Chi tiết tin tức - Huyện Triệu Phong

 

Tổng Bí thư Lê Duẩn với tư tưởng đổi mới

10:46, Thứ Hai, 4-7-2022 147 0

Công cuộc đổi mới đất nước được tính từ mốc năm 1986, năm tiến hành Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng phải nói rằng, nhờ có những bước tìm tòi, thử nghiệm, đột phá về đổi mới từ trước đó của Đảng và Tổng Bí thư Lê Duẩn mà giai đoạn từ năm 1986 trở về sau mới có sự tích luỹ để “lượng biến thành chất”.

*Nắm bắt và tôn trọng quy luật khách quan: Câu chuyện NEP của Lênin
Từ chính sách cộng sản thời chiến sang chính sách kinh tế mới (NEP) của Lê Nin đồng chí Lê Duẩn chỉ rõ: để đảm bảo tôn trọng đầy đủ quy luật khách quan, tuyệt đối không được lấy ý chí chủ quan, không được lấy tình cảm làm điểm xuất phát của chiến lược, sách lược cách mạng, đặc biệt, điều quan trọng là phải có khả năng nắm bắt và hiểu đúng quy luật khách quan: “Vạch ra chính sách kinh tế mới và để thực hiện chính sách ấy, Lênin đã phải tốn không biết bao nhiêu công sức để thuyết phục cho những người cộng sản đầy nhiệt tình cách mạng nhưng không hiểu quy luật kinh tế thấy rằng chính sách kinh tế mới tuyệt nhiên không phải là chính sách phục hồi chủ nghĩa tư bản, trái lại, đó là chính sách duy nhất có thể có đối với nước Nga lúc bấy giờ nhằm chiến thắng chủ nghĩa tư bản và quá độ lên chủ nghĩa xã hội”.
*Từ năm 1970, đồng chí Lê Duẩn đă yêu cầu “cải tiến chế độ quản lý kinh tế
Từ kinh nghiệm thực hiện NEP của Lênin và từ yêu cầu của thực tiễn, đồng chí Lê Duẩn cho rằng Đảng còn phải dày công suy nghĩ nhiều hơn nữa, nghiên cứu đầy đủ và sâu sắc hơn nữa quy luật của cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Luận điểm "xương sống" mà theo đồng chí Lê Duẩn: “Quản lý kinh tế là quản lý một cơ thể sống phát triển theo những quy luật khách quan”. Luận điểm về “cơ thể sống” này giúp chúng ta vừa tránh sa vào chủ nghĩa giáo điều, rập khuôn máy móc cách làm của nước ngoài, vừa biết lắng nghe sự “mách bảo” từ thực tiễn để đúc kết thành lý luận đổi mới.
Với quan điểm tôn trọng khách quan, “nhạy cảm với những nhân tố mới phát sinh ra trong thực tiễn”, đồng chí Lê Duẩn đã sớm nhấn mạnh đến vai trò của thị trường đối với công tác kế hoạch nói riêng và xây dựng kinh tế nói chung. Khi nắm vững quy luật khách quan, đồng chí Lê Duẩn đã vừa sớm dự báo việc xây dựng Cương lĩnh thứ hai của Đảng về xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, vừa nói đến cơ chế sử dụng thị trường có sự quản lý của Nhà nước.Đồng chí còn nói đến “những vấn đề kinh tế cực kỳ quan trọng”, đó là vận dụng quy luật giá trị, thực hiện hạch toán kinh tế, sử dụng đúng đắn các đòn bẩy giá cả, tiền lương, lợi nhuận, tín dụng nhằm khai thác mọi khả năng tiềm tàng trong nền kinh tế, khuyến khích mọi người phát huy sáng kiến và hăng hái lao động ích nước, lợi nhà.Cùng với tư tưởng đó của đồng chí Lê Duẩn, Hội nghị Trung ương lần thứ 20, tháng 4-1972 đã bàn về quản lý kinh tế, chỉ ra sức cản của cơ chế quản lý hành chính cung cấp và chủ trương xoá bỏ nó để thực hiện phương thức kinh doanh xã hội chủ nghĩa.
Sa khi “vụ Kim Ngọc” xảy ra và bị kết luận oan, đồng chí Lê Duẩn đã đến Vĩnh Phú để thăm và chia sẻ với đồng chí Kim Ngọc. Là người  ủng hộ mạnh mẽ việc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là tạo ra cơ chế khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong các hợp tác xã nông nghiệp để kích thích sản xuất, nâng cao năng suất lao động.  Chỉ thị 100 của Ban Bí thư về khoán sản phẩm trong nông nghiệp năm 1981 đánh giá cơ chế khoán đổi mới này đã “đóng góp vào việc xây dựng đường lối đổi mới toàn diện của Đảng tại Đại hội lần thứ VI của Đảng ta”. Chỉ thị 100 đã tạo tiền đề cho Nghị quyết “khoán 10” năm 1988 của Bộ Chính trị ra đời, thúc đẩy sức sản xuất trong nông nghiệp phát triển mạnh mẽ.
*Các bước đột phá về đổi mới tư duy kinh tế từ năm 1979 đến 1985
Hội nghị Trung ương 6, khoá IV họp vào tháng 8-1979 đã bàn về phát triển sản xuất hàng tiêu dùng và sửa đổi chính sách kinh tế. Hội nghị đã thông qua hai Nghị quyết: Nghị quyết về sản xuất hàng tiêu dùng và Nghị quyết về sửa đổi chính sách kinh tế. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 đã “đánh dấu bước đột phá đầu tiên về đổi mới tư duy kinh tế của Đảng ta” thể hiện ở những nội dung quan trọng như: sử dụng nhiều thành phần kinh tế, trong đó có cả kinh tế cá thể và kinh tế tư bản tư nhân ở miền Nam, coi trọng và vận dụng quy luật giá trị, chấp nhận thị trường tự do về lương thực.
Lúc này, đồng chí Lê Duẩn đã đề cập việc chống cơ chế tập trung quan liêu, sử dụng sự tự điều chỉnh thông qua thị trường, thừa nhận sự tồn tại của thị trường ngoài kế hoạch. Sau hội nghị này, Đảng và Chính phủ đã ban hành những văn bản quan trọng, thể hiện rõ nét tư duy đổi mới trong kinh tế nên đã “vào” cuộc sống rất nhanh, thực sự làm cho sản xuất bung ra. Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 100 CT/TƯ ngày 13-1-1981 về khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong hợp tác xã. Chỉ thị này đã phá vỡ cơ chế tập trung quan liêu trong sản xuất nông nghiệp, thực sự tạo ra cơ chế mới gắn lao động với đất đai, khiến cho nông dân phấn khởi, nỗ lực đầu tư vào ruộng đồng, tăng năng suất mùa màng.
Đến Đại hội V của Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 3-1982), tư duy đổi mới, đặc biệt là điều chỉnh cơ cấu kinh tế, xác định bước đi công nghiệp hoá trong chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của đồng chí Lê Duẩn và của Đảng đã có bước phát triển mới. Đại hội đã thẳng thắn chỉ ra để loại bỏ hai loại tư duy cũ hoặc không phù hợp, đó là duy trì quá lâu cơ chế quản lý hành chính quan liêu, bao cấp, kìm hãm sản xuất, đó là chủ quan, nóng vội đề ra một số chỉ tiêu quá lớn về xây dựng cơ bản và phát triển sản xuất, đưa quy mô hợp tác xã nông nghiệp lên quá lớn ở một số địa phương.
Trong đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, bên cạnh việc đổi mới trên các lĩnh vực nông-công nghiệp, đồng chí Lê Duẩn và Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhiều lần dốc sức tấn công vào “thành trì” quan liêu, bao cấp “ngoan cố và bướng bỉnh” nhất, đó là lưu thông phân phối. Đợt cải cách giá và lương lần thứ nhất năm 1981-1982 đã điều chỉnh tăng giá, tăng lương, giảm mặt hàng cung cấp theo tem phiếu, chuyển phần lớn giá cung cấp sang giá kinh doanh thương nghiệp.

