Quy hoạch tổng thể - Huyện Triệu Phong

 

 

QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI HUYỆN TRIỆU PHONG ĐẾN NĂM 2020

I. MỤC TIÊU VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TRONG THI GIAN TỚI
1. Mục tiêu tổng quát
Phát huy mọi nguồn lực, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của huyện, xây dựng Triệu Phong trở thành một trong những huyện đứng trong tốp đầu của tỉnh Quảng Trị về mọi mặt, nhất là về phát triển đô thị, thương mại và du lịch..
Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiêp và dịch vụ, đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ thương mại. Tăng dần tỷ trọng của khu vực KT tư nhân.
Nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người và rút ngắn dần khoảng cách thu nhập giữa vùng nông thôn và đô thị của huyện Triệu Phong so với thành phố Đông Hà và thị xã Quảng Trị của tỉnh Quảng Trị.
Phát triển một xã hội lành mạnh, ổn định trong sự quan tâm phát triển nguồn nhân lực.
2. Mục tiêu cụ thể
 Các mục tiêu phát triển kinh tế.
Phấn đấu tăng trưởng VA trung bình/năm trong giai đoạn 2011 - 2020 là 14,2 - 15,2%, trong đó giai đoạn 2011 - 2015 là 13,5  - 14,5% và giai đoạn 2016 - 2020 đạt tốc độ tăng từ 15,0 - 16,0%.
Phấn đấu mức thu nhập bình quân hàng năm trên đầu người (VA/người) đạt mức từ 22,3 đến 24,0 triệu đồng vào năm 2015 và đến năm 2020 đạt từ 52,8 đến 54,0 triệu đồng.
Cơ cấu kinh tế các ngành đến năm 2020 sẽ được hình thành theo hướng tăng mạnh tỷ trọng khu vực phi nông nghiệp, giảm mạnh nông nghiệp. Như vậy, một cơ cấu VA hợp lý cho các ngành Nông nghiệp – Công nghiệp – Dịch vụ được dự báo đến năm 2015 tương ứng là 36,3% - 32,1% - 31,6% và đến năm 2020 là 27,0% - 38,5% - 34,5%.
 Mục tiêu phát triển xã hội
Tạo việc làm cho số lao động tăng thêm và lao động phải chuyển đổi nghề nghiệp do bị thu hồi đất để phát triển khu kinh tế, các khu đô thị, các khu công nghiệp bằng cách đưa vào làm việc trong các ngành công nghiệp, dịch vụ, và xuất khẩu lao động. Phấn đấu giảm thất nghiệp từ 3,5% đến năm 2015 xuống còn 3,0% đến năm 2020; Phấn đấu đạt tỷ lệ lao động qua đào tạo là 40%, trong đó qua đào tạo nghề là 30% vào năm 2015, tỷ lệ đó sẽ tăng lên tương ứng 50%; 40% vào năm 2020. Đảm bảo an sinh xã hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 6% vào năm 2015 và 4% vào năm 2020; Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 15% năm 2015 và dưới 10% vào năm 2020.
Đẩy mạnh công tác giáo dục, phấn đấu đến năm 2020 có từ trên 90% số trường đạt chuẩn quốc gia ở tất cả các cấp học. Đa dạng hóa các loại hình đào tạo, đặc biệt chú trọng đến việc hình thành cơ cấu đào tạo phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của huyện. Giai đoạn từ năm 2015 đến 2020 đào tạo bậc Cao đẳng, Đại học; Giai đoạn sau năm 2020 đào tạo sau đại học trên địa bàn.
Giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên xuống 0,9% vào năm 2015, và 0,5% vào năm 2020.
Chú trọng phát triển các hoạt động văn hóa, thể thao song song với việc bảo tồn các di tích lịch sử văn hoá hình thành các trung tâm vui chơi giải trí nhằm thu hút thanh, thiếu niên vào các hoạt động văn hóa lành mạnh, nâng cao sức khoẻ cho nhân dân, tăng tuổi thọ, chiều cao, cân nặng, giảm các bệnh nhiễm khuẩn; khống chế bao vây dập tắt kịp thời các dịch bệnh. Thu hẹp sự chênh lệch giữa các vùng, các tầng lớp dân cư trong việc thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản..
