Chi tiết tin tức - Huyện Triệu Phong
Gạo Triệu Phong được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ
Chương trình mỗi xã một sản phẩm được triển khai tích cực, có hiệu quả , đặc biệt là sản phẩm gạo sạch Triệu Phong đã “lên ngôi” khi được Trung tâm Kiểm nghiệm và Chứng nhận chất lượng TQC chứng nhận sản xuất phù hợp với các yêu cầu của Tiêu chuẩn Nông nghiệp hữu cơ Quốc gia TCVN 11041-2:2017. Đây cũng là sản phẩm gạo đầu tiên và duy nhất của tỉnh Quảng Trị đến thời điểm này được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ.
Triệu Phong là một huyện có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, nhất là cây lúa với diện tích gieo trồng hằng năm đạt trên 11.300 ha, năng suất bình quân đạt hơn 56 tạ/ha. Thế nhưng nhiều năm qua, chất lượng gạo vẫn chưa đạt chuẩn sạch và người tiêu dùng chưa đánh giá cao bởi quá trình sản xuất lúa luôn phụ thuộc vào phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, diệt cỏ. Sự khát khao về một sản phẩm gạo sạch luôn được cấp ủy, chính quyền, các đơn vị hữu quan và người dân ấp ủ. Và rồi trong vụ hè-thu năm 2016, lúa hữu cơ đã “bén duyên” trên đất Triệu Phong.
Ngay từ những ngày đầu triển khai sản xuất lúa hữu cơ, các cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới đã phối hợp cùng cấp uỷ, chính quyền, đơn vị hữu quan, người dân cùng chung tay thực hiện. Được các chuyên gia Hàn Quốc về tận thôn, xóm hướng dẫn, thậm chí là “cầm tay chỉ việc” cho bà con nên mô hình canh tác lúa tự nhiên với nguyên tắc: “Không phân bón hóa học, không thuốc trừ sâu, diệt cỏ” đã đem lại sự thay đổi trong tư duy, hiệu quả sản xuất. Đặc biệt, năm 2017, quy trình sản xuất gạo sạch Triệu Phong đã đạt giải Nhất về công nghệ phù hợp, thân thiện với môi trường tại Hội nghị Quốc tế về Công nghệ phù hợp, thân thiện với môi trường diễn ra tại Seoul, Hàn Quốc. Tiếp đó, năm 2019, gạo canh tác tự nhiên Triệu Phong được chứng nhận chất lượng hữu cơ Việt Nam và được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Đó là động lực, sự cổ vũ tinh thần để người nông dân Triệu Phong hướng đến một nền nông nghiệp sạch, an toàn, bền vững, thân thiện với môi trường.
Năm 2016, từ 1 ha lúa thử nghiệm ban đầu, đến nay diện tích lúa hữu cơ của toàn huyện Triệu Phong đã đạt 45 ha với năng suất bình quân hơn 52 tạ/ha, giá trị sản xuất cao gấp 1,5 - 2 lần so với sản xuất lúa thông thường. Việc sản xuất lúa hữu cơ trên địa bàn huyện Triệu Phong đã trở thành phong trào sâu rộng, quy mô, hiệu quả. Lúa sản xuất theo phương pháp canh tác tự nhiên, hoàn toàn không dùng phân bón hóa học, thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học và các chất kích thích sinh trưởng. Người nông dân chỉ sử dụng phân hữu cơ compost để bón lót đầu vụ, quá trình chăm sóc chỉ sử dụng các chế phẩm vi sinh. Giám đốc Hợp tác xã Nông sản sạch canh tác tự nhiên Triệu Phong Nguyễn Hữu Đạt cho biết: “Trên địa bàn huyện Triệu Phong có 152 hộ dân tham gia sản xuất lúa hữu cơ, hộ nào làm ít nhất là 2 sào, hộ làm nhiều nhất là 1 mẫu, bình quân cũng đạt 5 sào/hộ dân. Đến mùa vụ thu hoạch, lúa hữu cơ luôn có đầu ra ổn định, được thị trường đón nhận và có mức giá từ 9.000 - 10.000 đồng/ kg. Nhờ sản xuất lúa hữu cơ nên thu nhập, đời sống của các hộ dân đã được cải thiện rõ rệt so với sản xuất lúa như trước đây”.
