Chi tiết tin tức - Huyện Triệu Phong

 

Triệu Phong hiệu quả từ việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn

7:26, Thứ Tư, 2-11-2022 233 0

Thực hiện Đề án 1956 của Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), những năm qua, huyện Triệu Phong đã tập trung triển khai công tác đào tạo nghề, chuyển giao các tiến bộ khoa học- kỹ thuật trong về nông nghiệp và phi nông nghiệp cho LĐNT. Từ việc làm này đã góp phần nâng cao số lao động được qua đào tạo nghề, tạo bước đột phá trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch lao động, phát triển sản xuất, tạo nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.

Lớp đào tạo nghề trồng lạc được tổ chức ngay tại đồng ruộng

 

Chủ tịch Hội Nông dân xã Triệu Thượng Lê Kim Cận cho biết, địa phương có diện tích đất vườn đồi khá lớn, có nguồn nước ổn định, độ dốc thích hợp. Do vậy, những năm qua, Hội Nông dân xã đã tích cực, chủ động phối hợp với các đơn vị trên địa bàn tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT như kỹ thuật trồng cỏ nuôi bò, kỹ thuật trồng cây ăn quả, trồng rừng thâm canh; trồng và chăm sóc cây cao su… Với những kiến thức được đào tạo, nhiều hộ đã chuyển đổi vườn tạp, đất rừng sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như cam, quýt PQ1, bưởi da xanh, thanh trà, ổi lê, đu đủ… với tổng diện tích hơn 20 ha, trong đó có 5 ha trồng tập trung cây cam áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như sử dụng phân hữu cơ, có hệ thống tưới nhỏ giọt…; phát triển trồng cỏ nuôi bò nhốt chuồng; trồng rừng gỗ lớn, rừng có chứng chỉ FSC… “Để đẩy mạnh phát triển kinh tế cho hội viên, trong thời gian tới Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện, Trường Trung cấp Nông nghiệp và PTNT… tổ chức các lớp đào tạo nghề theo hướng tập trung vào các đối tượng cây trồng, con nuôi mới, có giá trị kinh tế cao; ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao… Đồng thời xây dựng các đề án hỗ trợ hội viên nông dân, trước mắt là chuyển đổi vườn tạp sang trồng các loại cây ăn quả, đặc biệt là các loại cây có múi. Phấn đấu mở rộng diện tích trồng cây ăn quả toàn xã đạt từ 50 - 70 ha”, ông Cận cho biết thêm.

Các học viên sau khi học nghề may công nghiệp đều được các Công ty may nhận vào làm việc


