Chi tiết tin tức - Huyện Triệu Phong

 

Nữa thế kỷ hồi sinh và khát vọng phát triển

11:18, Thứ Bảy, 2-7-2022 155 0

Cách đây 50 năm, trong khí thế “Tấn công- nổi dậy, nổi dậy - tấn công” của chiến dịch Xuân – Hè năm 1972, bằng sự phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang, bằng tinh thần dũng cảm, trí thông minh, lòng căm thù sôi sục, trong mưa bom bão đạn, quân và dân Triệu Phong muôn người như một, sát cánh cùng quân và dân tỉnh nhà và bộ đội chủ lực, vượt qua muôn vàn gian khổ hy sinh, kiên cường làm nên một chiến thắng lẫy lừng, giải phóng quê hương. Ngày 29/4/1972 đã đi vào lịch sử huyện nhà như một mốc son chói lọi của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và mãi mãi là niềm tự hào của bao thế hệ con người Triệu Phong hôm nay và mai sau.

Mùa xuân năm 1972, thực hiện quyết định của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, ngày 30/3 quân giải phóng mở màn chiến dịch giải phóng Quảng Trị, bằng các trận đánh đập tan hoàn toàn phòng tuyến của địch, giải phóng các huyện, thị ở phía Bắc. Ở Triệu Phong, đúng 5 giờ sáng 27/4/1972, các cánh quân của ta đồng loạt tấn công vào cụm phòng ngự của địch dọc Quốc lộ 1A từ Đông Hà đến Quảng Trị. Ở hướng Tây Bắc, Sư đoàn 308 tiến công vào khu vực Đông Hà - Lai Phước. Sau 2 ngày chiến đấu quyết liệt, quân ta đã làm chủ phòng tuyến Đông Hà - Lai Phước. Trong thế trận đó, lực lượng biệt động Thị Quảng Hà và du kích các xã đánh chiếm Đại Áng, Trung Chỉ, quần chúng vùng lên, chiếm trụ sở ngụy quyền ở Triệu Lương, Triệu Lễ.
Cùng thời gian đó, Sư đoàn 304 từ phía Tây đánh chiếm căn cứ Ái Tử. Ta và dịch giành giật từng khu vực trong nhiều trận đánh ác liệt ở Nhan Biều, An Đôn, cầu Quảng Trị; Trung đoàn 48 thuộc Sư đoàn 320B từ Đông Bắc đánh vào, buộc địch phải vứt bỏ xe tăng, súng đạn dẫm đạp lên nhau chạy thoát thân vào Thị xã Quảng Trị. Du kích Triệu Thượng, Triệu Ái, Triệu Giang đã truy kích tiêu diệt tàn quân địch, quần chúng nổi dậy, phá tan hàng rào khu tập trung trở về làng cũ, tiếp tế đạn dược, cung cấp ghe thuyền giúp bộ đội vượt sông. Chỉ sau mấy ngày tấn công, nổi dậy với khí thế sôi sục, toàn bộ các căn cứ địch dọc Quốc lộ 1A bị san phẳng, hệ thống ngụy quyền tay sai, ở 5 xã phía bắc sông Thạch Hãn hoàn toàn bị sụp đổ.
Ở mặt trận phía Đông, Trung đoàn 27 thuộc Sư đoàn 320B, Tiểu đoàn 47 và Tiểu đoàn 66 bộ binh cơ giới, lực lượng vũ trang địa phương đã tấn công giải tán bọn bảo an phòng vệ, hỗ trợ quần chúng nổi dậy ở các xã Triệu Đại, Triệu Độ, Triệu Long và Triệu Thuận. Các đội công tác chính trị bám sát địa bàn, tổ chức cho nhân dân vùng lên giải tán chính quyền địch ở Triệu Phước, Triệu Vân, Triệu Trạch. Ngày 28/4 kết hợp với lực lượng từ Gio Cam tiến lên, quân ta phát triển vào hướng “Dãy chữ nhất”, tiêu diệt sinh lực địch, tạo điều kiện cho quần chúng làm chủ các xã Triệu Hoà, Triệu Sơn, Triệu Lăng và Triệu Tài.

