Chi tiết tin tức - Huyện Triệu Phong

 

Người lan tỏa yêu thương, chia sẽ

24/03/2022 2308 0

Là giáo viên dạy môn tiếng Anh ở Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hải Lâm (huyện Hải Lăng), cô giáo Nguyễn Thị Hải Yến (sinh năm 1978) còn được nhiều người biết đến bởi khả năng kết nối, huy động được nhiều nguồn tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước để giúp đỡ những hoàn cảnh không may lâm vào khó khăn, hoạn nạn trên địa bàn huyện Hải Lăng.

Nguyễn Cô giáo Thị Hải Yến (người đội mũ) khâu nối để nghệ sĩ Quyền Linh hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Hải Lăng - Ảnh: NVCC

Cô giáo giàu lòng nhân ái
     Cơ duyên để cô Hải Yến đến với công tác thiện nguyện xuất phát từ việc giúp đỡ gia đình ông Phạm Văn Tỵ và bà Nguyễn Thị Sắt ở Thôn 4, thị trấn Diên Sanh (trước đây là xã Hải Thọ). Thời điểm năm 2003, hằng ngày, cô Yến thường đi qua nhà ông Tỵ để đến dạy học ở Trường THCS Hải Thiện nên biết được hoàn cảnh của gia đình ông.
     Ông Tỵ có 4 người con đều bị bệnh tâm thần, kinh tế rất khó khăn. Đến năm 2009, ông (là lao động chính trong nhà) bị mắc bệnh tràn dịch màng phổi, sức khỏe kiệt quệ nên gia đình đã khó khăn lại chồng chất khó khăn. Cảm thương hoàn cảnh ấy, cô Hải Yến thường gom áo quần cũ, gạo và thỉnh thoảng trích một phần lương của mình giúp đỡ vợ chồng ông Tỵ. Tuy nhiên, đến năm 2018 thì bà Sắt, vợ ông Tỵ phát hiện bị ung thư, gia cảnh càng trở nên ngặt nghèo hơn. Cô Yến nhận thấy chỉ một mình cô sẽ không giúp đỡ được nhiều cho hoàn cảnh đáng thương này nên đã đăng thông tin lên facebook nhờ bạn bè, người thân giúp đỡ. Đó cũng là lần đầu tiên cô sử dụng mạng xã hội để thực hiện hoạt động thiện nguyện.
     Cô Hải Yến nhớ lại: “Hình ảnh tận cùng sự đau khổ của đôi vợ chồng già yếu, bệnh tật tàn tạ, mòn mỏi bên 4 đứa con ngây dại trong căn nhà dột nát, không có một tài sản gì đáng giá sau khi được đưa lên facebook cá nhân của tôi đã lay động cảm xúc của nhiều người. Tính từ tháng 5/2018, thời điểm tôi đăng bài đến nay đã có trên 100 triệu đồng chuyển đến nhờ tôi trao cho hoàn cảnh đáng thương trên. Nhiều lần tôi động viên bà Sắt đi điều trị bệnh nhưng bà cho rằng bệnh tật của mình khó có thể điều trị dứt điểm, gia đình cũng không đủ kinh phí để trang trải nên mong muốn dành phần tiền được mọi người hỗ trợ sửa chữa nhà cửa và gửi ngân hàng lo cho các con sau này. Tâm nguyện ấy của bà tôi đã thực hiện được”.