 Mục tiêu môi trường
Phủ xanh đất trống, đồi núi trọc; Đảm bảo môi trường xanh, sạch, đẹp cho khu vực đô thị (thị trấn) và nông  thôn. Đến năm 2020 đảm bảo 95–100% rác thải trên toàn huyện được thu gom và xử lý, 100% hộ dân được dùng nước sạch.
Đến năm 2020 đảm bảo các cơ sơ sản xuất kinh doanh, các khu - cụm công nghiệp đạt tiêu chuẩn an toàn về tiêu chuẩn môi trường.
Mục tiêu về Quốc phòng- An ninh
Quốc phòng - an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định, góp phần ổn định kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
II. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CỦA CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC
NÔNG - LÂM - NGƯ NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững, khai thác các tiềm năng và sử dụng có hiệu quả lao động nông thôn, đồng thời gìn giữ và bảo vệ môi trường, phục hồi những cảnh quan truyền thống của tự nhiên.
Áp dụng tiến bộ khoa học, cơ giới hoá, hiện đại hoá trong nông nghiệp. Mô hình kết hợp 4 nhà hiện nay đang áp dụng trên toàn quốc là mô hình cần được học tập[1] ứng dụng.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng: Tăng tỷ trọng giá trị sản phẩm chăn nuôi và dịch vụ trong nông nghiệp – nông thôn. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn trong từng vùng. Gắn phát triển nông nghiệp với phát triển công nghiệp trong nông thôn, nhất là công nghiệp chế biến bảo quản sản phẩm sau thu hoạch.
Phát triển nông nghiệp đa thành phần: Đổi mới HTX nông nghiệp, phát triển mạnh hình thức kinh tế trang trại, các mô hình hợp tác liên kết, liên doanh, phát huy thế tự chủ của kinh tế hộ gia đình, khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển.
Gắn phát triển nông nghiệp với ngành nghề ở nông thôn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập. Gắn phát triển kinh tế nông nghiệp với phát triển các dịch vụ xã hội.
Phát triển thuỷ sản thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào khai thác, nuôi trồng và chế biến thuỷ sản, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành thuỷ sản phát triển toàn diện, có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao, cơ cấu sản phẩm đa dạng, đồng thời phát triển một số sản phẩm chủ lực mang tính đặc trưng, có chất lượng, giá trị cao, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao; phù hợp với hệ sinh thái trên những vùng địa hình khác nhau. Hình thành các vùng chuyên canh tập trung có năng suất cao, gắn với công nghệ sau thu hoạch và công nghiệp chế biến. Gắn sản xuất với thị trường, giải quyết việc làm, thực hiện xoá đói giảm nghèo nâng cao đời sống người lao động. Nâng tỷ suất hàng hoá lên khoảng 55% năm 2015 và 63% năm 2020.
Giá trị sản xuất (GO) của ngành nông lâm ngư nghiệp đến năm 2015 đạt 1.869,4 tỷ đồng (giá HH), tăng gấp hơn 2,7 lần năm 2010 và đến năm 2020 đạt 3.140,5 tỷ đồng (giá HH), tăng gấp hơn 1,6 lần năm 2015. Đạt tốc độ tăng GO bình quân năm 4,7% trong giai đoạn 2011 – 2020, trong đó giai đoạn 2016 – 2020 đạt bình quân 4,5%.
2.CÔNG NGHIỆP - TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP:
Ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm hải sản quy mô vừa và nhỏ thích hợp với kinh tế hộ – liên hộ. Đối với những khâu chế biến quan trọng, đòi hỏi vốn lớn, trang thiết bị kỹ thuật cao thì khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đảm nhận; phát triển mạnh công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng; sản xuất vật liệu xây dựng; nắm bắt nhu cầu thị trường để kịp thời phát triển các cơ sở sản xuất sản phẩm chủ lực, các sản phẩm lợi thế.
