Tiềm năng và triển vọng - Huyện Triệu Phong
Tiềm năng và triển vọng
1. Tài nguyên đất
Triệu Phong có 3 loại đất chính sau:
- Nhóm đất phù sa được bồi và không được bồi: 10.498 ha, chiếm 30% diện tích tự nhiên (DTTN), do hệ thống sông Thạch Hãn và sông Vĩnh Định bồi đắp, chúng được phân bố ở 12 xã vùng đồng bằng bao gồm: Triệu Thành, Triệu Long, Triệu Đông, Triệu Hòa, Triệu Đại, Triệu Độ, Triệu Thuận, Triệu Phước, Triệu Trạch, Triệu Sơn, Triệu Trung, Triệu Tài. Đất có thành phần cơ giới thịt nặng, ít chua, hàm lượng đạm, mùn trên tầng mặt ở mức trung bình khá. Hướng sử dụng các loại đất này là trồng các cây lương thực, thực phẩm như lúa, ngô, khoai và các loại cây công nghiệp ngắn ngày.
- Nhóm đất sa phiến thạch: 17.689,32 ha, chiếm 50% DTTN, chủ yếu nằm ở vùng gò đồi, ở phía Tây quốc lộ 1A, bao gồm các xã: Triệu Thượng, Triệu Ái, Triệu Giang. Thành phần cơ bản chủ yếu là vỏ phong hoá mác-ma, ba-giơ trên vỏ phong hoá trầm tích, sa phiến thạch. Khu vực này có thể phát triển trồng trọt hoặc mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi.
- Nhóm đất cát và cồn cát ven biển: 6.904 ha, chiếm 20% DTTN, chủ yếu tập trung ở các xã ven biển như: Triệu An, Triệu Vân, Triệu Lăng, Triệu Trạch, Triệu Sơn. Hướng phát triển của vùng này là trồng rừng và trồng một số loại cây lương thực, thực phẩm ngắn ngày như: rau, khoai, lạc, đỗ, vừng, dâu, tằm...
2. Tài nguyên rừng
Theo thống kê năm 2009, diện tích đất lâm nghiệp của huyện là 14.575,2 ha, chiếm 41,3% diện tích đất tự nhiên. Triệu Phong là một trong số huyện có diện tích đất lâm nghiệp lớn nhất của tỉnh Quảng Trị. Diện tích rừng trồng chiếm tỷ lệ lớn (chiếm 95.9% với 13.982 ha). Đáng chú ý là diện tích rừng trồng đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây (từ 13.278 ha năm 2007 lên 13.982 ha năm 2008). Rừng trồng đang được phát triển mạnh ở các xã: Triệu Ái, Triệu Thượng, Triệu Sơn, Triệu An, Triệu Trạch, Triệu Vân, Triệu Lăng với các loại cây chủ yếu là thông, bạch đàn, keo lai. Đây là vùng nguyên liệu lớn cung cấp cho ngành công nghiệp chế biến gỗ, nhựa thông... phát triển trong thời gian tới.
Rừng tự nhiên, hiện nay đang được huyện đưa vào khoanh nuôi, bảo vệ phục hồi một cách tích cực.
3. Tài nguyên biển và ven biển
Triệu Phong có chiều dài bờ biển 18 km, chạy dọc theo 3 xã Triệu An, Triệu Vân và Triệu Lăng. Vùng biển Quảng Trị nói chung và biển Triệu Lăng nói riêng là nơi trú ngụ của nhiều loại hải sản quý như: Các loại tôm, cua, cá hồng, cá mú, cá thu, cá nục, cá ngừ, mực ống, mực nang...
Tiềm năng phát triển ngành nuôi trồng thủy sản của địa phương là khá lớn, với diện tích đất, mặt nước có khả năng sử dụng nuôi trồng thủy, hải sản lên đến 5.640 ha, có thể nuôi được các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao như: tôm sú, tôm càng xanh, tôm he chân trắng, cua xanh và một số loại cá là nguồn nguyên liệu phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến.
Ngoài tiềm năng biển nói trên, Huyện còn có lợi thế so sánh đặc biệt, đó là có cảng Cửa Việt, bãi tắm Triệu Lăng và đặc biệt là có trục đường ven biển nối với các tỉnh miền Trung mở ra những cơ hội phát triển rất lớn về du lịch, kinh tế biển và các ngành dịch vụ khác.
