Chi tiết tin tức - Huyện Triệu Phong

 

Quảng Trị nói gì về “di sản” chúa Nguyễn Hoàng?

07/03/2024 189 0

Liên quan đến “di sản” chúa Nguyễn Hoàng trên đất Quảng Trị, lãnh đạo huyện Triệu Phong cho biết địa phương đang hướng đến việc xây dựng đền thờ chúa Nguyễn Hoàng.

Ghềnh Phủ (xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong), nơi từng là một thương cảng sầm uất ở xứ Đàng Trong thời kỳ chúa Nguyễn Hoàng đóng dinh phủ trên đất Triệu Phong – Ảnh: Viết Hảo.

Dự kiến xây đền thờ chúa Nguyễn Hoàng nhân dịp 500 năm ngày sinh

Theo đó trả lời Báo Nhà báo & Công luận sáng ngày 24/2, Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong – ông Phan Văn Linh cho biết, hiện nay UBND huyện Triệu Phong vừa hoàn tất lập: Đồ án Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia “các địa điểm liên quan đến dinh chúa Nguyễn (1558-1626)” trên địa bàn huyện Triệu Phong.

 

Hiện nay, Đồ án quy hoạch đã được hoàn chỉnh và UBND huyện đã trình Ban Thường vụ Huyện uỷ cho ý kiến lần cuối trước khi trình UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị Bộ VH-TT&DL thẩm định để phê duyệt theo thẩm quyền”, ông Phan Văn Linh, Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong cho biết.

Theo UBND huyện Triệu Phong, sau khi Đồ án quy hoạch được phê duyệt, UBND huyện Triệu Phong sẽ tổ chức công bố quy hoạch, phối hợp với Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Trị thực hiện khai quật khảo cổ toàn diện trên phạm vi, quy mô rộng tại dinh Chúa Nguyễn và các khu vực liên quan. Điều này nhằm củng cố luận cứ khoa học, lịch sử về vị trí 3 thủ phủ Ái Tử, Trà Bát, Dinh Cát mà chúa Nguyễn Hoàng từng đóng dinh phủ trên đất Triệu Phong.

quang tri noi gi ve di san chua nguyen hoang hinh 2

Đoàn nghiên cứu tham quan, khảo sát Giếng Phủ làng Trà Liên (xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong), nơi từng cấp nước sinh hoạt cho quan binh thời chúa Nguyễn Hoàng – Ảnh: S.Dũng.

Đồng thời, UBND huyện Triệu Phong cho biết sẽ xây dựng lộ trình đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích dinh chúa Nguyễn. Trong đó, trước mắt ngành chức năng sẽ tiến hành khoanh vùng bảo vệ, cắm mốc chỉ giới, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất di tích. Đáng quan tâm, hiện nay UBND huyện đang huy động các nguồn lực để đầu tư một số công trình, bao gồm: Đền thờ chúa Nguyễn Hoàng để hướng đến kỷ niệm 500 năm ngày sinh của chúa Nguyễn Hoàng (28/8/1525 -28/8/2025).

Về lâu dài, UBND huyện Triệu Phong sẽ đề xuất đưa vào nguồn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 của tỉnh Quảng Trị để tiếp tục đầu tư các hạng mục khác theo Đồ án quy hoạch được phê duyệt.

quang tri noi gi ve di san chua nguyen hoang hinh 3

Tượng Thái phó Nguyễn Ư Dĩ (cậu ruột chúa Nguyễn Hoàng) tại làng Trà Liên, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong - nơi chúa Nguyễn Hoàng từng đóng dinh phủ – Ảnh: Đình Thạnh.

“Chúng tôi mong rằng sớm có những công trình tri ân, tôn vinh, tưởng niệm Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, các chúa Nguyễn và các vị khai quốc công thần xứ Đàng Trong tại huyện Triệu Phong”, ông Phan Văn Linh, Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong cho biết.

Nhiều phát hiện mới từ khảo cổ học

Trước đó hôm 23/2, Báo Nhà báo & Công luận đã có bài viết: “Có một miền “di sản” chúa Nguyễn Hoàng trên đất Quảng Trị”.

