Chi tiết tin tức - Huyện Triệu Phong

 

Bản gia phả thắm đỏ

03/10/2023 451 0

                                                                                                                                          Bút ký - NGUYỄN HOÀN 

Dọc con đường đất đỏ nhẫn nại trườn mình trên cát bỏng để đưa Triệu Lăng hoà mạng giao thông được với trăm miền, tôi vẫn còn bắt gặp nhiều dáng chị em lên chợ, về chợ với vẻ tất bật rất đỗi “đặc thù miền biển” của những người quen vục chân trần trong cát. Họ rướn mình hết sức bình sinh với ngực ưỡn, với tay vươn đánh xa, chừng như để bù cho đôi chân nặng nhọc “tụt hậu” bởi cát níu. Một nửa người bay lên, một nửa người trĩu xuống. Một nửa người thăng hoa lãng mạn, một nửa người khó nhọc trần ai. Nhưng rất mừng là những đôi chân nặng nhọc ấy đã thưa vắng dần trên đường về Triệu Lăng, thay vào đó là những đôi chân thong dong được nối với những vòng bánh xe đạp ngỡ ngàng, điệu đàng vốn nằm ngoài mơ ước xưa nay. Ra sông nhớ suối, xuống biển nhớ nguồn, ngọt bùi nhớ lúc đắng cay, hỏi ai chẳng chạnh lòng nhớ đến ông cha trong đêm dài thực dân, nô lệ vẫn luôn đau đáu trong lòng một giấc mộng rửa hận cho nước nhà có buổi hôm nay. Tôi nghe trong ký ức thẳm sâu miền quê Triệu Lăng, một miền quê cách mạng đến sớm hãy còn vẳng lại những tiếng thơ bi phẫn mượn lời “Gái khóc chồng” để chiêu hồn Nước từ hồi đầu thế kỷ XX của ông Đoàn Cầu, một trong những người cộng sản đầu tiên của xã biển Triệu Lăng, thân sinh của đại tướng Đoàn Khuê:

Có người hỏi thiếp:

- Đã có chồng chưa?

Thiếp gạt nước mắt thưa:

- Xưa rằng đã có

Chàng Việt là họ

Thầy Nam là tên

Hơn hai nghìn năm

Dựng xây cơ nghiệp

Là chồng thiếp đó

Chàng Việt là họ

Thầy Nam là tên

Nước nhà vững bền

Dựng xây cơ nghiệp

Nay ai đã cướp

Ai cướp chồng tôi?

Ai cướp chồng tôi?

Trời ơi! Trời ơi!

Ai cướp chồng tôi?

Không sao cướp được!”

Thênh thang bước trên con đường đất đỏ xuyên xã biển Triệu Lăng giờ đây, không một người dân nào của miền quê cách mạng này không chịu ơn dày với “con đường máu” đầy chông gai, hiểm nguy mà những người cộng sản tiên phong của Triệu Lăng đã mở cách đây non nửa thế kỷ để cứu nguy cho độc lập. Giữ vai trò “đột phá khẩu” trên “con đường máu” ấy, phải nói đến dòng họ Đoàn, trong đó có gia đình ông Đoàn Cầu, một gia đình cách mạng vô song đã cống hiến cho đất nước đến 9 hạt giống đỏ, trong đó có sáu đồng chí liệt sĩ: Đoàn Định, Đoàn Hà, Đoàn Giao, Đoàn Cư, Đoàn Anh, Đoàn Thị Tùng và 3 đồng chí được tấn phong lên hàng tướng tá, đó là đại tướng Đoàn Khuê, trung tướng Đoàn Chương và đại tá Đoàn Thuý.

