Chi tiết tin tức - Huyện Triệu Phong

 

Khởi nghiệp từ bột ngũ cốc dinh dưỡng cao cấp

8:24, Thứ Năm, 22-9-2022 230 0

Nhận thấy nhu cầu sử dụng bột ngũ cốc dinh dưỡng cao cấp làm từ các loại đậu, hạt đang được người tiêu dùng ưa chuộng, chị Lê Thị Phượng ở thôn Đồng Văn, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong đã tận dụng một số nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương để chế biến dòng sản phẩm “Bột ngũ cốc dinh dưỡng cao cấp Thiện Bảo” được khách hàng tin dùng.

Chị Lê Thị Phượng với sản phẩm bột ngũ cốc dinh dưỡng được người tiêu dùng ưa chuộng

 Xuất phát từ nhu cầu bản thân và gia đình muốn sử dụng một sản phẩm sạch, an toàn, giàu dinh dưỡng, chị Phượng bắt đầu tìm tòi và tận dụng một số loại hạt sẵn có tại địa phương đem rang xay, chế biến và sử dụng nhằm cải thiện sức khỏe. Nhận thấy hiệu quả sau một thời gian sử dụng, chị bắt đầu giới thiệu cho người thân và bạn bè dùng thử. Cứ thế, tiếng lành đồn xa, ngày càng có nhiều người đặt chị làm ngũ cốc, từ đó chị quyết định kinh doanh mặt hàng này.     Cuối năm 2018, chị được Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện vay vốn 50 triệu đồng với lãi suất thấp để giúp phụ nữ khởi nghiệp, từ đó chị đầu tư máy sấy, máy xay, máy cán,… để sản xuất bột ngũ cốc với số lượng lớn phục vụ những người có nhu cầu. Đồng thời, chị thu gom nguồn hạt từ nông dân trong xã nên phần nào giải quyết được một phần nông sản cho người dân.
    Theo chị Phượng, kinh nghiệm để sản xuất bột ngũ cốc ngon, chất lượng trước hết phải chọn nguồn nguyên liệu đảm bảo, loại bỏ các hạt sâu, lép, hạt kém chất lượng. Nguyên liệu làm bột ngũ cốc gồm khoảng 20 loại như hạt của các loại cây họ đậu, hạt sen, hạt diêm mạch, mè đen, hạt kê, bột sắn dây,… Ngoài ra, có một số loại hạt cao cấp được nhập khẩu như hạt óc chó, hạt mắc ca, yến mạch, hạnh nhân. Khởi nghiệp từ bột ngũ cốc dinh dưỡng cao cấp được nhập khẩu như hạt óc chó, hạt mắc ca, yến mạch, hạnh nhân. Chị Phượng cho biết khâu quan trọng trong sản xuất bột ngũ cốc là phải cân đối được độ ngọt, độ chát của từng loại hạt, đảm bảo cho bột vừa có độ ngọt thanh, vừa đủ thành phần dinh dưỡng như vitamin, khoáng chất, chất xơ. Khi rang đảm bảo cho các loại hạt chín vừa đủ. Sau khi xay bột phải mịn, hòa tan được trong nước. Có như vậy bột ngũ cốc mới đảm bảo được độ béo, độ bùi và ngon.
Hiện nay, sản phẩm bột ngũ cốc của chị Phượng được sử dụng cho tất cả các đối tượng như trẻ em, phụ nữ mang thai, người già, người bị tiểu đường, tùy từng đối tượng sử dụng chị sẽ trộn theo công thức phù hợp. Với phương châm vì sức khỏe của khách hàng, chị luôn cố gắng tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu để cho ra đời những sản phẩm tốt nhất, luôn chú trọng chất lượng chứ không chạy theo số lượng. Không chỉ làm bột ngũ cốc dinh dưỡng, chị Phượng còn bắt tay sản xuất thêm trà gạo lứt thảo mộc, trà gạo lứt táo đỏ, chanh đào mật ong, bánh in. Hiện các sản phẩm của chị rất được khách hàng trong và ngoài tỉnh tin dùng, đặc biệt sản phẩm của chị bán rất chạy ở thị trường Thành phố Hồ Chí Minh do người dân ở đây rất thích các sản phẩm làm từ nông sản sạch. Đề án khởi nghiệp “Sản xuất bột ngũ cốc dinh dưỡng Thiện Bảo” của chị Lê Thị Phượng đã đoạt giải Khuyến khích trong cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp lần thứ nhất, năm 2019” tỉnh Quảng Trị.
Để tạo thêm niềm tin cho khách hàng, chị Phượng đã tự chụp lại những công đoạn làm bột đưa lên các trang mạng xã hội. Nhờ đó, trung bình mỗi tháng chị bán ra thị trường khoảng 100 kg bột ngũ cốc với giá 360 ngàn đồng/kg tùy từng loại và từng thời điểm. Sau khi trừ mọi chi phí, mỗi năm chị có nguồn thu nhập gần 150 triệu đồng. Mô hình khởi nghiệp từ bột ngũ cốc dinh dưỡng và các sản phẩm khác của chị Phượng không chỉ đem lại cho gia đình chị nguồn thu nhập ổn định mà còn góp phần giải quyết việc làm cho từ 3 – 5 lao động địa phương với mức thu nhập 3 – 5 triệu đồng/người/tháng.
    Nói về sản phẩm bột ngũ cốc dinh dưỡng của chị Phượng, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Triệu Sơn Lê Thị Thùy Nhi cho biết: “Mô hình sản xuất bột ngũ cốc của chị Phượng là một trong những mô hình khởi nghiệp tiêu biểu của Hội Phụ nữ xã được hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt và giải quyết được đầu ra cho nông sản của người dân địa phương, trong đó phần lớn là chị em phụ nữ. Đây là mô hình rất có tiềm năng phát triển và vươn xa trên thị trường. Trong thời gian tới, Hội Phụ nữ xã sẽ luôn quan tâm, đồng hành với hội viên, phụ nữ để phối hợp giúp đỡ, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho chị em trên con đường lập thân lập nghiệp, làm giàu chính đáng trên quê hương”.

Tác giả bài viết: THANH HẰNG

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THÔNG TIN ĐIỀU HÀNH
  • Đang truy cập5
  • Máy chủ tìm kiếm0
  • Khách viếng thăm5
  • Hôm nay1912
  • Tháng hiện tại1912
  • Tổng lượt truy cập2.759.130