4. Tài nguyên nước
Triệu Phong có hệ thống sông, ngòi, ao, hồ, nguồn nước ngầm khá đa dạng:
Sông ngòi: Hệ thống sông Thạch Hãn với tổng chiều dài 150km đóng vai trò hết sức quan trọng đối với hệ thống thủy lợi cũng như giao thông vận tải thủy của địa phương, ngoài sông Thạch Hãn còn có sông Vĩnh Định, Vĩnh Phước...Các con sông này ngoài việc cung cấp nước tưới, tiêu cho nông nghiệp, hàng năm lượng phù sa do con sông này bồi đắp đã góp phần bổ sung thêm độ phì nhiêu cho đất góp phần gia tăng năng suất và sản lượng của các giống cây trồng, là những tiềm năng phát triển kinh tế đáng kể của Triệu Phong.
Nguồn nước ao hồ: Trên địa bàn có một số hồ, đập quan trọng có ý nghĩa trữ nước phục vụ cho phát triển sản xuất và đời sống dân sinh đồng thời góp phần cải tạo môi trường như: Đập dâng Nam Thạch Hãn; đập ngăn mặn Việt Yên; hồ Triệu Thượng I, Triệu Thượng II, đập dâng Bà Huyện, hồ Ái Tử...
Nguồn nước ngầm: Nguồn nước ngầm khá phong phú, chất lượng khá tốt, riêng vùng ven biển nhiều nơi bị nhiễm mặn, một số vùng bị phân hoá.
Với trữ lượng nước mặt và nước ngầm như trên, nguồn nước của Triệu Phong hoàn toàn có thể đáp ứng các điều kiện để sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân trên địa bàn huyện.
5. Tài nguyên khoáng sản
Theo báo cáo kết quả thực hiện dự án quy hoạch khai thác khoáng sản tỉnh Quảng Trị đến năm 2010 và dự báo đến năm 2020, trên địa bàn huyện Triệu Phong nguồn khoáng sản chủ yếu là khoáng sản thuộc nhóm phi kim loại như:
Silicat: Trữ lượng cấp P² 91 triệu tấn, phân bố chủ yếu tại 2 xã Triệu Vân và Triệu Trạch, có trữ lượng tài nguyên dự tính 90.921.849 tấn, có độ mịn hạt 0,1-1mm, thành phần chủ yếu SiO2 chiếm trên 99%, làm nguyên liệu sản xuất thuỷ tinh dân dụng và kỹ thuật.
Cát, cuội, sỏi, đá khí: Mỏ (cát, cuội, sỏi) phân bố dọc theo khu vực sông Thạch Hãn khu vực các xã Triệu Long, Triệu Giang, Triệu Thuận. Ngoài ra còn có một số điểm Lập Thạch, Trà Liên Đông chưa được tìm kiếm đánh giá. Mỏ đá Thượng Phước, mỏ khí CO2 ở Triệu Đại cũng là một trong những tài nguyên rất có giá trị của Triệu Phong.
Sét gạch ngói: Trữ lượng nhỏ, phân bố rãi rác (các mỏ Nhan Biều dự tính là 5,41 m3, Triệu Đại được đánh giá là có triển vọng).
Ngoài ra, theo nhận định của đoàn khảo sát địa chất thì điểm Titan (ziricon) Nam Cửa Việt tuy chưa được đánh giá nhưng trên cơ sở phân tích đặc điểm của vùng các chuyên gia cho rằng là điểm Titan có triển vọng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện có trữ lượng không lớn, song đó cũng là cơ sở quan trọng để phát triển các ngành công nghiệp phục vụ nhu cầu xây dựng tại huyện và cả tỉnh Quảng Trị.
II. Tiềm năng du lịch
Là một huyện có địa hình đa dạng, vừa có gò đồi, có sông, có đồng, có biển; có nhiều di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh đẹp, Triệu Phong có sức hút lớn đối với khách du lịch trong và ngoài nước.
Tài nguyên du lịch tự nhiên: Triệu Phong có một số cảnh quan thiên nhiên đẹp có thể khai thác phục vụ du lịch như bãi tắm Triệu Lăng; Cửa Việt; hồ Ái Tử...Trong đó Cửa Việt, với việc hoàn thành cải tạo, nâng cấp thành một cảng lớn của tỉnh và khu vực vào năm 2010, nơi đây dự báo sẽ là điểm nhấn quan trọng của huyện trong việc thu hút đầu tư và du lịch.
Tài nguyên du lịch nhân văn: Triệu Phong là vùng đất có tiềm năng du lịch nhân văn khá phong phú với nhiều di tích lịch sử, văn hóa như: Chùa Sắc Tứ, Dinh Trà Bát, Đình Bích La Đông, khu di tích nhà lưu niệm Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, Nhà tưởng niệm Cố Thủ Tướng Trần Hữu Dực và các lễ hội dân gian khác.
