Chi tiết tin tức - Huyện Triệu Phong
Sản xuất phân hữu cơ từ rơm rạ phục vụ sản xuất
Sau các vụ thu hoạch lúa, nông dân xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong đã tận dụng rơm rạ ủ thành phân hữu cơ sinh học bón cho cây trồng, đặc biệt là cây lúa. Cách làm này đã góp phần giảm giá thành đầu tư cho sản xuất, tạo sản phẩm an toàn khi thu hoạch, hạn chế việc người dân đốt rơm rạ gây nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Trước đây, sau mỗi vụ thu hoạch lúa, anh Lê Văn Biểu, ở thôn Dương Văn Lộc, xã Triệu Thuận vẫn có thói quen đốt rơm rạ ngay tại đồng ruộng. Theo quan niệm của người dân, việc đốt đồng giúp họ không tốn công và chi phí xử lý rơm rạ trên đồng ruộng, tiêu diệt mầm bệnh trong quá trình sản xuất và tận dụng tro để cải tạo đất… Tuy nhiên, thực tế việc đốt rơm rạ trực tiếp trên đồng ruộng đã gây ra những tác hại lớn hơn gấp nhiều lần so với những lợi ích mà nó mang lại. Đó là phá vỡ vi sinh vật có lợi, chất dinh dưỡng, làm đất đai ngày càng thoái hóa, mất cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng.
Hơn ba năm trở lại đây, nhờ tham gia các lớp tập huấn, anh Lê Văn Biểu đã biết tận dụng rơm rạ, kết hợp thêm lá chuối, cỏ, phân bò và chế phẩm sinh học Trichoderma để ủ phân hữu cơ. Với gần 1 ha ruộng, anh Biểu cho biết sau mỗi vụ mùa, từ số rơm rạ có được, anh làm ra khoảng 1- 2 tấn phân hữu cơ để phục vụ cho việc bón phân trồng lúa. “Ngoài rơm rạ, để làm phân hữu cơ thì có thể tận dụng phế thải chăn nuôi, thân, lá cây chuối, ngô, đậu, lạc, mía, rác thải hữu cơ sinh hoạt… Nhờ lượng phân bón hữu cơ ủ từ rơm rạ và lá chuối mà mỗi vụ mùa gia đình tôi đã giảm đáng kể việc bón phân hóa học, chủ yếu sử dụng phân hữu cơ bón cho cây lúa, vừa tiết kiệm chi phí, vừa đảm bảo sức khỏe. Hiện nay hầu hết người dân ở địa phương đều biết tận dụng rơm rạ làm phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất”, anh Biểu cho biết.
Với kiến thức học được từ lớp tập huấn lớp kỹ thuật ủ phân hữu cơ vi sinh bằng chế phẩm sinh học do Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức nên anh Biểu cũng như nhiều người dân ở xã Triệu Thuận đã thuần thục trong việc biến phụ phẩm nông nghiệp thành phân hữu cơ. Theo anh chia sẻ, kỹ thuật ủ phân hữu cơ vi sinh bằng chế phẩm Trichoderma qua 7 bước cơ bản, gồm thu gom, phân loại nguyên liệu ủ, chọn nơi ủ và chuẩn bị dụng cụ, trộn phế phẩm với nguyên liệu ủ, ủ nguyên liệu, che phủ đống ủ, kiểm tra và duy trì độ ẩm trong đống ủ, đảo trộn đống ủ, bảo quản và sử dụng đống ủ.
