Chi tiết tin tức - Huyện Triệu Phong

 

Tổng Bí thư Lê Duẩn luôn nặng lòng với quê hương

15:24, Thứ Hai, 19-9-2022 259 0

Tổng Bí thư Lê Duẩn sinh ngày 7/4/1907, trong một gia đình nghèo tại xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong. Sau khi thoát ly gia đình đi theo cách mạng, năm 1928 đồng chí gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Năm 1930, đồng chí Lê Duẩn trở thành một trong những đảng viên lớp đầu tiên do đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập.

Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn tại xã Triệu Thành, Triệu Phong - Ảnh: NV

PGS,TS Trần Thị Minh Tuyết khẳng định: “Trong lịch sử hơn 90 năm phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Lê Duẩn thuộc lớp người “khai quốc công thần”. Với gần 60 năm hoạt động cách mạng, trong đó có 26 năm giữ vị trí người đứng đầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí đã để lại những dấu ấn đậm nét trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Đặc biệt, đồng chí được mệnh danh là “Tổng công trình sư” của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và bản Đề cương cách mạng miền Nam do đồng chí soạn thảo chính là phác thảo ban đầu. Với những quan điểm mang tính đột phá, bản Đề cương góp phần tìm ra lối thoát cho cách mạng Việt Nam và tỏ ra tầm nhìn vượt trội, tư duy sáng tạo, tinh thần cách mạng tiến công, cũng như sự gắn bó máu thịt với Nhân dân của một nhà cách mạng kiệt xuất. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng bản Đề cương cách mạng miền Nam do đồng chí khởi thảo mãi mãi là dấu ấn không thể phai mờ về một thời lửa đạn, là minh chứng hùng hồn cho lòng yêu nước, thương dân và tầm cao trí tuệ của một người cộng sản chân chính”.
 
Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng chia sẻ: “Đồng chí Lê Duẩn- Người chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng. Cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi gần 60 năm của đồng chí gắn liền với quá trình cách mạng nước ta từ những năm 20 đến những năm 80 của thế kỷ XX. Cống hiến lý luận của đồng chí Lê Duẩn vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc được thể hiện trong những tư tưởng chiến lược chủ yếu, đó là tư tưởng dám đánh và quyết thắng đế quốc Mỹ xâm lược; tư tưởng chiến lược tiến công và nghệ thuật đánh thắng từng bước, đánh bại từng âm mưu, đánh đổ từng bộ phận tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Trong lãnh đạo, chỉ đạo sự nghiệp cách mạng nhằm đưa nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội (CNXH), bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa - một sự nghiệp vĩ đại nhất chưa từng có trong lịch sử dân tộc, đồng chí Lê Duẩn đã có những suy nghĩ, trăn trở tìm tòi con đường đi lên CNXH phù hợp với điều kiện của Việt Nam, với lịch sử- văn hóa, kinh tế- xã hội và con người Việt Nam, đó là tư tưởng giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, coi đó là luận điểm cơ bản nhất trong đường lối chiến lược của Đảng ta. Tư tưởng về phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động, tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng: Cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học- kỹ thuật và cách mạng tư tưởng- văn hóa, trong đó cách mạng khoa học- kỹ thuật là then chốt, nhằm xây dựng chế độ mới, nền kinh tế mới, nền văn hóa mới và con người mới XHCN.
 
Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, cùng với Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí Lê Duẩn đã lãnh đạo Đảng ta khởi động quá trình đổi mới tư duy kinh tế, bắt đầu từ Hội nghị Trung ương 6, khóa IV và được phát triển một bước trong những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX với những chủ trương của Đảng về đổi mới cơ chế phân phối lưu thông mà trước hết là chính sách giá- lương- tiền. Với tinh thần độc lập tự chủ, ý chí tiến công, tình cảm cách mạng sâu sắc và mong muốn cháy bỏng sớm “đưa nước ta hùng mạnh ngang tầm với các nước giàu có trên thế giới”, đồng chí Lê Duẩn rất tâm huyết trong việc tìm tòi con đường đi riêng của Việt Nam để quá độ lên CNXH…”.
 