Tích cực khôi phục, phát triển, du nhập nghề nông thôn có chọn lọc, phù hợp với điều kiện phát triển từng xã theo hướng xuất khẩu và phục vụ du lịch. Xây dựng – công nhận các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện.
Nghiên cứu, điều chỉnh cơ chế tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhất để thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, ưu tiên bố trí các công trình đầu tư lớn từ ngoài tỉnh để tạo bước phát triển đột phá.
Phát triển nhanh các cụm, điểm công nghiệp – làng nghề trên địa bàn huyện. Tạo sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư làm động lực để phát triển công nghiệp, đồng thời đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở công nghiệp trong khu dân cư vào các cụm công nghiệp và đón nhận sự dịch chuyển các cơ sở sản xuất từ khu vực thành phố Đông Hà.
Khuyến khích phát triển mọi loại hình sản xuất công nghiệp, nâng cao năng lực các cơ sở sản xuất hiện có bằng cách tăng cường chính sách khuyến công, đơn giản tối đa các thủ tục hành chính cho đầu tư phát triển công nghiệp, có cơ chế khuyến khích ưu đãi đầu tư: Về vốn và hỗ trợ đầu tư, mặt bằng sản xuất, ưu đãi về thuế, chuyển giao công nghệ mới, cung cấp thông tin về thị trường cho cơ sở sản xuất.
GTSX (GO) của ngành CN - XD đến năm 2015 đạt 1.495,5 tỷ đồng (giá HH), tăng gấp 5,1 lần năm 2010 và đến năm 2020 đạt 3.869,3 tỷ đồng (giá HH), tăng gấp hơn 2,5 lần năm 2015. Đạt tốc độ tăng GO bình quân năm là 21,6% trong giai đoạn 2011 – 2020, trong đó giai đoạn 2016 – 2020 đạt 20,5%.
3. KHU VỰC KINH TẾ DỊCH VỤ
Gắn ngành dịch vụ, thương mại Triệu Phong với ngành dịch vụ, thương mại tỉnh Quảng Trị. Coi dịch vụ, thương mại Triệu Phong như là một mắt xích trong hệ thống dịch vụ, thương mại của tỉnh. Xây dựng Triệu Phong trở thành một trong những trung tâm dịch vụ, thương mại của tỉnh Quảng Trị. Tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế hoạt động trong lĩnh vực thương mại, du lịch, dịch vụ đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động, kinh doanh của tất cả các doanh nghiệp.
Phát triển theo hướng nâng cao hiệu quả, chất lượng và bền vững, kết hợp chặt chẽ với bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn và phát huy những giá trị đạo đức, văn hoá dân tộc, giữ gìn an ninh quốc phòng, đảm bảo công bằng xã hội.
Phát triển mạnh thị trường nội huyện, đồng thời tăng cường mở rộng giao lưu mua bán với các huyện trong vùng và cả nước. Phát triển rộng và đồng bộ các loại hình dịch vụ, khai thác tốt các lợi thế, đầu tư đón đầu để phát triển dịch vụ chất lượng cao, chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của nền kinh tế. Nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá và dịch vụ hiện đại, văn minh phù hợp với xu thế hội nhập KT thế giới, đáp ứng nhu cầu SX và tiêu dùng.
Đầu tư cơ sở vật chất ngành TM - DV, lấy thị trường đô thị (thị trấn, thị tứ) làm trọng tâm; hỗ trợ và thúc đẩy thị trường nông thôn phát triển. Hình thành đội ngũ cán bộ quản lý điều hành; cán bộ KH, nhân viên tác nghiệp đủ trình độ và năng lực để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và quản lý kinh doanh.
Phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng để khai thác tiềm năng du lịch biển, du lịch sinh thái hồ đập, sông, gắn với di tích lịch sử văn hoá. Kết nối với ngành du lịch tỉnh tạo một điểm đến cho du khách trong các Tour du lịch đến Quảng Trị.
