Chi tiết tin tức - Huyện Triệu Phong

 

LÊ DUẨN VỚI CHÂN LÝ "LAO ĐỘNG, TÌNH THƯƠNG VÀ LẼ PHẢI”

10:38, Thứ Hai, 4-7-2022 105 0

Con người là nguồn lực lớn nhất, quý nhất của một đất nước. Hoài bão lớn của Tổng Bí thư Lê Duẩn lúc sinh thời là xây dựng hệ giá trị Chân-Thiện-Mỹ mới của con người Vệt Nam, đáp ứng yêu cầu của thời đại mới, đó là: “Yêu lao động, giàu tình thương, trọng lẽ phải, đó là những phẩm chất cơ bản cần được bồi dưỡng và hoàn thiện. Chân lý mà Tổng Bí thư Lê Duẩn nêu lên ở đây, cô đúc lại là “Lao động, tình thương và lẽ phải”

*Cái vốn quý nhất là lao động. Đổi mới kinh tế để giải phóng sức lao động

Đồng chí Lê Duẩn khẳng định “Có lao động mới có con người, và có con người là có văn hoá”. Trong xây dựng chế độ mới, đồng chí nhấn mạnh vai trò tích luỹ của lao động để đưa sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn. Qua phân tích, đồng chí Lê Duẩn nhận thấy, tư sản tích luỹ để công nghiệp hoá bằng cách bóc lột nhân dân trong nước, nhân dân các thuộc địa và các nước khác...Còn ở chế độ chúng ta, lao động chính là nguồn lực quý báu của tích luỹ xã hội chủ nghĩa.
Để có tích luỹ, đồng chí Lê Duẩn chỉ rõ, một mặt, chúng ta phải ra sức tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng, mặt khác, để gia tăng tích luỹ, chúng ta phải không ngừng nâng cao năng suất lao động. Để tăng năng suất lao động trong các cơ sở sản xuất là phải ra sức cải tiến kỹ thuật và tăng năng suất lao động trong toàn xã hội.Về hướng phát triển lực lượng sản xuất, đồng chí Lê Duẩn nêu rõ: “Lực lượng sản xuất của nước ta chuyển biến từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn, vừa có thể và cần phải  "phát triển nhảy vọt" lên cơ giới hoá và tự động hoá, trước hết là cơ giới hoá” . Quan điểm phát triển nhảy vọt tức là “đi tắt, đón đầu” theo cách nói hiện nay. Quan điểm này của đồng chí Lê Duẩn nêu đã được Đại hội IX và Đại hội X của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định: “Con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá của nước ta cần và có thể rút ngắn thời gian, vừa có những bước tuần tự, vừa có bước nhảy vọt.
Đồng chí Lê Duẩn nhấn mạnh về vai trò và sức mạnh của khoa học kỹ thuật. Điều nhấn mạnh này hoàn toàn phù hợp quy luật tất yếu của sự phát triển xã hội. Đại hội X của Đảng Cộng sản Việt Nam “coi kinh tế tri thức là yếu tố quan trọng của nền kinh tế và công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Phát triển mạnh các ngành và sản phẩm kinh tế có giá trị gia tăng cao dựa nhiều vào tri thức”.
Đối với nông nghiệp, dưới thời Tổng Bí thư Lê Duẩn, năm 1981, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 100 về việc mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong HTX nông nghiệp. Chỉ thị 100 đã “dọn đường” cho khoán 10 sau này.Đối với doanh nghiệp Nhà nước, năm 1981, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 25/CP về quyền tự chủ của các xí nghiệp quốc doanh trong sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, cuộc “tấn công” vào cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, chuyển sang cơ chế mới đã được Hội nghị Trung ương 8 khoá V, tháng 6-1985 hạ quyết tâm, với khâu đột phá là xoá bỏ quan liêu, bao cấp trong giá, lương, tiền.