Tiến lên một bước mới, Hội nghị Trung ương lần thứ 8, tháng 6-1985 đã quyết định dứt khoát xoá bỏ tập trung quan liêu, bao cấp, chuyển hẳn sang hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa, với khâu đột phá là xoá bỏ quan liêu, bao cấp trong giá-lương-tiền.
Nghị quyết Trung ương 8 đã đánh dấu bước đột phá quan trọng trong đổi mới tư duy kinh tế của Đảng. Đáng chú ý, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 10 diễn ra trước hai tháng khi đồng chí Lê Duẩn mất, đồng chí Lê Duẩn đã tiếp tục nêu bật các ý tưởng đổi mới mạnh mẽ về cơ chế quản lý kinh tế và công tác Đảng: “Phải thấy đầy đủ những nhân tố mới, những khả năng khắc phục khó khăn để tiến lên”, “Cuộc sống đòi hỏi chúng ta phải đổi mới trong ý nghĩ và việc làm”, “Phải đổi mới cơ chế quản lý. Cơ chế quản lý đó lấy kế hoạch làm trung tâmNhưng không làm kế hoạch theo lối quan liêu, bao cấp”, “Phải thực hiện một sự đổi mới căn bản trong công tác Đảng, trước hết là đổi mới phong cách lãnh đạo”.
*Tính chuyện hợp tác kinh tế với Mỹ sau khi hai nước bình thường hoá quan hệ

