Chi tiết tin tức - Huyện Triệu Phong

 

Có một miền “di sản” chúa Nguyễn Hoàng trên đất Quảng Trị

27/02/2024 126 0

Chúa Nguyễn Hoàng đã để lại cả một hệ thống “di sản” vô cùng quý giá cho tỉnh Quảng Trị sau khi có 68 năm khai hoang mở cõi, đóng dinh trên vùng đất đầy nắng và gió này!

Pho tượng đồng Thái phó Nguyễn Ư Dĩ được dân làng rước vào đền thờ khang trang tại làng Trà Liên, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, Quảng Trị.

Đoan quận công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ xứ Thuận Hóa (vùng đất từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế ngày nay) vào năm 1558. Tại đây, ông bắt đầu đứng chân trên vùng đất Ái Tử - Trà Bát (nay là xã Triệu Ái và Triệu Giang, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị).

Trong thời gian 68 năm (1558 – 1626), chúa Nguyễn Hoàng đã có 3 lần dựng đặt thủ phủ/dinh phủ/dinh trấn của mình tại 3 địa điểm gồm: Ái Tử (1558 - 1570), Trà Bát (1570 - 1600) và Dinh Cát (1600 - 1626).

Nhắc đến tỉnh Quảng Trị, nhiều người sẽ nghĩ rằng đây là vùng “đất lửa” của chiến tranh bom đạn, nhưng ít ai biết rằng, Quảng Trị nói chung và huyện Triệu Phong nói riêng cũng là miền “đất di sản”. Vài năm gần đây, các nhà nghiên cứu lịch sử trong nước đã gọi “Quảng Trị là đất dựng nghiệp của chúa Nguyễn Hoàng”.

Hiện nay người dân làng Trà Liên (trước đây làng Trà Bát, hiện nay thuộc xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong) vẫn đang lưu giữ một trong những “báu vật quốc gia” từ thời kỳ chúa Nguyễn Hoàng. Đó là pho tượng đồng Thái phó Nguyễn Ư Dĩ, vốn là cậu ruột, người đã chăm sóc, nuôi dạy chúa Nguyễn Hoàng từ thời thơ bé. Thái phó Nguyễn Ư Dĩ cũng là người đi theo phò tá, giúp cháu mình trong thời gian khai hoang, mở cõi ở xứ Đàng Trong, tham mưu các quyết sách để thu phục nhân tâm nơi vùng đất mới.

co mot mien di san chua nguyen hoang tren dat quang tri hinh 2

Hình ảnh “mộ rùa” ở làng Trà Liên được xem là bí ẩn chưa có lời giải đáp.

Tượng Thái phó Nguyễn Ư Dĩ nặng hơn 300kg được đúc dưới thời chúa Nguyễn, cao 0,62m, phần vai rộng 0,30m, có niên đại khoảng 400 năm tuổi. Tượng được làm bằng chất liệu đồng, tạc ở thế ngồi trên ghế thấp 2 chân gấp khuỷu hơi dang ra. Khuôn mặt tượng là hình chữ điền, mắt nhìn xuống, mũi cao, môi mỏng, cằm vuông, râu dài, dái tai rộng, đầu đội mũ quan hai lớp, chân đi hia chỉ để lộ phần mũi. Tượng ngài Nguyễn Ư Dĩ được tạo hình toàn thân khoác áo choàng rộng phủ từ vai xuống vắt trùm cả 2 chân, 2 tay vòng phía trước bụng khuất trong vạt áo choàng chỉ để hở một ngón tay cái của bàn tay phải, trong khi đó phần bụng để hở to, tròn.

co mot mien di san chua nguyen hoang tren dat quang tri hinh 3

Thời điểm phát hiện “mộ rùa” có một tấm bia bị hư hại, khắc 2 chữ “Việt Cổ".