Đại hội V năm 1982 quyết định “đổi mới chế độ quản lý và kế hoạch hoá hiện hành, xoá bỏ cơ chế quản lý hành chính, quan liêu, bao cấp”, “coi trọng quy luật giá trị”. Như vậy, tư duy đổi mới kinh tế, đổi mới đất nước của đồng chí Lê Duẩn và của Đảng đã xuất hiện từ trước và trong Đại hội V nhằm mở hướng cho lao động phát triển, cho sản xuất “bung ra”.Để tạo ra lực lượng sản xuất mới về chất, để chuyển lao động thủ công thành lao động sử dụng máy móc, đồng chí Lê Duẩn khẳng định: 'Công nghiệp hoá là nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, tạo ra một cơ cấu kinh tế công-nông nghiệp hiện đại...,  Và thực tế, dưới thời Tổng Bí thư Lê Duẩn, chúng ta đã xây dựng được nhiều công trình công nghiệp lớn tạo nền tảng cơ sở vật chất-kỹ thuật và nền tảng tích luỹ cho đất nước, tạo tiền đề hết sức quan trọng cho công nghiệp hoá-hiện đại hoá trong chặng đường mới như: thuỷ điện Hoà Bình, dầu khí Vũng Tàu...Mặt khác cần thấy rằng, trong quá trình thực hiện công nghiệp hoá, tư tưởng của đồng chí Lê Duẩn đã thấm nhuần và kế thừa sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là về bước đi và xác định cơ cấu kinh tế.
*Tình thương và con đường biện chứng từ lý trí đến tình cảm, biến lý luận thành sức mạnh vật chất
Sau khi nói đến lao động, đồng chí Lê Duẩn nói đến tình thương. Đồng chí phân tích sâu sắc cội nguồn lưu giữ và trao truyền tình thương, đặc biệt là lưu giữ và trao truyền văn hoá chính là người mẹ: “Ngoài nghĩa cả đối với Tổ quốc, đối với cách mạng, có tình cảm nào thiêng liêng hơn tình mẹ con. Có sự hy sinh tận tuỵ nào bằng sự hy sinh tận tuỵ của người mẹ đối với con? .. Dạy con biết nói, biết cười, ru con bằng những điệu hát đầy ý nghĩa, khuyên bảo con những lẽ phải điều hay v.v..., chính bằng cách đó, người mẹ đã góp phần gìn giữ và lưu truyền văn hoá dân tộc từ đời này sang đời khác” Văn hoá nuôi dưỡng tình thương và chính tình thương là cội nguồn làm nên sức mạnh. Tình thương lớn lao nhất là lòng yêu nước, cội nguồn làm nên sức mạnh cứu nước như đồng chí Lê Duẩn đã nêu: “Người Việt Nam vốn có lòng yêu nước thiết tha, có tinh thần dân chủ, bình đẳng trong quan hệ giữa người với người. “Thương nước-thương nhà, thương người-thương mình” là truyền thống đậm đà của nhân dân ta.
Tình thương nước, thương dân của người Việt nghìn đời chung đúc được nâng lên thành tình cảm cách mạng trong thời đại mới. Tình cảm cao đẹp đó theo đồng chí Lê Duẩn phải được biểu hiện bằng hành động cụ thể, trực quan, chứ không thể là lời nói suông, chung chung: “Người cán bộ nhìn một em bé ăn mặc rách rưới mà không thấy động lòng thì tình cảm cách mạng của người ấy đã cạn đi rồi đấy” .Lý luận là kim chỉ nam, là ngọn đèn pha chiếu rọi, nhưng lý luận muốn đi vào thực tiễn, muốn thống nhất với thực tiễn phải thông qua hành động cụ thể của con người. Mà người ta muốn hành động phải có “bầu máu nóng”, nghĩa là phải có tình cảm thôi thúc.
