Chi tiết tin tức - Huyện Triệu Phong

 

Người nông dân tiên phong thử nghiệm nuôi lươn không bùn

03/03/2023 697 0

Năm nay đã 56 tuổi nhưng ông Hồ Doãn Ngà , ở thôn Cổ Thành, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong vẫn là một trong những hội viên nông dân tích cực, đi đầu trong phát triển kinh tế cũng như thử nghiệm nuôi lươn không bùn để nâng cao thu nhập cho gia đình, trở thành hộ nông dân tiên phong đầu tiên thử nghiệm mô hình này.

Ông Hồ Doãn Ngà -Người nông dân tiên phong thử nghiệm nuôi lươn không bùn ở Triệu Thành

Với bản chất cần cù, chịu khó ông  Hồ Doãn Ngà , ở thôn Cổ Thành luôn tìm tòi cách thức chăn nuôi, trồng trọt mới, hiệu quả để áp dụng nhằm giúp phát triển kinh tế gia đình. Trong một lần xem ti vi thấy người dân ở miền Nam nuôi lươn không bùn có nhiều ưu điểm hơn nuôi lươn theo phương thức truyền thống như chi phí đầu tư về bể nuôi, thức ăn tốn ít, dễ chăm sóc, không tốn nhiều thời gian, lợi nhuận cao nên ông quyết định thử nghiệm đầu tư 40 triệu đồng xây dựng mô hình này.

Năm 2022, ông tiến hành xây 4 xây bể, mỗi bể có diện tích từ 5-8 m2 nuôi hơn 5.000 con lươn. Trong thời gian mới nuôi thử nghiệm, ông được cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Triệu Phong về tận nhà hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ một phần kinh phí mua con giống, thức ăn. Ngoài ra, ông còn thường xuyên tìm hiểu thêm kỹ thuật nuôi lươn không bùn qua sách, báo, internet để ứng dụng hiệu quả vào thực tế chăn nuôi.

Chia sẻ về mô hình, ông Ngà cho hay, bể nuôi lươn được đặt ở vị trí khá cao nhằm tránh mưa lũ. Bể xây dựng kiên cố bằng xi măng, bên trong lát gạch trơn nhẵn, có hệ thống thoát nước được thiết kế 2 lớp. Bể nuôi sau khi xây dựng xong được ngâm rửa sạch sẽ, khử hết tồn dư xi măng đảm bảo cho việc nuôi lươn thương phẩm. Lươn trước khi đưa vào nuôi phải chọn kỹ về chất lượng giống.

Trong quá trình nuôi, ông thường xuyên theo dõi lươn phát triển để cho ăn, chăm sóc phù hợp. Nuôi lươn không bùn khá đơn giản bởi tận dụng thời gian nhàn rỗi của các thành viên trong gia đình. Để giúp lươn khỏe mạnh, nhanh lớn thì nguồn thức ăn của lươn được sử dụng hằng ngày là tôm, cá tạp, ốc bươu vàng, tinh bột, giun quế, giun đất, cám, bã đậu, rau củ...

Ông cũng tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật nuôi, hệ thống nước sạch trong bể, mỗi ngày cho lươn ăn 2 lần, thường xuyên theo dõi lươn xem có dấu hiệu bệnh để có biện pháp xử trí. Khoảng 8 tháng nuôi, lươn thương phẩm đạt trọng lượng từ 250 gam trở lên thì có thể xuất bán.

Dù chỉ mới triển khai thực hiện gần một năm nhưng mô hình nuôi lươn không bùn của gia đình ông Ngà bước đầu khá thành công. Dịp tết Nguyên đán Quý Mão, ông xuất bán lứa đầu gần 1 tạ lươn thịt với giá từ 120 - 160 nghìn đồng/kg.

Hiện nay, số lượng lươn thịt trong bể còn khá nhiều, ông tiếp tục xuất bán và đặt mua thêm 2.000 - 4.000 con về nuôi. Dự kiến xuất hết hơn 5.000 con lươn thịt sẽ mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập trên 50 triệu đồng.Cái khó hiện nay đối với mô hình nuôi lươn không bùn của gia đình ông là nguồn giống chưa chủ động được, chủ yếu giống được nhập từ miền Nam ra và khai thác ngoài tự nhiên nên quá trình nuôi bị hao hụt không ít. Do đó, ông rất mong có nguồn cung cấp giống thuận lợi để gia đình mở rộng mô hình.

Đánh giá về mô hình làm ăn mới ở địa phương, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Triệu Thành Đặng Thị Hằng cho biết: “Ông Ngà là hội viên nông dân sản xuất giỏi, biết tận dụng đất vườn nhà để xây dựng bể nuôi lươn không bùn. Đây là mô hình sản xuất phù hợp với những hộ dân ít đất sản xuất, biết sử dụng thời gian nhàn rỗi để tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích.

Thời gian tới, hội sẽ tổ chức cho các hội viên nông dân tham quan, học hỏi kinh nghiệm, khuyến khích nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh mới để phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình hội viên”.

                        Minh Kha – Hữu Thái

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THÔNG TIN ĐIỀU HÀNH
  • Đang truy cập3
  • Máy chủ tìm kiếm0
  • Khách viếng thăm3
  • Hôm nay269
  • Tháng hiện tại269
  • Tổng lượt truy cập2.875.781