Chi tiết tin tức - Huyện Triệu Phong

 

Chuyện về những người lính trên tuyến phòng thủ sông Mỹ Chánh năm 1972

30/06/2022 1916 0

Sau khi giải phóng thị xã Quảng Trị vào ngày 1/5/1972, các Sư đoàn 320, 304, 308... trong khí thế thần tốc chiến thắng như vũ bão đã đẩy toàn bộ quân địch ở quận lỵ Hải Lăng ra khỏi địa bàn và xây dựng ngay một tuyến phòng thủ ở 2 bên bờ sông Mỹ Chánh để ngăn chặn các đợt phản công tái chiếm của Mỹ Ngụy.

Tìm và thắp hương cho liệt sỹ ở núi Trường Phước

Anh Vũ Tài và anh Nguyễn Đường ở C5, d8, E66, F304 cho biết: Sau khi xây dựng trận địa ở phía Nam sông Mỹ Chánh, bọn địch tổ chức nhiều đợt tấn công vào đơn vị. Ngày 25/5/1972, đại đội đánh nhau với lính thủy quân lục chiến hy sinh 4 chiến sĩ. Khi trận đánh kết thúc được mấy tiếng đồng hồ thì tối 26/5/1972, bọn chúng tổ chức đánh chiếm địa bàn. Đơn vị C5, d8 chốt ở khu vực phía Nam cầu Mỹ Chánh gần sát đường Quốc lộ 1A nên bọn chúng bố trí lực lượng đông, hỏa lực mạnh và quyết chiếm bằng được vị trí này. Tình thế lúc đó hết sức căng thẳng, nhất là quân số ít và phía sau lưng là sông rộng nhưng với quyết tâm giữ vững trận địa đến cùng, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị triển khai ngay đội hình và chiến đấu với lính thủy quân lục chiến giành nhau từng tất đất. Trận đánh này, đơn vị hy sinh 7 người và bị thương 2 người nhưng vẫn giữ vững trận địa. Sau trận đánh mặc dù đẩy lui bọn chúng nhưng việc mai táng đồng đội gặp hết sức khó khăn, đó là bọn chúng thường xuyên tổ chức phục kích, tìm cách gài mìn, lựu đạn nơi anh em hy sinh để tiêu hao và uy hiếp tinh thần cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Xác định công tác cứu thương binh trước, chúng tôi tìm mọi cách vận chuyển đồng đội về trạm phẩu tiền phương và đến 2 ngày sau mới đưa anh em hy sinh đến sát bờ sông giao cho đơn vị vận tải chuyển qua sông trong đêm tối để mai táng nên không biết bây giờ đồng đội nằm ở đâu? Còn anh Nguyễn Đường cho biết thêm: Trận đánh này tôi bị thương nặng ở đầu và 2 mắt được chuyển về trạm phẩu tiền phương nhưng 2 hôm sau mới chuyển tiếp về tuyến sau điều trị vì do chiến sự quá ác liệt. Chuyến đi đó, tôi được cáng trên võng, cùng với số anh em trong đơn vị đã hy sinh. Khi đi được gần 2 km thì đồng đội dừng lại mai táng các liệt sĩ. Do đầu, mắt bị băng kín cộng với mai táng vào ban đêm nên cũng không biết được vị trí, địa danh mai táng để giúp gia đình tìm kiếm hài cốt đồng đội. Suốt mấy chục năm nay, tôi mong một lần trở lại chiến trường xưa thắp cho đồng đội nén hương, nhưng có lẽ ước mong này không thực hiện được vì vết thương làm liệt 2 chân, phải sống cùng với chiếc xe lăn nên chỉ biết cầu mong cho đồng đội được thanh thản ở cõi vĩnh hằng. Cùng với tâm trạng nhớ thương đồng đội và nhớ về những trận đánh ác liệt ở tuyến phòng thủ sông Mỹ Chánh, anh Hoàng Quang Hình ở Quỳnh Lưu, Nghệ An và anh Nguyễn Thuận ở Triệu Sơn, Thanh Hóa khi trở lại điểm cao 156 cho biết thêm: Cuối tháng 5 đến đầu tháng 6 năm 