Giá trị sản xuất ngành dịch vụ năm 2015 đạt khoảng 1.490,7 tỷ đồng (giá HH), tăng gấp 3,7 lần năm 2010, đến năm 2020 đạt 4.205,8 tỷ đồng, tăng gấp 2,8 lần so với năm 2015. Đạt tốc độ tăng bình quân/năm là 15,2% trong giai đoạn 2011 – 2020, trong đó giai đoạn 2011 – 2015 là 15,0% và giai đoạn 2016 – 2020 là 15,5%.
Đảm bảo đầu ra cho hàng hoá sản xuất của huyện và cung ứng đầy đủ, kịp thời, chất lượng các sản phẩm, dịch vụ phục vụ sản xuất và tiêu dùng của xã hội. Tổ chức lại thị trường trong huyện, coi thị trường trong huyện làm cơ sở, coi thị trường xuất khẩu là mũi nhọn. Gắn chặt thương mại với sản xuất.
Hình thành các Trung tâm thương mại ở thành thị, các cụm thương mại ở nông thôn, chú ý đến hệ thống chợ. Đầu tư mạng lưới chợ, phát triển chợ trung tâm ở thị trấn Ái Tử, chợ Trung tâm ở vùng Đồng Bằng (nơi tập trung tới 12 đơn vị hành chính của địa phương) tại các trung tâm cụm, xã cần tiến hành điều tra, khảo sát xây dựng hệ thống chợ với quy mô phù hợp nhằm đảm bảo cung cấp kịp thời hàng hoá, dịch vụ cho nhân dân và thu mua hàng hoá do nhân dân sản xuất ra. Phát triển các chợ đầu mối nông, thuỷ sản tại các khu vực sản xuất tập trung và xây dựng hệ thống cửa hàng xăng dầu tại các khu vực thuận lợi (thị trấn, thị tứ).
4. PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG KẾT CẤU HẠ TẦNG
4.1. Hệ thống giao thông:
          Xây dựng mạng lưới giao thông cần đi trước một bước, coi giao thông là một trong những động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển và tạo tiền đề và động lực thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
          Mạng lưới giao thông được xây dựng trên cơ sở các trục đường giao thông trung tâm, với tuyến đường Bắc Nam - Đông Tây và các tuyến đường nhánh đến từng hộ gia đình, Quy hoạch hệ thống giao thông gắn liền với xây dựng kết cấu hạ tầng cấp điện, cấp thoát nước, điện thoại...
          Phát triển, nâng cấp, mở rộng hệ thống mạng lưới đường quốc lộ, tỉnh lộ và nhiều đường huyện, xã một cách đồng bộ và có chất lượng tốt. Xây dựng các bến xe hợp lý đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội.
          Đến năm 2020, hệ thống giao thông vận tải huyện Triệu Phong đạt được các mục tiêu cơ bản sau:
Các trục dọc và trục ngang tối thiểu đạt tiêu chuẩn đường cấp III, cá biệt cấp IV đối với khu vực gò đồi không có khả năng mở rộng, tỷ lệ rải nhựa, bê tông xi măng đạt 100%.
Các tuyến đường tỉnh tối thiểu đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, tỷ lệ rải nhựa, bê tông xi măng đạt 100%.
Đường nội thị có quy mô phù hợp với cấp đô thị, tỷ lệ rải nhựa, bê tông, xi măng đạt 100%.
Các tuyến đường huyện đạt tiêu chuẩn cấp IV, tỷ lệ rải nhựa, bê tông xi măng đạt 100%.
Đường xã đạt tiêu chuẩn cấp V.
          Đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông, coi giao thông là một trong những động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Đảm bảo đến năm 2020 mạng lưới giao thông của huyện đạt khoảng 0,85-1 km đường/km2 và mật độ đường đạt khoảng 2,5-3km/1000 dân.