Khi nói về những tình cảm của Tổng Bí thư Lê Duẩn dành cho quê hương Quảng Trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh GS.TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định: “Quảng Trị- vùng đất có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa, yêu nước, cách mạng. Truyền thống lâu đời của quê hương đã hun đúc nên tài năng và phẩm chất cao quý của đồng chí Lê Duẩn và chính đồng chí đã làm rạng danh truyền thống quê hương. Quê hương Quảng Trị sâu nặng nghĩa tình luôn là nỗi nhớ nhung đau đáu trong lòng của đồng chí Lê Duẩn. Trong sự nghiệp hoạt động cách mạng của mình, dù ở đâu, cương vị nào, đồng chí cũng luôn dành cho quê hương Quảng Trị sự quan tâm đặc biệt, tình cảm tốt đẹp và nồng hậu nhất…”.
 
Ông Lê Văn Hoan, Bí thư Huyện ủy Triệu Hải giai đoạn 1977- 1983 nhớ lại: “Ngay sau khi đất nước hòa bình, ngày 23/3/1976 đồng chí Lê Duẩn trở về thăm quê hương. Lúc này, quê hương gặp vô vàn khó khăn nên cuộc sống của người dân vô cùng thiếu thốn, vất vả. Giấu xúc động, nghẹn ngào vào trong, đồng chí Lê Duẩn đến từng nhà, bắt tay từng người để thăm hỏi, động viên, căn dặn, hướng dẫn cách làm ăn xây dựng lại quê hương, nước nhà.
 
Không chỉ quan tâm dặn dò người dân khai hoang phục hóa sản xuất, đồng chí Lê Duẩn còn dành thời gian đến thăm những người bạn thời thơ ấu, những chiến sĩ một thời chiến đấu với kẻ thù và những gia đình là ân nhân nuôi giấu, giúp đỡ đồng chí trong những năm hoạt động cách mạng. Đồng chí quan tâm đến thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, những người có công với nước. Thấy các cháu nhỏ đang ăn chưa no, mặc chưa ấm gầy gò xanh xao, đồng chí căn dặn các bậc làm cha làm mẹ cố gắng chăm sóc và dành tình cảm tốt nhất cho các cháu, vì đó là tương lai của quê hương, đất nước.
 
Không chỉ dành thời gian đến thăm nơi chôn rau cắt rốn, trong mỗi lần về thăm quê, đồng chí Lê Duẩn dành nhiều thời gian về các xã vùng biển, đến các huyện miền núi của tỉnh để dặn dò, động viên cấp ủy, chính quyền và Nhân dân nỗ lực vượt qua gian khó xây dựng cuộc sống ấm no”.
 
Bí thư Đảng ủy xã Triệu Thành Lê Cảnh Tường chia sẻ: “Để hiện thực hóa lời căn dặn của Tổng Bí thư Lê Duẩn, thời gian qua, xã Triệu Thành và xã Triệu Đông (nay là xã Triệu Thành) bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và căn cứ tình hình thực tiễn của cuộc sống để xây dựng chỉ thị, nghị quyết với mong muốn đem đến cuộc sống tốt nhất cho Nhân dân. Nhờ đó, đời sống của người dân không ngừng được nâng lên. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 52,44 triệu đồng, cao hơn bình quân chung của huyện. Năm 2021, cấp ủy, chính quyền xã Triệu Thành quyết tâm nâng mức thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 57- 58 triệu đồng. Tiếp tục nâng cao chất lượng 19 tiêu chí nông thôn mới mà xã Triệu Thành và xã Triệu Đông (cũ) đã đạt được trong nhiều năm qua để xây dựng xã Triệu Thành ấm no, hạnh phúc như lời căn dặn của Tổng Bí thư Lê Duẩn.

Tác giả bài viết: Nguyễn Vinh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THÔNG TIN ĐIỀU HÀNH
  • Đang truy cập7
  • Máy chủ tìm kiếm0
  • Khách viếng thăm7
  • Hôm nay845
  • Tháng hiện tại845
  • Tổng lượt truy cập2.842.261