Chi tiết tin tức - Huyện Triệu Phong

 

Triệu Phong chú trọng công tác giải quyết việc làm

14:22, Thứ Năm, 14-12-2023 409 0

Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động là 1 trong 5 lĩnh vực đột phá được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Triệu Phong lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định. Trên cơ sở đó, thời gian qua huyện Triệu Phong đã tập trung triển khai nhiều nội dung giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.

Cách đây 3 năm, anh Trần Hữu Vũ (sinh năm 1991) ở thôn Linh An, xã Triệu Trạch, tham gia khóa đào tạo nghề chăn nuôi bò nhốt chuồng do một doanh nghiệp tổ chức dạy. Kết thúc lớp học nghề, anh Vũ đầu tư chuồng trại kiên cố theo đúng quy trình và nuôi lứa bò nhốt 3B đầu tiên gồm 6 con. Sau 10 tháng chăm sóc, anh Vũ xuất bán đàn bò ra tỉnh Hà Tĩnh và tiếp tục nuôi lứa bò thứ 2 gồm 10 con giống 3B. Nhờ có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm nên anh không phải lo lắng đầu ra cho đàn bò của mình. Anh Vũ cho biết sau khi trừ chi phí, tính trung bình mỗi tháng anh thu về 10 triệu đồng từ nghề nuôi bò nhốt chuồng, góp phần trang trải cuộc sống gia đình ổn định hơn.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Triệu Trạch Lê Anh Tuấn, từ năm 2018 đến nay, xã đã phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn huyện và tỉnh tổ chức 4 lớp dạy nghề kỹ thuật chăn nuôi, trồng ổi, sửa máy nông nghiệp và kỹ thuật xây dựng, mỗi lớp có khoảng 25 đến 30 người lao động tham gia. Sau học nghề, người lao động đã áp dụng kiến thức được học để phục vụ cho công việc sản xuất, kinh doanh của hộ gia đình.

Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) huyện Triệu Phong Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết, dân số của huyện hơn 90 nghìn người, trong đó số người trong độ tuổi lao động hơn 51 nghìn người, chiếm trên 56%. Với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy đảng, sự điều hành linh hoạt của chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nội dung đào tạo nghề và giải quyết việc làm thời gian qua đã đạt kết quả tích cực.

Nhờ vậy người lao động trên địa bàn từng bước có thu nhập ổn định, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống, thực hiện thắng lợi mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

 

 

Hai nội dung chính trong chương trình giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn huyện là tổ chức đào tạo nghề và sàn giao dịch giới thiệu việc làm.

Thông qua việc phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện, Phòng Nông nghiệp và PTNT cùng các cơ sở dạy nghề, doanh nghiệp, 3 năm qua huyện đã đào tạo 63 lớp nghề với 1.788 học viên tham gia.

Đào tạo nghề được chú trọng gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, qua đó giúp người dân thay đổi nhận thức về nghề nghiệp, tham gia học nghề để nắm vững khoa học kỹ thuật, từng bước thay đổi thói quen canh tác nhằm tăng năng suất, chất lượng hàng hóa và dịch vụ, nâng cao thu nhập. Cùng với đó, huyện đặc biệt chú trọng công tác cho vay vốn giải quyết việc làm nhằm tạo điều kiện cho người dân sau học nghề có cơ hội áp dụng kiến thức vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập.

Việc vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo được thực hiện về cơ sở. Có hàng nghìn lao động được vay vốn giải quyết việc làm, triển khai nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, không chỉ giải quyết việc làm cho bản thân mà còn cho nhiều lao động tại địa phương.

Theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo, tính riêng năm 2022, UBND huyện đã tổ chức sàn giao dịch việc làm có sự tham gia của 20 đơn vị tuyển sinh, tuyển dụng lao động với 3.000 chỉ tiêu việc làm, 1.000 chỉ tiêu đào tạo nghề.

Sàn giao dịch đã thu hút hơn 500 lao động trên địa bàn huyện đến tham gia các hoạt động tư vấn; trên 50 lao động trực tiếp ký kết hợp đồng lao động trong nước, 10 lao động đăng ký đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Tại Hội nghị đối thoại giữa chủ tịch UBND huyện với 120 thanh niên địa phương, các thanh niên được giải đáp những vấn đề đang băn khoăn, trăn trở như: chính sách thu hút nhân tài, giải quyết việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp, các chính sách hỗ trợ học nghề, liên kết dạy nghề của địa phương...

Mới đây, huyện Triệu Phong tổ chức Hội nghị phổ biến chính sách hỗ trợ tạo việc làm và thông tin thị trường lao động cho thanh niên xuất ngũ. Hơn 90 bộ đội xuất ngũ, thanh niên chưa có việc làm tham gia hội nghị này.

Hằng năm, địa phương cũng đã phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự huyện tổ chức tuyên truyền phổ biến thông tin về thị trường lao động trong và ngoài nước tại lễ đón quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, tư vấn, đối thoại chính sách giảm nghèo, thu hút hàng trăm lượt cán bộ cơ sở và người dân tham gia.

Nhờ thực hiện các giải pháp đồng bộ, trong 3 năm qua, huyện Triệu Phong đã giải quyết việc làm cho 9.141 người, trong đó xuất khẩu lao động 1.074 người, vượt chỉ tiêu đề ra.

Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong Nguyễn Thành Vũ cho biết, công tác giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động trong thời gian qua đã góp phần tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, giảm nghèo bền vững, tỉ lệ hộ nghèo cuối năm 2022 giảm xuống còn 4,05%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.

 

Để thực hiện tốt hơn nữa nội dung này, theo ông Nguyễn Thành Vũ, các đơn vị chuyên môn, liên quan của huyện cần tiếp tục xây dựng phương án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả.

Phấn đấu để mọi người dân đến tuổi lao động đều được đào tạo nghề và đáp ứng yêu cầu công việc. Gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH của huyện.

Lê Cảnh Thu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THÔNG TIN ĐIỀU HÀNH
  • Đang truy cập8
  • Máy chủ tìm kiếm0
  • Khách viếng thăm8
  • Hôm nay525
  • Tháng hiện tại525
  • Tổng lượt truy cập2.747.529