Chi tiết tin tức - Huyện Triệu Phong

 

Triệu Phong nỗ lực tái thiết sản xuất sau lũ

22/09/2022 254 0

Bằng nhiều giải pháp tích cực của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, sự đồng sức, đồng lòng của Nhân dân, hơn 1 tháng nay, khắp mọi nơi trên địa bàn huyện Triệu Phong rộn ràng không khí ra đồng tái sản xuất sau lũ lụt. Cuộc sống của người dân đang dần ổn định sau thiên tai. Cảnh hoang tàn sau lũ đã không còn, thay vào đó là màu xanh tươi tốt của những vùng chuyên canh rau màu, từng luống đất giàu phù sa được cày xới sẵn sàng cho một vụ sản xuất mới.

Cấp phát hạt giống rau màu cho thành viên tại Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh DVTHNN An Lợi, Triệu Độ

 

     Sau những trận lũ lụt lớn trong năm 2020, vùng bãi bồi 92 ha ven sông Thạch Hãn ở thôn An Lợi, xã Triệu Độ bị đất cát bồi lấp từ 0,4 - 0,6 m. Thực hiện sự chỉ đạo của chính quyền địa phương tập trung mọi nguồn lực để vệ sinh đồng ruộng, khắc phục hậu quả thiên tai, ngay sau mưa lũ, HTX thuê máy cày, máy xúc để vận chuyển lớp đất cát bồi lấp đi nơi khác trả lại mặt bằng phục vụ sản xuất vụ mùa mới.
    Bên cạnh đó, bên cạnh các loại hạt giống được Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cấp, HTX An Lợi đầu tư kinh phí để mua thêm nhiều loại giống hoa màu, phân bón phát cho các thành viên HTX. Nhờ khẩn trương triển khai các hoạt động tái thiết sản xuất nên đến thời điểm này, toàn bộ diện tích hoa màu của HTX cơ bản hoàn thành việc làm đất, trong đó trên 60% diện tích đã tiến hành gieo trồng vụ mới, nhiều loại hoa màu phát triển tốt, chuẩn bị cho thu hoạch xuất bán ra thị trường. Ông Lê Văn Lại - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX An Lợi cho biết: “Trong số 92 ha đất sản xuất của HTX thì có 72 ha lúa, 7,2 ha hoa màu, 12 ha đất vườn. Riêng diện tích hoa màu, HTX tập trung sản xuất rau màu vụ đông; lạc xen ngô vụ xuân; đậu xanh, mè, sắn vụ hè. Thu nhập bình quân 100 triệu đồng/ha/ năm. Mặc dù mưa lũ làm thiệt hại nặng nề về sản xuất nông nghiệp nhưng sau lũ đã để lại lượng phù sa màu mỡ, thuận lợi để hoa màu phát triển tốt. Hiện nay, các hộ thành viên HTX tập trung gieo trồng, chăm sóc hoa màu và chuẩn bị thu hoạch cung cấp ra thị trường, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới”. 
    Trong công tác tái sản xuất sau lũ, mỗi địa phương ở Triệu Phong có cách làm sáng tạo khác nhau, mang lại hiệu quả rõ rệt. Tại thôn Ngũ Hiệp, xã Triệu Thượng, để đối phó với những khó khăn về thời tiết bất lượi như hiện nay và hậu quả của mưa lũ, Hội Nông dân xã, đã tập huấn hướng dẫn cho các hộ dân trong đã tiến hành áp dụng khoa học kỹ thuật để ươm giống ngô HN88 trong bầu trước khi đưa ra trồng trên đồng ruộng. Hiện nay, trên 1 ha ngô được trồng hơn 1,5 tháng phát triển tốt, dự kiến sẽ cho thu hoạch trước Tết Nguyên đán. Chủ tịch Hội Nông dân xã Triệu Thượng Lê Kim Cận cho biết: “Sau lũ lụt, việc làm đất để sản xuất khá khó khăn. Bên cạnh đó, thời tiết khí hậu trong mùa đông thường xảy ra rét đậm, rét hại kéo dài ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất cây vụ đông, đặc biệt là cây ngô. Việc ươm giống ngô trong bầu vừa góp phần nâng cao tỉ lệ sống của cây, cho thu hoạch sớm hơn, có thể tránh được thời tiết rét lạnh ở cuối vụ, nhờ đó cho năng suất và hiệu quả tốt hơn”. 
    Đối với xã Triệu Thành, hiện có khoảng 50 ha rau màu, riêng vùng chuyên canh khoảng 25 ha, tập trung chủ yếu ở thôn Nại Cửu và thôn Bích Trung Nam. Với quyết tâm khôi phục sản xuất sau lũ lụt, toàn bộ diện tích đất hoa màu đã được người dân trong xã nhanh chóng cải tạo. Hiện nay, hơn 50% diện tích trồng rau màu nơi đây được khôi phục và bắt đầu cho thu hoạch. Số còn lại do chân ruộng thấp, đất còn ẩm nên việc xuống giống có phần chậm hơn nhưng vẫn đảm bảo cung ứng cho thị trường Tết sắp tới. Chủ tịch UBND xã Triệu Thành Nguyễn Thế Phương cho biết: “Trước mắt, xã chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ người dân xử lý đất tạm thời để sản xuất các loại rau màu ngắn ngày. Bên cạnh đó, chỉ đạo các trưởng thôn, các HTX tổ chức nạo vét kênh mương thoát úng, hỗ trợ hạt giống, vôi bột để xử lý đất màu. Nhờ vậy, phần lớn diện tích hoa màu ở xã bị hư hại do lũ lụt nay cơ bản được khôi phục, giúp người dân yên tâm lao động sản xuất”. 
    Các đợt mưa lũ trong năm 2020 đã làm cho 203 ha diện tích đất sản xuất ở Triệu Phong bị đất cát bồi lấp, trong đó có 81 ha đất lúa và 122 ha đất màu. Để kịp thời sản xuất vụ đông xuân 2020 - 2021, huyện Triệu Phong đã tăng cường công tác chỉ đạo các địa phương, HTX chủ động huy động nguồn lực ra quân khắc phục hậu quả thiên tai, san gạt đất cát, vệ sinh đồng ruộng, làm đất; hỗ trợ người dân về phương tiện máy móc bốc dỡ, giải phóng đất ruộng, giống cây trồng, vật nuôi, máy bơm... Ưu tiên hỗ trợ người dân khôi phục trồng trọt và chăn nuôi với các loại cây, con ngắn ngày. Đối với diện tích đất màu có điều kiện sản xuất thuận lợi, vận động Nhân dân làm sớm rau màu trong vụ đông muộn để có thu hoạch sớm, giúp giảm thiệt hại nặng sau mưa lũ. 

