Chi tiết tin tức - Huyện Triệu Phong

 

Khai thác tiềm năng, lợi thế các xã ven biển huyện Triệu Phong

8:33, Thứ Sáu, 1-4-2022 254 0

Ngày 21/7/2017, HĐND huyện Triệu Phong ban hành Nghị quyết số 08/NQ-HĐND về khai thác tiềm năng, lợi thế vùng ven biển huyện Triệu Phong, giai đoạn 2017-2020 (Nghị quyết 08). Sau 3 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết 08 đã thực sự đi vào cuộc sống, góp phần tạo nên sự khởi sắc trên địa bàn các xã vùng biển của huyện Triệu Phong.

Ngư dân các xã vùng biển cải hoán tàu thuyền nâng cao hiệu quả đánh bắt

Huyện Triệu Phong có 3 xã vùng biển gồm Triệu An, Triệu Lăng và Triệu Vân. Để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 08, Đảng ủy xã Triệu An đã ban hành chương trình hành động về khai thác tiềm năng, lợi thế vùng ven biển giai đoạn 2017-2020. Trên cơ sở đó, UBND xã đã xây dựng kế hoạch phối hợp tổ chức tuyên truyền, vận động, triển khai thực hiện nghị quyết đến tận cán bộ, Nhân dân trên địa bàn xã.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Triệu An Nguyễn Văn Phương cho biết: “Hiệu quả rõ nét nhất của việc thực hiện Nghị quyết 08 tại địa phương đó là góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân, thay vì sản xuất theo hướng tự phát, những năm gần đây người dân đã biết lựa chọn nghề nghiệp phù hợp để phát triển, đồng thời thành lập các tổ, đội, nhóm sản xuất có quy mô hơn để nâng cao thu nhập. Trong khai thác thủy sản cũng có nhiều chuyển biến đáng kể, bà con ngư dân đã chú trọng đến việc cải hoán, nâng cấp tàu thuyền nhằm nâng cao sản lượng đánh bắt”.
Nhờ vậy, thu nhập bình quân của người dân đã tăng từ 32,12 triệu đồng/người/năm (năm 2017) lên 43,4 triệu đồng/người/năm (năm 2020). Xã Triệu An đã huy động các nguồn vốn hỗ trợ để tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ xây dựng các mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn. Diện tích nuôi trồng thủy sản ổn định hơn, tập trung phát triển các đối tượng nuôi chủ lực, nuôi tôm 2 giai đoạn; việc phát triển các mô hình nuôi cá lồng, bè trên sông bước đầu đạt hiệu quả kinh tế khá cao. Đặc biệt, các ngành nghề, dịch vụ hậu cần nghề cá được quan tâm phát triển, sản lượng chế biến hải sản bình quân hằng năm đạt 1.300 tấn, giá trị thu được 15,5 tỉ đồng.
Tại xã vùng biển Triệu Lăng cũng ghi nhận nhiều khởi sắc trong 3 năm qua, đời sống người dân có cải thiện rõ nét với thu nhập bình quân đạt 51,3 triệu đồng/người/năm, tăng 20,8 triệu đồng/ người/năm so với năm 2017, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 4,2 %.
Chủ tịch UBND xã Triệu Lăng Đặng Quang Hải cho biết: “Nghị quyết 08 góp phần giúp địa phương thúc đẩy phát triển nghề khai thác, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Người dân đã chủ động cải hoán tàu thuyền, sắm thêm ngư lưới cụ để nâng cao hiệu quả khai thác. Cùng với đó, thương mại - dịch vụ, các mô hình kinh tế gia trại cũng có điều kiện để phát triển, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương”.
 

