Chi tiết tin tức - Huyện Triệu Phong

 

Gìn giữ, tôn tạo di tích chúa Nguyễn tại huyện Triệu Phong

29/03/2024 179 0

Huyện Triệu Phong vừa đồng ý thông qua đồ án quy hoạch "Các địa điểm liên quan đến dinh chúa Nguyễn (1558-1626) tại huyện Triệu Phong" để trình Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt nhằm tiến hành bảo tồn, tôn tạo.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương khảo sát thực địa tại di tích.

Trưởng Phòng Văn hóa, Thông tin huyện Triệu Phong Ðặng Sỹ Dũng cho biết, để tiến hành bảo tồn, tôn tạo di tích quốc gia "Các địa điểm liên quan đến dinh chúa Nguyễn (1558-1626) tại huyện Triệu Phong", địa phương đã làm việc rất bài bản.

Hội thảo khoa học "Hệ thống di tích chúa Nguyễn tại huyện Triệu Phong-Những giá trị lịch sử, văn hóa và định hướng bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản" vừa được huyện phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị tổ chức thành công nhiều mặt. Hội thảo lần này là sự tiếp nối thành công của hội thảo "Quảng Trị - đất dựng nghiệp của Chúa Nguyễn Hoàng" được Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị và Ủy ban nhân dân huyện tổ chức vào tháng 9/2013 tại huyện Triệu Phong. Cả hai hội thảo đều khẳng định những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học quan trọng, cũng như tầm vóc, vai trò, vị trí của các địa điểm liên quan dinh chúa Nguyễn trên đất Triệu Phong, đối với sự nghiệp của các chúa Nguyễn ở Ðàng Trong.

Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã đi sâu phân tích, đánh giá, làm rõ hiện trạng, sự biến đổi của các công trình thuộc di tích qua các thời kỳ lịch sử, nhận diện được quy mô, diện mạo, cấu trúc cụ thể của từng di tích, từ đó đề xuất định hướng nhiệm vụ, giải pháp bảo tồn, tôn tạo di tích phù hợp.

Phần lớn ý kiến đề nghị tạo ra được các không gian tôn vinh, tri ân; tưởng niệm ở vùng lõi và vùng đệm để tăng sự kết nối, đồng bộ trong quản lý, khai thác, phát huy, về lâu dài cố gắng làm sống lại di tích như nó vốn có cách đây mấy trăm năm; kết nối không gian di tích với các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trong và ngoài địa phương nhằm tạo điểm nhấn thu hút du khách trong nước và nước ngoài, thúc đẩy du lịch.

Hiện tại, quy mô quy hoạch di tích là 33,35 ha, trong đó khu vực bảo vệ di tích 9,92 ha, khu vực hỗ trợ phát huy giá trị di tích 23,43 ha. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam lưu ý, việc lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích quốc gia "Các địa điểm liên quan đến dinh chúa Nguyễn (1558-1626) ở huyện Triệu Phong" phải bảo đảm được giá trị lịch sử của di tích. Cần tính toán đến yếu tố sử dụng đường thủy để khai thác sản phẩm du lịch và bảo đảm các yêu cầu mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như tỉnh đề ra; tập trung đầu tư xây dựng đền thờ, tượng đài Chúa Nguyễn Hoàng, nhà trưng bày hiện vật, quảng trường, các điểm mang tính chất kết nối.

Bí thư Huyện ủy Triệu Phong Trần Xuân Anh cho biết, sau khi đồ án quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, huyện Triệu Phong sẽ tổ chức công bố quy hoạch và đẩy mạnh truyền thông, quảng bá những giá trị lịch sử, những công lao của Chúa Nguyễn Hoàng trong tiến trình lịch sử của dân tộc; nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của hệ thống di tích chúa Nguyễn trên đất huyện Triệu Phong, qua đó tạo đồng thuận trong công tác bảo tồn, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị di sản.

Ðồng thời, huyện sẽ phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các sở, ngành liên quan tiến hành khai quật khảo cổ toàn diện, trên phạm vi, dinh chúa Nguyễn và các khu vực liên quan để củng cố luận cứ khoa học, lịch sử về vị trí ba thủ phủ Ái Tử, Trà Bát, Dinh Cát, cũng như phát hiện những vấn đề mới liên quan dinh chúa Nguyễn; đồng thời có kế hoạch sưu tầm, thu thập các tài liệu, tư liệu, hiện vật, phục vụ nghiên cứu, trưng bày, giới thiệu về Chúa Nguyễn Hoàng.

Ngoài ra, huyện xây dựng lộ trình đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi các điểm liên quan di tích dinh chúa Nguyễn; ưu tiên huy động các nguồn lực xã hội hóa và nguồn ngân sách để trước hết đầu tư Ðền thờ Chúa Nguyễn Hoàng hướng đến kỷ niệm 500 năm Ngày sinh của Chúa Nguyễn Hoàng (28/8/1525-28/8/2025). Về lâu dài, huyện sẽ phối hợp các sở, ngành liên quan cấp tỉnh đề xuất đưa vào nguồn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 của tỉnh để tiếp tục đầu tư các hạng mục khác theo đồ án quy hoạch được phê duyệt.

BÀI VÀ ẢNH: LÂM QUANG HUY

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THÔNG TIN ĐIỀU HÀNH
  • Đang truy cập12
  • Máy chủ tìm kiếm0
  • Khách viếng thăm12
  • Hôm nay1359
  • Tháng hiện tại1359
  • Tổng lượt truy cập2.754.000