Chi tiết tin tức - Huyện Triệu Phong

 

Triển khai công tác ứng phó với bão số 4 (bão Noru)

28/09/2022 459 0

Chiều 25/9/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai với các địa phương triển khai công tác ứng phó cơn bão có tên quốc tế Noru đang tiến vào Biển Đông. Dự tại điểm cầu huyện Triệu Phong có đồng chí Trần Xuân Anh, TUV, Bí thư Huyện ủy, đồng chí Phan Quang Giải, UVBTVHU, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND huyện, đồng chí Vũ Thành Công, UVBTVHU, Phó Chủ tịch UBND huyện.

Đồng chí Trần Xuân Anh, TUV, Bí thư Huyện ủy phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Đây là cơn bão rất mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, dự báo sẽ đổ bộ vào đất liền khu vực Trung Bộ, có thể gây mưa rất lớn, kéo theo đó là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Trong 3 ngày vừa qua, các tỉnh ven biển từ Thái Bình đến Hà Tĩnh và Nam Trung Bộ có mưa lớn 100-250 mm, một số trạm mưa lớn như: Sầm Sơn (Thanh Hoá) 332 mm, Quỳnh Lưu (Nghệ An) 288 mm, Xuân Bình (Phú Yên) 233 mm.
Tại Quảng Trị, tính đến sáng 25/9, tổng số tàu thuyền trên địa bàn tỉnh hơn 2.300 chiếc với 6.136 thuyền viên, hiện tất cả chủ các phương tiện, tàu thuyền đã nhận được thông tin và hướng đi của bão Noru, trong đó tàu nội tỉnh neo đậu an toàn tại bến của tỉnh: 2.295 chiếc/6.075 thuyền viên; tàu thuyền của tỉnh đang hoạt động trên biển: 7 chiếc/61 thuyền viên. Tàu thuyền ngoại tỉnh vào neo đậu trên địa bàn tỉnh là 9 chiếc với 72 thuyền viên.
Về sản xuất nông nghiệp, diện tích gieo cấy lúa vụ Hè Thu ước đạt 23.087 ha và cơ bản đã thu hoạch xong, còn khoảng 523 ha lúa chưa thu hoạch. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh 3.421,2 ha. Hiện trên địa bàn tỉnh có 126 đập, hồ chứa thủy lợi gồm: 124 hồ chứa và 2 đập; tổng dung tích các Hồ chứa trọng điểm đạt trung bình khoảng 33,32% so với dung tích thiết kế. Để ứng phó với bão Noru, tỉnh đã lên phương án di dời dân tại các vùng có nguy cơ bị bão đổ bộ trực tiếp, nước biển dâng tại các huyện ven biển; vùng ngập sâu; vùng lũ quét; vùng sụt lún, sạt lỡ đất; vùng ngập cục bộ. Ở các vùng này tiến hành sơ tán dân tránh trú từ nhà tạm không đảm bảo phòng chống thiên tai đến các nhà kiên cố như: nhà dân cao tầng kiên cố, trường học, trụ sở cơ quan, trạm Y tế, Đồn Biên phòng, nhà cộng đồng...
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh: Đây là cơn bão được dự báo có cường độ mạnh, tốc độ di chuyển nhanh vì thế công tác dự báo cực kỳ quan trọng, cơ quan khí tượng thủy văn cần tham khảo thêm thông tin của các cơ quan dự báo quốc tế để có thông tin chính xác, kịp thời về hướng đi và ảnh hưởng của cơn bão. Từ đó phục vụ tốt hơn cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo đưa ra phương án kịp thời trong công tác phòng tránh bão. Các cơ quan đơn vị, địa phương tạm dừng các cuộc họp chưa cần thiết để tập trung chống bão. Thành lập các đoàn công tác của trung ương tăng cường về kiểm tra thực tế về công tác phòng tránh bão tại các địa phương. Các địa phương triển khai kiểm soát tàu thuyền trên biển, hỗ trợ đưa tàu thuyền vào bờ an toàn; thống nhất thời điểm thông báo không cho tàu thuyền ra khơi để đảm bảo an toàn. Có phương án sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Bảo đảm sản xuất, hỗ trợ bà con thu hoạch sớm vụ mùa. Thành lập ban chỉ đạo, đoàn công tác các địa phương đến tận cơ sở để chỉ đạo công tác phòng tránh bão; chuẩn bị đầy đủ lương thực thực phẩm đề phòng tình trạng bị chia cắt do mưa bão... Tăng cường thời lượng phát sóng, truyền hình các tin tức của cơn bão để người dân nắm bắt, có phương án tròng tránh kịp thời...
Ngay sau của họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp trực tuyến với các địa phương trên toàn tỉnh chỉ đạo công tác ứng phó với cơn bão Noru.