1972, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320 được giao nhiệm vụ chốt giữ từ chân điểm cao 102 đến điểm cao 156 và khu vực núi Cây Lợi. Đơn vị C1, D1, E48 được phân công giữ các chốt tiền phương bảo vệ cho điểm cao 156. Đây là điểm cao quan trọng, quan sát căn cứ Đông Lâm và các vị trị đóng quân của địch ở Yên Bầu, điểm cao 61 và khu vực núi Cây Lợi nên bọn địch thường xuyên bắn pháo, thả bom cho quân tấn công đánh chiếm các chốt tiền phương và điểm cao 156. Sau một tuần đánh nhau căng thẳng và ác liệt đã làm cho quân số hai bên thương vong nhiều nhưng Tiểu đoàn 1 vẫn giữ vững trận địa. Riêng đơn vị của tôi chỉ còn 10 tay súng, lương thực, thực phẩm cạn và bám chốt dài ngày nên được cấp trên cho chuyển về tuyến sau, chuẩn bị cho trận đánh mới. Khi đội hình xuống chân điểm cao được vài trăm mét, thấy anh em đói và kiệt sức vì qua một ngày đêm chiến đấu chưa ăn uống gì nên đơn vị dừng chân dốc 3 loong gạo ẩm mốc nấu cháo ăn. Lúc này, 2 chiến sĩ trẻ Mai Thanh Hải và Đỗ Quang Vinh tình nguyện xuống khe đãi gạo và nấu cháo. Khi 2 chiến sĩ xuống đến khe suối chừng vài phút thì nhiều loạt đạn nổ vang. Biết đồng đội gặp bọn thám báo phục kích, 8 chiến sĩ bật dậy triển khai đội hình chiến đấu trả thù cho đồng đội. Sau khi tiêu diệt được một số tên và số còn lại bỏ chạy, 8 anh em đưa 2 chiến sĩ đến một nơi an toàn để mai táng. Lúc đào huyệt xong và đặt 2 đồng đội xuống mai táng thì bọn địch bắn pháo, đổ quân ngay trước mặt. Dù tình thế bất ngờ, căng thẳng nhưng đơn vị quyết định vừa đánh, vừa rút lui và không để bọn địch bao vây, bắn chết hoặc bắt sống. Trở về hậu cứ an toàn nhưng nỗi đau lớn nhất của những người đang sống là chưa mai táng được đồng đội của mình. Chính sự đau đớn, day dứt kéo dài đã thôi thúc anh Hoàng Quang Hình và anh Nguyễn Thuận nhiều lần trở lại điểm cao 156 để tìm đồng đội của mình. Bây giờ liệt sĩ Mai Thanh Hải và Đỗ Quang Vinh đã trở về quê nhà trong niềm vui lớn của gia đình và đồng đội. Kể về trận đánh diễn ra vào ngày 02/6/1972 cho gia đình liệt sĩ Nguyễn Hiền Yên, anh Bùi Trần Tuấn ở Đại đội 8, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 88, Sư đoàn 308 đã ghi rõ trong bút tích: Trung đoàn 88 được bố trí phòng thủ ở khu vực núi Hồ Lầy đến điểm cao 35-52 để chặn các đợt phản công của bọn địch từ Quốc lộ 1A lên. Tại dãy điểm cao 35, đơn vị được bố trí một trung đội cối 82, một trung đội DKZ và một trung đội đại liên 12 ly 7. Từ ngày 19/5 đến ngày 01/6/1972, các đơn vị ở đây đã đánh nhau suốt 12 ngày với thủy quân lục chiến và Sư đoàn 3 Việt Nam cộng hòa. Sáng ngày 2/6, bọn chúng dùng máy bay trinh sát, máy bay trực thăng và gọi pháo bắn vào trận địa làm 2 trung đội bị thương vong nặng. Đến 15h, khẩu đội khối 82 của A1 và A2, Đại đội 8 nhận lệnh bắn vào điểm cao 52 và khu vực đóng quân của bọn địch ở đường Quốc lộ 1A thì pháo 175li từ căn cứ Đông Lâm bắn dồn dập vào khu vực đơn vị đang chiến đấu làm anh em không ngóc đầu lên khỏi công sự. Dứt loạt pháo, tôi đứng dậy quan sát thấy quả đồi bị xới tung và bao