          Như vậy, mục tiêu phát triển mạng lưới giao thông, nâng cấp, mở rộng các trục đường hiện có và làm thêm một số đường đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
4.2. Hệ thống cấp và thoát nước:
          Đầu tư nâng cấp và xây dựng mới một cách hoàn chỉnh toàn bộ hệ thống cấp thoát nước tại thị trấn Triệu Phong, các xã và và thị tứ.
          Xây dựng hệ thống cấp thoát nước đô thị và vệ sinh công cộng theo hướng thân thiện với môi trường và bảo vệ môi trường không khí, nước và đất.
 Cải tiến tổ chức và quản lý, có chính sách thu hút đóng góp của nhân dân, tuyên truyền giáo dục ý thức giữ gìn vệ sinh cùng với áp dụng công nghệ mới để giải quyết có hiệu quả hơn về thoát nước và xử lý rác. Giải quyết triệt để vấn đề thu gom, xử lý rác và các chất thải rắn nhằm làm cho huyện sạch đẹp và có mỹ quan đô thị trên cơ sở cơ giới hóa và HĐH trang thiết bị và nâng cao ý thức tự giác "không xả rác bừa bãi" của mọi người dân.
Giảm bớt úng ngập và đi tới triệt tiêu úng ngập trên địa bàn huyện theo mục tiêu đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và phân bố dân cư đô thị.
Trong những năm tới cần phải khắc phục các tồn tại của hệ thống cấp nước cụ thể: (1) Nước thải trước khi ra cống phải được xử lý; (2) Bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống thoát nước bao phủ mọi khu vực, chấm dứt thải nước sinh hoạt bằng tự thấm; (3) Đảm bảo trước khi thải ra sông phải không làm ô nhiễm môi trường. Từ nay đến năm 2015 phải triển khai xây dựng xong hệ thống thu gom và xử lý nước thải của Thị trấn (kêu gọi vốn ODA). Đối với các khu vực mới và mở rộng cần xây dựng đồng bộ các hệ thống kỹ thuật để tránh đào bới làm lãng phí và để phát huy hiệu quả vốn xây dựng.
4.3. Hệ thống thủy  lợi
Nâng cấp và duy tu, bảo dưỡng các hồ đập hiện có, kiên có hoá các tuyến kênh cuối nguồn, nâng cấp các trạm bơm đã xuống cấp, thường xuyên nạo vét, gia cố những, kênh mương bị sạt lở, bồi lắng đảm bảo nguồn nước tuới cho sản xuất và cấp nước sinh hoạt. Hoàn chỉnh hệ thống tưới tiêu nội đồng nhất là ở các vùng chuyên canh rau màu, nuôi trồng thuỷ sản,... nhằm đa dạng hoá các loại cây trồng, sử dụng giống mới có chất lượng và có giá trị kinh tế cao. Phát triển các công trình cấp nước tiên tiến phục vụ phát triển sản xuất hoa màu, cây công nghiệp.
          5. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC LĨNH VỰC XÃ HỘI
5.1. Giáo dục và đào tạo
          Trong những năm gần đây, Triệu Phong có hệ thống các trường phổ thông trung học, tiểu học, mẫu giáo khá phát triển. Định hướng phát triển ngành giáo dục đào tạo Triệu Phong đến năm 2020 là:
+ Tăng cường công tác huy động học sinh đến trường, hạn chế học sinh bỏ học, đẩy mạnh công tác phổ cập giáo dục đồng thời thực hiện đa dạng hóa hình thức trường học. Xây dựng, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất trường, lớp với trang thiết bị giáo dục theo hướng hiện đại hóa với mục tiêu đến năm 2020 xây dựng 100% các trường đạt chuẩn quốc gia.
+ Giữ vững phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở; Nâng tỷ lệ huy động vào trung học phổ thông đạt 90% và phổ cập trung học phổ thông vào năm 2020.
+ Tiếp tục triển khai các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý; các lớp bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho nhân viên trường học. Xây dựng đội ngũ giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho giáo viên Tiểu học, THCS và THPT.