Ưu điểm của phân hữu cơ vi sinh là sau khi ủ sẽ tiêu diệt các nguồn bệnh tàn dư. Phân hữu cơ vi sinh có thể đem bón cho đất trước khi gieo trồng sẽ làm tăng lượng hữu cơ bổ sung cho đất, nâng cao độ phì nhiêu của đất, làm cho đất tơi, xốp, giảm bớt khoản chi mua phân hóa học. Mô hình ủ phân hữu cơ vi sinh xóa đi tập tục đốt rơm, rạ tại cánh đồng, gây khói bụi, ô nhiễm môi trường. Theo ước tính, bình quân 1 ha lúa sau khi thu hoạch được 6 tấn rơm, rạ. Thay vì lãng phí rơm theo cách đốt bỏ như nông dân vẫn làm, việc biến rơm thành phân hữu cơ có thể giúp người dân tiết kiệm được nguồn nguyên liệu lớn để tái tạo phân bón giàu dinh dưỡng, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Qua ba năm thực hiện ủ phân bón hữu cơ từ rơm rạ sử dụng thay cho phân bón hóa học, ông Lê Thanh Trung, thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Triệu Thuận khẳng định việc làm này đã giúp ông tiết kiệm khá nhiều chi phí sản xuất, quan trọng hơn là sử dụng loại phân bón này giúp lúa đẻ nhánh tốt hơn, rau màu tươi tốt, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản.
Theo ông Trần Hữu Tấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Triệu Thuận, hiện nay có trên 70% hộ thành viên HTX duy trì thói quen làm phân hữu cơ để phục vụ sản xuất. Hội đồng quản trị HTX cũng thường xuyên chú trọng công tác tuyên truyền để người dân duy trì việc tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất, phù hợp với xu thế sản xuất nông nghiệp sạch hiện nay.
Có thể thấy, các mô hình xử lý rơm rạ làm phân bón hữu cơ bằng chế phẩm sinh học bước đầu cho hiệu quả. Công tác tuyên truyền về tác hại của việc đốt rơm rạ đã được các ngành, các địa phương trong tỉnh thực hiện tốt trong những năm qua. Tuy vậy, việc nhân rộng cho các địa phương trong tỉnh vẫn còn hạn chế, ở nhiều nơi người dân chưa thực sự mặn mà bởi yếu tố mùa vụ gấp gáp, địa điểm ủ rơm rạ không thuận tiện. Sau mỗi vụ thu hoạch, lượng rơm rạ được sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp vẫn còn ít, nông dân vẫn duy trì thói quen đốt đồng hoặc hoặc vứt xuống kênh mương, ao hồ... vì không có chỗ chứa.
Vụ Hè Thu 2020, toàn tỉnh gieo cấy khoảng trên 25.000 ha lúa. Như vậy sau thu hoạch, khối lượng rơm rạ rất lớn. Những mô hình tự làm phân hữu cơ phục vụ sản xuất của nông dân như ở xã Triệu Thuận cần được nhân rộng ra các địa phương để không lãng phí nguồn nguyên liệu rơm rạ sau mỗi vụ thu hoạch, tạo ra sản phẩm phân bón hữu ích cho nông nghiệp, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp bền vững.
Tác giả bài viết: Cảnh Thu
Ý kiến bạn đọc
-
Chinh phục vùng đất thấp trũng
(23/09/2022) -
Chú trọng đảm bảo an toàn lao động tại các công trình xây dựng
(23/09/2022) -
Thực hiện hiệu quả mô hình canh tác lúa thông minh
(31/10/2022) -
Nông dân phấn khởi được mùa lúa Đông xuân.
(31/10/2022) -
Hội LHPN Triệu Phong xây dựng 50 mô hình đường hoa yêu thương
(31/10/2022) -
Làm giàu từ mô hình nuôi gà ta
(31/10/2022) -
Triệu Phong hơn 732 tỉ đồng đầu tư vào Cụm Công nghiệp Đông Ái Tử
(31/10/2022) -
Triệu Vân chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây ngắn ngày
(31/10/2022) -
Triệu Ái tập trung cải tạo vườn tạp, xây dựng mô hình kiểu mẫu
(31/10/2022) -
Triệu Vân trồng mướp đắng cho thu nhập 30 – 40 triệu đồng/vụ
(31/10/2022)