, thủ đoạn của “Cách mạng màu”; bên cạnh đó, cũng cần công khai, minh bạch, nhanh chóng, kịp thời, chính xác, đầy đủ thông tin những vụ việc phức tạp, để người dân được tiếp cận đúng tình hình, không để các thế lực thù địch lợi dụng, bịa đặt, gây hoang mang trong dư luận.   

Thứ tư, phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao trình độ dân trí, đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, để người dân yên tâm làm giàu chính đáng, con em được học hành,… khi làm tốt việc này, niềm tin của nhân dân dành cho Đảng, chính quyền sẽ tăng lên, họ sẽ không dễ bị lôi kéo, kích động; qua đó sẽ kiểm soát nguy cơ tiềm ẩn về bất ổn chính trị, trật tự xã hội, chính là biện pháp hữu hiệu và căn cơ nhất góp phần chống lại âm mưu "Cách mạng màu".

Thứ năm, tăng cường nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là quản lý nhà nước về thông tin - truyền thông, internet, mạng xã hội,... không để tạo ra sơ hở, thiếu sót để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng tuyên truyền xuyên tạc, kích động chống đối.

Trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế mạnh mẽ như hiện nay, hơn bao giờ hết, mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân cần phải tỉnh táo, sáng suốt trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình với non song đất nước; phải trở thành nhân tố nòng cốt trong xây dựng mặt trận đoàn kết toàn dân; phải trí tuệ, bản lĩnh, khôn khéo, linh hoạt, tự tin, bền chí, kiên cường trong đấu tranh trên mọi phương diện, nhằm tạo ra một hợp lực đủ mạnh để ngăn chặn, đẩy lùi những âm mưu “Cách mạng màu” của thế lực thù địch, phản động./.

                                     Hoàng Linh Đồng 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THÔNG TIN ĐIỀU HÀNH
  • Đang truy cập8
  • Máy chủ tìm kiếm0
  • Khách viếng thăm8
  • Hôm nay1802
  • Tháng hiện tại1802
  • Tổng lượt truy cập2.809.155