Chi tiết tin tức - Huyện Triệu Phong
Hiệu quả nuôi gà trên nền chuông đệm lót
Nuôi gà thịt theo hướng an toàn sinh học sử dụng nền chuồng đệm lót để quản lý tốt dịch bệnh, giảm chi phí chăn nuôi và đảm bảo vệ sinh môi trường được xem là một trong những giải pháp mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân. Hình thức nuôi này đã được nhiều hộ dân trên địa bàn xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị áp dụng và mang lại những thành công.
Trước đây gia đình chị Trần Thị Chanh thôn An Lộng, xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong nuôi gà bằng phương pháp truyền thống, số lượng đàn gà không lớn nhưng cũng gặp không ít khó khăn do không có kinh nghiệm chăm sóc nên gà hay bị bệnh về đường hô hấp và đường ruột, tỷ lệ hao hụt cao, gà tăng trọng thấp, nhất là mùi hôi thối từ chất thải gây ảnh hưởng đến cuốc sống của người dân xung quanh, có lúc bà tạm dừng nuôi gà vì dịch bệnh làm gà chết nhiều gây thiệt hại đến kinh tế gia đình. Từ khi được tham gia các lớp tập huấn, đào tạo về chăn nuôi gà an toàn sinh học áp dụng đệm lót do Trạm Khuyến nông huyện, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức, giờ đây chị Chanh đã nắm rõ kỹ thuật về nuôi gà áp dụng đệm lót sinh học. Chị Chanh cho biết nhờ được tham gia các lớp tập huấn, được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn theo hình thức bắt tay chỉ việc mà giờ đây chị khá thành thạo trong các kỹ thuật thiết kế xây dựng, cải tạo chuồng trại, chế tạo đệm lót, cách chăm sóc nuôi dưỡng, phòng trị bệnh cho gà. Ngoài ra chị còn biết cách tận dụng các nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp để tạo nguồn thức ăn cho đàn gà.
Được biết đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà là đệm lót trên nền chuồng được tạo ra bằng cách sử dụng các loại nguyên liệu giàu xơ như trấu, mùn cưa, vỏ bào… kết hợp vi sinh vật có ích (có thể sử dụng trực tiếp hoặc chế thành dịch men). Hệ men này hoạt động trong môi trường đệm lót sẽ phân giải phân, do đàn gà thải ra, hạn chế sinh khí hôi, thối; Ức chế và tiêu diệt sự phát triển của hệ vi sinh vật có hại, khống chế sự lên men sinh khí hôi thối; Giữ ấm cho gà do đệm lót luôn luôn ấm bởi nhiệt từ hoạt động của hệ men vi sinh vật.
Từ khi chị Trần Thị Chanh áp dụng phương pháp nuôi mới cho đàn gà thì vấn đề ô nhiễm môi trường được cải thiện đáng kể, gà ít bị bệnh, phát triển tăng trưởng nhanh. Hiện tại chị Chanh đang xây dựng chuồng nuôi áp dụng đệm lót với diện tích 400 m2, chị nuôi với quy mô 300 con/lứa và nuôi theo hình thức gối đàn, giống gà chủ yếu là giống gà ta. Kết quả mỗi lứa nuôi, sau 3 tháng nuôi tỷ lệ nuôi sống luôn đạt trên 95%, trọng lượng gà bình quân 1,3 đến 1,6 kg/con. Tùy theo nhu cầu thị trường mà giá bán có sự thay đổi, trung bình từ 65.000 - 75.000 đồng/kg. Mỗi lứa gà sau khi xuất chuồng chị thu về hơn 10 triệu tiền lãi. Nhờ đó đời sống của gia đình cũng được nâng lên, con cái được ăn học đầy đủ.
Chị Chanh cho biết thêm “Chăn nuôi gà nhiều năm nhưng chưa bao giờ tôi thấy việc chăn nuôi lại dễ dàng và hiệu quả như lúc này. Áp dụng đệm lót không những giúp chuồng khô ráo, hạn chế được mùi hôi, khí độc, giúp gà khỏe, ít mắc bệnh mà cũng đỡ công chăm sóc. Tôi tận dụng đệm lót sau khi thay sử dụng làm phân bón cho vườn rau màu của gia đình”.