Chiều 29/4, lực lượng vũ trang vừa truy kích, vừa chặn đánh địch, vừa tiến vào đánh chiếm chi khu Triệu Phong và trụ sở ngụy quyền ở Triệu Thành, cờ cách mạng tung bay phấp phới trên nóc Quận đường và khắp các làng quê. Trong thế tấn công và nổi dậy như vũ bão, chỉ trong 03 ngày, từ 27 đến 29/4, lực lượng vũ trang, các đội công tác chính trị, quân và dân Triệu Phong, cùng với quân chủ lực truy kích địch, tước vũ khí, giải tán chính quyền ngụy, giành chính quyền về tay nhân dân. Với khí thế tiến công và nổi dậy “Một ngày bằng 20 năm”, đúng 16 giờ ngày 29/4/1972, quân và dân ta đã anh dũng quét sạch quân thù; Triệu Phong hoàn toàn giải phóng trong niềm hân hoan của đồng bào, chiến sỹ.
Thất bại càng nặng nề, kẻ thù càng ngoan cố, chúng tập trung binh lực, các phương tiện chiến tranh hiện đại, cố chiếm lại vùng đã mất. Trong suốt 09 tháng trời chiến đấu, bầu trời và mặt đất Triệu Phong không một phút giây yên lặng bởi tiếng gào thét của B52, máy bay, xe tăng và pháo hạm. Bất chấp bom đạn Mỹ - ngụy, quân và dân ta không hề nao núng, càng nêu cao khí phách anh hùng, quyết tâm bảo vệ từng tấc đất, vùng giải phóng. Trong suốt 18 năm dài kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân Triệu Phong đã tiến hành đánh 1.049 trận, tiêu diệt 6.747 tên địch, bắn rơi 60 máy bay các loại, phá hủy 88 xe cơ giới quân sự.
Với những chiến công đặc biệt xuất sắc, sự hy sinh to lớn và những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà; Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Triệu Phong vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, Huân chương thành đồng hạng Hai; 15 tập thể, 09 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 575 mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng và 7.322 cán bộ, chiến sĩ và nhân dân được tặng thưởng huân, huy chương các loại. Đó là những bông hoa tươi thắm nhất trong vườn hoa của chủ nghĩa anh hùng cách mạng!
Để làm nên những chiến công oanh liệt, Triệu Phong phải gánh chịu nhiều tổn thất to lớn về người và của. Bao thế hệ đồng bào Triệu Phong đã ngã xuống, Biết bao cán bộ, chiến sỹ đã anh dũng chiến đấu và hy sinh trên mảnh đất này. Chúng ta tạc dạ, ghi lòng gương hy sinh cao cả của hơn 4.500 liệt sĩ con em huyện nhà và biết bao đồng chí, đồng bào đã ngã xuống vì sự trường tồn của quê hương, đất nước, để Triệu Phong được hồi sinh và phát triển.
Bước ra khỏi chiến tranh, Triệu Phong là địa phương chịu nhiều đau thương, mất mát. Hầu hết làng mạc đều đổ nát, hoang tàn; ruộng đồng tiêu điều; hố bom, hố pháo nham nhở. Phần lớn người dân trở về từ vùng giải phóng vỏn vẹn gia tài chỉ một gánh trên vai. Với muôn vàn khó khăn, thử thách, nhưng phát huy truyền thống cần cù, chịu thương chịu khó, nhân dân nô nức bước vào cuộc chiến mới, khai hoang phục hóa, hàn gắn vết thương chiến tranh, từng bước xây dựng lại cuộc sống mới. Sau 50 năm ngày giải phóng, hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, diện mạo của quê hương từng bước thay da đổi thịt. Từ một huyện thuần nông, có xuất phát điểm thấp, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn thiếu, chưa đồng bộ, đến nay, nền kinh tế huyện nhà có bước tăng trưởng khá toàn diện, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt trên 11,5%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 57,7 triệu đồng.
Với những thành tựu đã đạt được, trong thời kỳ đổi mới huyện Triệu Phong vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất và Huân chương Độc lập hạng Ba. Kết quả đạt được sau 50 năm ngày giải phóng, đã và đang tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển của quê hương, đồng thời tô thắm thêm truyền thống anh hùng cách mạng, tinh thần ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết, đổi mới, sáng tạo của Đảng bộ và Nhân dân Triệu Phong.

Dù còn nhiều khó khăn, nhưng với những gì đã làm được, chúng ta có quyền tự hào về một Triệu Phong anh hùng, đổi mới và phát triển. Triệu Phong hôm nay đang cùng với cả nước bước vào thời kỳ hội nhập phát triển với những thuận lợi, thời cơ đan xen khó khăn và thách thức. Trân trọng tình cảm sâu nặng của đồng chí, đồng bào các huyện bạn, những người từng “Chia ngọt, sẻ bùi” và giúp đỡ Triệu Phong trong nửa thế kỷ qua.
50 năm nhìn lại chặng đường tái thiết, dựng xây quê hương, tự hào là quê hương của đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn kính mến, Đảng bộ, Nhân dân nguyện Triệu Phong nguyện phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, huy động nguồn lực và sức mạnh của “Lao động, tình thương và lẽ phải”, đóng góp sức lực, trí tuệ, tài năng, đoàn kết, chung sức, chung lòng quyết tâm xây dựng quê hương Triệu Phong ngày càng giàu đẹp, ấm no, hạnh phúc./.

Tác giả bài viết: Vĩnh Định

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THÔNG TIN ĐIỀU HÀNH
  • Đang truy cập33
  • Máy chủ tìm kiếm0
  • Khách viếng thăm33
  • Hôm nay1085
  • Tháng hiện tại1085
  • Tổng lượt truy cập2.729.954