Còn tại xã Triệu Đại, sau một thời gian làm cán bộ kỹ thuật cho các công ty may lớn ở miền Nam, nhận thấy nguồn lao động dồi dào tại địa phương, chị Trần Thị Mỹ Ngọc đã quyết định về quê thành lập công ty may riêng của mình. Để đảm bảo tay nghề cho người lao động, chị đã phối hợp với Trung tâm GDNN-GDTX huyện tổ chức lớp đào tạo nghề may công nghiệp cho công nhân. Đến nay, bình quân mỗi tháng cơ sở may của chị tạo việc làm cho 30 - 40 công nhân tại địa phương với thu nhập ổn định từ 3 - 5 triệu đồng. Đánh giá chất lượng lao động sau đào tạo, chị Ngọc chia sẻ, với đặc thù của đơn vị là sản xuất và may gia công nên rất cần lao động có tay nghề. Sau khi hoàn thành khóa học, nhìn chung các học viên đều đáp ứng được yêu cầu công việc và đã được tuyển dụng vào làm việc tại công ty. “Hiện chúng tôi đang tiếp tục đăng ký với trung tâm mở thêm một lớp đào tạo nghề cho khoảng 35 lao động để mở rộng thêm một dây chuyền may nữa”, chị Ngọc cho hay.
Công tác đào tạo nghề cho LĐNT là một trong những nhiệm vụ quan trọng giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động khu vực nông thôn và là một trong những tiêu chí quan trong trong xây dựng nông thôn mới. Hằng năm, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) huyện Triệu Phong đã tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề của người dân các địa phương, từ đó xây dựng chương trình, kế hoạch tuyển sinh và phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề theo tinh thần “dạy những cái nông dân cần”. Nhờ vậy, sau khi kết thúc các lớp học, 100% học viên nắm vững kiến thức, kỹ năng cơ bản; tự tin vận dụng những kiến thức học được vào thực tiễn, mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng hiệu quả kinh tế. Các học viên sau khi học nghề còn được Phòng LĐ-TB&XH hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm tại Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Phó Trưởng Phòng LĐTB&XH huyện Triệu Phong Nguyễn Xuân Tứ cho biết, từ năm 2010 đến nay toàn huyện đã có gần 9.000 LĐNT được tham gia các lớp đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp như trồng và chăm sóc cây cảnh, chế biến nước mắm, các kỹ thuật chế biến món ăn, nuôi và phòng trị bệnh cho lợn, nuôi gà thả vườn, trồng cây ăn quả, trồng ném, trồng hoa; sửa chữa, vận hành máy nông- ngư nghiệp; nghề may công nghiệp… Theo thống kê của Phòng LĐ-TB&XH, sau đào tạo đã có gần 1.400 người được doanh nghiệp tuyển dụng; 1.300 người tự tạo được việc làm; gần 400 người liên kết thành lập các tổ, nhóm sản xuất; gần 200 người sản xuất được bao tiêu sản phẩm; hơn 5.500 người tăng thu nhập sau khi được đào tạo; gần 7.000 người có thu nhập khá… Điển hình như nghề chế biến món ăn, học viên sau đào tạo đã được các cơ sở, doanh nghiệp chuyên nấu ăn phục vụ đám cưới, hội nghị tuyển dụng vào làm việc với mức thu nhập hằng tháng từ 3,5 triệu đồng trở lên; một số học viên sau đào tạo tự thành lập tổ, nhóm để hành nghề, như bà Lê Thị Hồng Hới ở xã Triệu Long đã thành lập nhà hàng, tiệc cưới đi vào hoạt động và giải quyết việc làm cho hơn 40 lao động ở địa phương. Tại các xã Triệu Vân, Triệu Lăng, sau lớp dạy nghề kỹ thuật làm nước mắm đã thành lập được 3 tổ hợp tác sản xuất với hơn 30 lao động. Các cơ sở may công nghiệp trên địa bàn huyện đã tiếp nhận hàng trăm lao động qua đào tạo nghề với mức thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/tháng.

Đào tạo nghề trồng cây ăn quả


Theo ông Tứ, nhằm nâng cao trình độ tay nghề, tác phong làm việc, tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, trong giai đoạn 2020 - 2025, huyện Triệu Phong phấn đấu đào tạo khoảng 5.700 lao động, trong đó đào tạo nghề nông nghiệp là 3.500 người, nghề phi nông nghiệp là 2.200 người; tỉ lệ lao động sau học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ có hiệu quả cao hơn đạt 80%. Để đạt được mục tiêu trên, trong thời gian tới Phòng LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý chất lượng đào tạo nghề; tập trung tiến hành phân loại ngành nghề để có định hướng tốt trong việc cung cấp thông tin về những ngành nghề có triển vọng cho người dân; gắn việc đào tạo lý thuyết với mô hình tại cơ sở; nghiên cứu đề xuất bổ sung danh mục nghề, xây dựng một số chương trình đào tạo nghề phi nông nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao phù hợp với từng đối tượng người học; gắn kết việc đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho người lao động, khuyến khích, thu hút được các doanh nghiệp cùng tham gia vào công tác đào tạo nghề cho LĐNT. “Ngoài ra, Phòng LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND huyện có những chính sách trong việc giới thiệu việc làm cho lao động đã qua đào tạo, tìm đầu ra cho sản phẩm để những người đã tham gia đào tạo nghề tích cực phát triển sản xuất, tạo việc làm nâng cao thu nhập”, ông Tứ cho biết thêm.

 

Tác giả bài viết: Lê An – Cảnh Thu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THÔNG TIN ĐIỀU HÀNH
  • Đang truy cập7
  • Máy chủ tìm kiếm0
  • Khách viếng thăm7
  • Hôm nay2481
  • Tháng hiện tại2481
  • Tổng lượt truy cập2.761.926