Theo ông Hồ Sỹ Út (75 tuổi), một người có úy tín tại làng Trà Liên thì pho tượng này đã từng bị kẻ trộm đánh cắp nhiều lần nhưng may mắn vẫn không mất đi. “Có lần kẻ trộm lấy cắp tượng ngài, đem ra chôn bên bờ sông Thạch Hãn. Dân làng Trà Liên đổ xô đi tìm khắp nơi nhưng không thấy. Sau đó, có người biết tung tích kẻ gian đem kể cho làng, cả làng đổ ra bờ sông Thạch Hãn dùng xà beng, cây sắt thọc xuống bờ cát bên sông thì may mắn tìm được ngài. Thậm chí kẻ trộm có lần đánh cắp tượng ngài rồi đem cưa một phần vào phần lưng pho tượng hòng tìm kiếm vàng bạc, châu báu nhưng chúng không tìm thấy đành bỏ lại pho tượng”, ông Hồ Sỹ Út kể thêm.

Đến cuối năm 2022, pho tượng đồng Thái phó Nguyễn Ư Dĩ được dân làng rước vào đền thờ khang trang tại làng Trà Liên. Đền thờ nằm trên khu đất diện tích 2 ha thuộc khuôn viên Di tích lịch sử quốc gia chúa Nguyễn, với kinh phí đầu tư hơn 3 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa.

“Mặc dù ngài Nguyễn Ư Dĩ đã có nơi khang trang để thờ tự nhưng đền thờ này vẫn còn thiếu tường rào, cổng đền thờ, bình phong, còn những người chăm nom, hương khói cũng chưa nhận được hỗ trợ gì. Tôi rất mong các ban ngành chức năng, con em Quảng Trị quan tâm, hỗ trợ để xây dựng nốt một số hạng mục còn thiếu kể trên”, ông Út nói thêm.

co mot mien di san chua nguyen hoang tren dat quang tri hinh 4

Thời điểm phát hiện “mộ rùa” có một tấm bia bị hư hại, khắc 2 chữ “Việt Cổ".

Cách đền thờ Thái phó Nguyễn Ư Dĩ không xa là về phía cổng làng Trà Liên (sát bên quốc lộ 1A) là “ngôi mộ rùa”. Theo người dân làng Trà Liên, vì trên ngôi mộ có con rùa đá nên gọi là “mộ rùa”, được phát hiện vào năm 2013 khi người dân đào đất làm móng nhà. Hiện chưa có tài liệu chính thức nào nói về nguồn gốc “mộ rùa”, nhưng tại khu vực mộ có một tấm bia đá bị hư hại, khắc 2 chữ “Việt Cổ”. Đến năm 2022, người dân và mạnh thường quân đã đóng góp tiền bạc để cải tạo, sửa chữa “mộ rùa”.

Về nguồn gốc mộ rùa có thể xem là một bí ẩn, tuy nhiên theo các cụ cao niên trong làng, ngôi mộ rùa này có khả năng được xây dựng từ thời kỳ chúa Nguyễn đóng dinh trấn trên đất Triệu Phong.

“Ngôi mộ rùa được dân làng Trà Liên bảo vệ nghiêm ngặt, khi cúng kiếng thì đều cúng đồ chay. Gần đây người dân địa phương và có nhiều khách thập phương khi đến Triệu Phong cũng ghé mộ rùa để thăm viếng. Có nhiều giả thiết xung quanh ngôi mộ rùa này, nhưng tất cả chỉ là suy đoán, chứ chưa có bằng chứng gì”, ông Hồ Sỹ Út kể.

Làng Trà Liên, nơi vốn là dinh Trà Bát một thời oanh liệt năm xưa của chúa Nguyễn Hoàng, người dân địa phương cũng vừa phát hiện thêm một giếng cổ! Người dân gọi giếng cổ này “Giếng Phủ”, vừa được chính quyền địa phương phối hợp với người dân địa phương dựng bia đá khắc ghi là “Giếng Phủ làng Trà Liên 1558”.