Những hạt giống đỏ ấy là sản phẩm thề nguyền chỉ có được ở những nơi có phong trào cách mạng nòi như Triệu Lăng, ở những dòng tộc, gia đình cộng sản nòi như dòng tộc họ Đoàn, gia đình ông Đoàn Cầu. Hành trình yêu nước của họ ngay từ lúc khởi đầu nhờ sớm bắt gặp cách mạng và Đảng nên đã nhanh chóng chuyển từ mò mẫm đến khai thông. Thuở ấy, ông Đoàn Gián, một công chức lục lộ sớm tham gia tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội đã về quê nhà Gia Đẳng, Triệu Lăng lập tổ đọc báo có các ông Đoàn Cầu, Đoàn Mậu (anh ruột ông Đoàn Cầu)... tham gia, do ông Đoàn Gián làm tổ trưởng. Lúc ông Đoàn Gián bị địch tình nghi phải chuyển đổi đi xa, ông Đoàn Cầu đã thay ông Đoàn Gián làm tổ trưởng tiếp tục duy trì tổ đọc báo. Bài thơ “Khuyên đọc báo” của ông đã mang được những hơi thở nồng ấm của tư tưởng duy tân, mở mang dân trí đang trào sôi thuở ấy:

Âu châu các nước người ta

Thợ thuyền, lính tráng, đàn bà, trẻ con

Làm ruộng thế, đi buôn cũng thế

Tờ báo chương vẫn để cạnh mình

... Dân như thế tài gì không mạnh

Đem trí khôn tranh cạnh với đời

... Càng lâu càng nghĩ sự đời

Cũng vì nhật báo ngày ngày giảng ra

Ấy là thuốc chữa ngu, chữa tối

Ấy là thang khỏi đói, khỏi hèn...”

Từ một tổ trưởng tổ đọc báo, ông Đoàn Cầu đã được kết nạp vào Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Từ một thanh niên của tổ chức này, ông đã tiếp nhận chỉ thị của đồng chí Lê Duẩn để lập ra tổ chức Thanh niên dân chủ, rồi Thanh niên phản đế, để đến ngày 6-1-1940 đủ sức chuyển thành một chi bộ Đảng. Từ một cán bộ được phân công tổ chức Uỷ ban Việt Minh và Uỷ ban khởi nghĩa năm 1945, ông đã trưởng thành dày dạn để đảm trách cương vị Chủ tịch xã Triệu Tân (nay là Triệu Lăng) nhiều năm ròng rã sau Cách mạng tháng Tám. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi và phong phú của ông đã để lại cho đời những bài học đáng giá nào? Theo thiển ý của tôi, ông Đoàn Cầu đã để lại ít nhất hai bài học đáng giá, đó là bài học về dân vận và bài học về đào tạo, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, mà dân vận đạt đến mức đem cả nhà thờ họ ra phụng sự cách mạng và đào tạo, bồi dưỡng cũng hết mực để được thấy “con hơn cha là nhà có phúc” đấy nhé!

Dựng lại không khí dân vận nồng ấm của thời kỳ tiền khởi nghĩa 1945 ở Triệu Lăng, ông Đoàn Minh Tú (cháu gọi ông Đoàn Cầu bằng chú thúc bá và là anh sinh cùng lứa với đại tướng Đoàn Khuê), người từng giữ vai trò liên lạc cho phong trào cách mạng Triệu Lăng thuở ấy, kể cho tôi nghe với giọng đậm chất cảm khái:

- Hồi đó, chú Đoàn Cầu là người đầu tiên đề xuất chi bộ Đảng vận động nhân dân họ Đoàn trồng dương liễu xung quanh nhà thờ họ Đoàn nhằm đạt các mục đích như: che kín địa điểm làm việc, in ấn, thu giấu tài liệu của cán bộ cách mạng, mượn cớ làm nhà giữ dương để có chỗ mà nuôi giấu cán bộ cách mạng và có trồng dương mới có nguồn thu lợi từ gỗ, củi. Họ Đoàn đã cử cụ Đoàn Trương đưa gia đình đến ở trong nhà giữ dương. Đây là một cái nhà tranh mà phên sau được tráp bằng hai lớp tranh, giữa hai lớp là một khoảng hở rộng chừng 50-60 phân, đủ cho cán bộ ngồi và ngủ. Trong số cán bộ hay lui tới nơi đây, tôi nhớ có các đồng chí Hồng Chương, Lê Thị Diệu Muội... Nhà giữ dương nằm cạnh nhà thờ họ Đoàn. Buổi ngày, nhà giữ dương là điểm liên lạc thuận tiện nhất, chứ ở nhà thờ, người ta đi lại đông. Buổi đêm, cần họp hành nhiều người thì trưng dụng cả nhà thờ. Các hòm đựng gia phả được đem dùng thu giấu tài liệu khá lợi hại.