Cô giáo Nguyễn Thị Hải Yến trong giờ lên lớp - Ảnh: L.T​

Ngoài giờ giảng dạy trên lớp, cô Hải Yến dành phần lớn thời gian cho hoạt động thiện nguyện. Trên trang facebook cá nhân của cô chủ yếu đăng tải thông tin về các hoàn cảnh khó khăn cần sự giúp đỡ và hình ảnh trao quà hỗ trợ. “Mới đầu nhiều người cho rằng mình thích “khoe” hay cố tình đánh bóng bản thân bằng việc đăng ảnh trao quà hỗ trợ nhưng thực tế đã chứng minh đó là cách công khai, minh bạch những hoạt động mà mình đã giúp kết nối những tấm lòng hảo tâm trong xã hội với những mảnh đời kém may mắn. Có khi nhà tài trợ chuyển về hàng chục triệu đồng để nhờ trao cho địa chỉ cần giúp đỡ, nếu mình không công khai những hình ảnh, thông tin liên quan để chứng minh kết quả kết nối thì làm sao tạo được niềm tin với người hỗ trợ. Đó cũng là cách lan tỏa sự chia sẻ, yêu thương trong cộng đồng nên mình không bận tâm lắm đến những điều bàn tán sau lưng”, cô Yến phân tích. Đợt lũ lịch sử trong tháng 10/2020, cô Hải Yến khiến nhiều người dân ở vùng rốn lũ Hải Lăng nhớ mãi bởi sự dấn thân, không quản ngại khó khăn, hiểm nguy để mang nhu yếu phẩm cứu trợ cho người dân những vùng bị nước lũ chia cắt, cô lập.
      2 tỉ đồng là trị giá quy đổi từ hàng hóa và tiền mặt mà cô Hải Yến đã huy động từ các tổ chức, cá nhân để giúp đỡ người dân vùng ngập lụt huyện Hải Lăng trong đợt mưa lũ tháng 10/2020. Có những chuyến đi cứu trợ khiến cô nhớ mãi như chuyến cùng tổ công tác Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh để mang cơm hộp, nước uống đóng chai, mỳ ăn liền… cứu trợ người dân đang bị lũ cô lập ở xã Hải Chánh vào ngày 12/10/2020. “Khi chúng tôi đang bốc dỡ hàng cứu trợ cho người dân tại UBND xã Hải Chánh thì đoàn công tác của Bộ đội Biên phòng tỉnh nhận được thông tin có một phụ nữ ở xã Hải Phong đau bụng trong tình trạng nguy kịch nhưng bị cô lập bởi nước lũ nên không thể đến bệnh viện. Thế là mọi người tạm dừng việc cứu trợ hàng hóa ở Hải Chánh, ngược ca nô về hướng xã Hải Phong để cứu người. Tôi cũng tình nguyện theo các chiến sĩ bộ đội Biên phòng dẫn đường vì từng có thời gian dài dạy học ở vùng thấp trũng Hải Lăng. Tuy nhiên, trên đường đi trời mưa rất to, nước lũ thời điểm này đang ở đỉnh cao nhất trong đợt mưa lũ tháng 10/2020 nên việc định hướng gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có lúc rơi vào tình huống nguy hiểm khiến ca nô phải vòng lui vòng tới rất nhiều lần mới tìm được gia đình chị Liên - người bị viêm ruột thừa - để đưa đi cấp cứu kịp thời. Việc cứu người cấp bách trong tình huống thiên tai nguy hiểm bây giờ nhớ lại tôi vẫn còn cảm giác hồi hộp”, cô Hải Yến kể lại.
     Là người hay đi nên cô nắm khá rõ địa bàn huyện Hải Lăng. Tuy nhiên vào thời điểm nước lũ dâng cao, nhấn chìm tất cả thì địa hình không còn như trí nhớ của cô, vì thế có những chuyến thiện nguyện cô Hải Yến gặp tai nạn như chuyến mang hàng hóa về hỗ trợ cho người dân đang bị cô lập ở vùng lũ Thiện Thành. Một gốc thân cây dừa đã làm chiếc xuồng máy cô đang ngồi cùng với một đống hàng hóa cứu trợ bị lật, hàng hóa bị trôi và ướt hết. Rất may, vì có mang áo phao nên không nguy hiểm đến tính mạng.
     Vì học sinh thân yêu
     Đối với hai chị em Nguyễn Thị Ngân (sinh năm 2001) và Nguyễn Thị Trinh (sinh năm 2003), ở xã Hải Thành (nay là xã Hải Định), huyện Hải Lăng, cô Hải Yến như người mẹ hiền bởi sự chăm sóc, bảo ban tận tâm của cô dành cho các em. 

Cô giáo Nguyễn Thị Hải Yến luôn dành sự quan tâm, giúp đỡ cho học sinh - Ảnh: L.T​

 

