Chi tiết tin tức - Huyện Triệu Phong

 

Hai cây chủ lực thúc đẩy kinh tế vùng gò đồi phát triển

15:57, Thứ Hai, 31-10-2022 126 0

Huyện Triệu Phong có 3 xã vùng gò đồi là Triệu Thượng, Triệu Ái và một phần của xã Triệu Giang với diện tích lên đến 16.950,45 ha, chiếm 4,8% diện tích đất tự nhiên toàn huyện. Thời gian qua, các địa phương này đã tập trung phát triển mạnh cây cao su và trồng rừng.

Đảm bảo nguyên liệu gỗ rừng trồng cho các nhà máy chế biến gỗ ở Triệu Phong

Đến nay, các địa phương vùng gò đồi của huyện đã trồng được hơn 870 ha cao su, đã có hơn 384 ha đến kỳ khai thác mủ, trong đó có gần 107 ha đã khai thác mủ, giá trị có năm đạt trên 5 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động và 400 lao động thời vụ, với mức thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/ người/tháng. Cùng với phát triển cây cao su tiểu điền, các xã vùng gò đồi chú trọng trồng rừng. Từ các nguồn vốn ngân sách thuộc dự án 5 triệu héc ta rừng được triển khai thực hiện tốt, nâng tổng diện tích rừng tập trung toàn huyện lên 12.268 ha, vượt 10% kế hoạch. Công tác đầu tư thâm canh, quản lý sử dụng và khai thác rừng ngày càng được quan tâm nên hiệu quả kinh tế khá cao, góp phần cải thiện mức sống cho người dân. Hàng năm sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng lên đến hàng chục ngàn mét khối, đáp ứng nhu cầu cho các nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu trên địa bàn huyện. Riêng giá trị sản lượng lâm nghiệp năm 2017 đạt 76.648 triệu đồng. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%. Ông Trần Quang Diệu, ở thôn Thượng Phước, xã Triệu Thượng cho biết, gia đình ông trồng 15 ha rừng, chủ yếu là cây keo dâm hom. Sau 5 năm trồng, cây keo này sẽ cho thu nhập khoảng 50- 60 triệu đồng/ha.
 
Ông Diệu cho biết thêm, trong thôn ông nhà nào cũng tham gia trồng rừng nên đời sống ngày càng được nâng cao. Đó là một trong những kết quả sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 04 năm 2006 và 6 năm thực hiện Kết luận số 11 năm 2012 của Huyện ủy Triệu Phong về phát triển kinh tế- xã hội vùng gò đồi. Hàng năm, UBND huyện chỉ đạo các địa phương chuyển đổi đất rừng sản xuất, tạo điều kiện trồng cây cao su tiểu điền. Từ các chương trình, dự án đầu tư của nhà nước, huyện đã xây dựng hệ thống giao thông, điện lưới ở vùng gò đồi tạo điều kiện cho công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ, quản lý, khai thác cao su cũng như phòng, chữa cháy, vận chuyển nguyên liệu phục vụ sản xuất, tiêu thụ cao su. Ngoài kinh phí hỗ trợ đo đạc, thiết kế quy hoạch và thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, UBND huyện còn phân bổ ngân sách bù lãi suất 4%/năm trong thời gian 3 năm và hỗ trợ 50% giá giống cao su, tập huấn kỹ thuật cho nông dân về trồng, chăm sóc phòng trừ bệnh hại và kỹ thuật khai thác mủ cũng như hỗ trợ kinh phí trồng mới cao su cho các hộ. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Triệu Phong giúp người dân tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ lãi suất để phát triển cây cao su với tổng nguồn kinh phí hỗ trợ lên đến hàng trăm triệu đồng.
 
Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được tăng cường. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được đẩy mạnh với nhiều hình thức phong phú đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng nên diện tích rừng trồng phát triển tốt, có hàng chục hộ tham gia Hội chứng chỉ rừng với diện tích 340 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC. Việc không ngừng mở rộng diện tích rừng theo chứng chỉ FSC được xem là bước phát triển mới, đem lại nhiều lợi ích cho người trồng rừng. Bởi khi trồng rừng theo chứng chỉ FSC sản xuất rừng theo hướng thâm canh trên diện tích được quy hoạch, có quy mô tập trung, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật từ khâu phát thực bì, giống, trồng, bón phân, chăm sóc, bảo vệ, khai thác… nhằm tạo ra sản phẩm gỗ đạt tiêu chuẩn, được thị trường chấp nhận, góp phần bảo vệ môi trường và gia tăng giá trị trên một đơn vị diện tích trồng rừng. Hoạt động kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật được tổ chức thực hiện có hiệu quả, góp phần ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng. Công tác rà soát, thu hồi đất rừng đối với các tổ chức đang sử dụng đất trên địa bàn huyện được thực hiện tốt, đảm bảo đúng quy định của pháp luật. UBND huyện chỉ đạo các cơ quan kiểm tra, rà soát đất rừng, rừng trồng, tuổi rừng đối với các tổ chức, đơn vị sử dụng đất rừng trên địa bàn hai xã Triệu Ái, Triệu Thượng và yêu cầu các đơn vị tiến hành khai thác rừng theo kết quả kiểm tra bàn giao đất cho địa phương quản lý, sử dụng. Tiếp nhận bàn giao 420 ha đất rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Triệu Hải để bàn giao cho UBND xã Triệu Ái quản lý, xây dựng phương án giao cho nhân dân sản xuất.
 
Để phát triển các loại cây công nghiệp trong đó có cây cao su và trồng rừng ở vùng gò đồi, Huyện ủy Triệu Phong ban hành nhiều chủ trương, chính sách, trong đó có Nghị quyết “Về một số nhiệm vụ, giải pháp khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế vùng gò đồi”. Theo đó chỉ đạo các ngành và địa phương tập trung rà soát tình hình sử dụng đất lâm nghiệp ở vùng gò đồi để kiến nghị cho chuyển đổi một số diện tích rừng kém hiệu quả; thu hồi đất rừng của tổ chức để giao cho nhân dân sản xuất. Tập trung phát triển, mở rộng diện tích rừng theo tiêu chuẩn FSC. Duy trì và chăm sóc tốt diện tích cao su tiểu điền hiện có, tổ chức tốt việc khai thác những diện tích đến kỳ khai thác; chủ động triển khai trồng mới khi điều kiện thuận lợi. Phát triển mạnh công nghiệp chế biến gỗ, mủ cao su và công nghiệp phụ trợ cùng nhiều giải pháp khác thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng gò đồi.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THÔNG TIN ĐIỀU HÀNH
  • Đang truy cập10
  • Máy chủ tìm kiếm0
  • Khách viếng thăm10
  • Hôm nay46
  • Tháng hiện tại46
  • Tổng lượt truy cập2.762.020