Triệu Phong từ xa xưa đã nổi danh là một vùng đất “địa linh nhân kiệt”, là quê hương của của các vị lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo Đảng và Nhà nước như: Cố Tổng bí thư Lê Duẩn, cố Phó Thử Tướng Chính Phủ Trần Hữu Dực, cố Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Đoàn Khuê. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhân dân Triệu Phong đã đóng góp sức người, sức của cho chiến thắng chung của dân tộc.
Lịch sử văn hiến, truyền thống cách mạng, bản chất tốt đẹp của con người Triệu Phong chính là nguồn tài nguyên nhân văn vô giá để huyện có điều kiện để phát triển mạnh về kinh tế - xã hội và văn hoá trong giai đoạn tới.
III. Nguồn nhân lực
Tiềm năng, số lượng lao động: Huyện Triệu Phong có nguồn nhân lực tương đối dồi dào đáp ứng nhu cầu lao động trên địa bàn huyện trong tương lai. Theo thống kê năm 2009 dân số trong độ tuổi của Huyện tiếp tục tăng đạt 59.348 người và chiếm 54,5% tổng dân số.
Theo dự báo đến năm 2015, dân số trong độ tuổi lao động sẽ là 65.934 người, chiếm 56,4% dân số, sẽ có khoảng 64.031 người tham gia làm việc trong tất cả các ngành kinh tế, trong đó khối nông nghiệp sẽ thu hút 45.171 người tương đương với 68,5% tổng số người tham gia làm việc trong các ngành kinh tế; Khối phi nông nghiệp sẽ có khoảng 18.860 người tương ứng với 31,5% tổng số lao động đang làm việc.
Triệu Phong nằm gần thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị và khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị là những nơi đang phát triển công nghiệp rất mạnh, như vậy trong tương lai, hướng phát triển chủ yếu của Triệu Phong là dịch vụ, bởi vậy nên lao động trong khu vực này sẽ tăng lên nhanh chóng. Đó sẽ là một trong những nhân tố rất quan trọng để Huyện đạt được mục tiêu phát triển giai đoạn 2020 và xa hơn.
IV. HIỆN TRẠNG KẾT CẤU HẠ TẦNG
Mạng lưới giao thông đường bộ được đầu tư xây phát triển khá đồng bộ gồm quốc lộ, tỉnh lộ, đường đô thị, đường giao thông nông thôn và đường chuyên dùng với tổng chiều dài 284 km.
* Quốc lộ: Trên địa bàn Triệu Phong có tuyến quốc lộ 1A đi qua với tổng chiều dài 7,4 km, đây là các tuyến giao thông quan trọng của huyện. Tuyến đường này đã được đầu tư nâng cấp trải nhựa chất lượng khá.
* Đường tỉnh lộ. Trên địa bàn huyện có 03 tuyến, tuyến đường 64, đường 68 và tỉnh lộ Ái Tử - Trừ Lấu có tổng chiều dài là 39,2 km. Các tuyến đường tỉnh cùng phối hợp với hệ thống quốc lộ tạo thành các trục giao thông Bắc - Nam và trục ngang Đông-Tây thuận tiện trong việc lưu thông hàng hoá, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ quốc phòng - an ninh trên địa bàn.
* Tuyến đường quốc phòng ven biển dài 18 km
* Giao thông nông thôn (gồm đường huyện, đường xã, thôn bản)
Tính đến thời điểm hiện nay, tổng số chiều dài các tuyến đường huyện, xã, thôn, đô thị của Triệu Phong là 1372,3 km. Trong đó, đường huyện là 179 km; Đường liên thôn 227,3 km; Đường đô thị là 41,6 km; Đường thôn 600 km. Một số tuyến đường như: đường về xã Triệu Thuận, Triệu Thượng; đường Đại Độ - Thuận Phước; Cầu Cửa Việt, cầu Bắc Phước; cầu Đại Lộc; Đường sau nghĩa trang liệt sỹ huyện vào nhà máy gạch Tuy Nen, đường T19 và hệ thống đường liên thôn, liên xã đã và đang được tập trung đầu tư nâng cấp sửa chữa
Trên địa bàn Huyện có hệ thống sông bao gồm sông chính là sông Thạch Hãn và các nhánh sống Hiếu, sông Vĩnh Phước, sông Nhùng và sông Rào Quán với tổng chiều dài là 150 km.
Hiện nay Triệu Phong đã đưa vào khai thác 03 tuyến đò. Riêng tuyến Cửa Việt - Đông Hà dài 14 km dùng để vận tải hàng hóa và hành khách và một số tuyến đường sông khác với tổng chiều dài khai thác là 50 km.
* Hệ thống cầu, cảng sông, biển
Mạng lưới giao thông đường thủy của Triệu Phong khá thuận lợi trong việc giao lưu với các địa phương trong và ngoài tỉnh.