Những luống rau xanh tốt của bà con nông dân Triệu Phong chuẩn bị cho thu hoạch  ​​​​


    Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong Phan Quang Giải cho biết: “Hiện nay, trung ương bố trí cho huyện 216 tấn lúa giống, ngoài ra huyện kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, nhà thiện nguyện giúp cho huyện 52 tấn lúa giống và nhiều giống rau màu, giống con nuôi để tái sản xuất sau lũ, đảm bảo 60% giống cây trồng sản xuất vụ đông xuân này. Đây là những loại giống có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với đồng đất ở địa phương và đã được chuyển về tận tay người dân. Chỉ còn ít ngày nữa, nông dân trên địa bàn huyện tiến hành gieo cấy vụ đông xuân 2020 - 2021. Trong điều kiện khó khăn và bị thiệt hại nặng nề do thiên tai nhưng đến thời điểm này, toàn bộ diện tích sản xuất bị đất cát san lấp trên địa bàn huyện cơ bản được khắc phục, hệ thống giao thông, thủy lợi, đặc biệt là các trạm bơm, cầu máng, kênh mương bị hư hỏng, sạt lở cũng được khắc phục dần… Tất cả đã sẵn sàng triển khai vụ sản xuất đông xuân 2020 - 2021 thắng lợi”.

Tác giả bài viết: Hồng Lĩnh - Minh Kha

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THÔNG TIN ĐIỀU HÀNH
  • Đang truy cập16
  • Máy chủ tìm kiếm0
  • Khách viếng thăm16
  • Hôm nay2037
  • Tháng hiện tại2037
  • Tổng lượt truy cập2.859.259