Description: nhu 15

Mô hình sản xuất ruốc tại xã Triệu An

Từ năm 2018-2020, Nhà nước đã hỗ trợ địa phương trên 3,3 tỉ đồng, trong đó kinh phí hỗ trợ xây dựng cơ bản 2,8 tỉ đồng; kinh phí hỗ trợ sản xuất 0,5 tỉ đồng. Triển khai thực hiện Nghị quyết 08, chính quyền địa phương đã thực hiện lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ các mô hình phát triển kinh tế. Phối hợp quy hoạch cụm làng nghề mắm ruốc Gia Đẳng, triển khai xây dựng mô hình chế biến nước mắm bằng phương pháp phơi kín. Phối hợp tổ chức đấu giá 20 lô quầy tại khu vực bãi tắm, hiện có 16/20 lô quầy được xây dựng hoàn chỉnh và đi vào kinh doanh dịch vụ, bước đầu hoạt động khá hiệu quả.
Tại xã Triệu Vân, thu nhập bình quân năm 2020 đạt 42 triệu đồng/người/năm, tăng 17 triệu đồng/ người/năm so với năm 2017. Nhiều mô hình kinh tế tổng hợp được hỗ trợ phát triển; các hình thức liên doanh, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm được quan tâm nhằm nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho người dân. Đặc biệt, từ năm 2017-2020, địa phương đã tiếp cận và lồng ghép được khá nhiều chương trình, dự án của các cấp và sự đóng góp của Nhân dân để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn như đường ra bến cá với kinh phí 2,4 tỉ đồng; đường giao thông nông thôn với kinh phí gần 5,5 tỉ đồng.
Triển khai thực hiện Nghị quyết 08, huyện Triệu Phong đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ các xã vùng biển phát triển. Thực hiện chính sách hỗ trợ nhu cầu chuyển đổi sản xuất, nghề nghiệp, từ năm 2017-2020, các xã vùng biển Triệu An, Triệu Vân, Triệu Lăng được phân bổ 3,6 tỉ đồng. Hằng năm, huyện cũng bố trí mỗi xã 300 triệu đồng để thực hiện tiểu dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn. Đối với chính sách hỗ trợ phát triển một số mô hình sản xuất, cây trồng, con nuôi, huyện đã hỗ trợ các xã vùng biển 7 mô hình với tổng kinh phí 340 triệu đồng. Các mô hình đã được công nhận đạt tiêu chí trang trại, hoạt động có hiệu quả, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Cơ sở hạ tầng giao thông ở các xã vùng biển từng bước được quan tâm đầu tư xây dựng; nhiều công trình giao thông được ưu tiên đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng cả về quy mô và chất lượng, đáp ứng nhu cầu sản xuất và đi lại của người dân.
Từ sau khi thực hiện Nghị quyết 08, ngành thương mại - dịch vụ ở các xã vùng biển trên địa bàn huyện Triệu Phong cũng ghi nhận nhiều đổi thay với 406 cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ (tăng 38 cơ sở so với năm 2017), thu hút 1.780 lao động. Các cơ sở kinh doanh ổn định, hàng hóa phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân. Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu sản phẩm được chú trọng, tạo điều kiện cho nhiều sản phẩm đặc sản của các xã vùng biển có nhãn hiệu, thuận lợi hơn trong tiêu thụ sản phẩm. Để tạo thêm cơ hội việc làm cho lao động tại các xã vùng biển, công tác đào tạo nghề được huyện quan tâm thực hiện. Từ năm 2017- 2020, địa phương đã tổ chức được 8 lớp đào tạo nghề với 240 học viên tham gia. Các nghề được đào tạo gắn liền với điều kiện cuộc sống, tập quán sản xuất, nhu cầu lao động của địa phương nên đem lại hiệu quả khá cao.
Nghị quyết 08 được triển khai thể hiện sự quan tâm của huyện Triệu Phong đối với các xã vùng biển, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn. Đồng thời, qua thực hiện nghị quyết đã tăng cường vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền và hệ thống chính trị của các xã trong việc khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế- xã hội. Từng bước thay đổi tập quán sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao đời sống cho người dân vùng biển.

Tác giả bài viết: Thanh Lê – Cảnh Thu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THÔNG TIN ĐIỀU HÀNH
  • Đang truy cập11
  • Máy chủ tìm kiếm0
  • Khách viếng thăm11
  • Hôm nay1341
  • Tháng hiện tại1341
  • Tổng lượt truy cập2.756.450