Chi tiết tin tức - Huyện Triệu Phong

 

Triệu Phong sau 10 năm xây dựng nông nghiệp, nông dân, nông thôn

9:7, Thứ Ba, 1-11-2022 192 0

Sau khi có Nghị quyết số 26 ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Ban Thường vụ Huyện ủy Triệu Phong (khóa XVII) quán triệt, triển khai đến tận cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện, đồng thời ban hành Chương trình hành động số 13 ngày 9/2/2009 nhằm cụ thể hoá các nội dung nghị quyết, chương trình hành động của Tỉnh ủy cũng như chỉ đạo các ban, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện.

Hằng năm, Ban Thường vụ Huyện ủy Triệu Phong xác định các nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn và trực tiếp cho ý kiến về kế hoạch sản xuất theo từng vụ mùa. Định kỳ có sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết để có giải pháp phù hợp. Phân công các ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, huyện ủy viên phụ trách địa bàn, lĩnh vực bám sát cơ sở để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong trong tổ chức thực hiện. Chỉ đạo các xã, thị trấn cụ thể hóa nội dung thực hiện Nghị quyết 26 và Chương trình hành động số 13 năm 2009 của Huyện ủy vào nghị quyết của cấp ủy hằng năm và từng giai đoạn để tổ chức thực hiện. HĐND, UBND huyện ban hành các đề án, chương trình, kế hoạch cụ thể thực hiện nghị quyết, kết luận của Huyện ủy. Các đề án, chính sách sau khi ban hành đã đi vào cuộc sống, có tác động thúc đẩy phát triển mạnh mẽ nông nghiệp, nông thôn và đời sống của nông dân.
Đối với sản xuất nông nghiệp, huyện Triệu Phong tập trung thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thâm canh, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trên một đơn vị diện tích. Đến nay, huyện Triệu Phong đã triển khai xây dựng cánh đồng lớn ở 31 HTX với diện tích 1.000 ha, tăng hiệu quả kinh tế 5-7% so với sản xuất thông thường. Sản xuất lúa theo hướng canh tác tự nhiên 32,5 ha, đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Liên kết với Công ty Ong Biển triển khai 16 ha diện tích lúa theo mô hình nông nghiệp hữu cơ; phát triển 32 ha cà gai leo, 7 ha cây ăn quả có múi, xây dựng 56 trang trại, 130 gia trại và đã cấp chứng nhận cho 46 trang trại. Duy trì và phát triển 1.100 ha diện tích mô hình có thu nhập cao; các mô hình tạo sinh kế bền vững cho người dân vùng biển. Phát triển các cây trồng mới có hiệu quả kinh tế như ném, kiệu ở vùng cát, gừng, nghệ, sả ở vùng gò đồi, 22 ha dứa tại Triệu Ái, Triệu Thượng. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng, đánh bắt thủy sản đạt hiệu quả cao...
Mặt khác, huyện Triệu Phong thường xuyên củng cố và đổi mới, phát triển kinh tế hợp tác xã (HTX) theo Luật HTX năm 2012, từ đó nhiều loại hình HTX kiểu mới được thành lập như HTX nông sản sạch, HTX chăn nuôi gà. Đến nay toàn huyện có 90 HTX hoạt động sản xuất- kinh doanh dịch vụ nông nghiệp, trong đó có 7 HTX đạt loại giỏi, chiếm 7,8%, 24 HTX đạt loại khá, chiếm 26,7%, 59 HTX đạt trung bình chiếm 65,5%. Một số HTX đã có liên kết cung ứng dịch vụ đầu vào như vật tư nông nghiệp, thủy nông, bảo vệ thực vật. Các hoạt động sản xuất, dịch vụ phi nông nghiệp cũng phát triển mạnh ở nông thôn, trở thành nguồn thu chủ yếu của nhiều hộ dân. Riêng năm 2017, giá trị sản xuất nông- lâm- thủy sản đạt 1.090.629 triệu đồng, tăng 266.749 triệu đồng so với năm 2008; giai đoạn 2008-2017, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 2,85%/năm.
Trên lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, huyện Triệu Phong khai thác hiệu quả nội lực trong nhân dân và huy động các nguồn lực bên ngoài để thực hiện. Trong 7 năm (từ năm 2011 đến 2017), toàn huyện đã huy động được tổng nguồn vốn đầu tư khu vực nông thôn được 1.643.911,2 triệu đồng; hàng ngàn hộ tự nguyện hiến hơn 175.000 m2 đất để xây dựng trường học, làm đường giao thông, làm chợ và xây dựng di tích lịch sử; đóng góp hơn 16.000 ngày công. Tiêu biểu như thôn Nại Cửu, xã Triệu Đông vận động được hàng tỷ đồng xây dựng hạ tầng giao thông và thiết chế văn hóa; thôn Anh Tuấn, xã Triệu Tài huy động được trên 1 tỷ đồng để xây dựng đường giao thông nông thôn; thôn Đạo Đầu, xã Triệu Trung vận động nông dân, huy động nguồn lực di dời 1.200 ngôi mộ, giải phóng trên 24 ha đất đưa vào sản xuất nông nghiệp... Đến cuối tháng 6/2018, huyện Triệu Phong đã có 6/18 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 33,33%; bình quân đạt 15,3 tiêu chí/xã, tăng 10,3 tiêu chí so với năm 2010.
Bên cạnh đó, huyện Triệu Phong đẩy mạnh nghiên cứu chuyển giao ứng dụng khoa học, công nghệ, đào tạo nhân lực, tạo đột phá để hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa nông thôn. Theo đó, hằng năm tổ chức 55-60 lớp tập huấn với trên 2.200 lượt người tham gia và tổ chức từ 8-10 lớp đào tạo nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp với 240-300 học viên tham gia. Ngoài việc đưa cơ giới vào sản xuất, sử dụng công cụ sạ hàng trong gieo lúa, huyện đã tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ về giống cây, con; xây dựng mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện tự nhiên như các mô hình sản xuất sử dụng phân bón qua lá, sản xuất lúa hữu cơ, chăn nuôi công nghệ cao có sự liên kết trong tiêu thụ sản phẩm, chăn nuôi theo mô hình VAC, nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học, nuôi tôm cá kết hợp...
Trong thời gian tới, huyện Triệu Phong tiếp tục thực hiện mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn. Trong đó, tập trung xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn có sự liên kết tiêu thụ sản phẩm, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao. Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội phù hợp; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp chế biến, dịch vụ... Phấn đấu đến năm 2020 có 50%, năm 2025 có 75% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THÔNG TIN ĐIỀU HÀNH
  • Đang truy cập76
  • Máy chủ tìm kiếm0
  • Khách viếng thăm76
  • Hôm nay1808
  • Tháng hiện tại1808
  • Tổng lượt truy cập2.730.676