Khi áp dụng chăn nuôi gà theo hình thức đệm lót thì tùy điều kiện chăn nuôi, quy mô và hình thức nuôi để xây dựng chuồng trại phù hợp. Nếu tận dụng chuồng cũ, có thể sử dụng nền xi măng hoặc nền gạch; còn nếu xây mới nên làm bằng đất sẽ tiết kiệm hơn. Nguyên liệu làm chất độn chúng ta có thể sử dụng các nguyên liệu có độ xơ cao, có độ trơ cứng, không dễ bị mềm nhũn và có lượng chất dinh dưỡng nhất định, không độc, không gây kích thích. Tốt nhất là mùn cưa, vỏ bào (trừ mùn cưa, vỏ bào gỗ Lim vì chúng có độc tố sẽ ảnh hưởng đến vật nuôi và hoạt động của hệ vi sinh vật trong đệm lót), vỏ lạc, lõi ngô, trấu, thân cây ngô nghiền, vỏ hạt bông, thân cây bông nghiền nhỏ. Nguyên liệu làm dịch men: Gồm chế phẩm BALASA N01 và bột ngô hoặc bột sắn, cám...
Trao đổi với chúng tôi Kỹ sư Hoàng Thị Hương - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị cho biết “Kỹ thuật làm đệm lót đối với chuồng có diện tích từ 35 - 50 m2 theo các bước: Rải trấu hoặc mùn cưa lên toàn bộ nền chuồng dầy 10cm đối với gà thịt hoặc trên 15cm đối với gà đẻ, sau đó thả gà vào nuôi; Sau 7 - 10 ngày đối với gà nuôi úm hoặc sau 2 - 3 ngày đối với gà lớn, quan sát thấy phân rải khắp trên bề mặt chuồng thì tiến hành rắc men; Cách rắc men: Đem 1 kg chế phẩm BALASA-N01 trộn đều với 3 kg bột ngô hoặc cám gạo, cho thêm khoảng 1,2 lít nước sạch, xoa cho ẩm đều (bột phải ẩm nhưng vẫn tơi rời mới đạt yêu cầu), sau đó cho vào túi hoặc thùng đậy kín và để chỗ ẩm ủ khoảng 2 ngày, khi nào có mùi thơm hơi chua thì đem rắc đều lên toàn bộ bề mặt đệm lót”.
Mô hình chăn nuôi gà trên nền chuồng đệm lót sinh học của chị Trần Thị Chanh thôn An Lộng xã Triệu Hòa là mô hình phù hợp với phát triển chăn nuôi theo hướng nông nghiệp sạch, phát triển bền vững, nhất là đối với các nơi tập trung dân cư đông đúc. Việc ứng dụng công nghệ đệm lót sinh học bằng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi gà an toàn sinh học và đảm bảo vệ sinh môi trường góp phần đáng kể hạn chế ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn dịch bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm. Hơn nữa, đây là mô hình dễ ứng dụng, vốn đầu tư không cao, thực hiện trong thời gian ngắn nhưng hiệu quả kinh tế mang lại khá cao cho người chăn nuôi. Mô hình này rất phù hợp với chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ trong khu dân cư, tận dụng lao động nhàn rỗi, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho hộ gia đình.
Ý kiến bạn đọc
-
San tôm mô hình nuôi tôm thâm canh hai giai đoạn
(01/11/2022) -
Mở hướng làm giàu từ mô hình nuôi gà theo công nghệ khép kín
(01/11/2022) -
Triệu Phong: Liên hoan Tiếng hát mãi xanh lần thứ 2
(01/11/2022) -
Hành trình về các địa chỉ đỏ và trao học bổng cho các em học sinh
(01/11/2022) -
Trao quà khuyến học cho học sinh khuyết tật, mồ côi
(01/11/2022) -
Trao 184 suất học bổng SEEDS cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó
(01/11/2022) -
Hiệu quả từ mô hình Liên kết sản xuất lúa hữu cơ
(01/11/2022) -
Khánh thành đường giao thông nông thôn và ánh sáng đường quê thôn Trấm
(01/11/2022) -
Dự ánTầm nhìn thế giới Triệu Phong tổ chức chương trình trải nghiệm mô hình sản xuất nông sản theo phương pháp canh tác tự nhiên
(01/11/2022) -
Hội thi vui cùng nhà nông
(01/11/2022)