Theo đó, chúa Nguyễn Hoàng đã để lại cả một hệ thống “di sản” vô cùng quý giá cho tỉnh Quảng Trị sau khi có 68 năm khai hoang mở cõi, đóng dinh trên vùng đất đầy nắng và gió này!

Đoan quận công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ xứ Thuận Hóa (vùng đất từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế ngày nay) vào năm 1558. Tại đây, ông bắt đầu đứng chân trên vùng đất Ái Tử - Trà Bát (nay là xã Triệu Ái và Triệu Giang, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị).

quang tri noi gi ve di san chua nguyen hoang hinh 4

Tấm bia bị hư hại khắc 2 chữ “Việt Cổ” được phát hiện tại “mộ rùa” bí ẩn ở làng Trà Liên - Ảnh: Đình Thạnh.

Trong thời gian 68 năm (1558 – 1626), chúa Nguyễn Hoàng đã có 3 lần dựng đặt thủ phủ/dinh phủ/dinh trấn của mình tại 3 địa điểm gồm: Ái Tử (1558 - 1570), Trà Bát (1570 - 1600) và Dinh Cát (1600 - 1626).

Theo UBND huyện Triệu Phong, những cuộc thăm dò và khai quật khảo cổ học mới nhất tại các khu vực kể trên cho thấy có sự góp mặt của nhiều công trình kiến trúc, đặc biệt là kiến trúc la thành. “Sau đợt khai quật đã phát hiện nhiều dấu tích khác nhau như: gạch ngói và đồ gốm gạch, chủ yếu là gạch thẻ màu đỏ, có độ nung thấp, dễ gọt cắt, chất liệu được làm khá kĩ. Ngói chủ yếu là ngói phẳng, mỏng, độ nung thấp, có phát hiện thấy ngói mũi sen nhưng rất hiếm. Đồ đất nung chủ yếu là các loại bát, nhiều mảnh nối còn giữ nguyên cả vết cháy đen do hun nấu, có niên đại từ thế kỷ XVI-XIX. Gốm sành khá phổ biến, đa dạng về loại hình như bình, vò, hũ, chậu, lọ… có niên đại từ thế kỷ XV-XIX”, UBND huyện Triệu Phong cho biết thêm.

Về gốm men và gốm sứ: chủ yếu là đồ Trung Hoa có xuất xứ từ các lò Phúc Kiến, Quảng Đông, Cảnh Đức. “Gốm đẹp và có tính thương mại cao, có nhiều mẫu sang trọng để dùng trong tầng lớp quý tộc có niên đại từ thế kỷ XV- XIX…”, UBND huyện Triệu Phong cho biết.

Bên cạnh đó, UBND huyện Triệu Phong cũng cho biết, kết quả khai quật ở Cồn Dinh hay Phủ Thờ đã chứng minh trước đây khu vực này “là nơi sầm uất, tụ cư đông đúc”.

Theo UBND huyện Triệu Phong, hiện có 10 địa điểm thuộc loại hình lịch sử – khảo cổ liên quan đến Dinh chúa Nguyễn (1558-1626) trên địa bàn được Bộ VH-TT&DL xếp hạng Quốc gia từ năm 2018. Các địa điểm này bao gồm: Dinh Ái Tử (xã Triệu Ái), Dinh Trà Bát (xã Triệu Giang), Dinh Cát (xã Triệu Giang), Mô Súng (xã Triệu Ái), Bãi Trận (xã Triệu Giang), Cồn Tập (xã Triệu Ái), Tàu Tượng (xã Triệu Ái), Ghềnh Phủ (xã Triệu Giang), Chợ Hôm (xã Triệu Ái), miếu Trảo Trảo phu nhân (thị trấn Ái Tử). Ngoài ra, người dân địa phương cũng vừa phát hiện thêm một di tích là “Giếng Phủ”, nơi từng cấp nước sinh hoạt cho quan binh thời chúa Nguyễn Hoàng.

Viết Hảo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THÔNG TIN ĐIỀU HÀNH
  • Đang truy cập4
  • Máy chủ tìm kiếm0
  • Khách viếng thăm4
  • Hôm nay39
  • Tháng hiện tại39
  • Tổng lượt truy cập2.871.581