Chi tiết tin tức - Huyện Triệu Phong

 

Hiệu quả từ mô hình Liên kết sản xuất lúa hữu cơ

01/11/2022 183 0

Vụ hè thu năm nay, bà con nông dân huyện Triệu Phong nói chung và xã Triệu Đại nói riêng bước đầu làm quen với mô hình liên kết sản xuất lúa hữu cơ. Chất lượng lúa sạch, năng suất cao, chi phí đầu tư và ít sâu bệnh được Công ty sản xuất phân bón Ong Biển thu mua ngay sau khi thu hoạch với giá thành cao. Đó là những tín hiệu vui đối với bà con nông dân.

  Mô hình Liên kết sản xuất lúa hữu cơ được triển khai tại xã Triệu Đại trong vụ Hè Thu 2018 trên tổng diện tích 16,1 ha, với gần 60 hộ tham gia. Lần đầu tiên, nông dân bắt đầu làm quen với hình thức sản xuất lúa không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu và giống biến đổi gen. Chỉ sử dụng hoàn toàn phân hữu cơ sinh học và giống lúa RVT, do Công ty Ong Biển cung cấp. Sau vụ canh tác đầu tiên, năng suất và chất lượng lúa hữu cơ được đánh giá rất khả quan. 
  Qua kiểm tra thấy bà con canh tác theo đúng quy trình bên Công ty Ong Biển đưa ra, mang đến nông sản hoàn toàn sạch, năng suất cao. Phía công ty cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm mà bà con đã sử dụng phân bón Ong Biển. Mục tiêu lâu dài là hướng bà con sử dụng đại trà phân bón Ong Biển, để đưa đến cho thị trường những sản phẩm sạch, chất lượng. Đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng - đó là đánh giá của ông Vũ Đức Lâm, Công ty sản xuất phân bón Ong Biển.
  Vụ hè thu năm nay mặc dù sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh chịu nhiều bất lợi do thiên tai và dịch bệnh nhưng 100% diện tích của mô hình liên kết sản xuất gạo hữu cơ không nhiễm bệnh lùn sọc đen; năng suất lúa mô hình tương đương ruộng đại trà. Mô hình liên kết sản xuất lúa hữu cơ có ưu điểm nổi trội là lúa sạch sâu bệnh, năng suất bình quân khoảng 50 tạ/ha. Nếu như trước đây, mỗi kg lúa khô người dân bán ra thị trường với giá 5 – 6 ngàn đồng, thì nay, theo cam kết Công ty thu mua lúa tươi và trả tiền ngay cho nông dân tại ruộngvới giá 8.000 đồng/kg.  Sau khi trừ chi phí, người nông dân có lãi từ  400 – 500 ngàn/sào, so với phương thức canh tác truyền thống. Đặc biệt, với mô hình canh tác này, nông sản sạch gần như tuyệt đối và không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động. 
Mô hình này bước đầu đã tạo được tính lan tỏa và sự thay đổi nhận thức trong tư duy sản xuất của người trồng lúa trên địa bàn. Ông Lê Quang Bình, xã viên Hợp tác xã Quảng Điền A, xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong, hồ hởi nói với chúng tôi: Công ty Ong biển về xây dựng mô hình lúa sạch bước đầu bà con cũng rất băn khoăn, không biên kết quả thế nào, sản xuất theo mô hình công ty đưa ra qua mới và nghiêm ngặt, không biết kết quả thế nào. Đến nay, sau 3 tháng gieo cấy đã đến mùa thu hoạch, lúa đạt năng suất cao, công ty về trực tiếp thu mua tại ruộng cho bà con, đảm bảo giá thị trường ổn định. Bà con rất phấn khởi và có động lực để tiếp tục phát triển diện tích canh tác lúa hữu cơ này.
Đánh giá về hiệu quả mô hình Liên kết sản xuất lúa hữu cơ tại xã Triệu Đại và phương hướng nhân rộng mô hình, ông Võ Ngọc Khoa, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Triệu Phong cho biết thêm: “Với kết quả đạt được từ vụ hè thu năm 2018,bà con nông dân Triệu Đại rất phấn khởi, với hai lợi ích đạt được là sản xuất được lúa sạch và Công ty Ong Biển đã thực hiện đúng cam kết bao tiêu sản phẩm với giá đã thỏa thuận. Trên cơ sở đó, phòng Nông nghiệp sẽ tham mưu cho UB huyện nhân rộng hình thức sản xuất lúa hữu cơ này trên các cánh đồng lớn trong những năm tiếp theo".
  Hiệu quả bước đầu của mô hình sẽ là động lực để các địa phương trên địa bàn huyện Triệu Phong đẩy nhanh chuyển dịch sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ tiến tới một nền nông nghiệp sạch bền vững, vừa nâng cao giá trị kinh tế, vừa bảo vệ môi trường và trực tiếp bảo vệ sức khỏe của người sản xuất./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THÔNG TIN ĐIỀU HÀNH
  • Đang truy cập6
  • Máy chủ tìm kiếm0
  • Khách viếng thăm6
  • Hôm nay1540
  • Tháng hiện tại1540
  • Tổng lượt truy cập2.760.985