- Nghe nói khu vực nhà thờ họ Đoàn và nhà giữ dương này được chọn làm điểm in ấn tài liệu của Xứ uỷ Trung kỳ, vậy bác có còn lưu giữ những mẩu kỷ niệm nào, hồi ức nào quanh chuyện này không? - Tôi tiếp tục “dấn” sâu vào mạch nguồn cảm hứng bi hùng của ông Tú.

- Có chứ - Gương mặt quắc thước của ông Tú rạng rỡ hẳn, tuồng như là ông đang kéo lại được những ngày hoạt động gian lao mà thân thương, éo le mà hào hứng từ xa xăm về lại - Chị Lê Thị Diệu Muội là người đem cục đá để in thạch bản về đây. Chị bỏ cục đá vào rổ, đổ khoai khô phủ lên trên mang vào nách mà nách đi, nách về cái rổ khoai khô ấy. Hồi đó, đêm đêm, tôi ra thuyền đỗ trên bãi biển để ngủ canh chừng cho những cán bộ cách mạng. Tôi nằm trên mui thuyền, còn cán bộ ta nằm lẫn khuất trong đống vàng lưới.

Cùng với chi bộ lo tạo dựng xong “cứ điểm” cách mạng rồi, ông Đoàn Cầu còn tích cực vận động một số gia đình đóng tiền hàng tháng để nuôi cán bộ Đảng. Kết quả đã thu về và nhân lên được những lòng dân mênh mông, những lòng dân trời biển. Ông Đoàn Mậu đóng 10 đồng/tháng, các ông Võ Mưu, Võ Bân, Võ Toản, Võ Thuần, mỗi ông đóng 5 đồng/tháng. Đặc biệt, các khoản chi tiêu nuôi dưỡng cán bộ thường xuyên ăn ở do hai nhà ông Đoàn Cầu và Đoàn Mậu nhận lãnh hằng ngày. Người làm dân vận trước tiên phải nêu gương, phải tiên phong mới mong đạt hiệu quả cao, điều này quả đã ứng hợp lạ lùng với trường hợp ông Đoàn Cầu.

Sinh trưởng trong một gia đình cộng sản nòi như thế, dĩ nhiên đồng chí Đoàn Khuê được kế thừa những giá trị truyền thống quý báu của quê hương, của gia đình, nhưng kế thừa mà không “ăn sẵn” hào quang, đấy là cách kế thừa để phát huy, để đủ sức sát cánh với người cha cộng sản nhân lên những vốn quý của một gia đình cách mạng. Đầu năm 1939, đồng chí Đoàn Khuê đã chỉ đạo việc chuyển Đoàn thanh niên dân chủ ở Triệu Lăng thành Đoàn thanh niên phản đế. Rồi ngày 6-1-1940, tại nhà thờ họ Đoàn, với tư cách là phái viên cấp trên, đồng chí đã tham dự buổi thành lập chi bộ Đảng ở Triệu Lăng. Suốt trong năm 1940, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Đoàn Khuê, chi bộ bước vào một thời kỳ hoạt động sôi nổi. Đồng chí đã đưa nôi cho chiếc nôi cách mạng ngày nào ru mình khôn lớn. Dõi theo khá sát với hành trình “từ người được ru nôi biến thành người đưa nôi” của đồng chí Đoàn Khuê, ông Đoàn Minh Tú tiếp tục lật giở ký ức về bản gia phả thắm đỏ của họ Đoàn cho tôi xem, đoạn nói về thời trai trẻ của đồng chí Đoàn Khuê, cái thời “chưa thành tướng” nhưng mượn cách nói của tướng số thì đã “xuất tướng” thế này:

