Chi tiết tin tức - Huyện Triệu Phong

 

Ân tình của một cựu chiến binh

15:45, Thứ Bảy, 2-4-2022 310 0

Theo chân các đoàn cứu trợ đồng bào vùng lũ huyện Triệu Phong trong những ngày cuối tháng mười và tháng mười một vừa qua, chúng tôi đã bắt gặp hình ảnh của một cựu chiến binh (CCB) trong trang phục người lính cụ Hồ, dáng người rắn rỏi, tay thoăn thoắt chuyển những món hàng cứu trợ đến với bà con vùng lũ, miệng ân cần thăm hỏi động viên. Hỏi ra mới biết đó là CCB, thương binh Nguyễn Tài Đạt quê ở Hải Phòng, ông đã từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Nghe tin đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi bão lũ thiên tai dồn dập, ông cùng gia đình nhiều lần vào miền Trung để cứu trợ.

CCB Nguyễn Tài Đạt tặng giống lúa cho nhân dân vùng lũ Triệu Phong

CCB, thương binh Nguyễn Tài Đạt nguyên là chiến sỹ thuộc Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 101, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2; từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị trong những năm 1972 – 1974. Trong ký ức về những trận chiến oanh liệt, ông Đạt vẫn không bao giờ quên những ân tình mà đồng đội và nhân dân các địa phương ở huyện Triệu Phong đã cưu mang, đùm bọc ông và đồng đội của mình trong những năm tháng chiến đấu gian khổ nhưng đầy hào hùng của dân tộc. Ghi nhớ và trở về để tri ân và san sẻ khó khăn với người dân nơi đây là điều mà CCB Nguyễn Tài Đạt trăn trở và cố gắng thực hiện. 
Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, 6 anh em trong gia đình ông Đạt lần lượt nối tiếp nhau lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc. Năm 19 tuổi, ông Nguyễn Tài Đạt từ biệt quê hương Hải Phòng vào chiến trường Quảng Trị, tham gia chiến dịch bảo vệ vòng ngoài phía đông Thành cổ Quảng Trị. Những vị trí chiến lược, tên đất, tên làng như Triệu An, Triệu Vân, Triệu Trạch, Triệu Hòa (Triệu Phong)…lúc bấy giờ là địa điểm bộ đội chủ lực kết hợp với bộ đội địa phương tạo thành lá chắn thép, chặn dừng bước tiến của địch và đã hằn sâu trong ký ức người lính như ông.
Trong từng câu chuyện kể của CCB Nguyễn Tài Đạt, ký ức về những năm tháng giao tranh ác liệt như vẫn còn vẹn nguyên; cuộn trào trong huyết quản, trong giọng nói và ánh mắt.Đó là những ngày dài cùng đồng đội nằm hầm giữ chốt. Trong những nắm cơm, củ khoai, củ sắn mà người dân địa phương tiếp tế cho ông và đồng đội có cả những mảnh đạn và máu của bà con. Hay như câu chuyện cảm động của chính hai anh em ông trong cuộc chiến giành dật, bảo vệ từng tấc đất này. Em vòng ngoài Thành Cổ, anh vòng trong Thành Cổ. Gặp nhau trong nước mắt, khi anh trai bị thương rất nặng, phải chuyển ra Quảng Bình để điều trị rồi xuất ngũ về quê. Còn ông Đạt ở lại cùng đồng đội tiếp tục bám trụ và chiến đấu. 
Sau chiến trường Quảng Trị, Tiểu đoàn của ông tiếp tục cơ động, di chuyển vào các chiến trường Huế, Phan Rang, Phan Thiết, Long Thành (Đồng Nai). Nhiều đồng đội của ông đã mãi mãi nằm lại ở những mảnh đất này. Có những người đã anh dũng chiến đấu và hy sinh khi chỉ còn 4 ngày nữa là miền Nam hoàn toàn giải phóng. Đối với bản thân ông Đạt, mặc dù sống sót trở về nhưng dấu tích của những trận chiến khốc liệt mãi hằn trên thân thể. Là thương binh 2/4, phổi của ông Đạt hiện chỉ còn 1 lá, sức khỏe hao mòn theo những vết thương của chiến tranh. Dù chiến tranh đã lùi xa,  nhưng với ông Đạt quãng thời gian sinh tử với đạn bom là những ký ức không thể nào quên trong suốt cuộc đời binh nghiệp của mình.
Ông Đạt chia sẻ “Đối với tôi, lúc còn trẻ hướng đến tương lai, nhưng khi về già lại nhớ về quá khứ”. Phần nhiều trong miền ký ức về quá khứ của CCB Nguyễn Tài Đạt là những hoài niệm về chiến trường xưa, về những đồng đội đã nằm lại ở mảnh đất thiêng Quảng Trị. Bởi thế, khi trở về cuộc sống đời thường, lao động sản xuất đã có thành quả, hàng năm ông và thân nhân lại trở về đây, thắp cho đồng đội những nén hương thơm; tri ân các mẹ VNAH, các thương bệnh binh; thăm hỏi và tặng những món quà nghĩa tình cho bà con địa phương có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt trong tháng 10 và tháng 11 vừa qua, CCB Nguyễn Tài Đạt cùng với người thâm của ông đã 4 lần về lại Triệu Phong, nơi mà ông nhận là quê hương thứ 2 của mình để hỗ trợ cho bà con bị ảnh hưởng bởi thiên tai lũ lụt. Ông Đạt chia sẻ, qua tivi, đài báo, thấy quê hương ngập chìm trong nước lũ, lòng ông xót xa, trăn trở, nhiều đêm liền không ngủ được. Thế rồi ông bàn với vợ và các con, kêu gọi quyên góp để khẩn trương hỗ trợ cho bà con qua cơn khốn khó này. Trong lần đầu tiên, ông Nguyễn Tài Đạt đãvận động được 8 tấn gạo, 130 suất quà gồm các nhu yếu phẩm và quyết tâm đi vào Quảng Trị ngay để trao những yêu thương đến với đồng bào.