“Khi mới phát hiện, phía miệng giếng là một hố bùn đất, người dân trồng rau muống! Dân làng đã phát quang, dọn dẹp xong thì mời các cụ cao niên đến và xác định đây giếng cổ có từ thời chúa Nguyễn Hoàng”, anh Thạnh, một người tham gia cải tạo giếng cổ nói.

Sau khi phát hiện giếng cổ, người dân đã quyên góp tiền bạc, lên thiết kế, thuê thợ về cải tạo lại giếng. Sau đó, giếng cổ được gia cố thêm bằng các phiến đá núi tự nhiên.

“Giếng Phủ là một di tích rất có giá trị lịch sử về dấu tích chúa Nguyễn Hoàng trên đất Triệu Phong. Hiện nay tại giếng này, mạch nước tiết ra vẫn trong xanh, mát rượi, không phèn chua, có thể dùng để sinh hoạt như giặt giũ, tắm rửa, thậm chí múc uống vẫn bình thường. Giếng cổ này từng là nơi cấp nước sinh hoạt cho quan binh, nhân dân cả vùng này trong thời chúa Nguyễn Hoàng”, ông Hồ Sỹ Út nhận định.

co mot mien di san chua nguyen hoang tren dat quang tri hinh 5

Giếng Phủ làng Trà Liên 1558 từng cấp nước cho quan binh và nhân dân khu vực chúa Nguyễn Hoàng đóng dinh trấn.

Mặc dù là một công trình có giá trị lịch sử, nhưng hiện nay vùng rìa giếng cổ này đang bị mồ mả xâm lấn, cây cối xung quanh mọc um tùm, không có đường vào thuận lợi.

Theo UBND huyện Triệu Phong, hiện có 10 địa điểm thuộc loại hình lịch sử – khảo cổ liên quan đến Dinh chúa Nguyễn (1558-1626) trên địa bàn được Bộ VH-TT&DL xếp hạng Quốc gia từ năm 2018. Các địa điểm này bao gồm: Dinh Ái Tử (xã Triệu Ái), Dinh Trà Bát (xã Triệu Giang), Dinh Cát (xã Triệu Giang), Mô Súng (xã Triệu Ái), Bãi Trận (xã Triệu Giang), Cồn Tập (xã Triệu Ái), Tàu Tượng (xã Triệu Ái), Ghềnh Phủ (xã Triệu Giang), Chợ Hôm (xã Triệu Ái), miếu Trảo Trảo phu nhân (thị trấn Ái Tử). Riêng đối với “Giếng Phủ” vừa được phát hiện thì đang tiến hành đo đạc chi tiết để bổ sung vào hồ sơ.

“Giếng Phủ làng Trà Liên hiện nay chưa nằm trong phân vùng bảo vệ di tích nên đang kiến nghị lãnh đạo huyện Triệu Phong cho chủ trương để làm việc với Sở VH-TT&DL đề nghị làm hồ sơ khoa học, hồ sơ pháp lý đề nghị Bộ VH-TT&DL bổ sung vào Di tích cấp Quốc gia. Trước mắt với những dữ liệu thu thập được, chúng tôi xác định Giếng Phủ có từ thời Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, nằm gần Phủ Thờ trước đây. Từ manh mối Giếng Phủ, chúng tôi cũng sẽ kiến nghị khảo cổ học khu vực đó để kiểm chứng thêm tư liệu cũng làm rõ thêm dấu vết của di tích Giếng Phủ”, ông Đặng Sỹ Dũng, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Triệu Phong cho biết.

Bài và ảnh: Viết Hảo - Báo Công luận

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THÔNG TIN ĐIỀU HÀNH
  • Đang truy cập15
  • Máy chủ tìm kiếm0
  • Khách viếng thăm15
  • Hôm nay2935
  • Tháng hiện tại2935
  • Tổng lượt truy cập2.738.333