Ngân và Trinh mồ côi ba mẹ vào năm 2012. Thời điểm ấy, Ngân học lớp 6 còn Trinh học lớp 3. Hai chị em sống với ông bà nội đã già yếu nên cuộc sống rất vất vả, khó khăn. Lúc bấy giờ, cô Yến là chủ nhiệm lớp Ngân. Thương học trò vất vả nên hằng tháng cô Yến thường trích lương hỗ trợ em tiền mua sách vở, dụng cụ học tập, đồng thời trao đổi, kết nối với Ban giám hiệu và tổng phụ trách đội nhà trường để động viên, giúp đỡ hai chị em Ngân và Yến không bỏ học giữa chừng.
     Cô Yến cho biết: “Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng điều đáng quý là hai chị em Ngân rất chăm ngoan và học giỏi nên tôi càng có động lực để giúp đỡ các em. Đến năm 2018, Ngân thi vào Trường Đại học Y Dược Đà Nẵng, giấy báo nhập học gửi về với số tiền nhập học ban đầu là 8 triệu đồng nhưng em không biết lấy đâu ra tiền để nộp. Ngân giấu không cho tôi biết điều này cho đến một hôm tôi điện về hỏi thăm thì mới biết chuyện. Thế là tôi đã liên lạc với Hội Khuyến học tỉnh nhờ xem xét hoàn cảnh của Ngân để hỗ trợ tiếp sức đến trường. Rất may, sau khi nhận được thông tin, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh hướng dẫn làm hồ sơ để xem xét hỗ trợ em 10 triệu đồng làm thủ tục nhập học. Cũng thời gian này, thông qua facebook cá nhân, tôi đã kêu gọi anh em, bạn bè hỗ trợ Ngân trên 30 triệu đồng trang trải việc học hành. Ngoài ra, tôi cũng liên lạc, kết nối với Hội Liên hiệp phụ nữ Công an huyện Hải Lăng hỗ trợ chi phí trang trải học hành cho Ngân định kỳ 1 triệu đồng/quý, bắt đầu từ năm 2018 đến nay”.
     Cô Yến đã lập cho Ngân một tài khoản ngân hàng và chuyển toàn bộ số tiền mà mình kêu gọi được vào thẻ để Ngân chủ động trang trải kinh phí học hành. Ngân chia sẻ: “Không chỉ lo cho em kinh phí học tập, cô Yến còn luôn quan tâm động viên chị em chúng em. Mỗi lần gặp chuyện buồn phiền hay bất trắc, em đều được cô giúp đỡ, chỉ bảo kịp thời. Cô Yến là chỗ dựa tinh thần vững chắc của chúng em. Không có cô Yến, chúng em sẽ không được học hành tử tế như ngày hôm nay. Ngoài giờ học, em đã tìm được một công việc làm thêm đó là nhặt lông yến để kiếm thêm thu nhập. Nhờ sự động viên của cô Yến, em đã chú tâm đến việc học hành với kết quả năm học đầu tiên đạt điểm số trung bình cả năm là 8,03, đủ điều kiện để hưởng học bổng từ Quỹ học bổng Thắp sáng niềm tin với tổng trị giá 52 triệu đồng cho em theo học 4 năm học cử nhân điều dưỡng”.
     Kinh phí trang trải việc học hành của Ngân giờ có thể tạm yên tâm, cô Yến dành thời gian chăm lo cho việc học hành của Trinh. Hiện Trinh là học sinh lớp 10 Trường THPT Hải Lăng. Noi gương chị Ngân, Trinh cũng rất chăm học, trong kỳ thi học sinh giỏi tỉnh vừa qua, Trinh đoạt giải Nhì môn Lịch sử. Để động viên Trinh, cô Yến tặng em một chiếc xe đạp làm phương tiện đi lại học hành.
     Vừa chuyển về công tác ở Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hải Lâm chưa được bao lâu nhưng cô Yến cũng đã kịp thời nắm bắt hoàn cảnh các em trong trường để có những hỗ trợ thiết thực. Trong số các trường hợp học sinh gặp khó khăn của nhà trường, cô đặc biệt quan tâm đến hoàn cảnh của hai học sinh: Hồ Nguyễn Công Minh, lớp 9 và Hồ Nguyễn Ái Dương, lớp 6. Minh và Dương là anh em ruột trong gia đình 4 anh em ở thôn Tân Phước, xã Hải Lâm. Hoàn cảnh gia đình rất vất vả do ba mất, mẹ làm nghề bốc vỏ tràm nhưng thường xuyên đau ốm nên công việc và thu nhập đều không ổn định. Sau Minh và Dương là hai em nhỏ đang học mẫu giáo. Thông qua facebook, cô Yến đã huy động được 23 triệu đồng tiền mặt từ các nhà hảo tâm trong, ngoài tỉnh gửi về giúp đỡ các em. Đặc biệt, cô Hải Yến đã kết nối được nhóm thiện nguyện Lộc Thủy ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế để đỡ đầu dài hạn cho các em với mức hỗ trợ 400 ngàn đồng/tháng, kể từ tháng 10/2019 đến nay.

Tác giả bài viết: Lâm Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THÔNG TIN ĐIỀU HÀNH
  • Đang truy cập99
  • Máy chủ tìm kiếm0
  • Khách viếng thăm99
  • Hôm nay206
  • Tháng hiện tại206
  • Tổng lượt truy cập2.735.604