+ Xây dựng Trung tâm dạy nghề huyện, củng cố, nâng cao năng lực cho Trung tâm giáo dục thường xuyên và Trung tâm dạy nghề; đồng thời tạo điều kiện, khuyến khích dạy nghề của các thành phần kinh tế, gắn đào tạo với sử dụng việc làm.
5.2. Y tế
Tiếp tục thực hiện các mục tiêu chương trình quốc gia thanh toán một số bệnh xã hội và bệnh dịch nguy hiểm. Triển khai thực hiện thí điểm các chương trình phòng chống các bệnh không nhiễm trùng như: tim mạch, ung thư, đái tháo đường, nghiện ma túy
Chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra. Củng cố hệ thống báo cáo, giám sát dịch tễ, hiện đại hóa hệ thống quản lý số liệu thống kê Y tế. Thường xuyên cập nhật phương án đề phòng và khắc phục nhanh chóng hậu quả của thảm họa, thiên tai. Quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, chương trình sức khỏe sinh sản, làm mẹ an toàn, chăm sóc sản khoa thiết yếu và các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình.
Đẩy mạnh chương trình chăm sóc sức khỏe trẻ em: Phòng chống suy dinh dưỡng, sức khỏe vị thành niên, nha khoa học đường, phòng chống tiêu chảy, nhiễm khuẩn hô hấp cấp, thấp tim, giun sán. Đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị cho hệ Y học dự phòng từ cấp huyện đến các xã.
Đa dạng hoá các loại hình khám và điều trị bệnh cho nhân dân từ tuyến huyện đến cơ sở, đầu tư bệnh viện đa khoa huyện thành bệnh viện hạng III. Từng bước nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị y tế công và tư. Chú trọng nâng cao y đức, thái độ phục vụ người bệnh.
Nâng cấp và phát triển Phòng khám Đa khoa khu vực Bồ Bản đảm bảo thực hiện tốt chức năng “vệ tinh“ của Bệnh viện huyện và đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân trong vùng.
    Quy hoạch mạng lưới y tế cơ sở theo 10 chuẩn y tế quốc gia. Trong đó quan tâm phát triển các chuẩn: Xã hội hóa y tế, vệ sinh phòng bệnh, y học cổ truyền, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị y tế.
Tăng cường công tác tuyên truyền vận động xây dựng mô hình gia đình nhỏ mỗi cặp vợ chồng có từ 1 đến 2 con, đồng thời phối hợp chặt chẽ với cơ sở y tế cung cấp các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình an toàn, thuận lợi, chăm sóc sức khỏe
5.3. Văn hoá, thể dục thể thao
Đẩy mạnh hoạt động văn hóa thông tin, phát thanh, truyền hình, nâng cao đời sống văn hóa cơ sở. Thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ dưới các hình thức: hoạt động văn hóa truyền thống, biểu diễn nghệ thuật quần chúng, chuyên nghiệp,....
Đến năm Xây dựng chương trình phát thanh, truyền hình với thời lượng bình quân 1 giờ/ngày đối với phát thanh, 2 giờ/ngày đối với truyền hình.
Tiếp tục đầu tư và sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hóa như : Nhà văn hóa, đài truyền thanh, điểm bưu điện văn hóa, thư viện, sân vận động, công viên, nhà truyền thống... Hệ thống các thiết chế văn hóa thông tin cơ sở là công cụ tuyên truyền, vận động sắc bén, sâu rộng tại cơ sở của Đảng, Nhà nước, đồng thời là nơi hưởng thụ, sáng tạo và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Bảo tồn và phát triển di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc đi đôi với XD đời sống VH cơ sở. Gắn hoạt động bảo tàng, bảo tồn văn hóa vật thể và phi vật thể với hoạt động kinh doanh du lịch, có như thế cả 2 hoạt động du lịch và bảo tồn, bảo tàng cùng thúc đẩy nhau phát triển. XD hệ thống bảo tàng, tôn tạo và mở rộng các di tích lịch sử đã xếp hạng đưa các hoạt động văn hóa vào kinh doanh du lịch. Tiếp tục sưu tầm và phổ biến di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên các phương tiện đại chúng: Truyền hình, trang webs...