Tình cảm có vai trò to lớn như vậy cho nên phải được rèn luyện thường xuyên và phải được nuôi dưỡng. Đồng chí Lê Duẩn nhấn mạnh đến những cái nôi nuôi dưỡng tình cảm, đó là văn hoá và nghệ thuật: “Văn hoá là biểu hiện sự gắn bó giữa người và người, làm cho con người hiểu kỹ con người, làm nảy nở những tình cảm tốt đẹp của con người trong lao động cải tạo thiên nhiên, cải tạo xã hội'. Nói đến sức mạnh lay động tình cảm và thúc giục hành động của con người do nghệ thuật mang lại, đồng chí Lê Duẩn thường nhắc đến kỷ niệm khi đọc thơ Phan Bội Châu: “Lúc còn thanh niên, mỗi lần đọc thơ Phan Bội Châu, tôi thấy trong lòng có cái gì náo nức, như thúc giục mình vùng dậy, thúc giục mình phải làm ngay một điều gì cho Tổ quốc. Đó thật sự là những bài thơ tác giả viết ra từ bầu nhiệt huyết, bằng tất cả khối óc, con tim”.
*Lẽ phải lớn lao: Phát huy sức mạnh tổng hợp và tinh thần làm chủ
Là một nhà lãnh đạo lỗi lạc, một tư duy sáng tạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, đồng chí Lê Duẩn đã phát hiện, bảo vệ và chiến đấu cho những lẽ phải-chân lý lớn lao của dân tộc.Giữa lòng địch ở Sài Gòn, ngay từ năm 1956, trí tuệ phát sáng của “Ngọn đèn 200 nến” Lê Duẩn đã sớm khởi thảo và hoàn chỉnh “Đề cương cách mạng Việt Nam”, nêu bật đường hướng đánh Mỹ, cứu nước,  là cơ sở để Trung ương ra Nghị quyết 15 (1959) và sau đó được bổ sung, nâng tầm trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ III năm 1960.
Cũng ở miền Nam, một nét phát sáng đặc biệt nữa của “Ngọn đèn 200 nến” thể hiện trong giải quyết vấn đề ruộng đất. Đồng chí Lê Duẩn cùng với Xứ uỷ Nam Bộ chủ trương chỉ tịch thu ruộng đất của thực dân, địa chủ làm tay sai cho Pháp, còn với địa chủ có tinh thần yêu nước thì động viên hiến ruộng cho người cày thiếu ruộng hoặc không có ruộng. Thực chất đó là cuộc cải cách ruộng đất ở Nam Bộ mà không cần thông qua “đấu tố”. “Lẽ phải” đã đi kèm với “tình thương” là vậy.
Về lẽ phải lớn lao nhất của đất nước, của dân tộc Việt Nam dưới thời Tổng Bí thư Lê Duẩn và mãi mãi về sau đó là: Trong lịch sử đấu tranh cứu nước kiên cường, bất khuất của dân tộc, Việt Nam một nước nhỏ phải đương đầu với một đế quốc to xâm lược mạnh gấp hàng nghìn lần về kinh tế và vũ khí và đã chiến thắng vang dội. Trong khi Việt Nam đang đánh Mỹ, đã từng xuất hiện những quan niệm chiến tranh theo kiểu vũ khí luận (so sánh vũ khí ta, địch ai nhiều hơn, tối tân hơn), theo kiểu so sánh quân sự đơn thuần (quân đội bên nào nhiều hơn, mạnh hơn). Nhưng theo đồng chí Lê Duẩn, so sánh mạnh, yếu giữa ta và địch là phải so sánh lực lượng một cách tổng hợp, chứ không chỉ so sánh thuần về quân sự hoặc kinh tế.  “Đó là sức mạnh tổng hợp về quân sự, chính trị, xã hội, văn hoá, sức mạnh của cả nước và của toàn dân đánh giặc, cả ở tiền tuyến và hậu phương, phát huy cao độ các yếu tố tư tưởng, ý chí và vật chất, kỹ thuật, kết hợp tài năng tổ chức của bộ máy lãnh đạo, chỉ huy với sức chiến đấu và tính năng động của nhân dân và các lực lượng vũ trang. Đó là sức mạnh vô địch của cách mạng Việt Nam được tích luỹ qua gần nửa thế kỷ đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, kết tinh cả truyền thống chiến đấu và tài thao lược của tổ tiên ta”.

