Chi tiết tin tức - Huyện Triệu Phong

 

Một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Chuyên đề năm 2023: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững quê hương, đất nước”

11:8, Thứ Hai, 6-3-2023 687 0

Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2030, với mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.Với Động lực tinh thần và sự quyết tâm: Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hoá, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại. Cách thức, phương tiện chủ yếu: Huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Để khát vọng đó trở thành hiện thực, Đại hội XIII khẳng định vai trò, ý nghĩa đặc biệt của việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, xác định 1 trong 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng vĩ đại, nhà lý luận thiên tài của cách mạng Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa Thế giới. Di sản tư tưởng của Người là một kho báu văn hóa của dân tộc, hàm chứa nhiều lĩnh vực rộng lớn và phong phú, đặc sắc và sáng tạo, rất trí tuệ và đậm chất nhân văn. Trong đó, tư tưởng về văn hóa, con người chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ ý nghĩa lớn lao và vị trí đặc biệt quan trọng của văn hóa: Đó là sự hiểu biết và trí tuệ của con người và do con người tích lũy được, cùng tâm hồn cao thượng, đạo lý tốt đẹp trong mối quan hệ của con người với đồng loại, với xã hội và tự nhiên, được xây dựng, bồi đắp nên trong suốt chiều dài lịch sử; nó làm nên một nền tảng tinh thần của một xã hội, giữ một vai trò cực kỳ quan trọng, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Điểm đặc sắc và độc đáo trong quan niệm về văn hóa, Bác đã nhấn mạnh đến một vấn đề cực kỳ quan trọng: Phương thức sử dụng các kết quả của sự sáng tạo, đổi mới, phát triển. Đây chính là thước đo trình độ văn hóa của con người. Nếu phương thức sử dụng đúng, nó sẽ nhân đạo hóa đời sống xã hội. Như hai câu thơ Bác Hồ viết trong Di chúc thiêng liêng để lại cho toàn Đảng, toàn dân: “Còn non, còn nước, còn người. Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”...

Trong phát triển, nâng tầm văn hóa Việt Nam, Bác đã đưa ra 5 định hướng lớn để xây dựng nền văn hóa dân tộc:

1. Xây dựng tâm lý: Tinh thần độc lập tự cường.

2. Xây dựng luân lý: Biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng

3. Xây dựng xã hội: Mọi sự nghiệp có liên quan đến phúc lợi của nhân dân trong xã hội.

4. Xây dựng chính trị: Dân quyền.

5. Xây dựng kinh tế”.

Năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị đã chọn chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để triển khai trong toàn tỉnh với chủ đề: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững quê hương, đất nước”. Để tạo sự đồng bộ trong tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Chuyên đề năm 2023, sau đây là 5 yêu cầu về nhiệm vụ, giải pháp trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động của tập thể và bản cam kết tu dưỡng, rèn luyện của cá nhân năm 2023 như sau:

Thứ nhất: Khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người dân Việt Nam, trong đó cán bộ, đảng viên phải tiên phong gương mẫu đi đầu. Tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Trước mắt là nhiệm vụ để huyện hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới.

Thứ hai: Mỗi cán bộ, đảng viên phải chú trọng xây dựng cho mình nhân cách văn hóa. Nhân cách văn hóa của mỗi cán bộ, đảng viên không chỉ được thể hiện ở sự phấn đấu tận tâm, tận lực của họ vì lợi ích của Nhân dân, ở tinh thần gương mẫu đi đầu của họ mà còn thể hiện ở thái độ và hành động của họ trong việc đấu tranh chống các căn bệnh nảy sinh làm tổn hại đến lợi ích của Đảng, của Nhân dân.

Thứ ba: Cán bộ, đảng viên cần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh trong cơ quan, đơn vị, địa phương, gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa, phản văn hóa; bảo vệ những giá trị chân - thiện - mỹ. Xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo.

Thứ tư: Tích cự, tự giác tăng cường rèn luyện và tu dưỡng đạo đức cách mạng. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần, tự soi, tự sửa chữa, gắn chặt với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong thực hiện tốt các quy định liên quan đến văn hóa công vụ, đạo đức, lối sống. Mỗi cán bộ, đảng viên ra sức rèn luyện đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.

Thứ năm: Coi trọng văn hóa nêu gương, văn hóa trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân. Cán bộ, đảng viên luôn lắng nghe, đối thoại trực tiếp và xử lý những phản ánh, kiến nghị của Nhân dân; kiên quyết chống các biểu hiện thờ ơ, vô cảm, quan liêu, mệnh lệnh, hách dịch, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho Nhân dân, nhất là ở cơ sở.

Trần Bình Tuấn - UVTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THÔNG TIN ĐIỀU HÀNH
  • Đang truy cập7
  • Máy chủ tìm kiếm0
  • Khách viếng thăm7
  • Hôm nay585
  • Tháng hiện tại585
  • Tổng lượt truy cập2.757.803