Bản đồ hành chính - Huyện Triệu Phong

 

Bản đồ hành chính

 

THUYẾT MINH BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH
HUYỆN TRIỆU PHONG

 

Huyện Triệu Phong hiện nay là một trong 10 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Quảng Trị, nằm về nằm phía đông nam của tỉnh và trải ngang như một tấm khăn chùng từ nơi giáp giới với 02 huyện Đakrông và Cam Lộ ra đến Biển Đông. Chiều dài từ tây sang đông ở đất liền hơn 30km, chiều rộng ở đồng bằng từ 15-17km, có toạ độ địa lý 16,48 – 16,54 độ vĩ Bắc; 107,12 - 108,18 độ kinh Đông.  Diện tích tự nhiên 353,04 km2,

Về địa giới hành chính:

- Phía bắc giáp với thành phố Đông Hà và huyện Gio Linh.

- Phía nam giáp với huyện Hải Lăng và thị xã Quảng Trị.

- Phía tây giáp với huyện Đakrông và huyện Cam Lộ

- Phía đông giáp với Biển Đông. 

Địa hình huyện Triệu Phong nghiêng từ tây sang đông, được chia thành 3 vùng rõ rệt: gò đồi, đồng bằng và vùng cát ven biển.

- Phía đông của huyện là một dải cát chạy dọc bờ biển theo hướng bắc nam, dài trên 15km, rộng từ 4 – 4,5km với diện tích chiếm 20% đất tự nhiên của huyện, gồm các xã: Triệu An, Triệu Vân, Triệu Lăng, Triệu Sơn, Triệu Trạch. Đây là một phần của dải Tiểu Trường Sa, chỉ toàn cát trắng mịn, có nơi dồn lên thành động dài. Có bờ biển dài 18km, tập trung nhiều loại hải sản có giá trị cao như mực, tôm, các loại cá,…  

- Phía trong dải cát là vùng đồng bằng rộng từ 7 – 8km, với diện tích chiếm gần 30% diện tích đất tự nhiên, gồm các xã: Triệu Thành, Triệu Long, Triệu Hoà, Triệu Đại, Triệu Độ, Triệu Thuận, Triệu Phước, Triệu Trung, Triệu Tài, thị trấn Ái Tử và một phần của xã Triệu Long. Chất đất tiện lợi cho việc canh tác, xóm làng xanh tươi, đông đúc.

- Phía tây, là vùng gò đồi chiếm hơn 50% diện tích đất tự nhiên, gồm các xã: Triệu Thượng, Triệu Ái và một phần của xã Triệu Giang. Đây là nơi phát triển các loại cây công nghiệp, cây lấy gỗ kết hợp trồng cây hoa màu, cây lương thực.  

Với sự phân bố đất đai như vậy, huyện Triệu Phong trở thành một trong hai khu vực của tỉnh có nhiều thuận lợi để phát triển nền nông nghiệp toàn diện. Những thuận lợi này còn được gia tăng bởi những dòng sông có sức tưới tiêu, cho phép nhân dân khai đào được một hệ thống kênh, hói toả khắp ruộng đồng.

Dòng sông lớn nhất – dòng sông mẹ của nguồn nước trong huyện là sông Thạch Hãn. Trước đây, hàng năm sông Thạch Hãn bồi đắp thêm cho ruộng đồng một lớp phù sa mới, và ngày nay qua hệ thống thuỷ nông lại đưa nước về, biến hầu hết các cánh đồng Triệu Phong thành ruộng 2 vụ lúa. Đã vậy, khi đổ ra biển, nó còn mở ra một cửa sông khá sâu, đó là Cửa Việt. Dù chưa đủ độ sâu, rộng cần thiết cho tàu thuyền lớn ra vào, song Cửa Việt vẫn là “cái cổng” của tỉnh mở ra đại dương. Đối với huyện, nó tạo thuận tiện cho giao lưu với bên ngoài. Sông Thạch Hãn cũng là nơi đi vào lịch sử huyện nhà cũng như cả nước bằng những chiến công hiển hách và việc trao trả tù binh giữa ta và địch sau Hiệp định Pari năm 1973.

Sông Vĩnh Định chảy qua huyện Triệu Phong khoản 10km, trước khi bị kênh thuỷ nông bịt dòng ở An Tiêm, dòng Vĩnh Định cùng với sông Thạch Hãn là con đường thuỷ đi lại và buôn bán sản vật địa phương giữa Huế với chợ Ngô Xá, Chợ Sãi, Chợ Sòng ra tận Chợ Cầu (huyện Gio Linh) và Chợ Huyện (huyện Vĩnh Linh), đặc biệt nửa cuối thế kỷ XV nó là một đoạn sông vận chuyển quân lương cho Hồ Hán Thương và Lê Thánh Tông đi mở mang bờ cõi ở Phương Nam. Ngày nay nó là “dòng kênh N1 của thiên nhiên” phân phối nước và phù sa nguồn Hãn, nguồn Nhùng qua các kênh, hói vào tưới tiêu các cánh đồng Triệu Hải.

Cùng với sông Thạch Hãn, sông Vĩnh Định, huyện Triệu Phong còn có sông Ái Tử và sông Vĩnh Phước. Đặc biệt sông Ái Tử đã lưu dấu bao chiến công làm rạng ngời tên tuổi của huyện, của tỉnh lưu trong sử sách qua trận đánh nổi tiếng của danh tướng Đặng Dung chống quân xâm lược nhà Minh (Trung Quốc) do Trương Phụ chỉ huy vào năm 1413 và Đoan quận công Nguyễn Hoàng trong trận đánh tan tướng nhà Mạc là Lập Bạo vào năm 1572.

Về khí hậu, do nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa khá khắc nghiệt nên ngay cả lúc làng xóm, dân cư còn thưa thớt nhân dân cũng không được ấm no. Mọi thiên tai luôn xảy ra ở đây, chồng lên nhau, nối tiếp nhau, bất thường nhiều hơn bình thường. Mùa xuân nếu không hạn thì lại có gió đông bắc, mang theo những đợt rét bất chợt làm hạn chế sự phát triển của cây trồng, vật nuôi. Mùa hè, gió tây nam khô khốc thổi về như những cơn bão kéo dài hàng tháng, cỏ cháy đồng khô, nước sông cạn hẳn, nước mặn xâm nhập, mùa màng thất bát. Mùa thu, đang hạn bỗng mưa bão đùng đùng, nhà cửa tốc mái, nước lụt cuốn hết mùa màng, tài sản. Mùa đông, trời lại mưa dầm, có khi cả tháng, rét đến mức cây lúa cấy xuống không lớn lên nổi. Đó là chưa nói đến nạn cát xâm lấn đồng ruộng, lấp kênh hói; nạn đất bị xói mòn, thậm chí cả nạn đất lở, có khi làm mất chỗ ở như làng Trung Kiên, Hậu Kiên.

]]>

THÔNG TIN ĐIỀU HÀNH