Tu bổ, chống xuống cấp di tích lịch sử, cách mạng, kiến trúc. Khai thác danh lam thắng cảnh vào hoạt động du lịch. Lồng ghép các hoạt động theo tiêu chuẩn ngày càng cao.
Thực hiện cuộc vận động toàn dân đoàn kết XD đời sống VH đưa hoạt động này đến từng hộ gia đình, địa bàn dân cư, cơ quan xí nghiệp.
Phát triển và hoàn thiện hệ thống thi đấu các môn thể thao dân tộc, thu hút được nhiều du khách. Lựa chọn đầu tư phát triển các môn thể thao thành tích cao, phù hợp với thể trạng, năng khiếu của người dân Triệu Phong. Giai đoạn trước năm 2015, ưu tiên phát triển các môn truyền thống vốn là thế mạnh của huyện như: Đua thuyền, Đẩy gậy, Kéo co...Giai đoạn sau năm 2015 phát triển thêm các môn Cờ vua, Bơi lội, Quần vợt, Thể dục thể hình.... Phát triển văn hoá theo hướng tập trung cho việc xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở, đời sống văn hoá phải thể hiện được nét đặc sắc của văn hoá truyền thống và sự văn minh tiến bộ.
5.4. Phát triển khoa học công nghệ và môi trường
Nghiên cứu triển khai ứng dụng các tiến bộ KHKT, công nghệ mới vào sản xuất, nhất là công nghệ sinh học để phát triển nông-lâm-ngư nghiệp theo hướng phát triển bền vững tạo ra các sản phẩm hành hoá có giá trị kinh tế cao, nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp.
Ưu tiên lựa chọn công nghệ tiên tiến, ít ô nhiễm môi trường, công nghệ ít chất thải. Quy hoạch phát triển công nghiệp, đô thị phải thiết kế hệ thống thoát nước thải, thảm cây xanh, hồ nước, các bãi rác trung chuyển.
Tiến hành điều tra cơ bản để xây dựng các luận cứ khoa học cho việc xây dựng qui hoạch, kế hoạch 5 năm và hàng năm cho việc xây dựng các dự án đầu tư và sử dụng và khai thác hợp lý tài nguyên nhất là tài nguyên đất. Ưu tiên đầu tư cho các chương trình điều tra cơ bản như:
Hỗ trợ tuyên truyền, phổ biến, đào tạo nâng cao năng lực và nhận thức về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. XD hỗ trợ các trang thiết bị phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật phục vụ công tác quản lý tài nguyên môi trường từ cộng đồng đến cấp xã, huyện. XD quy chế bảo vệ môi trường, các chính sách liên quan đến phát triển bền vững về mặt kinh tế - xã hội:
Thực hiện việc giao đất, giao rừng cho từng hộ quản lý, sử dụng theo hướng dẫn của tổ chức. Củng cố và phát triển các trại giống cây trồng, vật nuôi cung cấp giống tốt cho nông dân và hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật thâm canh, đặc biệt là đối với các vùng sản xuất lúa như sử dụng giống lúa ngắn ngày, bón phân hữu cơ, tưới nước phù hợp với từng thời kỳ sinh trưởng của cây lúa.
Các vùng đồi được cung cấp giống cây lâm nghiệp, hướng dẫn cho nông dân trồng các cây lâm nghiệp; cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, trồng rừng theo hướng kết hợp nông nghiệp với lâm nghiệp, cây dài ngày với cây ngắn ngày theo không gian nhiều tầng, theo mô hình vườn rừng, vườn đồi, hoặc trang trại... .
Xây dựng các mô hình làng kinh tế-sinh thái như lâm-nông nghiệp kết hợp nuôi trồng thuỷ sản; lâm nghiệp kết hợp sản xuất nông nghiệp./.

Văn bản mới

Chương trình phát thanh