Với sức mạnh tổng hợp đó, sức mạnh kết tinh từ lẽ phải Việt Nam, chân lý Việt Nam, đồng chí Lê Duẩn khẳng định: “Mỹ yếu hơn ta một cách tuyệt đối về chính trị, về văn hoá, đồng thời cũng thua kém ta về khoa học và nghệ thuật quân sự” ( Hai mươi năm sau, khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc, chính Mc Namara, cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ đã phải thừa nhận trong cuốn sách “Nhìn lại quá khứ: Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam” của mình rằng, phía Mỹ đã sai lầm vì thiếu hiểu biết cơ bản về văn hoá và chính trị của nhân dân và lãnh đạo Việt Nam và rút lấy bài học: “Sức mạnh sâu thẳm nhất của một dân tộc không nằm ở mũi nhọn quân sự mà ở sự đoàn kết của dân tộc”. Luận điểm của Lê Duẩn về tạo ra lực lượng tổng hợp là một luận điểm riêng, đặc thù của Việt Nam.

*Mối quan hệ biện chứng giữa “lao động”, “tình thương” và “lẽ phải”
“Chỉ bằng lao động và thông qua lao động xây dựng chủ nghĩa xã hội mới từng bước xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người, làm nảy nở tình thương rộng lớn, một phẩm chất cao đẹp vốn có của con người Việt Nam.
Lao động tạo ra con người và tình thương, con người tạo ra văn hoá, văn hoá lại làm nảy nở tình thương, lô gíc đó cho thấy lao động đã nhân tình thương lên bội lần: “Văn hoá là biểu hiện sự gắn bó giữa người và người, làm cho con người hiểu kỹ con người, làm nảy nở những tình cảm tốt đẹp của con người trong lao động cải tạo thiên nhiên, cải tạo xã hội” . Có lao động, có tình thương, ắt có lẽ phải: “Con người mới yêu lao động, giàu tình thương là con người biết trọng lẽ phải, nhận thức được chân lý.
Tình cảm phải được lẽ phải, được chân lý dẫn dắt. Lòng nhiệt tình phải cộng với sự hiểu biết mới đưa lại hiệu quả cao trong hoạt động cách mạng, trong lao động sáng tạo. Nhưng chính “tình thương” tạo tiền đề để nắm bắt “lẽ phải”, và “lẽ phải” làm tăng lên sức mạnh của “tình thương”. Mối quan hệ tác động gắn kết đó giữa “tình thương” và “lẽ phải” được đồng chí Lê Duẩn nêu rõ: “Tình cảm giai cấp giúp chúng ta nắm lấy tri thức cách mạng, ngược lại tri thức cách mạng giúp chúng ta củng cố thêm tình cảm giai cấp”.

Một xã hội phát triển cả ba mặt “lao động” (tức là sức mạnh kinh tế), “tình thương” (tức là sức mạnh văn hoá) và “lẽ phải” (tức là sức mạnh con người) là một xã hội phát triển hài hoà, cân đối, toàn diện và bền vững, tạo nên sức mạnh tổng hợp như đồng chí Lê Duẩn chỉ rõ: “Sức mạnh kinh tế không thể tách rời sức mạnh văn hoá, sức mạnh con người, và sức mạnh của văn hoá, của con người phải được hiện thực hoá trong sức mạnh kinh tế”.
Đó là những bước tiến mới trong tư tưởng phát triển toàn diện và bền vững đất nước, tạo ra sức mạnh tổng hợp kinh tế-văn hoá-con người, sức mạnh của chân lý “Lao động, tình thương và lẽ phải” mà Tổng Bí thư Lê Duẩn hằng nêu. Chân lý đó bắt rễ rất sâu từ trong mạch nguồn truyền thống và văn hoá của dân tộc, là chân lý độc lập, tự chủ và sáng tạo, chân lý đó chính là minh triết Lê Duẩn, minh triết Việt Nam.

Tác giả bài viết: Vĩnh Định

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THÔNG TIN ĐIỀU HÀNH
  • Đang truy cập1
  • Máy chủ tìm kiếm0
  • Khách viếng thăm1
  • Hôm nay165
  • Tháng hiện tại165
  • Tổng lượt truy cập2.438.659