Chi tiết tin tức - Huyện Triệu Phong
Cây tràm 5 gân: Hướng phát triển kinh tế hiệu quả ở vùng gò đồi.
Nhằm từng bước nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diên tích, nhiều năm qua xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng đã chú trọng việc chuyển đổi một số diện tích đất gò đồi sang trồng các loại cây trồng mũi nhọn như cam, hồ tiêu, thanh long. Trong đó cây tinh dầu tràm 5 gân được trồng thử nghiệm nhưng đem lại hiệu quả thiết thực.
Tận dụng vùng đất đồi kém hiệu quả và một số diện tích đất trống dưới đường dây điện lưới 500kv, năm 2019 anh Nguyễn Thành Công ở xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng đã xin địa phương để đưa cây tràm 5 gần vào trồng thử nghiệm với diện tích gần 3 héc ta. Anh Công cho biết: cây Tràm 5 gân là giống tràm mới, được du nhập, chọn giống và lai tạo từ giống tràm Úc. Sau 3 năm đưa vào trồng cho thấy cây tràm 5 gân thích hợp với đất đồi khô hạn, khí hậu khắc nghiệt; lá phát triển nhiều, hàm lượng tinh dầu cao. Nếu chăm sóc tốt, mỗi năm có thể cho thu hoạch từ 8 – 10 tấn lá nguyên liệu/ha, và hàm lượng tinh dầu sẽ cao gấp 2 – 3 lần so với giống tràm gió địa phương. Theo định lượng, với bình quân khoảng 150 kg nguyên liệu lá tràm 5 gân sẽ chưng cất được 1 lít tinh dầu tràm, với giá bán gần 2 triệu đồng một lít. Đây cũng là nguồn thu nhập khá ổn định cho gia đình anh Công. Anh Công chia sẻ: “ Việc trồng cây tràm 5 gần đem lại lợi ích nhiều mặt, thứ nhất mình tạo được công ăn việc làm cho gia đình và một số lao động địa phương, tận dụng được vùng đất hoang hóa và đất khó sản xuất dưới hệ thống đường dây điện 500kw. Mặt khác, tạo hướng đi mới trong phát triển kinh tế vùng gò đồi. Đối với gia đình chúng tôi, đây là nguồn thu nhập đáng kể ngoài việc sản xuất cây lúa...”.
Hiện tại trên địa bàn xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng đang xây dựng được gần 150 mô hình kinh tế đem lại hiệu quả cao, trong đó có gần 50 mô hình cây trồng có giá trị cao ở vùng gò đồi như: Cam, bưởi da xanh, cây chè xanh, cây hồ tiêu...Tuy nhiên, để chiến lược kinh tế vùng gò đồi đem lại hiệu quả cao hơn, xã Hải Chánh đã khuyến khích bà con nhân dân mở rộng mô hình trồng cây dược liệu Tràm 5 gân. Hiện tại toàn xã Hải Chánh đã quy hoạch và phát triển được hơn 10 héc ta cây tràm 5 gần ở các khu vực đất đồi kém hiệu quả. Cây tràm 5 gân là cây trồng mới, nhưng hiệu quả cao và được đánh giá là mô hình phù hợp trong chiến lược phát triển kinh tế lâu dài, bền vững và hiệu quả của xã Hải Chánh trong chương trình chuyển đổi và nâng cao năng suất cây trồng vùng gò đồi theo chủ trương của huyện Hải Lăng.
Ông Bùi Đức Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng cho biết thêm: “ Trên cơ sở kết quả đạt được từ mô hình trồng tràm 5 gân của gia đình anh Nguyễn Thành Công, chúng tôi tiếp tục vận động bà con nhân dân tận dụng vùng đất hoang hóa và chuyển đổi một số diện tích đất gò đồi kém hiệu quả để đưa vào trồng cây tràm 5 gân. Ngoài ra chúng tôi cũng sẽ cố gắng phối hợp với các đơn vị chức năng để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm tinh dầu tràm của địa phương...”
Như vậy, bên cạnh các loại cây công nghiệp dài ngày như cao su, hồ tiêu và cây cam, thì cây Tràm 5 gân đang từng bước mở ra hướng đi mới trong sản xuất loại cây công nghiệp tinh dầu trên vùng gò đồi xã Hải Chánh nói riêng và ở huyện Hải Lăng nói chung.
Tác giả bài viết: Đạo Thiện
Ý kiến bạn đọc