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị các Sở, ban ngành, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại phiên họp ngày 25/9/2022 và nghiêm túc thực hiện Chỉ thị của UBND tỉnh về tăng cường công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022.Tổ chức kiểm tra, kêu gọi, hướng dẫn các phương tiện tàu thuyền còn hoạt động trên biển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, về nơi trú tránh an toàn; yêu cầu các chủ phương tiện phải có phương án đảm bảo an toàn cho tàu thuyền neo đậu ở khu vực cửa sông, tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về người. Rà soát, sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó với bão, mưa lũ, nhất là đối với các vùng dọc bờ biển chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, vùng thường xuyên ngập sâu, sạt lở đất, lũ quét, ngập cục bộ và vùng có nguy cơ sạt lở tại các công trình thuộc khu vực miền núi; chủ động triển khai công tác sơ tán dân, tổ chức lực lượng đảm bảo an ninh, trật tự ở những khu vực sơ tán. Kiên quyết không để người ở lại trên tàu thuyền tại các nơi neo đậu, trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, lán trại thi công, trường hợp cần thiết phải thực hiện cưỡng chế để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân... Chỉ đạo các địa phương khẩn trương huy động phương tiện, lực lượng thu hoạch, bảo vệ lúa, hoa màu vụ Hè Thu và diện tích nuôi trồng thủy sản; kiểm tra, rà soát việc thực hiện phương châm “Bốn tại chỗ” ở cấp cơ sở và công tác bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông ở các khu vực ngập lụt, chia cắt; cũng như phương án sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để ứng cứu kịp thời, khắc phục nhanh các sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt sau thiên tai. Thường xuyên nắm bắt thông tin để chủ động cho học sinh nghỉ học đến khi kết thúc hình thế thiên tai nguy hiểm. Sẵn sàng triển khai lực lượng chốt chặn, đảm bảo an ninh trật tự tại các điểm sơ tán, nghiêm cấm người qua lại ở các khu vực nguy hiểm như bến đò, khu vực sạt lở đất, lũ quét, các ngầm tràn... chủ động các phương án đảm bảo an toàn cho quá trình cấp điện, ứng phó kịp thời các diễn biến trên thực tế...
Trên địa bàn huyện Triệu Phong hiện nay đã hoàn thành thu hoạch lúa vụ Hè thu, toàn bộ tàu thuyền đã được đưa vào khu neo đậu an toàn, diện tích cây trồng cạn có 348,37ha cây trồng các loại đang canh tác.(trong đó: 11 ha ngô; 337,37 ha rau màu các loại). Về nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện đang nuôi trồng: cá nước ngọt 309 ha, cá lồng 47 lồng, diện tích nuôi tôm 142,9ha. Để chủ động đối phó có hiệu quả với Bão số 4 (Noru), phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp đồng chí Trần Xuân Anh, TUV, Bí thư Huyện ủy và đồng chí Vũ Thành Công, UVBTVHU, Phó Chủ tịch UBND huyện yêu cầu UBND các xã, thị trấn, các phòng, ban, ngành, cơ quan, đơn vị thực hiện một số nhiệm vụ sau: Thường xuyên theo dõi diễn biến của bão và thời tiết xấu, gió mạnh, giông, lốc sét, mưa lớn, sạt lở đất có thể xảy ra để kịp thời chỉ đạo và chủ động triển khai phương án ứng phó; Chỉ đạo các cơ sở và người dân nuôi trồng thủy sản tập trung thu hoạch khi đạt kích cở thương phẩm. Đối với các đối tượng nuôi còn lại phải hướng dẫn người dân kiểm tra, gia cố bờ ao chắc chắn, làm đường thoát nước để có khả năng chống chịu khi có mưa lũ lớn. Đảm bảo tuyệt đối cho người lao động trên các lòng bè và các cơ sở nuôi trồng thủy sản, tổ chức di dời người và phương tiện về nơi tránh trú an toàn khi có bão về; Sẵn sàng các phương án, lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời triển khai ứng cứu khi có yêu cầu; Tổ chức trực ban nghiêm túc, chủ động nắm bắt tình hình và báo cáo kịp thời về UBND huyện, Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện qua Văn phòng HĐND&UBND; Phòng Nông nghiệp và PTNT để xử lý kịp thời khi có tình huống; UBND các xã Triệu An; Triệu Vân; Triệu Lăng; Triệu Độ: Theo dõi, kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra. Kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tại các khu neo đậu tránh trú bão. UBND các xã, thị trấn chủ động rà soát, kiểm tra phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ sạt lở bờ sông, bờ biển, vùng thấp trũng, khu vực ngập úng để sẵn sàng di dời đến nơi an toàn khi cần thiết.

Tác giả bài viết: Hữu Thái

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THÔNG TIN ĐIỀU HÀNH
  • Đang truy cập9
  • Máy chủ tìm kiếm0
  • Khách viếng thăm9
  • Hôm nay1683
  • Tháng hiện tại1683
  • Tổng lượt truy cập2.754.324