- Ông Đoàn Khuê (đáng ra ông Tú gọi bằng “em” nhưng “em” mà biến thành “ông” là chuyện thường tình của sự ngưỡng vọng) được gia đình cho lên học ở trường Bồ Đề Quảng Trị vào khoảng từ năm 1936-1937. Ông vừa đi học, vừa hoạt động rải truyền đơn quanh vùng Triệu Lăng, chợ Cạn, Triệu Sơn và Cùa. Sau đó, cuối năm 1940, ông bị địch bắt giam tại lao Quảng Trị. Tôi bới cơm lên cho ông, thấy chân ông đầy những vết bầm và sẹo vì bị tra tấn bằng điện, tội lắm, thương lắm!

- Gần gũi với đồng chí Đoàn Khuê thời trai trẻ, bác có thấy những đặc điểm tính cách nào ở đồng chí Đoàn Khuê để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong đời bác không? - Tôi muốn ông Tú dừng lắng đằm sâu hơn trong âm vang trường cửu của một bản gia phả thắm đỏ.

- Tính ông Khuê hay lắm! - Ông Tú hứng khởi nói như quả quyết một điều xác tín - Thời còn đi học trên tỉnh về làng, ông không chút cao đạo, không hề phân biệt sang trọng, giàu nghèo như ai kia. Quần chúng là ông sát lắm. Trong hoạt động cách mạng, tôi thấy sức chịu đựng của ông thật ghê gớm, kiên quyết.

Trên mảnh đất nhà thờ họ Đoàn giờ đây, một trong những nơi đứng chân vững vàng của cách mạng, theo anh Nguyễn Văn Trọng, Chủ tịch xã Triệu Lăng cho biết, xã muốn dựng ở đấy một nhà lưu niệm, nhưng đồng chí Đoàn Khuê chưa “cho ý kiến”. “Chắc là đồng chí Khuê muốn tránh khéo chuyện ấy có phải không?” - Tôi nhanh nhảu hỏi anh Trọng, anh mỉm cười ra vẻ tán đồng thay cho lời đáp. Triệu Lăng giờ đây chưa có nhà lưu niệm nhưng đã có một “con đường ông Khuê”- nói theo cách nói thân thương của người dân Triệu Lăng- đã và sẽ nối dài liên xã. Triệu Lăng là một vựa mực mà dân lại đói vốn, chưa đủ sức sắm được thuyền to, máy lớn, chỉ mới có thuyền nan, máy đẩy cỡ nhỏ quanh quẩn nhưng tuyệt vời thay, Triệu Lăng chính là xã 9 năm liền đạt danh hiệu Quyết thắng về quốc phòng. Quả đúng là quê ông Khuê có khác! Một miền quê còn nhiều khó nghèo nhưng người dân giàu niềm son sắt với Đảng, với cách mạng, giàu ý chí dời non lấp biển, mà một trong những biểu hiện sống động nhất, huy hoàng nhất của nó được in dấu vàng son trong bản gia phả họ Đoàn. Ngẫm về sức sống lâu bền của bản gia phả cách mạng này, tôi chợt nhớ tới một điển cố văn học truyền rằng, ngày xưa có ông Ngu Công thấy chướng mắt vì hai trái núi Thái Hành và Vương Ốc chặn đứng đường đi, ông bèn đào san bằng cho kỳ được, dù tuổi ông đã cao, những 90 tuổi. Thấy thế, ai nấy đều cười ông, còn ông đáp trả đầy xác quyết: “Ta cứ san núi, ta chết thì có con ta, con ta chết thì có cháu ta, cháu ta rồi có chắt ta, còn núi vẫn chỉ có chừng ấy thôi thì sao lại không dời nổi được?”.

                                                                                 12-1994                                                                                                                                                           N.H

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THÔNG TIN ĐIỀU HÀNH
  • Đang truy cập4
  • Máy chủ tìm kiếm0
  • Khách viếng thăm4
  • Hôm nay910
  • Tháng hiện tại910
  • Tổng lượt truy cập2.825.780