Chi tiết tin tức - Huyện Triệu Phong

 

Nét đẹp văn hóa truyền thống của một làng quê bên sông Ô Lâu

30/06/2022 1972 0

Nằm gối đầu bên dòng sông Ô Lâu, làng Phú Kinh, xã Hải Phong, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị có 360 hộ với trên 1.800 nhân khẩu đang sinh sống trên diện tích đất tự nhiên 245ha. Từ bao đời nay, người dân ở đây luôn đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau và cùng nhau chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Đình làng Phú Kinh

     Theo sử sách để lại, vào cuối thế kỳ 16 và đầu thế kỷ 17, trong làn sóng di cư của những người nông dân nghèo ở vùng Bắc Trung Bộ đã có một số Họ tộc vào đây khai hoang lập làng, dựng xóm. Trải qua hơn 400 năm với bao biến cố thăng trầm của lịch sử, các Họ tộc ở làng Phú Kinh luôn một lòng đoàn kết, yêu thương, đùm bọc, chở che nhau để chống giặc ngoại xâm và thiên nhiên khắc nghiệt. Tuy cuộc sống khó khăn nhưng người dân làng Phú Kinh luôn tạo dựng cho mình lối sống có nề nếp, thuần hậu. Tương truyền rằng: có 3 vị đầu tiên đến đây khai hoang lập làng, dựng xóm, trong đó có người đã tuyệt tự đường con cháu nhưng làng vẫn luôn ghi nhớ công ơn và lập miếu phụng thờ.