phủ một màu khói đen xám xịt. Khẩu cốt 82 của tiểu đội bị hư hỏng và nhìn sang khẩu đội A2 cách đó 20m mà quặn lòng. Trước mắt tôi là 4 chiến sĩ hy sinh tại chỗ và đại đội trưởng Nguyễn Hiền Yên bị thương rất nặng. Ngay lập tức cùng với mấy anh em lao tới băng bó và vận chuyển anh Yên về trạm phẩu tiểu đoàn. Trên đường đi do vết thương quá nặng anh đã hy sinh nên phải mai táng dọc đường. Còn anh Trần Khuynh, đại đội trưởng đại đội 6, tiểu đoàn 198, trung đoàn 202 tăng thiết giáp dù đang bị bệnh tai biến mạch máu não không thể đi cùng gia đình liệt sĩ vào chiến trường xưa tìm đồng đội nhưng nghe qua điện thoại biết ngay ký ức người chỉ huy này không bao giờ quên những trận đánh ở phòng tuyến sông Mỹ Chánh, anh kể: Khi được lệnh hành quân vượt ngầm Thác Ma ở thượng nguồn sông Mỹ Chánh vào phối hợp với các đơn vị chủ lực đánh chiếm điểm cao 52, đại đội 6 đã ém quân và phương tiện ở chân núi Đá Bạc. Sau khi ém quân và ngụy trang xong thì sáng 22/6/1972, máy bay trinh sát địch phát hiện ra mục tiêu bắn pháo và dột bom vào đội hình. Do trú quân ở gần điểm cao 52 nên cấp trên quyết định cho xuất kích. Lúc này, đơn vị còn 4 xe tăng không bị hư hỏng xông ra trận địa đánh chiếm điểm cao 52, chiếc xe 918 do tôi chỉ huy dẫn đầu khi cách điểm cao 52 vài trăm mét thì bị mắc lầy và xe 915, 966 vượt lên bắn vào căn cứ bọn địch. Trong lúc chờ đợi xe đến cứu kéo, tôi nhận được điện thoại của trưởng xe 915 gọi khẩn cấp với nội dung: Do cây cối khuất lấp, xe 915 bị rơi xuống hố làm nòng pháo cắm vào đất, bọn địch đang tràn lên phía trước và 2 chiến sĩ xung phong ra khỏi xe chiến đấu, đề nghị xe 918 bắn thẳng vào xe 915. Nhận điện cứu viện của đồng đội, tôi ra lệnh cho pháo thủ nhả đạn nhưng phía trước là quả đồi thấp che khuất tầm nhìn nên không cứu được anh em. Đây là nỗi đau đeo bám tôi suốt mấy chục năm nay, nhất là chưa có dịp trở lại chiến trường xưa tìm và thắp hương cho đồng đội... Tròn nửa thế kỷ trôi qua, cảnh chiến trường đổ nát trên tuyến phòng thủ sông Mỹ Chánh chỉ có đạn bom, dây kẽm gai, xe pháo cháy và những quả đồi bị thiêu nham nhở thì nay được thay vào đó bằng những rừng cây lâm nghiệp xanh tốt trải dài đem lại ấm no cho bao gia đình ở vùng quê này.

Tìm liệt sỹ ở điểm cao 367


     Bài viết trên đây chỉ là vài ba câu chuyện trong hàng trăm câu chuyện chiến đấu ngoan cường của những người lính bảo vệ tuyến phòng thủ Mỹ Chánh năm 1972 chưa được mấy người biết đến. Khi viết những dòng này có người đã yên nghỉ ở cõi vĩnh hằng nhưng chiến công và xương máu của họ sẽ không bao giờ quên trong lòng người dân quê tôi. Đặc biệt, hình ảnh những người lính trên tuyến phòng thủ sông Mỹ Chánh luôn được các thế hệ mai sau xem như bức tượng đài vĩnh cửu ngàn năm soi bóng trên dòng sông quê hương thân yêu./.

Tác giả bài viết: Võ Văn Hạ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THÔNG TIN ĐIỀU HÀNH
  • Đang truy cập3
  • Máy chủ tìm kiếm0
  • Khách viếng thăm3
  • Hôm nay2896
  • Tháng hiện tại2896
  • Tổng lượt truy cập2.469.116