Đồng chí Lê Duẩn nhìn thấy “cách làm kinh tế của Mỹ có hiệu quả cao, không tìm cách làm ăn hợp tác kinh tế với Mỹ để phát triển là không khôn ngoan”. Thể hiện tinh thần sẵn sàng chủ động hợp tác với Mỹ, trong bài diễn văn đọc tại lễ kỷ niệm 10 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đồng chí Lê Duẩn nêu rõ: “Nước ta sẵn sàng bình thường hoá quan hệ với nước Mỹ vì lợi ích của hai nước, vì lợi ích của hoà bình, ổn định ở Đông Nam Á”*Về một chữ “nếu”...hay là: Cần có một cái nhìn khách quan về tư duy đổi mới thời kỳ 1976-1985
Tư tưởng đổi mới của đồng chí Lê Duẩn và của Đảng xuất hiện khá sớm và phát triển chín muồi theo thời gian. Đó là tư tưởng đổi mới độc lập, tự chủ, sáng tạo, xuất phát từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, từng bước thoát ra và tiến tới xoá bỏ cơ chế kế hoạch hoá kiểu cũ vốn bao trùm cả phe xã hội chủ nghĩa. Đó là tư tưởng dám đổi mới, thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm, sai lầm để tìm cách vượt lên chính mình, nhạy bén điều chỉnh cách làm và bước đi cho phù hợp thực tiễn, phát hiện cái mới do thực tiễn “mách bảo” để đề ra các chủ trương, chính sách đổi mới. Tuy nhiên, thời kỳ này chúng ta gặp nhiều khó khăn khách quan (tình trạng bao vây cấm vận, chiến tranh biên giới Tây Nam và phía Bắc); sai lầm chủ quan, nóng vội.Việc đưa tư duy mới vào cuộc sống có lúc còn khó hơn, thậm chí phải “trả giá”,...là do quan điểm ở một số đồng chí lãnh đạo khác lại không đồng ý.
Một tình trạng nữa, đó là không thực hiện triệt để, xuyên suốt, hoặc không được tiếp tục nghiên cứu, phát triển. Giờ đây, “chân trời” mong đợi ấy đã mở ra với vận nước đang lên, đã đến lúc chúng ta có đủ “độ lùi thời gian” để sòng phẳng với lịch sử, để đánh giá đúng mức, đầy đủ những bước tiến, bước đột phá về đổi mới tư duy dưới thời Tổng Bí thư Lê Duẩn đã tạo tiền đề, tạo cơ sở quan trọng cho công cuộc đổi mới toàn diện đất nước sau này, đúng như đồng chí Đào Duy Tùng, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Bộ Chính trị-Ban Bí thư đã khẳng định: “Đại hội Đảng lần thứ VI là bước ngoặt trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đại hội quyết định đường lối đổi mới và đường lối đó đi vào cuộc sống nhanh, không những vì nó đúng mà nó còn được chuẩn bị trước đó không chỉ về mặt tư duy mà cả về mặt điều kiện vật chất” “Không có những việc thử nghiệm từ năm 1979 đến năm 1985, không có nhu cầu từ cuộc sống đầy khó khăn thì không thể có đổi mới”.

Tầm vóc của một vĩ nhân, một nhà lãnh đạo kiệt xuất không chỉ thể hiện ở những cống hiến lớn lao lúc còn sống mà cả ở những di sản để lại cho đời sau khi mất. Mai kia, nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, nền công nghiệp đó vẫn đi lên theo quy luật công nghiệp hoá mà đồng chí Lê Duẩn đã chỉ ra, nền công nghiệp đó vẫn được thừa hưởng trữ năng dồi dào của thuỷ điện sông Đà và dầu khí Vũng Tàu, những công trình thể hiện tầm nhìn chiến lược công nghiệp hoá của đồng chí Lê Duẩn. Đó chính là chân lý vượt thời gian của Tổng Bí thư Lê Duẩn./.

Tác giả bài viết: Vĩnh Định

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THÔNG TIN ĐIỀU HÀNH
  • Đang truy cập1
  • Máy chủ tìm kiếm0
  • Khách viếng thăm1
  • Hôm nay2044
  • Tháng hiện tại2044
  • Tổng lượt truy cập2.817.015