Hội đua thuyền truyền thống làng Phú Kinh


     Chính sự tri ân này, người dân làng Phú Kinh đã tạo được mối quan hệ mật thiết, bền chặt giữa các Họ tộc trong làng. Ngay trong xã hội phong kiến, trước sự áp bức của cường hào, lý dịch, các Họ tộc ở đây đã đoàn kết đấu tranh giành đất chia ruộng vĩnh nghiệp cho từng người dân. Trong đó đặc biệt quan tâm những người già yếu, tật nguyền, mẹ góa con côi. Khi nói về quá trình lập làng thì người dân ở đây cho biết: Do ở cuối nguồn sông Ô Lâu và nằm ở vùng rốn lũ cộng với chiến tranh qua các thời kỳ đã làm cho gia phả các Họ tộc bị mất và hư hỏng nên chỉ nghe kể lại rằng: Phú Kinh là vùng đất thuộc đầm phá cổ, nước ngập quanh năm và thường xuyên hứng chịu lũ bão nên địa phương chỉ còn lưu giữ duy nhất một Bản khoán ước được khắc bằng chữ Hán trên một tấm gỗ lim dài 2,4m, rộng 0,35m, dày 0,06m. Bản khoán ước do tập thể Hương lão, viên chức trong làng soạn thảo vào thượng tuần tháng 6 năm Giáp Ngọ, Niên hiệu Cảnh Hưng (1774). Nội dung của bản khoán ước có nhiều điều: quy định về cấp ruộng đất công nhằm mục đích khuyến nông và đảm bảo đời sống cho người dân trong làng. Quy định về trách nhiệm và nghĩa vụ của người dân trong làng đối với việc bảo vệ, xây dựng làng xóm, nghiêm cấm phá hoại đất đai và hệ sinh thái trong làng. Khoán ước khuyên mọi người sống lương thiện, kiệm cần dựa vào sức lao động của mình. Ai cũng phải yêu lao động và có một nghề căn bản để tự nuôi sống và góp phần làm giàu đẹp quê hưng xử sở. Khoán ước khuyến khích phát triển ngành nghề thủ công. Nghiên cấm rượu chè, cờ bạc, loạn luân, trộm cắp... Trong cuộc sống giữ gìn mối đoàn kết, thuận hòa, cưu mang những kẻ côi cút, tật nguyền và giúp nhau khi hoạn nạn. Đặc biệt, ai cũng phải chăm lo việc học: học chữ, học nghề, học lễ nghĩa...
     Theo anh Nguyễn Đăng Hưng, người dân làng Phú Kinh cho biết: Kế thừa nét đẹp văn hóa truyền thống của cha ông để lại, các Họ tộc ở đây từ bao đời nay hết sức quan tâm đến an ninh - trật tự xóm làng. Xác định “an cư mới lạc nghiệp” nên các Họ tộc xử lý nghiêm minh con cháu rượu chè bê tha, trộm cắp, xâu ẩu để đảm bảo cho người dân yên tâm sinh sống. Cùng với việc giữ cuộc sống bình yên cho người dân, các Họ tộc ở làng Phú Kinh còn khuyến khích các thành viên trong cộng đồng đẩy mạnh phát triển sản xuất, nhất là đầu tư thâm canh, tăng năng suất lúa, mở ngành nghề dịch vụ tạo việc làm, tăng thu nhập cho gia đình. Chính sự động viên, khuyến khích này, làng Phú Kinh đã đưa năng suất lúa lên trên 60 tạ/ha/vụ và mở cơ sở sản xuất, kinh doanh ngày càng nhiều. Khi đời sống phát triển, nhân dân làng Phú Kinh hết sức quan tâm đến việc học chữ, học nghề của con em nên số con em trong làng đậu vào các trường Đại học, Cao đẳng ngày càng nhiều và số con em đi làm nghề ở các tỉnh thành trên 450 lao động đem lại nguồn thu lớn cho nhiều gia đình... Ông Nguyễn Hồng, nguyên trưởng Ban Dân vận làng Phú Kinh, xã Hải Phong cho biết thêm: Khi nói đến Phú Kinh là phải nói đến tình làng xóm, Họ tộc gắn bó keo sơn từ bao đời nay. Nếu tính từ khi có bản khoán ước đến nay thì vừa tròn 248 năm và có lẽ do ở vào vị trí địa lý là vùng đầm phá cổ ở cuối dòng sông Ô Lâu thường xuyên gánh chịu hậu quả nặng nề của lũ bão nên các bậc tiền nhân đã truyền dạy con cháu phải có trách nhiệm, nghĩa vụ với Làng. Sống phải thương yêu, đoàn kết giúp đỡ nhau khi khó khăn, hoạn nạn. Chính những lời răn dạy này đã thấm vào máu con em làng Phú Kinh qua các thế hệ. Trong trận lũ lụt lịch sử năm 1999, bà con ở đây đã cứu nhau trong lũ dữ, nhất là, anh Phan Văn Ái đã bất chấp nguy hiểm cứu hàng chục người già, trẻ em đưa về gia đình của mình an toàn. Việc làm chấp nhận hy sinh vì dân của anh đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động Hạng Ba... Một nét riêng biệt trong kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa Làng Phú kinh đó là giải đua thuyền truyền thống hàng năm, đều dành riêng một giải cho con gái làng đi lấy chồng các nơi về tham gia ngày hội đua thuyền truyền thống của Làng nên thu hút người xem đông và tình làng xóm, quê hương luôn được thắt chặt...
     Phát huy kết quả đạt được, cán bộ và nhân dân làng Phú Kinh, xã Hải Phong đang tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng. Đặc biệt, những năm gần đây thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, các hộ dân ở đây đã xây dựng nhà cửa khang trang, đường thôn ngõ xóm được bê tông hóa, 100% hộ sử dụng nước sạch, 100% con em trong độ tuổi đến trường... tạo cho bộ mặt quê hương ngày càng thêm đẹp.

Tác giả bài viết: Võ Văn Hạ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THÔNG TIN ĐIỀU HÀNH
  • Đang truy cập3
  • Máy chủ tìm kiếm0
  • Khách viếng thăm3
  • Hôm nay2686
  • Tháng hiện tại2686
  • Tổng lượt truy cập2.468.906