Chi tiết tin tức - Huyện Triệu Phong

 

Xã Triệu An khai thác lợi thế vùng biển để phát triển kinh tế

9:12, Thứ Ba, 1-11-2022 130 0

Triệu An là xã vùng bãi ngang nằm về phía Đông Bắc của huyện Triệu Phong. Trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, xã Triệu An được biết đến là địa phương giàu truyền thống cách mạng. Nhằm góp phần khắc ghi sự chiến đấu anh dũng của quân dân xã Triệu An và các lực lượng tham gia chiến đấu ở đây, năm 2015 tại thôn Phú Hội, các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng tượng đài Chiến thắng Cửa Việt.

Trong công cuộc đổi mới, xã Triệu An đã được đầu tư hệ thống giao thông đi lại khá thuận tiện, có tỉnh lộ 580 nối từ thị xã Quảng Trị về cảng Cửa Việt, có đường sông Thạch Hãn và sông Hiếu hợp thành trước lúc đổ ra biển nên rất thuận lợi cho việc đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Tổng diện tích đất của xã lên đến gần 1.500 ha, trong đó riêng đất nông nghiệp hơn 500 ha. Viết tiếp trang sử hào hùng của quê hương, thời gian qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Triệu An đã đưa ra nhiều cách làm hay, giải pháp hiệu quả phát triển kinh tế- xã hội. Trong đó khuyến khích, hỗ trợ, giúp đỡ người dân sửa chữa, đóng mới tàu thuyền và mua sắm ngư lưới cụ để khai thác đánh bắt hải sản, tìm chọn các loại cây trồng phù hợp với vùng cát, đào tạo đội ngũ cán bộ từ xã đến thôn có đủ năng lực, phẩm chất giúp nhân dân phát triển kinh tế. Hằng năm, toàn xã đã phát triển hàng trăm héc ta nuôi trồng thủy sản, trong đó chủ yếu là nuôi tôm. Cùng với việc nuôi trồng, người dân tổ chức khai thác đánh bắt thủy sản ở vùng biển đem về nguồn lợi đáng kể. Hiện toàn xã có 8 tàu cá công suất trên 400CV, 14 tàu có công suất từ 90- 400CV và nhiều loại phương tiện đánh bắt thủy sản gần bờ. Riêng trong năm 2017, sau sự cố ô nhiễm môi trường biển năm 2016, toàn xã đã khai thác được 1.560 tấn hải sản, trong đó hải sản xuất khẩu đạt gần 200 tấn, tổng giá trị thu được đạt hơn 35 tỷ đồng. Năm 2018, sản lượng nuôi trồng và đánh bắt thủy sản dự kiến đạt cao so với các năm trước.
 
Bên cạnh khai thác, đánh bắt thủy sản, xã xác định phát triển công nghiệptiểu thủ công nghiệp làm động lực để phát triển kinh tế. Đến nay, trên địa bàn xã có 2 cơ sở chế biến hải sản có thương hiệu là ruốc đặc Hà Tây và nước mắm Cửa Việt, 6 lò hấp sấy cá, giá trị thu về hằng năm khoảng 7 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có nhiều cơ sở đóng tàu thuyền, sản xuất bờ lô, nước đá, bún bánh, xay xát lương thực… giá trị thu được gần 10 tỷ đồng mỗi năm.
 
Mặt khác, với lợi thế đất nông nghiệp khá lớn nên người dân phát triển mạnh các loại cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt, trước tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay, người dân mạnh dạn chọn một số cây hoa màu thay thế cây lúa nước vào vụ hè thu do thiếu nước tưới. Ông Dương Văn Ủy, ở thôn Hà Tây cho biết: “Gia đình tôi mạnh dạn chuyển đổi 3 sào đất lúa thiếu nước sang trồng dưa hấu trong vụ hè thu 2018. Đây là diện tích đất mà vụ hè thu không thể sản xuất được vì thiếu nước. Việc chuyển đổi mô hình trồng dưa hấu trên đất lúa thiếu nước đạt được nhiều kết quả như cải tạo đất, hạn chế các loại mầm bệnh gây hại cây trồng, thời gian trồng đến khi thu hoạch ngắn nên chỉ sau 60 ngày trên 3 sào trồng dưa, gia đình tôi thu được hơn 2 tấn dưa, với giá bán 6.000 đồng/kg, lợi nhuận cao gấp 5-6 lần so với việc trồng lúa”.
 
Hiện toàn xã Triệu An có trên 100 ha đất nông nghiệp chỉ trồng được lúa một vụ đông xuân, còn vụ hè thu thường xuyên bị thiếu nước, khó sản xuất nên sẽ được chuyển sang trồng các loại cây trồng khác, trong đó có cây dưa hấu. Với nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả nên đời sống của người dân không ngừng thay đổi. Năm 2017, bình quân thu nhập đầu người của xã Triệu An đạt hơn 32 triệu đồng. Có 5/5 làng, 4/4 đơn vị trường học giữ vững danh hiệu văn hóa, trong đó có 2 làng đạt danh hiệu làng văn hóa xuất sắc cấp tỉnh là Phú Hội và Hà Tây, 3 làng được công nhận làng văn hóa lần 2. Cơ sở hạ tầng phát triển ngày càng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu hội nhập và phát triển của quê hương. Hiện xã Triệu An được quy hoạch vào Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Mới đây, nhà nước đầu tư xây dựng đường trung tâm trục dọc Khu kinh tế Đông Nam. Đây là công trình có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa- xã hội của địa phương. Khi công trình hoàn thành sẽ tạo diện mạo mới, động lực mới trong xúc tiến kêu gọi, thu hút đầu tư của tỉnh Quảng Trị giúp địa phương phát triển dịch vụ, du lịch.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THÔNG TIN ĐIỀU HÀNH
  • Đang truy cập5
  • Máy chủ tìm kiếm0
  • Khách viếng thăm5
  • Hôm nay2040
  • Tháng hiện tại2040
  • Tổng lượt truy cập2.730.908