Ông Nguyễn Tài Đạt chia sẻ thêm: “Chuyến đi vào Quảng Trị lần đầu này thật sự gian nan. Lũ lụt trải dài khắp các tỉnh miền Trung. Sau nửa ngày mắc kẹt ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, vào đến nơi người tôi ướt sũng, vừa mệt, vừa đói. Nhưng nhìn thấy cảnh bà con lội nước đến nhận gạo; Và nghĩ đến việc mọi người đã bao nhiêu ngày vất vả, cực khổ với thiên tai, chúng tôi bắt tay ngay vào chia gạo cứu trợ. Cũng như 48 năm về trước, chúng tôi về lại đây vẫn như thế. Tấm lòng người dân rất nhân hậu và đầm ấm. Có một mẹ già, nhận gạo từ tay tôi, nước mắt rưng rưng. Mẹ nói với tôi rằng “50 năm trước các con đem tuổi trẻ, xương máu của mình vào đây, bảo vệ mảnh đất này; 50 năm sau các con lại đem gạo vào đây, cứu đói cho bà con trong cơn lũ lụt….”. Tôi xúc động lắm; quên hết mệt mỏi, thấy càng yêu hơn, thương hơn mảnh đất này, và người dân nơi đây. Tôi tự nhủ rằng mình phải cố gắng nhiều hơn nữa để góp phần hỗ trợ cho bà con sớm vượt qua cơn hoạn nạn này.”.
Cũng từ đó, với sự chung tay của các đơn vị, các doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm, lần thứ 2, rồi lần thứ 3, ông Đạt trở vào Quảng Trị mang theo hàng trăm suất quà là các nhu yếu phẩm cần thiết và tiền mặt trị giá hơn 200 triệu đồng. Người dân Triệu Phong đón nhận những món quà từ tay CCB Nguyễn Tài Đạt; lần này không phải là món quà tri ân mà đong đầy sự chia sẻ, yêu thương, động viên bà con cố gắng vươn lên sớm ổn định cuộc sống. 
Khi cơn lũ đi qua, cuộc sống của bà con ổn định rồi, CCB Nguyễn Tài lại nghĩ rằng cần thiết phải hỗ trợ bà con khôi phục kế sinh nhai. Là vùng quê trồng lúa, nhưng lũ lụt thóc của bà con bị ngập, mọc mầm hết rồi. Vì thế gia đình ông quyết định kêu gọi, vận động lúa giống mang vào cho bà con tái sản xuất. Và trong lần trở về gần đây nhất, CCB Nguyễn Tài Đạt đã mang theo 4 tấn lúa giống hỗ trợ cho người dân 3 xã Triệu Long, Triệu Hòa và Triệu Trạch. Chia sẻ tại buổi trao lúa giống, CCB Nguyễn Tài Đạt mong muốn cùng với sự cố gắng của bà con, mưa thuận gió hòa, những hạt giống này sẽ sinh sôi nảy mầm nhân lên gấp bội lần để bà con sớm vượt qua nổi khó khăn vất vã này.
Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong Phan Quang Giải, cho biết: Chúng tôi ghi nhận và cảm kích tấm lòng của các tổ chức, đơn vị, các nhà hảo tâm trên mọi miền Tổ Quốc đã bằng nhiều cách có sự hỗ trợ thiết thực cho bà con nhân dân, sớm vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống sản xuất sau lũ lụt. Trong đó có gia đình CCB Nguyễn Tài Đạt ở thành phố Hải Phòng. Luôn dành tình cảm đặc biệt cho quê hương Triệu Phong nên nhiều năm qua, CCB Nguyễn Tài Đạt luôn giữ mối liên lạc với chính quyền và nhân dân địa phương. Đồng thời có những hoạt động thăm hỏi, hỗ trợ cho bà con mỗi lần về thăm. Đặc biệt trong đợt lũ lụt vừa qua, CCB Nguyễn Tài Đạt đã dành nhiều sự quan tâm, nhiều lần hỗ trợ cho nhân dân các địa phương những món quà thiết thực, ý nghĩa chia sẻ với bà con, góp phần cùng với chính quyền địa phương giúp bà con sớm vượt qua khó khăn để ổn định cuộc sống.
Mỗi lần trở về lại chiến trường xưa, CCB Nguyễn Tài Đạt lại vui cùng niềm vui với bà con khi chứng kiến quê hương ngày càng đổi khác và cũng sẵn sàng san sẻ những vất vả, mất mát mà người dân nơi đây phải gồng mình vượt qua khi thiên tai bão lũ ập đến. Đó là nghĩa cử cao đẹp, là ân tình sâu nặng của người lính cụ Hồ đang được sống trong thời bình hôm nay, đối với đồng đội đã hy sinh cùng mảnh đất và con người đã một thời cưu mang, che chở./.

Tác giả bài viết: Kim Thoa – Minh Kha

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THÔNG TIN ĐIỀU HÀNH
  • Đang truy cập7
  • Máy chủ tìm kiếm0
  • Khách viếng thăm7
  • Hôm nay294
  • Tháng hiện tại294
  • Tổng lượt truy cập2.840.266