Trên địa bàn Huyện có một số cây cầu lớn như là cầu qua sông Thạch Hãn, Lai Phước, cầu Sãi, cầu Rì Rì, cầu Cửa Việt. Trong đó đáng chú ý là hai cây cầu qua sông Thạch Hãn và cầu Lai Phước. Đây là hai cây cầu nối liền giữa Thành phố Đông Hà và các Huyện lân cận với Triệu Phong hiện đang được đầu tư xây mới, khi hoàn thành chúng sẽ có tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bưu chính, viễn thông:
Bưu chính: Đến nay toàn huyện có 6 bưu cục hoạt động khá hiệu quả, đáp ứng cơ bản nhu cầu sử dụng dịch vụ bưu chính của nhân dân và các cơ quan, tổ chức trên địa bàn Huyện. Hệ thống chuyển phát các dịch vụ bưu chính đã đến được tất cả các xã trong Huyện.
Viễn thông: Với sự tham gia của 3 hãng điện thoại lớn là Vinaphone, Mobifone, Viettel… phạm vi phủ sóng điện thoại đã được mở rộng ra toàn địa bàn huyện. Chất lượng phục vụ của các hãng điện thoại ngày một tốt hơn. Năm 2009, toàn huyện có 8.790 máy điện thoại cố định đạt mật độ 8,0 máy/100 dân; 750 thuê bao di động trả sau, 725 thuê bao Internet.
Mạng bưu chính viễn thông những năm gần đây đã được đầu tư phát triển khá nhanh, tiếp cận với các công nghệ mới đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ ngày càng đa dạng với chất lượng cao của các ngành kinh tế và dân cư.
Hệ thống cấp điện:
Triệu Phong được cấp điện từ hệ thống lưới điện quốc gia qua 86 trạm biến áp với tổng dung lượng là 8400 KV
Mạng lưới phân phối điện được xây dựng khá đồng bộ gồm:
- Lưới điện 35 KV dài 20 km.
- Lưới điện 10- 22 KV dài 120 km.
Trên cơ sở những điều kiện như trên có thể nói rằng Triệu Phong có vị trí địa lý khá thuận lợi, nằm trên trục giao thông Bắc - Nam và là điểm nối giữa vùng Bắc Bộ với Nam Trung Bộ và Nam Bộ, đồng thời là một trong những cửa ngõ ra biển chủ yếu của các tỉnh nước bạn Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan. Triệu Phong cũng là Huyện có vị trí tiếp giáp với trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của tỉnh (Thành phố Đông Hà) với Thị xã Quảng Trị về phía Nam, với khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị tại địa bàn các xã: Triệu An, Triệu Phước, Triệu Vân, Triệu Trạch, Triệu Lăng, Triệu Sơn có diện tích 89,33 ha, cách Huế (trung tâm kinh tế lớn của vùng 65 Km).
Đây là lợi thế lớn để Triệu Phong phát triển sản xuất hàng hoá mở rộng giao thương với các vùng miền trong cả nước và với quốc tế.
Tài nguyên tự nhiên tương đối phong phú, đa dạng (đất, rừng, biển, khoáng sản, thủy sản, du lịch tự nhiên và nhân văn...) tạo cho Huyện những lợi thế so sánh rõ rệt so với các địa phương trong Tỉnh, vùng về phương diện phát triển kinh tế, nhất là sản xuất và chế biến nông - lâm - thủy hải sản, du lịch, khai khoáng, vận tải biển, làng nghề tiểu thủ công nghiệp, kinh tế tổng hợp...
Nguồn lao động dồi dào, người lao động cần cù, chịu khó, sáng tạo, sẵn sàng sử dụng hết thời gian nhàn rỗi vào các hoạt động kinh doanh, sản xuất là một lợi thế so sánh rất quan trọng của huyện so với các địa phương trong tỉnh, vùng. Đây là một tiền đề quan trọng để huyện có thể tiến nhanh trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong tương lai.
Là địa phương được hưởng lợi từ những chính sách của cả hai Nghị Quyết 37/NQ-TW và 39/NQ-TW của Bộ Chính trị. Triệu Phong có điều kiện thu hút nguồn hỗ trợ đầu tư lớn của Trung ương để phát triển kết cấu hạ tầng và xắp xếp dân cư, tổ chức lại sản xuất trên địa bàn.
Quá trình đổi mới và hội nhập của đất nước đã và đang tạo nhiều thuận lợi cho sự phát triển kinh tế cả nước nói chung và cho mỗi địa phương nói riêng, trong đó có huyện Triệu Phong. Sự tăng trưởng khá và tương đối ổn định của nền kinh tế huyện trong những năm qua cũng như kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đã và đang đầu tư phát triển đã tạo đà cho sự phát triển nhanh hơn trong giai đoạn tới.