Hiện nay, lúa hữu cơ được gieo trồng tập trung, diện tích khá lớn phân bổ trên địa bàn các xã gồm: Triệu Tài, Triệu Trạch, Triệu Trung, Triệu Sơn, Triệu Thuận. Qua nhiều mùa vụ, được tham gia nhiều lớp tập huấn nên những nông dân chuyên sản xuất lúa hữu cơ trên địa bàn huyện Triệu Phong đã rất thuần thục trong các công đoạn ủ phân, làm đất, gieo sạ, chăm sóc, thu hoạch. Người dân đã biết tận dụng rơm rạ, kết hợp thêm lá chuối, cỏ, phân bò và chế phẩm sinh học Trichoderma để ủ phân hữu cơ. Việc chế tạo phân hữu cơ phục vụ sản xuất lúa đã giúp nông dân tiết kiệm chi phí, vừa đảm bảo sức khỏe, thân thiện với môi trường. Phân hữu cơ vi sinh có thể đem bón cho đất trước khi gieo trồng sẽ làm tăng lượng hữu cơ bổ sung cho đất, nâng cao độ phì nhiêu của đất, làm cho đất tơi, xốp.
Qua thực tế sản xuất, người dân cho biết việc bón phân hữu cơ vi sinh sẽ làm cho cây lúa khỏe mạnh, có sức đề kháng tốt, cứng cáp, ít nhiễm sâu bệnh so với sử dụng phân bón hóa học. Bên cạnh đó, người dân còn chế tạo ra thuốc trừ sâu an toàn từ các củ, quả tự nhiên như: gừng, ớt, tỏi nên đảm bảo an toàn thực phẩm, tăng giá trị sản xuất. Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Triệu Phong Hoàng Quang Dưỡng chia sẻ: “Qua một thời gian sản xuất lúa hữu cơ, chúng tôi thấy đây là một phương thức sản xuất nông nghiệp ưu việt, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu ở địa phương. Việc sản xuất lúa hữu cơ có tác dụng giúp đất đai không bị thoái hóa mà còn được cải tạo tốt hơn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giúp cây lúa sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh và tạo ra sản phẩm gạo an toàn cho người sử dụng. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp với các đơn vị, tổ chức nhiều lớp tập huấn về kỹ năng sản xuất nông nghiệp cho người dân, trong đó có nhiều nội dung về lúa hữu cơ. Đồng thời, tiếp tục tham mưu cho UBND huyện về hướng nhân rộng mô hình này theo hướng phát triển bền vững, kết nối với doanh nghiệp để mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị cho sản phẩm gạo sạch Triệu Phong”
Tác giả bài viết: Cảnh Thu
Ý kiến bạn đọc
-
Ân tình của một cựu chiến binh
(02/04/2022) -
Tổ chức FAO hỗ trợ tiền mặt đa mục đích cho các hộ bị ảnh hưởng bão lũ phục hồi an ninh lương thực
(02/11/2022) -
Trao giải cuộc thi “Sáng tạo trẻ” huyện Triệu Phong lần thứ IX năm 2020
(22/09/2022) -
Chung kết Hội thi "Cán bộ, CCVC với cải cách hành chính và văn hóa công sở" năm 2020
(02/11/2022) -
Triệu Phong hiệu quả từ việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn
(02/11/2022) -
Triệu Phong phấn đấu mỗi xã có từ 1-2 cánh đồng lớn, chất lượng cao
(22/09/2022) -
Hội nghị triển khai phổ biến Luật Dân quân tự vệ năm 2019
(02/04/2022) -
Trao 1.980 bình chứa nước, lọc nước và dụng cụ gia đình cho người dân các xã vùng lũ
(02/11/2022) -
Lãnh đạo huyện Triệu Phong thăm các tổ chức công giáo nhân dịp Giáng sinh 2020
(02/11/2022) -
Hội Golf Quảng Ninh thăm và tặng quà cho người dân vùng lũ huyện Triệu Phong
(02/11/2022)